Sản lượng gạo của Ấn Độ sẽ giảm xuống trong năm nay

Ngày 7/11, một quan chức Ấn Độ đã cho biết, sản lượng gạo của Ấn Độ trong năm nay sẽ có khả năng giảm xuống do điều kiện thời tiết xấu gây thiệt hại cho mùa màng. Trước đó, Ấn Độ được dự kiến sẽ có mộ

Các thương nhân kinh doanh gạo cho biết, mức sản lượng gạo thấp hơn dự kiến có thể giúp ngăn chặn đà giảm của giá gạo do nguồn cung gạo từ Ấn Độ giảm xuống sẽ bù lại phần nào cho mức tăng lên của sản lượng gạo trên toàn cầu. Sự dư thừa gạo trên toàn cầu đã và đang khiến giá gạo giảm xuống trong năm nay.

Ông Trilochan Mohapatra, giám đốc Viện nghiên cứu lúa trung ương Ấn Độ đã cho biết, sản lượng gạo của Ấn Độ trong năm nay có thể giảm xuống còn khoảng 100 triệu tấn so với mức 104,4 triệu tấn do bão Phailin tàn phá mùa màng tại khu vực phía Đông Ấn Độ vào hồi tháng 10/2013.

Trước đó, Ấn Độ được dự báo sẽ có một vụ mùa bội thu trong năm 2013 sau khi mùa mưa đến sớm hơn thường lệ, tuy nhiên cơn bão Phailin đổ bộ vào khu vực bờ biển phía Đông Ấn Độ vào trung tuần tháng 10/2013 đã tàn phá đến 1/2 diện tích lúa tại các bang Orissa và Andhara Pradesh. Đây là 2 bang thuộc những bang sản xuất lúa gạo lớn nhất của Ấn Độ.

Theo ông Trilochan Mohapatra, bão Phailin – cơn bão mạnh nhất từng được ghi nhận đổ bộ vào Ấn Độ - cùng với mưa lớn sau đó đã tàn phá hơn 1 triệu tấn gạo tại bang Orissa. “Cơn bão đã san phẳng diện tích trồng lúa tại nhiều khu vực. Các cơn mưa lớn theo sau đó đã nhấn chìm các loại cây trồng, hoàn toàn phá hủy diện tích trồng trọt”.

Các thương nhân cho biết, một số khu vực trồng lúa tại khu vực phía Bắc Ấn Độ cũng bị thiệt hại trong năm nay do các cơn mưa trái mùa cuối vụ vào hồi tháng 10/2013; mưa tại các khu vực này thường kết thúc vào tháng 9 hàng năm.

Trong khi hầu hết giá các loại gạo thông thường, đến thời điểm này, vẫn chưa biến động đáng kể do thị trường hy vọng lượng gạo thiếu hụt sẽ được đáp ứng bằng lượng gạo dự trữ khổng lồ của Ấn Độ. Tuy nhiên, tác động của việc mùa màng bị thiên tai phá hủy đã có thể thấy rõ đối với giá các loại gạo cấp cao basmati. Chính phủ Ấn Độ không duy trì dữ trữ đối với gạo basmati. Các thương nhân cho biết, giá nội địa Ấn Độ đối với một số loại gạo basmati được mua từ các nông dân đã tăng vọt lên hơn 50% kể từ năm ngoái.

Ông Gurnam Arora, đồng giám đốc điều hành công ty Kohinoor Foods Ltd, nhà xuất khẩu gạo basmati hàng đầu của Ấn Đố cho biết: “Thị trường đã xuất hiện sự hoảng loạn. Câu hỏi lớn hiện tại là liệu các nhà mua hàng quốc tế có chấp nhận mức giá cao hơn hay không”. Giá xuất khẩu gạo basmati có thể tăng mạnh lên mức 1.500 USD – 1.800 USD/tấn, so với mức 1.000 USD – 1.100 USD/tấn trong năm ngoái, theo ông Gurnam Arora.

Sản lượng gạo trong năm nay tại một số quốc gia châu Á được dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ các nước. Việc dư thừa gạo đã và đang đẩy giá gạo giảm xuống đối với các quốc gia nhập khẩu gạo lớn tại châu Phi và Trung Quốc.

Theo ước tính vào tháng 10/2013 của Hội đồng ngũ cốc quốc tế (IGC), lượng dự trữ gạo trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng 1% trong năm nay, xác lập năm thứ 9 tăng liên tiếp.

Các chuyên gia nhận định tình hình dư thừa gạo trên toàn cầu có thể sẽ còn xấu đi hơn do Thái Lan, một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, bán ra một phần gạo trong kho dự trự gạo khổng lổ, vốn được tích trữ từ chương trình trợ giá thu mua lúa gạo của Chính phủ Thái Lan.

Ông Tejinder Narang, nhà tư vấn tại công ty giao dịch hàng hóa Emmsons International Ltd. (Ấn Độ) cho biết: “Mối đe dọa duy nhất đến gạo xuất khẩu của Ấn Độ sẽ xảy ra nếu Chính phủ Thái Lan quyết định bán nhiều gạo dự trữ ra hơn với mức giá rẻ hơn giá gạo Ấn Độ do họ (Chính phủ Thái Lan) không còn nơi chưa thêm gạo dự trữ nữa”.

Giá gạo là một chỉ số quan trọng đối với các nhà kinh tế học trên toàn thế giới bởi vì gạo là nguồn lương thực chủ yếu cho hơn một nửa dân số thế giới và sự biến động của giá gạo sẽ ảnh hưởng đến giá các loại ngũ cốc khác như lúa mỳ và ngô.

Trong năm 2008, sự gia tăng mạnh của giá gạo đã khiến giá các loại ngũ cốc khác tăng lên theo, dẫn đến một cuộc khủng hoảng lương thực trên toàn cầu, điều này đã khiến tình trạng bạo động nổ ra tại một số quốc gia.

Đặng Quang (Theo The Wall Street Journal)