Theo đánh giá của Bộ Công Thương tại cuộc họp về tác động của Covid-19 đến các ngành sản xuất chiều nay (26/02/2020), dịch bệnh dự kiến sẽ tác động lớn tới ngành sản xuất, vận tải, logistics, phân phối, dịch vụ trên toàn thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam.
Trong hai tháng qua, chỉ số sản xuất công nghiệp nước ta ước tăng 6,3%, sụt giảm 3,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2019, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo chịu tác động lớn nhất, ước tăng trưởng 7,4%, giảm mức kỷ lục 4,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Xuất nhập khẩu 2 tháng ước tăng 2,4% so với cùng kỳ, giảm 1,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2019. Tổng mức bán lẻ trong nước ước tăng 8,3%, là mức thấp nhất trong 6 năm trở lại đây.
Lo ngại về đứt đoạn chuỗi cung ứng
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), ngành sản xuất của Việt Nam đã bắt đầu “ngấm” tác động của dịch bệnh như: vướng mắc về nguồn cung nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào cho sản xuất; vướng mắc về thiếu hụt nguồn lao động; khó khăn về tài chính và khó khăn về thị trường tiêu thụ.
Các ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong nước phụ thuộc nhiều vào nguồn cung nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác đang chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh như Hàn Quốc, Nhật Bản. Đồng thời, những ngành hàng này của Việt Nam nằm trong chuỗi phân bổ và liên kết chặt chẽ của chuỗi giá trị toàn cầu, do vậy, việc các thị trường cung cấp nguyên phụ liệu gặp vướng mắc dẫn đến nguy cơ bị đứt đoạn chuỗi cung ứng, khiến một số ngành sản xuất của Việt Nam thiếu hụt nguồn cung nguyên phụ liệu.
Với ngành điện - điện tử, các doanh nghiệp trong nước chỉ còn đủ lượng linh phụ kiện phục vụ cho sản xuất trong khoảng đến giữa hoặc cuối tháng 3/2020, trong khi doanh nghiệp dệt may và da giầy chỉ dự trữ nguyên phụ liệu tới đầu tháng 3/2020 hoặc đầu tháng 4/2020. Ngành ô tô cũng không khả quan hơn khi dự kiến đến cuối quý I/2020, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ việc thiếu hụt nguồn linh phụ kiện.
Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) lo ngại, “trong trường hợp dịch bệnh kết thúc và phía Trung Quốc sản xuất, cung ứng trở lại nguồn đầu vào cho sản xuất trong nước thì giá thành nguyên vật liệu, linh phục kiện nhập khẩu từ Trung Quốc có thể sẽ tăng lên so với trước đây, gây ảnh hưởng đến giá thành sản xuất sản phẩm trong nước”
Về thị trường, Trung Quốc, cũng như một số quốc gia đang bùng phát dịch bệnh khác như Hàn Quốc, Nhật Bản là thị trường tiêu thụ lớn đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, da giầy túi xách, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại di động và linh kiện,…
Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trường hợp dịch bệnh kết thúc trong quý I/2020, dự kiến giá trị gia tăng ngành công nghiệp quý I/2020 chỉ tăng 5,18% so với cùng kỳ 2019, giảm tới gần 40% so với năm ngoái, trong đó ngành chế biến chế tạo chỉ tăng 6,28%, thấp hơn nhiều so với 10,47% dự kiến trước đây.
Trường hợp dịch bệnh kết thúc cuối quý II/2020, dự kiến giá trị tăng thêm ngành công nghiệp trong quý II tăng 5,33% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo chỉ tăng 6,23%, thấp hơn so với dự kiến 11,21% trước đây.
Đánh giá khó khăn để có giải pháp hỗ trợ “trúng và đúng”
Trong thời gian qua, nhằm tìm kiếm các giải pháp đối phó khẩn trương với dịch bệnh, Bộ Công Thương đã có nhiều buổi làm việc trực tiếp và có văn bản gửi các Hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp và các địa phương về tổ chức thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch, báo cáo Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan về các khó khăn, vướng mắc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong quá trình sản xuất, kinh doanh và đề xuất phương án giải quyết.
Mới đây, Bộ Công Thương cũng đã có Công văn số 1182 gửi Bộ Giao thông Vận tải, trong đó đề nghị phối hợp với Bộ Tài chính rà soát các loại thuế, phí, có các giải pháp hỗ trợ giảm chi phí vận tải như: giảm giá BOT, phí cầu đường, bến bãi, phí lưu giữ phương tiện, thuế với nhiên liệu bay... làm việc với các hãng vận tải, hãng tàu nhằm giảm giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa, giảm phí dịch vụ tại cảng để giảm chi phí lưu thông hàng hóa, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp logistics.
Tuy nhiên, ở thời điểm diễn biến dịch bệnh khó lường và đã tác động rõ nét tới sản xuất kinh doanh, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ đạo các Cục, Vụ cần xác định rõ tác động của dịch bệnh sẽ ở quy mô thế nào, từ đó có đánh giá, dự báo về thiệt hại lên từng ngành công nghiệp cụ thể và xây dựng các kịch bản đối phó tương ứng đối với các vấn đề liên quan đến đứt đoạn nguồn cung, thị trường tiêu thụ, hoạt động đầu tư và lưu thông thương mại trong nước cũng như quốc tế.
Bộ trưởng yêu cầu Cục Công nghiệp và các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục chủ động phối hợp trong nghiên cứu, đánh giá các phương án, tăng cường làm việc thường xuyên với địa phương, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để chia sẻ những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại, đặc biệt đối với cộng đồng doanh nghiệp trong nước. Nhiều buổi làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp sẽ được Bộ Công Thương tổ chức trong thời gian tới.
Đây chính là cơ sở để Bộ Công Thương, cùng với nỗ lực khắc phục tự thân của doanh nghiệp, triển khai các giải pháp hỗ trợ ứng phó “trúng và đúng” với quy mô, thời điểm, đối tượng, hơn nữa phù hợp với nguồn lực của Nhà nước, không chỉ về nguồn cung, thị trường mà còn ở nhiều lĩnh vực khác như tài chính tín dụng, năng lực tiếp cận công nghệ, thiếu hụt nhân công lao động,…
Giải pháp dài hạn gắn với tái cơ cấu sản xuất, thị trường
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, điều quan trọng hơn cả là tác động của Covid-19 với ngành công nghiệp không chỉ trực tiếp trước mắt, mà còn sẽ tác động gián tiếp cả trong tương lai, bởi thay vì dừng lại ở Trung Quốc thì dịch bệnh đang tiếp tục diễn biến phức tạp và mở rộng đến Hàn Quốc, Nhật Bản hay các nước khác tại Châu Á, Bắc Mỹ,… Đây đều là những thị trường đầu vào và đầu ra quan trọng của công nghiệp Việt Nam.
Bộ Công Thương cũng cho rằng đây chính là thời điểm ngành công nghiệp trong nước nhìn lại vị trí trong liên kết chuỗi của mình, từ đó có định hướng tái cơ cấu hợp lý, tăng cường nội lực về công nghiệp hỗ trợ để chủ động nguồn cung lâu dài, tránh phụ thuộc vào một số thị trường đầu vào nhất định.
Mặt khác, thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, bên cạnh thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm công nghiệp, Bộ Công Thương sẽ mở hướng hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung thay thế trong thời gian tới.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết sẽ đẩy mạnh các giải pháp khơi thông thị trường để tiếp tục tạo ra động lực cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp công nghiệp trong nước, song song với đó thúc đẩy cắt giảm thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mạnh mẽ hơn, góp phần đồng hành cùng doanh nghiệp trong giảm thiểu chi phí sản xuất, lưu thông sản phẩm công nghiệp tại thị trường trong và ngoài nước.
“Việc ứng phó với Covid-19 không chỉ dừng ở đây, mà phải tính đến giải pháp khôi phục và phát triển mạnh mẽ hơn ngành công nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung sau khi dịch bệnh kết thúc, dù đó là ở thời điểm nào”, người đứng đầu ngành Công Thương nhấn mạnh, yêu cầu Vụ Kế hoạch chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong Bộ xây dựng các kịch bản đảm bảo phòng chống dịch bệnh đồng thời giữ vững mục tiêu tăng trưởng chung của Chính phủ, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.
Đặc biệt, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng cần đánh giá lại dư địa của thị trường trong nước và các thị trường quốc tế, đặc biệt nắm bắt cơ hội từ các thị trường tại EU sau khi EVFTA có hiệu lực, cộng hưởng với CPTPP để mở rộng đầu ra cho sản phẩm công nghiệp trong nước.
Trên cơ sở này, Bộ Công Thương đang xây dựng và sẽ sớm ban hành chương trình hành động để ứng phó với tác động của dịch bệnh Covid-19 trên nhiều lĩnh vực. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, những giải pháp này sẽ “mang tính tổng thể, gắn với đảm bảo mục tiêu kép về phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ”.