TÓM TẮT:
Bài viết phân tích chuỗi giá trị gạo Hoa Vàng tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp An Nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Yên, từ đó cho thấy tầm quan trọng của việc sản xuất theo chuỗi giá trị, giúp nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững trong bối cảnh nông nghiệp Phú Yên đang phát triển mạnh mẽ hiện nay.
Từ khóa: chuỗi giá trị, hợp tác xã, nông nghiệp, tỉnh Phú Yên.
1. Đặt vấn đề
Thúc đẩy chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp được xem là giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững. Đặc biệt trong bối cảnh nông nghiệp Phú Yên đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay, thì việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu hàng hóa càng cần thiết, nhằm khắc phục những hạn chế trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN).
Mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị: Thời gian qua, các địa phương tập trung phát triển HTXDVNN gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa. Việc xây dựng HTX phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm trong nông nghiệp được quan tâm và là hướng đi mới giúp HTX phát triển bền vững trong thời gian tới. Đến nay, toàn tỉnh Phú Yên đã hoàn thành 15 chuỗi giá trị nông nghiệp tại các HTX, tăng 10 chuỗi so với 2 năm trước.
2. Phân tích chuỗi giá trị gạo Hoa Vàng tại HTXDVNN An Nghiệp, tỉnh Phú Yên
2.1. Chuỗi giá trị gạo Hoa Vàng và chuỗi cung ứng
Việc thiết lập và phân tích các tác nhân trong chuỗi giá trị gạo Hoa Vàng có vai trò quan trọng trong việc xác định lợi ích các tác nhân trong chuỗi, cũng như xác định vai trò của các nhân tố trong chuỗi cung ứng. Khi chuỗi cung ứng từ các nhân tố đầu vào và đầu ra được tổ chức tốt và hoàn thiện sẽ làm nâng cao giá trị cho các tác nhân tham gia chuỗi cung ứng. Sơ đồ dưới đây thể hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh, các tác nhân chính trong chuỗi và những mối liên kết của họ. Bên cạnh sơ đồ chuỗi giá trị bao gồm các tác nhân chính trong chuỗi, hàng hóa nông sản được nông dân sản xuất đến được với người tiêu dùng qua nhiều kênh khác nhau, tiêu biểu được thể hiện như sau:
Kênh 1: Nông dân → HTX → Đại lý bán sỉ → Người tiêu dùng nội địa
Kênh 2: Nông dân → HTX → Người bán lẻ → Người tiêu dùng nội địa
Kênh 3: Nông dân → HTX → Người tiêu dùng nội địa
Lập sơ đồ chuỗi giá trị có nghĩa là vẽ một sơ đồ về hiện trạng của hệ thống chuỗi giá trị, thể hiện qua Hình 1.
Hình 1: Sơ đồ chuỗi giá trị sản phẩm gạo Hoa Vàng của HTX dịch vụ nông nghiệp An Nghiệp
2.1.1. Cung cấp đầu vào
- Giống: Trước đây, hầu hết lúa giống được các hộ thành viên lấy từ lúa sản xuất vụ trước làm giống cho vụ sau. Tuy nhiên, nhờ sự vận động của HTX, từ sau năm 2012 một số hộ thành viên chuyển sang sản xuất lúa chất lượng cao được Công ty Giống cây trồng Trung ương chi nhánh Quảng Nam và Công ty TNHH Nông - Lâm nghiệp TBT cung cấp lúa giống và hỗ trợ về giá bán.
- Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật: Công ty Giống cây trồng Trung ương, Trung tâm Khuyến nông huyện đã hướng dẫn kỹ thuật về quá trình trồng và chăm sóc lúa chất lượng cao như sau: nông hộ không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), chỉ bón phân vi sinh và phân hữu cơ; vật tư đầu vào được HTX và các đại lý cung ứng từ đầu vụ, hình thức thanh toán bằng tiền mặt hoặc đến cuối vụ thu hoạch người nông dân sẽ trả tiền. Chính sự hỗ trợ của các cơ quan liên quan và sự nỗ lực của HTX và thành viên, hiện nay, việc sản xuất và nhân rộng diện tích trồng giống lúa chất lượng cao được thành viên nhiệt tình hưởng ứng.
- Lao động phổ thông: Hầu hết diện tích sản xuất lúa giống chất lượng cao là của nông dân và thành viên HTX. Vì vậy, lao động được các hộ thành viên chủ động.
Nhờ sự quan tâm và giúp đỡ của chính quyền các cấp, cũng như các đơn vị liên quan, vấn đề giống lúa chất lượng cao và các loại vật tư đầu vào hiện đã trở nên thuận lợi hơn rất nhiều cho các nông hộ. Nhưng do trước đây, các hộ thành viên đã trồng tự phát không theo quy hoạch, chăm sóc không đúng kỹ thuật nên năng suất thấp và chất lượng không ổn định.
Hơn nữa, các nông hộ chưa được tập huấn kỹ thuật, chủ yếu trồng và chăm sóc theo kinh nghiệm, việc phun thuốc BVTV và bón phân không đúng cách làm ảnh hưởng đến chất lượng năng suất và chất lượng lúa. Đây cũng là một trong những khó khăn cần khắc phục để nâng cao năng suất lúa trên cùng đơn vị diện tích nhằm cạnh tranh với những vùng trồng lúa khác của địa phương.
2.1.2. Sản xuất
- Làm đất: Hiện nay, nhờ sự đầu tư của các ban, ngành, địa phương và nông hộ nên diện tích trồng giống lúa chất lượng cao đã được cơ giới hóa. Quá trình canh tác, làm đất được thực hiện bằng các loại máy móc; việc gieo sạ được áp dụng phương pháp sạ thưa, sạ hàng (từ 4-5kg/sào, giảm 3-4 kg/sào so với cách sạ truyền thống) nhằm giảm chi phí sản xuất, như: giống, phân bón, thuốc BVTV, đồng thời thuận lợi trong việc chăm sóc, ít sâu bệnh.
- Chăm sóc: Quá trình chăm sóc lúa giống cũng thuận lợi hơn, nhờ được tập huấn về kỹ thuật. Có giống tốt, các loại sâu bệnh cũng giảm đáng kể nhờ sạ thưa, sạ hàng và bón phân đúng theo quy định, không sử dụng thuốc BVTV. Do đó, quá trình chăm sóc đã tiết kiệm được nhiều chi phí, do không lãng phí thuốc, không bị tái sâu bệnh, không làm ô nhiễm đất, cũng như giảm ô nhiễm môi trường.
- Thu hoạch: Trước đây khâu thu hoạch là một trong những khâu làm giảm chất lượng lúa, kéo theo chất lượng gạo không ổn định vì quá trình thu hoạch lúa, vận chuyển và phơi khô dễ bị trộn lẫn với nhiều giống lúa khác. Hiện nay, tình trạng này được khắc phục do HTX đầu tư máy gặt lúa và ưu tiên gặt những diện tích lúa chất lượng cao của hộ nông dân.
2.1.3. Thu gom, sơ chế
Nhờ áp dụng kỹ thuật trong gieo sạ, quá trình sản xuất và qui trình chăm sóc bón phân đúng qui định, không sử dụng thuốc BVTV dẫn đến năng suất và chất lượng lúa ổn định. Thu hoạch xong HTX mua lúa tươi tại ruộng với giá 1 kg lúa tươi bằng 1 kg lúa khô, lúa sau khi vận chuyển từ ruộng đến nơi tập kết (kho của HTX) và tất cả được đưa vào lò sấy khô của HTX, nhờ đó hạn chế bị trộn lẫn với các giống lúa khác. Tiếp đến, lúa được đưa đến nhà máy xay xát ra thành phẩm gạo.
Gạo được HTX đóng gói theo qui cách 10kg/bao và 5 kg/bao và được đưa đi các địa phương tiêu thụ. Tuy nhiên, hạn chế của HTX hiện nay là còn phụ thuộc vào máy xay xát của hộ thành viên, máy móc cũ kỹ, lạc hậu, công suất nhỏ, làm ảnh hưởng đến chất lượng gạo như nát gạo, chưa đạt độ bóng và lượng thóc còn trong gạo, dẫn đến khả năng cạnh tranh chưa cao với các sản phẩm gạo cùng chuẩn loại trên thị trường.
2.1.4. Thương mại
Phú Yên là tỉnh nông nghiệp, với khoảng 70% dân số sống ở nông thôn và cây lúa là cây lương thực chủ lực của tỉnh, với diện tích khoảng 24.850ha. Tuy nhiên, diện tích trồng lúa chất lượng cao rất ít, chiếm tỷ lệ từ 3-5% diện tích của cả tỉnh. Hiện nay, nhờ sự vận động của các HTX dịch vụ nông nghiệp, nhiều hộ nông dân đã chuyển sang trồng các giống lúa cho năng suất và chất lượng cao ngày càng nhiều.
Tuy nhiên, diện tích trồng lúa giống chất lượng cao tại các HTX nói chung và HTX dịch vụ nông nghiệp An Nghiệp nói riêng còn hạn chế (10ha/vụ), tương đương 40 tấn gạo/mùa; sản phẩm gạo sạch của HTX mới chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước (khoảng 40% tiêu thụ trong tỉnh và 60% tiêu thụ các địa phương khác). Nhờ sự quan tâm và hỗ trợ của các cơ quan, ban ngành trong tỉnh, thương hiệu gạo sạch của HTX đã tham gia triển lãm tại các hội chợ trong nước và được người tiêu dùng đánh giá cao. Bên cạnh đó, HTX đã xúc tiến bán gạo Hoa Vàng cho các đối tác ở nước ngoài như Hồng Kông, Singapore và được đối tác đồng ý đặt hàng nhưng HTX không xuất khẩu được, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước, thời gian tới HTX sẽ mở rộng diện tích trồng lúa chất lượng cao lên 30ha/vụ và đầu tư nhà máy xay xát gạo, với số vốn khoảng 400 triệu đồng. Ngoài ra, HTX tăng cường tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại siêu thị (báo đài, catalogue, banner) nhằm khuyến khích người tiêu dùng biết đến đặc sản gạo sạch mang thương hiệu của địa phương và cùng chung tay hỗ trợ đầu ra ổn định cho hộ trồng giống lúa chất lượng cao.
2.1.5. Chuỗi cung ứng
Dựa trên sơ đồ chuỗi giá trị, việc phân tích các tác nhân trong chuỗi đồng thời cũng bao gồm các nhân tố đầu vào, sản xuất và đầu ra giúp cho chuỗi cung ứng hoàn thiện hơn, góp phần nâng cao giá trị của chuỗi gạo Hoa Vàng.
- Các nhân tố đầu vào: Giống, vật tư nông nghiệp như phân bón và thuốc BVTV; được sự tư vấn và hỗ trợ của Công ty Giống cây trồng Trung ương chi nhánh Quảng Nam, nên khâu cung ứng cho các hộ nông dân về cơ bản là hoàn thiện, góp phần giảm giá thành đầu vào cho chuỗi.
- Các nhân tố sản xuất: Dịch vụ làm đất, chăm sóc, thu hoạch đã dần hoàn thiện. Trước đây, hầu hết các công việc trên đều làm thủ công, theo kinh nghiệm, tự phát nên năng suất, chất lượng thấp, giá thành sản xuất cao. Hiện nay, từ khâu làm đất đến thu hoạch được cơ giới hóa và chăm sóc theo đúng qui trình kỹ thuật hướng dẫn từ các đơn vị chuyên môn. Nhờ đó giảm được chi phí sản xuất, giữ được chất lượng gạo ổn định.
- Các nhân tố đầu ra: Việc phân phối và tiêu thụ sản phẩm gạo Hoa Vàng hiện nay chủ yếu là thị trường trong nước. Thời gian tới, HTX có kế hoạch mở rộng thị trường xuất khẩu ra các nước trong khu vực và thế giới.
2.2. Xác định sự phân phối lợi ích của những người tham gia chuỗi
- Nông dân, thành viên HTX: Là tác nhân đầu tiên trong chuỗi giá trị lúa chất lượng cao. Hiện nay, mặt hàng này được HTX ký kết bao tiêu sản phẩm với sản lượng và giá cả ổn định, mua lúa tươi tại ruộng. Vì vậy, các hộ trồng lúa đã giảm được chi phí vận chuyển và chi phí sấy khô..., bán với giá cao, nguồn thu nhập ổn định và cao hơn so với trồng các giống lúa khác.
- Thương lái (HTXDVNN An Nghiệp): Thông thường thỏa thuận miệng được áp dụng giữa nông dân, hộ thành viên và HTX cho các phương thức buôn bán (định giá lúa tươi). Trước mỗi vụ mùa, HTX thỏa thuận giá mua với các nông hộ, giá cả không thay đổi ngay cả khi giá thị trường dao động. Khi đến vụ thu hoạch, HTX gặt lúa bằng máy gặt riêng của HTX và mua lúa của nông dân bằng tiền mặt. Với hình thức mua bán có lợi cho nông dân nên hầu hết các nông hộ đều chọn hình thức bán lúa tươi tại ruộng; HTX vận chuyển về sấy khô, thông thường cứ 1,8 kg lúa tươi cho ra 1 kg gạo.
Bảng 1. Chi phí và lợi nhuận biên của các tác nhân trong chuỗi
Đơn vị tính: đồng/kg
Nguồn: Tính toán của tác giả
- HTXDVNN An Nghiệp vừa là thương lái, nhà bán sỉ và cũng vừa là người bán lẻ: Họ bán một phần sản phẩm cho đại lý bán sỉ, người bán lẻ; đa phần họ bán trực tiếp cho người tiêu dùng nội địa qua hệ thống phân phối của HTX. Nhằm thực hiện tốt vai trò của HTX là phục vụ và mang lại lợi ích cho thành viên, HTX đã có chính sách ưu tiên về giá bán theo thứ tự như sau: Trước tiên khách hàng là thành viên đã sản xuất và bán lúa chất lượng cao cho HTX với mức giá rẻ hơn, tiếp đến là khách hàng là thành viên của HTX, sau đó đến các đại lý bán sỉ/lẻ và cuối cùng là người tiêu dùng.
- Người bán lẻ: Người bán lẻ mua gạo với nhiều hình thức khác nhau như mua trực tiếp hoặc đặt hàng qua điện thoại, HTX sẽ vận chuyển đến tận nơi.
3. Kết quả đạt được
- Tham gia vào chuỗi giá trị, nông dân và hộ thành viên được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn, ít rủi ro; được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp để yên tâm sản xuất; Sản xuất theo nhu cầu thị trường, tăng quyền lực thương lượng với đối tác; được HTX, doanh nghiệp cung cấp thông tin thị trường, ứng vốn sản xuất; được hỗ trợ từ doanh nghiệp nhằm giảm chi phí sản xuất; nâng cao lợi nhuận trong sản xuất.
Qua phân tích chuỗi, HTX sẽ căn cứ vào khả năng của mình tham gia vào để thay thế một hay nhiều tác nhân trong chuỗi; Gia tăng uy tín của HTX với thành viên và cộng đồng thông qua việc HTX tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp; nâng cao năng lực quản lý và khả năng phân tích thị trường.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng chủ động được nguồn cung sản phẩm, chất lượng được quản lý; Gia tăng khả năng cạnh tranh và xây dựng thương hiệu do doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định tại HTX; có điều kiện thu thập thông tin về nhu cầu khách hàng và thông tin thị trường để cung cấp cho HTX và thành viên; có quy mô sản phẩm đủ lớn, chất lượng sản phẩm đồng nhất và cung cấp thường xuyên.
Bên cạnh những lợi ích đó, việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị còn góp phần quan trọng trong việc giải bài toán về chất lượng nông sản, nâng cao được giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp một cách bền vững trước những biến động của thị trường.
- Mặc dù vai trò dần khẳng định, song số lượng các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay còn khá ít, quy mô liên kết còn nhỏ; Tính liên kết giữa người dân, HTX và doanh nghiệp chưa chặt chẽ, nhận thức một bộ phận nông dân còn hạn chế, chưa thật sự tuân thủ những ràng buộc trách nhiệm với doanh nghiệp, vẫn có tâm lý bán hàng ra ngoài, phá vỡ cam kết khi giá thị trường lên cao.
So với các chuỗi liên kết các sản phẩm nông lâm thủy sản của các đơn vị kinh tế khác thì chuỗi liên kết nông sản của các HTX quy mô nhỏ, trong phạm vị cấp xã, chưa có dây chuyền sản xuất hiện đại, tính ổn định thấp. Chẳng hạn như chuỗi khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ của các công ty TNHH Nguyễn Hưng, Công ty TNHH Bá Hải; Chuỗi liên kết dọc sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi như trại nuôi lợn Vi Văn, trại nuôi gà sạch Đồng Lợi,… các chuỗi này ở quy mô cấp tỉnh được đầu tư công nghệ hiện đại, kỹ thuật sản xuất tiên tiến cho giá trị kinh tế cao nhờ đẩy mạnh xuất khẩu. Trong khi đó, chuỗi giá trị tại các HTX quy mô nhỏ, ở phạm vi hẹp, gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm làng nghề.
Việc tổ chức sản xuất trong thành viên HTX còn chưa bền vững nên chưa xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, dẫn đến sản phẩm của các HTX vẫn phải tự tiêu thụ chứ chưa thể hòa nhập vào hệ thống chuỗi cung ứng quy mô lớn. Cần đẩy mạnh liên kết giữa các HTX cùng sản phẩm để mở rộng quy mô chuỗi giá trị. Ví dụ, sản xuất gạo chất lượng cao, sản phẩm tinh bột Sen,… nên hình thành chuỗi liên kết tại nhiều HTX. Nếu những HTX này tập hợp thành chuỗi liên kết sản xuất quy mô cấp tỉnh, khi đó diện tích sản xuất tăng lên từ vài trăm đến hàng ngàn ha, thay vì manh mún chỉ vài chục ha mỗi HTX như hiện nay.
Để thúc đẩy hình thành, phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, trong thời gian tới các địa phương cần quan tâm, hỗ trợ các HTX dịch vụ nông nghiệp để HTX phát triển theo hướng chú trọng hơn tới việc tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao; Phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Phạm Phương Loan (2017). Chuỗi giá trị nông sản, liên kết trong chuỗi giá trị và vai trò của hợp tác xã. Bài giảng, Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Hợp tác xã An Nghiệp (2019). Báo cáo kết quả hoạt động của HTX dịch vụ nông nghiệp An Nghiệp năm 2019 và phương hướng sản xuất - kinh doanh năm 2020, Phú Yên.
- Minh Duyên (2020), Cùng xây dựng mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị tại hợp tác xã. Báo điện tử Phú Yên, truy cập tại http://www.baophuyen.com.vn/82/236327/cung-xay-dung-mo-hinh-san-xuat-gan-voi-chuoi-gia-tri-tai-hop-tac-xa.html.
- Nguyễn Hường (2020), Sản xuất theo chuỗi giá trị: Giải pháp phát triển nông sản bền vững. Báo điện tử Vĩnh Phúc, truy cập tại http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/50266/san-xuat-theo-chuoi-gia-tri-giai-phap-phat-trien-nong-san-ben-vung.html.
- Cẩm nang phương pháp phân tích chuỗi giá trị hàng nông sản. Truy cập tại https://www.academia.edu/ 19797547/7_C%E1%BA%A9m_nang_ph%C6%B0%C6%A1ng_ph%C3%A1p_ph%C3%A2n_t%C3%ADch_chu%E1%BB%97i_gi%C3%A1_tr%E1%BB%8B_h%C3%A0ng_n%C3%B4ng_s%E1%BA%A3n.