Quyền tự do ngôn luận - Một số vấn đề cần quan tâm về hành vi vi phạm an ninh mạng trong thời gian dịch bệnh Covid - 19

Nguyễn Thị Mai Trang (Khoa Luật - Trường Đại học Vinh)

TÓM TẮT:

Quyền tự do ngôn luận, quyền con người luôn được bảo đảm một cách hiệu quả thông qua hệ thống pháp luật Việt Nam. Hiện nay, trong thời gian dịch bệnh Covid - 19, con người được thực hiện quyền tự do ngôn luận nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Và trong quá trình thông tin trên mạng xã hội, có những cá nhân đã thực hiện các hành vi vi phạm an ninh mạng và buộc phải xử lý kịp thời nhằm phòng ngừa dịch bệnh Covid - 19. Bài viết đặt vấn đề về quyền tự do ngôn luận và một số vấn đề cần quan tâm về hành vi vi phạm an ninh mạng trong thời gian dịch bệnh Covid - 19.

Từ khóa: Quyền tự do ngôn luận, an ninh mạng, dịch bệnh Covid - 19.

1. Quyền con người - quyền tự do ngôn luận

Quyền con người hình thành cùng với sự xuất hiện của những nền văn minh cổ đại, xuất phát từ các quyền thiêng liêng, tự nhiên, vốn có của con người, không do chủ thể nào ban phát. Quyền con người được áp dụng một cách bình đẳng với tất cả mọi người thuộc mọi dân tộc đang sinh sống trên phạm vi toàn cầu, không phụ thuộc vào biên giới quốc gia, tư cách cá nhân hay môi trường sống của chủ thể quyền. Quyền con người được diễn đạt dưới nhiều góc độ khác nhau, tùy thuộc vào bối cảnh xã hội, văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo; mục tiêu và định hướng của mỗi thể chế chính trị, mỗi kiểu nhà nước, quan điểm của từng giai cấp cầm quyền, hoàn cảnh và nhu cầu của mỗi cá nhân và của từng ngành khoa học.[i]

Nội dung Điều 14 Hiến pháp 2013 quy định các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật và chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.[ii]

Trong các quyền con người, tự do ngôn luận được công nhận là quyền con người theo Điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền (UDHR) và được công nhận trong Luật Nhân quyền quốc tế tại Công ước quốc tế và các Quyền dân sự và chính trị (ICCPR). Theo đó, quyền và nghĩa vụ của người được hưởng thụ quyền tự do ngôn luận, báo chí đã được quy định rõ, người dân có quyền tự do ngôn luận, quyền được sử dụng các phương tiện báo chí, thông tin, mạng internet, các trang mạng xã hội không trái với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, người sử dụng quyền này có nghĩa vụ phải tuân thủ quy định của pháp luật và chấp nhận những hạn chế quyền. Việc thực hiện những quyền này phải kèm theo nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt và việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, nhằm tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội.[iii]

Để tương thích với pháp luật quốc tế, nâng cao quyền con người, Hiến pháp 2013 tiếp tục ghi nhận về tự do ngôn luận tại Điều 25 “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Ngoài ra, các văn bản Luật và dưới Luật đã cụ thể hóa quyền này như Luật Báo chí 2016, Luật Tiếp cận thông tin 2016, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.

2. Xử lý vi phạm đối với hành vi vi phạm an ninh mạng

Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang là vấn đề nóng mà toàn xã hội đang quan tâm. Trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp xuất hiện tình trạng nhiều thông tin giả, thông tin chưa được kiểm chứng về dịch bệnh tràn lan trên mạng xã hội. Những đối tượng thực hiện hành vi này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi phát tán thông tin của mình.

Điều 8 Luật An ninh mạng quy định 6 dạng hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng, một trong những hành vi nghiêm cấm đó có hành vi sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật an ninh mạng thì theo quy định tại Điều 9 Luật này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Như vậy, các hình thức xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng bao gồm các hình thức sau:

  • Xử lý kỷ luật.
  • Xử lý vi phạm hành chính.
  • Truy cứu trách nhiệm hình sự.

Với hình thức xử phạt hành chính, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2020 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp này là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật, thông tin gây nhầm lẫn hoặc vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi trên.

Những hành vi vi phạm an ninh mạng có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội đáng kể có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm được quy định cụ thể tại Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS 2015). Để thống nhất về việc áp dụng pháp luật xử lý các hành vi có dấu hiệu tội phạm xảy ra trong thực tiễn cấp thiết phòng ngừa dịch bệnh, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30 tháng 3 năm 2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid - 19.

Công văn này được ban hành với mục đích hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh. Trong Công văn này chỉ hướng dẫn xác định tội danh theo quy định của Bộ luật Hình sự chứ không phải quy định tội phạm mới, vì vậy nội dung Công văn này hoàn toàn phù hợp với pháp luật. Vì theo quy định tại Điều 2 của BLHS 2015, chỉ người nào hoặc pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được BLHS quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự.[iv] Theo quy định này, nguồn quy định tội phạm của Luật Hình sự Việt Nam là nguồn đóng, chỉ có BLHS mới được quy định về tội phạm và hình phạt áp dụng cụ thể cho các tội phạm đó.

Theo đó ở Mục 1.6 của Công văn chỉ rõ: “Người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid - 19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288”.

Hành vi khách quan của tội phạm này theo quy định tại khoản 1, Điều 288 BLHS bao gồm ba dạng hành vi sau:

- Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật;

- Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;

- Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.

Như vậy, hành vi được hướng dẫn xét xử theo Điều 288 trong Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30 tháng 3 năm 2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 “đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid - 19, gây dư luận xấu” là dạng hành vi thứ nhất được quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 288 BLHS.

Có thể thấy, quy định hành vi của điều luật này không cụ thể, hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin “trái với quy định của pháp luật” nhưng không cụ thể những hành vi trái với quy định của pháp luật là những hành vi nào, hoặc có những đặc điểm gì để khẳng định là trái pháp luật. Do đó, đối với hành vi phát sinh trong tình hình dịch bệnh, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã phải ra Công văn hướng dẫn về xét xử một số hành vi phạm tội, trong đó có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid - 19 để thống nhất hoạt động áp dụng pháp luật xử lý hành vi vi phạm này, đảm bảo tính kịp thời trong việc phòng ngừa dịch bệnh trong thời gian dịch bệnh mang tính cấp thiết.

Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị 1966 đã quy định như phân tích ở trên, mọi người có quyền tự do ngôn luận, nhưng việc thực hiện những quyền này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và cần thiết để tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác, bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội. Quyền tự do ngôn luận là một trong những quyền con người được ghi nhận cụ thể trong Hiến pháp 2013. Tuy nhiên, tự do ngôn luận trong một xã hội dân chủ, nhà nước pháp quyền thì tự do ngôn luận phải nằm trong khuôn khổ pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội. Như vậy, việc xử lý hành vi đưa các thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19 theo quy định của BLHS là hoạt động hoàn toàn hợp lý, vừa đảm bảo quyền tự do ngôn luận, nhưng ngôn luận tự do trong khuôn khổ pháp luật cho phép, vừa đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp khác của Nhà nước, của các cá nhân, tổ chức trong xã hội, vừa đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Tuy nhiên, khi quy định tại Điều 288 BLHS không cụ thể, rõ ràng, điều này cũng một phần gây ra sự khó khăn, không thống nhất trong quá trình áp dụng pháp luật vào hoạt động thực thi pháp luật hoặc hoạt động xét xử trên thực tiễn. Từ đó, khi thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình, người dân đã không có nền tảng pháp lý vững chắc để căn cứ vào đó nhằm điều chỉnh đúng đắn về hành vi của mình theo quy định của pháp luật. Để đảm bảo cho quyền con người được thực hiện tốt hơn, đặc biệt là cần vạch rõ giới hạn hạn chế trong khi thực hiện các quy định về quyền tự do ngôn luận của con người, cần phải có quy định cụ thể về các hành vi được quy định là hành vi khách quan trong khoản 1, điều 288 BLHS trong văn bản quy phạm pháp luật chính thức.

Giải pháp được đặt ra đối với việc giải quyết vướng mắc trong quá trình áp dụng các quy định về hành vi khách quan quy định tại khoản 1, điều 288 BLHS đó là ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng quy định tại điều luật này. Trong văn bản hướng dẫn sẽ cụ thể hóa các hành vi vi phạm thuộc ba dạng hành vi đã được quy định, hoặc mô tả đặc điểm “trái pháp luật” của hành vi “đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật”, hoặc hành vi này có phải dẫn chiếu đến các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Luật an ninh mạng 2018 hay không.

Như vậy, hệ thống pháp luật của Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện để thực tế hóa các quy định của Hiến pháp 2013, văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất, các văn bản Luật và văn bản dưới Luật phải quy định phù hợp với Hiến pháp. Quyền con người sau khi được tôn trọng và ghi nhận chính thức tại Hiến pháp 2013, thì việc đảm bảo thực thi quyền con người trên thực tiễn bằng nhiều cách khác nhau luôn được Nhà nước ta thực hiện khá hiệu quả. 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

[i] Nguyễn Duy Quốc (2014). Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân. <http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=208141#:~:text=Hi%E1%BA%BFn%20ph%C3%A1p%20n%C4%83m%202013%20v%E1%BB%81%20quy%E1%BB%81n%20con%20ng%C6%B0%E1%BB%9Di,c%C6%A1%20b%E1%BA%A3n%20c%E1%BB%A7a%20c%C3%B4ng%20d%C3%A2n&text=N%C3%B3i%20c%C3%A1ch%20kh%C3%A1c%2C%20quy%E1%BB%81n%20con,s%E1%BB%91ng%20c%E1%BB%A7a%20ch%E1%BB%A7%20th%E1%BB%83%20quy%E1%BB%81n.>

[ii] Quốc hội (2013). Hiến pháp 2013.

[iii] Cao Đức Thái (2018). Quyền tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin với nghĩa vụ công dân. <http://tuyengiao.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/quyen-tu-do-ngon-luan-bao-chi-tiep-can-thong-tin-voi-nghia-vu-cong-dan-112795>

[iv] Quốc hội (2017). Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

THE FREEDOM OF EXPRESSION AND SOME CYBER SECURITY BREACHES RELATED TO THE COVID-19 PANDEMIC

Nguyen Thi Mai Trang

Faculty of Law, Vinh University

ABSTRACT:

Vietnam’s legal system always ensure and protect the human right to freedom of expression and other human rights. During the Covid-19 pandemic, people are allowed to exercise their right to freedom of expression but their expressions must comply with laws. On social networks, some individuals have committed cyber security breaches and they have been charged in order to prevent the spread of  fake Covid-19 news. This article analyzes some issues of the freedom of expression and some cyber security breaches related to the Covid-19 pandemic.

Keywords: Freedom of speech, network security, Covid-19 pandemic.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14, tháng 6 năm 2020]