Tầm quan trọng của thương mại điện tử đối với doanh nghiệp

ThS. LÊ HẢI LINH (Khoa Vận tải Kinh tế - Trường Đại học Giao thông vận tải)

TÓM TẮT:

Thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, là một phần không thể thiếu trong hoạt động của doanh nghiệp trên toàn thế giới. Quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam với xuất phát điểm khá khiêm tốn, khoảng 4 tỷ USD vào năm 2015, nhưng tăng trưởng khá nhanh và ổn định trong những năm 2016, 2017, 2018, nếu tiếp tục giữ mức tăng trưởng 30%/năm thì thị trường ước tính đạt 13 tỷ USD vào năm 2020. Với tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định như vậy, kết hợp với xu hướng chuyển dịch thói quen mua sắm của người tiêu dùng, có thể khẳng định thương mại điện tử sẽ ngày càng chiếm lĩnh những vị thế quan trọng hơn đối với các doanh nghiệp. Bài viết khái quát những lợi ích của doanh nghiệp khi tham gia thị trường thương mại điện tử và những xu hướng nổi bật của các doanh nghiệp khi phát triển mô hình thương mại điện tử hiện nay.

Từ khóa: Thương mại điện tử, doanh nghiệp, e-Commercer, EBI.

1. Đặt vấn đề

Từ khi internet ra đời thế giới không thể phủ nhận tầm quan trọng của nó đối với mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Có thể nói rằng ngày nay trên thế giới thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, nó là một phần không thể thiếu trong hoạt động của doanh nghiệp.

Đối với Việt Nam song song với sự phát triển vững chắc của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng GDP trên 7%, năm 2018 tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử. Dựa trên thông tin từ cuộc khảo sát, VECOM ước tính tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử năm 2018 so với năm 2017 đạt trên 30%.

Về quy mô, với điểm xuất phát thấp khoảng 4 tỷ USD vào năm 2015 nhưng nhờ tốc độ tăng trưởng trung bình trong 3 năm liên tiếp cao nên quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2018 lên tới khoảng 7,8 tỷ USD. Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30% thì tới năm 2020 quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD. Quy mô này sẽ cao hơn mục tiêu nêu trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020, theo mục tiêu này thì quy mô thương mại điện tử bán lẻ (B2C) đạt 10 tỷ USD vào năm 2020.

Theo Báo cáo e-Conomy SEA 2018 của Google và Temasek, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 là 9 tỷ USD. Báo cáo cũng dự báo tốc độ tăng trưởng trung bình năm (Compound Average Growth Rate - CAGR) của giai đoạn 2015 - 2018 là 25% và thị trường đạt 33 tỷ USD vào năm 2025. Nếu kịch bản này xảy ra, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2025 đứng thứ 3 ở Đông Nam Á, sau Indonesia (100 tỷ USD) và Thái Lan (43 tỷ USD).

Với tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định như vậy, kết hợp với xu hướng chuyển dịch thói quen mua sắm của người tiêu dùng có thể khẳng định thương mại điện tử sẽ ngày càng chiếm lĩnh những vị thế quan trọng hơn đối với các doanh nghiệp.

2. Những lợi ích đối với doanh nghiệp khi tham gia thị trường thương mại điện tử

Trước những lợi ích to lớn và độ phổ biến của thương mại điện tử, hiện nay thương mại điện tử đã trở thành công cụ quan trọng đối với mọi doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh của mình. Lợi ích mà thương mại điện tử mang lại cho doanh nghiệp có thể kể đến là:

- Quảng bá thông tin và tiếp thị cho thị trường toàn cầu với chi phí thấp: với khả năng kết nối internet hiện nay, bạn có thể dễ dàng đưa thông tin quảng cáo đến hàng triệu người từ khắp mọi nơi trên thế giới. Tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng tài chính chi trả cho việc quảng bá mà doanh nghiệp cần có kế hoạch quảng cáo cho phù hợp.

- Dịch vụ tốt hơn cho khách hàng: Với thương mại điện tử, bạn có thể cung cấp catalogue, thông tin, bảng báo giá chi tiết cho khách hàng một cách nhanh chóng và thuận tiện, và việc mua hàng trên mạng đã trở nên dễ dàng phổ biến rất nhiều… Trong thời đại ngày nay, cuộc sống số hóa đã đẩy nhịp sống tăng cao, khách hàng ngày càng đòi hỏi mọi thứ phải nhanh hơn từ thông tin sản phẩm, việc mua hàng, thanh toán và các chính sách hậu bán hàng,...

- Tăng doanh thu: Với thương mại điện tử, đối tượng khách hàng của bạn giờ đã không còn giới hạn về khoảng cách địa lý hay thời gian làm việc. Do đó, mỗi doanh nghiệp tiếp cận được số lượng khách hàng lớn, đẩy cao doanh thu lợi nhuận của mình.

- Giảm chi phí: Với thương mại điện tử sẽ không tốn kém quá nhiều cho việc thuê cửa hàng, mặt bằng, nhân viên phục vụ,… Đặc biệt với những doanh nghiệp xuất khẩu, các chi phí phát sinh do khoảng cách có thể giảm thiểu đi đáng kể.

- Lợi thế cạnh tranh: Trong bối cảnh đa số mọi doanh nghiệp hiện nay đều tham gia thương mại điện tử thì doanh nghiệp nào có những ý tưởng sáng tạo, chiến lược tiếp thị tốt sẽ là lợi thế để cạnh tranh. Bởi thương mại điện tử là một sân chơi cho sự sáng tạo, sự đột phá cho tất cả mọi doanh nghiệp.

Tóm lại, thị trường thương mại điện tử thực sự là một cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp đừng nghĩ rằng hãy còn quá sớm để nói đến thương mại điện tử. Những người chiến thắng thường là những người đi tiên phong, hơn nữa, các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu quan tâm nhiều đến thương mại điện tử, do đó, để dành lấy ưu thế, doanh nghiệp của bạn không thể thủng thỉnh đi dạo và quan sát người khác hành động, mà doanh nghiệp của bạn phải nhanh tay hành động ngay.

3. Thương mại điện tử - Những điều cần lưu ý với doanh nghiệp

- Không có khuôn mẫu cho mô hình thương mại điện tử: Không có cách tốt nhất để áp dụng thương mại điện tử cho tất cả các doanh nghiệp. Bạn phải dựa trên đặc tính của doanh nghiệp, sản phẩm và dịch vụ của mình để tạo ra một mô hình thương mại điện tử phù hợp cho riêng mình. Và cần nhớ một điều quan trọng là: chìa khóa thành công trong thương mại điện tử của bạn nằm ở cụm từ “tạo nét đặc trưng cho riêng mình”.

- Cạnh tranh khốc liệt: Chi phí để triển khai thương mại điện tử là rất thấp nên hầu như ai cũng có thể áp dụng thương mại điện tử, dẫn đến cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực này. Vì thế, để thành công, bạn phải biết cách đầu tư: quan tâm đến marketing qua mạng, tiện ích và chất lượng phục vụ khách hàng, tạo nét đặc trưng cho riêng mình. Làm tốt 3 yếu tố này, bạn sẽ thành công.

- Tốc độ đổi mới nhanh: CNTT là một lĩnh vực mà sự lạc hậu công nghệ diễn ra rất nhanh. thương mại điện tử là một loại hình kinh doanh dựa trên sự phát triển của CNTT, do đó, tốc độ đổi mới cũng diễn ra rất nhanh, đòi hỏi DN tham gia thương mại điện tử phải luôn luôn đổi mới: đổi mới công nghệ, đổi mới phương thức kinh doanh, đổi mới tư duy, đổi mới cung cách quản lý... Nếu bạn chậm chạp trong việc đổi mới này, bạn phải xem lại khả năng thành công của mình khi áp dụng thương mại điện tử.

4. Sự phát triển của thương mại điện tử

Số liệu thống kê khảo sát hơn 4.300 doanh nghiệp của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 cho thấy: 44% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đã xây dựng website, tỷ lệ này chỉ nhỉnh lên 1% so với năm 2017 và không thay đổi nhiều trong vài năm trở lại đây. (Biểu đồ 1).

Biểu đồ 1: Tỷ lệ doanh nghiệp xây dựng website

Biểu đồ 1: Tỷ lệ doanh nghiệp xây dựng website

Tuy nhiên đa số doanh nghiệp đã chú trọng nhiều hơn tới việc chăm sóc website của mình: 47% doanh nghiệp cho biết thường xuyên cập nhật thông tin hàng ngày và 23% cho biết có tần xuất cập nhật thông tin hàng tuần. (Biểu đồ 2).

Biểu đồ 2: Tần suất chăm sóc website của doanh nghiệp

Biểu đồ 2: Tần suất chăm sóc website của doanh nghiệp

Mạng xã hội và các công cụ tìm kiếm vẫn là hai nền tảng được doanh nghiệp đánh giá là đem lại hiệu quả cao trong hoạt động quảng bá trực tuyến với tỷ lệ tương ứng là 52% và 40%, hai công cụ còn lại là báo điện tử và tin nhắn/ứng dụng di động đều có 22% doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá hiệu quả đem lại ở mức cao. (Biểu đồ 3).

Biểu đồ 3: Đánh giá hiệu quả các kênh quảng bá trực tuyến của doanh nghiệp

Biểu đồ 3: Đánh giá hiệu quả các kênh quảng bá trực tuyến của doanh nghiệp

Trong tổng số doanh nghiệp tham gia khảo sát, có 45% doanh nghiệp đánh giá cao hiệu quả của việc bán hàng thông qua mạng xã hội (tăng nhiều so với tỷ lệ 39% năm 2017), tiếp theo đó là 32% doanh nghiệp đánh giá cao kênh bán hàng thông qua website doanh nghiệp (giảm một chút so với tỷ lệ 35% năm 2017), hai kênh ứng dụng di động và sàn giao dịch thương mại điện tử hầu như không có sự thay đổi nhiều so với năm trước.

Nhiều doanh nghiệp đang chạy đua để tạo ra lợi thế cạnh tranh cao nhất, trong khi đó, các công ty khác lại chỉ đơn giản là cố gắng để bắt kịp các đối thủ cạnh tranh bằng những chiến lược thương mại điện tử mới. Vậy thương mại điện tử sẽ đi về đâu? Thương mại điện tử sẽ phát triển như thế nào? Tương lai của thương mại điện tử sẽ ra sao?

Có thể chỉ ra 5 xu hướng chính của thương mại điện tử trong thời gian tới là:

a. Bán hàng đa kênh (Multi - channel Selling)

Xu hướng bán hàng đa kênh cho cho phép doanh nghiệp có thể tiếp cận khách hàng của mình trên nhiều nền tảng, môi trường khác nhau, từ online đến offline. Khi người dùng ngày càng yêu cầu cao hơn ở trải nghiệm và sự tiện lợi của dịch vụ thì Multi - channel Selling chắc chắn sẽ là xu hướng nổi bật trong giai đoạn sắp tới.

Xu hướng gia tăng của mua hàng trực tuyến thông qua các trang mạng xã hội là không thể nghi ngờ, do chúng ta dành nhiều thời gian trên mạng xã hội và bị tác động bởi các thông tin về sản phẩm, của quảng cáo như Facebook, Instagram hay Zalo. Xu hướng này khiến giao dịch, mua hàng trực tuyến qua các mạng xã hội gia tăng mạnh mẽ.

b. Thanh toán khi giao hàng vẫn là phương thức thanh toán phổ biến (COD)

Hạ tầng thương mại điện tử cung cấp cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn thanh toán: Thanh toán thông qua ngân hàng, thanh toán khi nhận hàng, thanh toán bằng ví điện tử… Tuy nhiên, tại Việt Nam hình thức thanh toán khi giao hàng (COD) vẫn là phương thức thanh toán chủ yếu nhất, chiếm 75% giao dịch. Lý do là bởi thói quen dùng tiền mặt và phương thức này tạo ra cảm giác an toàn hơn cho người tiêu dùng, giúp họ phòng tránh được các rủi ro mất hàng, hàng lỗi hay không nhận được hàng đúng chất lượng từ người bán.

Nhưng đây lại là một trong những vấn đề lớn nhất cản trở sự phát triển của thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam. Để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, đòi hỏi việc quản lý chất lượng hàng hóa trên các trang bán hàng online phải chặt chẽ, nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Các cơ quan chức năng phải hoạt động hữu hiệu, phải có chế tài nghiêm khắc với người bán nhằm việc bảo vệ người mua.

c. Đẩy nhanh tốc độ giao hàng cải thiện cảm nhận khách hàng (Customer Experience)

Có thể thấy chưa bao giờ người tiêu dùng lại đóng vai trò trung tâm và có tiếng nói quan trọng trong nền kinh tế số như hiện nay. Mỗi trải nghiệm, đánh giá, phản hồi tích cực hay tiêu cực của người dùng đều ảnh hưởng mạnh mẽ tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp thương mại điện tử, đặc biệt khi thị trường Việt Nam đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt đến từ nhiều thương hiệu tầm cỡ.

Ngoại trừ các sản phẩm số hóa, các mặt hàng vẫn phải được giao hàng trực tiếp. Rõ ràng là khi thương mại điện tử phát triển mạnh thì việc giao hàng cũng cần được cải thiện nhanh hơn nữa.

Với tâm lý háo hức nhận món hàng mới mua, ai cũng muốn nhận hàng sớm. Đây cũng là yếu tố rất quan trọng giúp thương mại điện tử cạnh tranh với thương mại truyền thống: Cải thiện tốc độ giao hàng hay là mất doanh số. Trong những năm tới, giao hàng trong ngày có lẽ một xu hướng được chờ đợi nhiều nhất.

d. Trợ lý ảo (Chatbot, AI)

Thị trường công nghệ thay đổi quá nhanh chóng, Chatbot hay AI đã thực sự thâm nhập và được doanh nghiệp sử dụng một cách hiệu quả. Theo số liệu Chatbot Magazine, 25% dịch vụ chăm sóc khách hàng sẽ được tích hợp với trợ lý ảo AI năm 2020. Trong khi, nghiên cứu thực hiện năm 2018 cho biết, 34% khách hàng cảm thấy thoải mái khi giao tiếp với Chatbot khi mua hàng.

Mặc dù vẫn còn khá vụng về, nhưng chatbots đang tiếp tục được cải tiến và kỳ vọng sẽ trở thành xu hướng marketing trong kinh doanh và các website thương mại điện tử vào năm tới. Thực tế, chatbots sẽ là điểm chạm đầu tiên giữa khách hàng và hệ thống tự động hóa được xây dựng bằng nền tảng AI.

Các chatbots chăm sóc khách hàng sẽ ngày càng giống “người” hơn, dẫn dắt khách hàng qua hành trình mua hàng mượt hơn. Tuy nhiên, nếu làm không cẩn thận, chatbots sẽ gây hại cho doanh nghiệp.

e. Phần mềm ứng dụng trên điện thoại thông minh (Mobile Apps)

Với sự phát triển của Internet, 4G-5G và các thiết bị di động, đặc biệt là điện thoại thông minh cùng phương thức thanh toán điện tử được sử dụng rộng rãi. Vì vậy, xu hướng thương mại điện tử trên nền tảng di động thông qua phần mềm ứng dụng là điều tất yếu. Đây cũng là những gì đã xảy ra ở các quốc gia phát triển đã đi trước.

Mobile Apps đang là xu hướng dùng để mua hàng trực tuyến của người dùng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn còn đang lúng túng chưa hiểu đúng và làm chuẩn trên mobile để đáp ứng khách hàng, tăng tỷ lệ chuyển đổi mua hàng.

Sự thâm nhập của điện thoại thông minh và internet đang tăng dần lên. Theo Báo cáo “Người tiêu dùng tương lai” của Thought Leadership, khi được hỏi điều gì bạn không thể sống thiếu, có tới 45% cho rằng điện thoại là thứ yếu.

Những lý do khiến doanh nghiệp thương mại điện tử cần coi Mobile Apps như là một xu hướng tất yếu:

- 82% người dùng sử dụng điện thoại trước khi mua một thứ gì đó.

- 90% thời gian sử dụng di động dành cho Apps.

- 2/3 Traffic của các nền tảng e-Commerce đến từ thiết bị thông minh cầm tay (smart phone, máy tính bảng...) và Mobile Apps.

- Năm 2018, doanh thu thương mại điện tử từ Mobile Apps chạm mốc 206.53 tỷ USD, tăng trưởng 155%.

5. Kết luận

Đối với các doanh nghiệp và khách hàng, thương mại điện tử có một tương lai rất tươi sáng. Có rất nhiều thách thức đặt ra đối với các doanh nghiệp, tuy nhiên với tầm ảnh hưởng và xu hướng trở thành 1 kênh phân phối quan trọng các doanh nghiệp không thể không quan tâm tới tầm quan trọng của thương mại điện tử đối với doanh nghiệp và dành những nguồn lực tương xứng của doanh nghiệp cho việc phát triển thương mại điện tử.

Trong một thị trường mà người sử dụng và những đối thủ cạnh tranh chỉ cách nhau một cú nhấp chuột thì các doanh nghiệp tham gia kinh doanh trực tuyến buộc phải tạo ra được nét khác biệt trong dịch vụ của mình so với các đối thủ cạnh tranh nếu không họ cũng sẽ chỉ như những nhà cung cấp hàng hóa hết sức bình thường khác.

Thương mại điện tử sẽ ngày càng chiếm lĩnh những vị thế quan trọng đối với các doanh nghiệp với tốc độ tăng trưởng thị trường nhanh và ổn định kết hợp với xu hướng chuyển dịch thói quen mua sắm của người tiêu dùng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Giáo trình Thương mại điện tử - Đại học Ngoại Thương Hà Nội – 2013.
  2. Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2015, 2016, 2017, 2018 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam.
  3. Porter, M.E., Heppelmann, J.E. (2016), How smart, connected products are transforming competition. Harv. Bus. Rev. 2016, Volume 92, p.18.
  4. E-commerce 2014: Business. Technology. Society (10th edition)
  5. Nguyễn Đình Luận, Tổng quan về thương mại điện tử ở Việt Nam, Tạp chí Tài chính, số tháng 8/2015.
  6. Thương mại điện tử với cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, tháng 11/2017.

THE INPORTANCE OF E-COMMERCE TO ENTERPRISES

Master. LE HAI LINH

Faculty of Transport and Economics, University of Transport and Communication

ABSTRACT:

E-commerce is growing rapidly and becoming an indispensable part of businesses worldwide. Although the e-commerce market of Vietnam in 2015 was just about 4 billion USD, it experienced a fast growth from 2016 to 2018 with a growth rate of about 30% per year. The e-commerce market of Vietnam is expected to be worth about 13 billion USD by 2020. With such fast and stable growth rate combined with the change in shopping habits of consumers, it can be affirmed that the e-commerce will play an increasingly important role in businesses. This article generally presents benefits of enterprises when taking part in the e-commerce market and emerging trends when enterprises develop e-commerce business models.

Keywords: E-commerce, enterprise, EBI.