Shibusawa Eiichi - Cha đẻ của triết lý kinh doanh Nhật Bản

PHAN THỊ MAI TRÂM (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Shibusawa Eiichi là một trong những nhân vật lãnh đạo vĩ đại của Nhật Bản thời Minh Trị. Bài viết phân tích những đóng góp của ông cho nền kinh tế Nhật Bản trong các lĩnh vực ngân hàng - tiền tệ, giao thông, công thương nghiệp và ông là người đặt nền móng cho triết lý kinh doanh Nhật Bản. Xét về mọi phương diện từ phẩm chất cá nhân đến năng lực và mức độ ảnh hưởng của ông đến quá trình công nghiệp hóa Nhật Bản - bước tiến quan trọng đưa nước Nhật trở thành một cường quốc kinh tế, có thể nói ông chính là nhà doanh nghiệp vĩ đại nhất của Nhật Bản.

Từ khóa: Shibusawa Eiichi, triết lý kinh doanh Nhật Bản, công nghiệp hóa.

1. Đặt vấn đề

Minh Trị Duy Tân là một sự kiện vĩ đại nhất của lịch sử nhân loại, có tác động sâu sắc đến châu Á và cả thế giới cho đến tận ngày nay. Đây không chỉ là sự kiện lật đổ chế độ phong kiến, thiết lập chính quyền mới mà là một chuỗi cải cách kéo dài suốt 30 năm trên tất cả các phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,... đưa nước Nhật trở thành quốc gia “Phú quốc cường binh”. Trong cải cách Minh Trị Duy Tân đã sản sinh ra nhiều nhà quân sự, nhà hoạt động chính trị, nhà tư tưởng,... đó là Saigo Takamori - Thủ lĩnh quân sự dũng mãnh, Fukuzawa Yukichi - cha đẻ của ngành giáo dục Nhật Bản, Iwasaki Yataro - Người sáng lập ra tập đoàn Mitsubishi; Matsukata Masayoshi - Cha đẻ của Ngân hàng Nhật Bản. Trong các nhà doanh nghiệp vĩ đại của lĩnh vực kinh tế, Shibusawa Eiichi là người hội tụ được tất cả mọi đức tính, mọi tố chất làm nên một nhà kinh doanh và khởi nghiệp vĩ đại, góp phần vào sự thành công của tiến trình công nghiệp hóa Nhật Bản thời Minh Trị.

2. Nội dung

2.1. Điều kiện hình thành phẩm chất của một doanh nhân tài năng của Nhật Bản

Shibusawa Eiichi (1840 - 1931) sinh ra trong một gia đình phú nông ở vùng Hanzawa, huyện Musashino nay thuộc thị trấn Fukaya, tỉnh Saitama. Gia đình ông không chỉ có nhiều ruộng đất trồng được đa dạng các loại cây lúa, hoa màu, mà còn sản xuất được thuốc nhuộm đi buôn bán khắp vùng. Do đó, gia đình ông vừa là nông dân, vừa là doanh nhân và là thương nhân giàu có. Nhờ đó từ nhỏ ông có điều kiện học hành hơn các con em gia đình khác, ông được học văn, học võ, học kinh doanh buôn bán, được giao lưu với các chí sĩ trên khắp mọi miền đất nước,... cùng với tố chất thông minh nên ông lĩnh hội được kiến thức rất nhanh.

Năm 24 tuổi ông được dịp đi sang Pháp, Anh và các nước châu Âu khác, ở đây ông được mắt thấy tai nghe về sự cường tráng của Âu - Mỹ, ông thấy được sự tiến bộ của châu Âu và mong đất nước Nhật Bản tương lai cũng phát triển được như vậy. Trong đó có 2 lĩnh vực mà ông dành sự quan tâm đặc biệt hơn cả là việc thành lập công ty và hoạt động của hệ thống ngân hàng. Hơn nữa, ông sống trong buổi giao thời giữa hai chế độ là phong kiến và tư bản chủ nghĩa, chứng kiến đất nước đứng trước nguy cơ bị mất nước do phương Tây xâm chiếm, trong ông càng hội tụ tinh thần yêu nước mãnh liệt trong một doanh nhân hào kiệt. Đó là những điều kiện để tích lũy vốn kiến thức và kinh nghiệm hình thành nên những phẩm chất của một doanh nhân tài năng Nhật Bản thời cận đại - Shibusawa Eiichi.

2.2. Nhà khởi nghiệp vĩ đại

Năm 1868, sau khi chính quyền Minh Trị lật đổ được Mạc Phủ, lúc này ông đang ở Pháp. Ông được triệu tập về Shizuoka làm việc, ông về phụ trách vấn đề tài chính của huyện Sunpu. Lúc này, ông vay tiền để lập ra Phòng Thương mại Shizuoka - đây là một loại hình ông ty cổ phần đầu tiên ở Nhật Bản. Điều này được xem như là bước khởi đầu để sau này ông liên tục lập ra những công ty cổ phần trên khắp các ngành nghề khác nhau thúc đẩy kinh tế Nhật Bản phát triển, tạo đà đẩy mạnh cho sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước.

Chính quyền mới rất coi trọng nhân tài, đặc biệt là những người từng đi du học ở Âu - Mỹ như ông. Nên một trong những người lãnh đạo cao cấp nhất của chính quyền Minh Trị là Okuma Shigenobu đã ra sức thuyết phục ông làm việc cho chính phủ. Năm 1869, ông lên Tokyo làm việc Ủy ban cải cách của Bộ Tài chính. Lúc bấy giờ, Nhật Bản đang tiến hành hàng loạt cải cách từ trung ương xuống địa phương, cải cách ở tất cả các bộ, ngành nên những kiến thức của ông rất cần thiết để tiến hành cải cách, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa ở Nhật.

Công lao lớn nhất của ông khi làm việc cho chính phủ là góp phần soạn thảo và ban hành quy định về đơn vị đo lường thống nhất và đặc biệt là Điều lệnh thành lập Ngân hàng Quốc lập (là ngân hàng tư nhân không phải ngân hàng nhà nước; được nhà nước cho đặc quyền phát hành tiền tệ, vốn huy động từ tư nhân và không được ngân sách nhà nước bảo lãnh), với mục đích là thiết lập hệ thống lưu thông tiền tệ đồng thời loại bỏ những tiền giấy phi hối đoái đã phát hành từ trước. Đây là một điểm thể hiện sự ứng biến linh hoạt của tinh thần Nhật Bản, Ngân hàng Quốc lập vừa là sự tiếp nhận cách thức thành lập và vận hành theo kiểu phương Tây, vừa phù hợp với điều kiện lịch sử Nhật Bản.

Sau 3 năm làm việc ở Bộ Tài chính, ông đã giúp đỡ chính phủ rất nhiều trong việc tiến hành các cải cách liên quan đến tài chính, tiền tệ và công nghiệp. Ông xin nghỉ việc công và ra ngoài hoạt động với tư cách là một nhà doanh nghiệp tư nhân. Khi biết ông từ chức để ra làm thương nghiệp, một người bạn của ông đã viết thư mắng ông hám tiền nên “từ bỏ chức quan cao quý trong triều đình để đi theo bọn con buôn”. Ông viết thư trả lời “Công thương nghiệp là nền tảng của quốc gia. Chọn những kẻ tầm thường làm quan chức triều đình thì cũng chẳng sao. Nhưng doanh nhân phải là bậc hiền tài. Nếu lực lượng doanh nhân là những bậc hiền tài thì sẽ bảo vệ được sự phồn thịnh của quốc gia”[1].

Sự nghiệp của ông không chỉ thiết lập và vận hành hoạt động của ngân hàng mà còn vận động thành lập công ty sản xuất. Dựa trên tư tưởng “chủ nghĩa góp vốn” và nguyên tắc thành lập công ty cổ phần, từ đó về sau ông thành lập không biết bao nhiêu công ty cổ phần và trở thành nhà khởi nghiệp vĩ đại nhất trong lịch sử Nhật Bản. Trong suốt cuộc đời của mình ông đã thành lập, chỉ đạo thành lập, góp vốn thành lập hơn 500 công ty trong hầu hết các lĩnh vực tài chính ngân hàng, giao thông vận tải, công thương nghiệp, công nghiệp quốc phòng với các ngành nghề trải dài từ ngân hàng tư nhân đến đường sắt, vận tải đường biển, xí nghiệp chế tạo, công ty mậu dịch, công ty dệt,... Chính những công ty này đã thúc đẩy các ngành liên quan phát triển và tạo nên nguồn tư bản khá lớn cho quá trình đi lên công nghiệp hóa thời Minh Trị.

2.3. Cha đẻ của triết lý kinh doanh Nhật Bản

Để đạt được sự nghiệp thành công như vậy là do ông luôn nhận thức được tầm quan trọng của đạo đức trong kinh doanh. Triết lý kinh doanh của ông rất hiện thực và dễ hiểu, thể hiện mối quan hệ giữa đạo đức và kinh doanh. Ông viết: “Đừng lầm tưởng là thương nghiệp và đạo đức không thể dung hòa được với nhau như nước với lửa. Cho dù tri thức có phát triển và tài sản có gia tăng bao nhiêu đi chăng nữa, nếu không có đạo đức thì không thể nào phát huy được hết sức mình trong thiên hạ”[2]. Triết lý này là tập hợp những bài nói của ông về phương pháp kinh doanh được ghi lại và xuất bản trong cuốn sách mang tên “Luận ngữ và bàn tính”. Luận ngữbàn tính là 2 biểu tượng của 2 khía cạnh luân lý kinh tế ở các nước Đông Á ngày trước, nhằm luận giải về tư tưởng "nghĩa lợi lưỡng toàn", tức kết hợp hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và đạo đức nhân nghĩa đối với quốc gia, làm cho doanh nhân trở thành mẫu hình đạo đức của xã hội, tương tự như mẫu hình "thánh hiền" của Nho giáo thời trước. Shibusawa xây dựng tư tưởng đó và thực hành nó nghiêm túc, bền bỉ, từ lúc làm quan cho chính quyền Mạc phủ, chính quyền Minh Trị, khi trở thành một doanh nhân độc lập trước chính quyền và cho đến khi qua đời.

Quan điểm của ông là ở bất kỳ nước văn minh nào các xí nghiệp kinh doanh cũng lấy lời hứa làm trọng, và người Nhật nếu không muốn bị thua thiệt thì phải tuyệt đối tôn trọng chữ “TÍN”.

Trong xã hội 4 cấp bậc “sĩ - nông - công - thương” của Nhật Bản, thì “sĩ” chính là tầng lớp võ sĩ đạo được xếp ở bậc cao nhất, còn “thương” là những người làm công thương nghiệp xếp sau cùng trong 4 cấp, vì định kiến những người làm công thương nghiệp là kiếm sống nhờ vào tài khôn vặt, dối trá, điêu ngoa nên luôn bị xã hội xem thường. Dù vào thời Minh Trị đã xóa bỏ chế độ đẳng cấp thay bằng một xã hội “Tứ dân bình đẳng” nhưng định kiến về người công thương nghiệp vẫn còn. Do đó, muốn Nhật Bản phát triển thì kinh tế phải phát triển, việc cần làm lúc này cần phải nâng cao địa vị của giới công thương nghiệp trong xã hội, hay nói cách khác là làm sao cho mọi người thấy được những nhà công thương nghiệp chính là những người có đạo đức khi kinh doanh, là những người thể hiện được chữ ĐỨC và chữ TÍN, ông chính là cha đẻ của triết lý kinh doanh Nhật Bản, là người có đóng góp quan trọng trong sự nghiệp duy tân đất nước.

Ngày nay, thế giới nói chung rất tín nhiệm doanh nhân Nhật Bản về chữ Tín. Chữ Tín của thương nhân là đều đã được các Nho gia và các sư Phật giáo thời Edo khởi xướng, được Shibusawa phát triển và thực hành triệt để cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Từ đó, nó trở thành một đặc trưng nổi bật của doanh nhân Nhật Bản hiện đại.

2.4. Ủng hộ xã hội coi trọng thương mại và công nghiệp

Shibusawa Eiichi thường xuyên xuất hiện tại các buổi lễ và nhiều sự kiện khác nhau. Khi đề cập đến nền kinh tế Nhật Bản, như đã trình bày ở trên, xã hội có khuynh hướng coi thường tầm quan trọng của công thương nghiệp, thì trong bài phát biểu của mình tại lễ tốt nghiệp năm 1904, ông nói: “Trên tất cả mọi thứ, Anh quốc là một đất nước nổi bậc nhất trong số các nước, không phải vì họ chỉ lo chuẩn bị cho chiến tranh, có hệ thống pháp luật và giáo dục, mà do suy nghĩ rằng một quốc gia không thể tiến lên trừ khi sự giàu có của cả nước càng lúc càng tăng. Nhờ tin rằng thương mại là cần thiết, họ đã đầu tư mọi nguồn lực vào thương mại và công nghiệp để đạt được mục tiêu đó. Vì vậy, đất nước ta cần phải dồn hết công sức vào lĩnh vực thương mại và công nghiệp”[3].

Ông tin tưởng mạnh mẽ rằng Nhật Bản cần phải học hỏi từ phương Tây và xây dựng một xã hội lấy thương mại và công nghiệp làm mục tiêu phát triển để đưa nước Nhật thành cường quốc kinh tế.

2.5. Đóng góp cho công cuộc xây dựng đất nước thông qua các công ty xã hội và dịch vụ công ích

Shibusawa bỏ công sức cho giáo dục và làm từ thiện, ông quan tâm đặc biệt đến giáo dục thực hành, đã tham gia sáng lập nhiều trường đại học. Thời gian đầu ông cùng những người bạn thành lập Sở giảng dạy về luật thương mại, sau này phát triển thành Đại học Hitotsubashi danh tiếng ngày nay. Tiếp theo là trường cao đẳng thương mại Tokyo bắt đầu thành lập năm 1875, với tư cách là một trường tư thục có tên gọi là Trường Đào tạo Thương mại, đã mời ông William Cogswell Whitney - Hiệu trưởng Trường Đào tạo Kinh doanh Trenton bang New Jersey của Mỹ sang giảng dạy. Vào năm 1876, Trường được đặt dưới sự quản lý của chính quyền địa phương Tokyo và sau đó là Bộ Nông nghiệp và Thương mại với tên là Trường Thương Mại Tokyo. Đến năm 1885, Trường được đặt dưới quyền quản lý của Bộ Giáo dục và trở thành Trường Cao đẳng Thương mại và đến năm 1902 đổi lại thành Trường Cao đẳng Thương mại Tokyo, sinh viên tốt nghiệp đầu tiên là vào năm 1889.[4] Danh sách liệt kê các môn học vào năm 1876 về chương trình học của trường gồm các môn Anh văn, văn phạm Anh văn, cách phát âm, toán kinh doanh, kế toán, các loại hình giao dịch thương mại, và những tập quán thương mại,... đây là chương trình học theo mô hình tại nhiều trường đại học về thương mại ở Mỹ. Chương trình học chú trọng đến nghiên cứu các văn bản thường dùng trong thương mại gắn liền với việc đào tạo thực hành thông qua những lớp giảng dạy bằng tiếng Anh do giáo viên nước ngoài chủ yếu sử dụng sách vở từ Anh và Mỹ. Shibusawa đánh giá cao đường hướng giáo dục thực hành, Shibusawa luôn kêu gọi nâng cao vị thế của ngành thương mại và công thương nghiệp.

Ông rất quan tâm đến vấn đề phụ nữ. Để thúc đẩy các hoạt động nâng cao vị thế của người phụ nữ trong xã hội Nhật Bản đương thời, ông cho thành lập “Hội quán phụ nữ Tokyo”, tiếp đó ông góp nhiều công sức và tiền bạc để xây dựng Trường Đại học Nữ Nhật Bản. Ông đem hết sức lực xây dựng và phát triển trường đại học này, thông qua những việc như đóng góp trực tiếp, tặng ký túc xá, đi phát biểu ngoài Tokyo để gây quỹ, và lập một quỹ cho tổ chức này. Ngoài ra, ông còn lập Hội khuyến học dành cho nữ. Lúc về già, ông làm Chủ tịch Hội từ thiện Nhi đồng quốc tế, phó Chủ tịch Hội Phục hưng Bảo tàng Hoàng gia, Chủ tịch Hội cứu trợ nạn nhân chịu thảm họa động đất vùng Kanto năm 1923.

3. Kết luận

Shibusawa Eiichi - Nhà tư bản lỗi lạc thời Minh Trị, người có những cống hiến vô cùng to lớn trong sự nghiệp phát triển toàn khu vực kinh tế tư nhân, với những đóng góp của ông cho nền kinh tế Nhật Bản trong các lĩnh vực ngân hàng, tiền tệ, giao thông vận tải, công thương nghiệp của ông đã thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa Nhật Bản, đưa nước Nhật trở thành nước “Phú quốc cường binh” thì có thể nói ông chính là cha đẻ của triết lý kinh doanh Nhật Bản và nhà doanh nghiệp vĩ đại nhất của Nhật Bản. Tên tuổi của ông được truyền tụng mãi ở Nhật Bản, chiếm một vị trí lớn trong sách giáo khoa cho học sinh các cấp và cả trong viện bảo tàng ở thành phố Fukaya tỉnh Saitama để tưởng nhớ tới những đóng góp của ông. “Nếu Mỹ có những nhà tư bản lỗi lạc như vua thép Carnegie, trùm xe hơi Ford thì Nhật có Shibusawa, người đặt nền móng xây dựng hầu hết các ngành nghề kinh doanh hiện đại của Nhật Bản, ông đã giúp thành lập hơn 500 công ty lớn nhỏ theo mô hình cổ phần hóa, tiền đề của nhiều tập đoàn lớn mạnh hiện nay”[5]. Vĩ nghiệp của ông rất hiếm người có thể so sánh được trên đời này!

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Lam Điền (2019). Shibusawa Eiichi và bài học từ Nhật Bản: Nâng cao phẩm cách của doanh nhân, trên https://tuoitre.vn/shibusawa-eiichi-va-bai-hoc-tu-nhat-ban-nang-cao-pham-cach-cua-doanh-nhan-20191017091643022.htm

[2] Nguyễn Tiến Lực (2018). Duy Tân thập kiệt. Hà Nội: Khoa học Xã hội, tr.333.

[3,4,5] Shimada Masakazu. (2018). Nhà tư bản lỗi lạc thời Minh Trị Sibusawa Eiichi - Cha đẻ của kinh tế tập đoàn Nhật Bản hiện đại. (Nguyễn Duy Lễ dịch). TP. Hồ Chí Minh: Thế giới

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Sakaya Taiichi (2004). Mười hai người lập ra nước Nhật. (Đặng Lương Mô dịch). Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia.
  2. Trần Văn Thọ. Shibusawa Eiichi: Nhà doanh nghiệp vĩ đại nhất Nhật Bản. Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần, số ra ngày 21/1/2005.
  3. Nhiều tác giả (2014). Kinh tế và đạo đức thời hiện đại. TP. Hồ Chí Minh: Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

 

SHIBUSAWA EIICHI - THE FATHER OF JAPANESE BUSINESS PHILOSOPHY

PHAN THI MAI TRAM

University of Social Sciences and Humanities

Vietnam National University - Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

Shibusawa Eiichi is one of the great leaders of Japan during the Meiji period and he is considered the fathers of Japanese business philosophy. This paper analyzes his contributions to the Japanese economy in the fields of finance, transportation, industry and commerce. Considering the contribution of Shibusawa Eiichi to the Japanese economic development, his influence on the country’s industrialization process and his personal characteristics, Shibusawa Eiichi is one of the greatest entrepreneurs of Japan.

Keywords: Shibusawa Eiichi, Japanese business philosophy, industrialization.