Sáng 10/9/2019, tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp cùng Amazon Global Selling và Tập đoàn T&T Group chính thức phát động Cuộc thi “Tài năng thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam 2019”.
Cuộc thi được tổ chức với mong muốn nâng cao nhận thức xã hội về Thương mại điện tử xuyên biên giới, tạo ra sân chơi thiết thực dành cho sinh viên khối ngành kinh tế, thương mại điện tử và các ngành liên quan, nâng cao chất lượng nhân lực ngành.
Đây là năm thứ 3 Cuộc thi được tổ chức nhưng là lần đầu tiên được tổ chức trên quy mô toàn quốc đem đến một sân chơi thiết thực và chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm kinh doanh toàn cầu thực tế dành cho sinh viên.
Tham gia cuộc thi, các bạn sinh viên sẽ được thể hiện các ý tưởng, kế hoạch kinh doanh liên quan tới sản phẩm, dịch vụ có thể triển khai với mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới.
Ngoài ra, sinh viên cũng sẽ có cơ hội tham gia vào khóa đào tạo thương mại điện tử, xây dựng kế hoạch kinh doanh và xây dựng thương hiệu toàn cầu.
Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, ở Việt Nam, các hoạt động thương mại điện tử ngày càng phát triển phong phú đặc biệt là hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, thu hút sự tham gia của nhiều thành phần trong xã hội, trong đó phải kể đến vai trò quan trọng của giới trẻ.
Là đơn vị quản lý nhà nước về thương mại điện tử, bà Lại Việt Anh nhận định, thương mại điện tử xuyên biên giới là hướng đi của thời đại mới. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ là công cụ hiệu quả giúp cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ Việt Nam tham gia vào quá trình toàn cầu hóa, không cần sự hiện diện vật lý hay thương mại ở thị trường đó mà vẫn có thể bán sản phẩm ra toàn thế giới.
“Cuộc thi là một nỗ lực chung nhằm tăng cường nhận thức xã hội về thương mại điện tử xuyên biên giới cũng như nâng cao chất lượng nhân lực ngành, hướng đến cơ hội mở rộng phát triển kinh doanh và xuất khẩu trên toàn cầu.
Đây cũng là dịp để sinh viên có cơ hội quảng bá các sản phẩm đặc trưng của quê hương mình với thị trường ngoài nước, từng bước đưa thương hiệu Việt gần hơn với thế giới”, bà Lại Việt Anh nhấn mạnh.
Ông Bernard Tay, Tổng Giám đốc Global Selling Đông Nam Á, Amazon chia sẻ, bên cạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, Amazon Global Selling mong muốn hướng tới nâng cao chất lượng doanh nghiệp, đặc biệt là lớp trẻ tiềm năng.
Thông qua cuộc thi, chúng tôi không chỉ xây dựng nền tảng thương mại điện tử vững chắc cho sinh viên mà còn mong muốn là cầu nối giữa các doanh nghiệp thành công trên Amazon và nguồn nhân lực trẻ hiện nay, Tổng Giám đốc Global Selling Đông Nam Á, Amazon kỳ vọng.
10 nhóm tham gia có đề án kinh doanh xuất sắc nhất sẽ được lựa chọn và nhận được sự hỗ trợ trực tiếp từ iDEA, Amazon Global Selling, T&T Group, Công ty Payoneer, Công ty CP Hợp Nhất Quốc tế cùng các doanh nghiệp hỗ trợ sản phẩm và dịch vụ.
Các nhóm này sẽ được tập huấn, đào tạo kỹ năng bán hàng, cung cấp các kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về thương mại điện tử, kinh nghiệm làm kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giời, nhận tư vấn góp ý trực tiếp 1:1, phát triển kế hoạch kinh doanh và xây dựng thương hiệu toàn cầu.
Thương mại điện tử Việt Nam đang thể hiện sức phát triển vượt bậc khi lọt tốp 6 thị trường có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới với tổng doanh thu đạt 8 tỷ USD trong năm 2018.
Mặc dù vậy, việc tận dụng lợi ích từ thương mại điện tử xuyên biên giới của các doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là việc thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng và chuyên môn về kinh doanh trực tuyến, logistics và thanh toán quốc tế.
“Giải bài toán về nguồn nhân lực, Cuộc thi là những bước đi đầu tiên trong kế hoạch đổi mới phương thức tiếp cận và đào tạo thế hệ trẻ thực tế hơn. Chúng tôi sẽ cần sự phối hợp sâu rộng hơn nữa của cộng đồng doanh nghiệp, nhằm tạo ra ảnh hưởng đáng kể đối với hoạt động thương mại điện tử nói riêng và ngành xuất khẩu nói chung tại Việt Nam", ông Nguyễn Kỳ Minh, Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (iDEA), Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chia sẻ.
Thông tin thêm về thể lệ cuộc thi, ông Nguyễn Kỳ Minh cho biết, Cuộc thi sẽ tổ chức thường niên, trong tên gọi sẽ kèm theo số năm của năm đó. Năm 2019, vòng sơ tuyển của cuộc thi bắt đầu từ 10/9/2019 đến 10/10/2019, vòng chung kết dự kiến diễn ra vào ngày 10/01/2019.
Cuộc thi hướng đến đối tượng là các sinh viên đang theo học các hệ đào tạo trong trường đại học của Việt Nam, dự thi theo nhóm (tối thiểu 2 người, tối đa 4 người). Một trường có thể có nhiều nhóm tham gia.
Nhóm sinh viên dự thi sẽ thể hiện các ý tưởng, kế hoạch kinh doanh liên quan tới sản phẩm, dịch vụ có thể triển khai với mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới (với giải pháp Amazon - FBA).
Năm 2019, cuộc thi hướng đến chủ đề: "Chắp cánh cho hàng Việt bay ra thị trường thế giới". Thông tin chi tiết về cuộc thi, xin mời truy cập http://cbe.ecomviet.vn/.
Theo thống kê, năm 2018 doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam đạt khoảng 8 tỉ USD, với kết quả đó Việt Nam vươn lên top 6 trong 10 thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới, dự báo 2020 có thể lên mức 15 tỉ USD.
Thương mại điện tử xuyên biên giới được dự báo sẽ là công cụ hiệu quả giúp cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ Việt Nam tham gia vào quá trình toàn cầu hóa, không cần sự hiện diện vật lý hay thương mại ở thị trường đó mà vẫn có thể bán sản phẩm ra toàn thế giới.