Tạp chí Công Thương đã có cuộc phỏng vấn nhanh với ông Võ Văn Chiêu - Giám đốc Sở Công Thương Sóc Trăng về vấn đề này.
Thưa ông, một trong 3 trụ cột phát triển Thủ tướng Chính phủ định hướng cho Sóc Trăng là phát triển năng lượng tái tạo. Vậy ông có thể cho biết tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo tại Sóc Trăng như thế nào?
Ông Võ Văn Chiêu: Sóc Trăng rất có tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời. Nhiều nhà đầu tư đã xin đi khảo sát và hiện đã có trên 30 nhà đầu tư xin đăng ký dự án điện gió, và khoảng 10 nhà đầu tư đăng ký điện mặt trời.
Tuy nhiên, để khai thác và phát triển được hết tiềm năng thì chúng tôi đang gặp một số khó khăn.
Với điện gió thì đó là cơ chế giá, do giá qui định 7,8 cent/kWh khá thấp, lợi nhuận ít nên các nhà đầu tư còn đang e ngại. Đầu tháng 7 này Sóc Trăng sẽ xét cấp chứng nhận đầu tư cho khoảng 10 dự án điện gió cho giai đoạn đến năm 2020. Hy vọng giá điện gió Chính phủ ban hành tới đây sẽ phù hợp hơn để đảm bảo nhà đầu tư có lãi.
Còn với điện mặt trời giá rất hấp dẫn nhưng lại đang khó ở quy hoạch do Chính phủ đang tạm dừng bổ sung qui hoạch với điện mặt trời. Hiện ở Sóc Trăng có khoảng 10 nhà đầu tư đăng ký điện mặt trời, với qui mô khoảng vài trăm MW nhưng chưa có ai được bổ sung quy hoạch. Trong khi đó một số tỉnh khác lại được bổ sung quy hoạch tới hơn hàng nghìn MW nhưng Sóc Trăng lại không được, đây là điều rất đáng tiếc.
Sóc Trăng mong được bổ sung quy hoạch điện mặt trờiTuy nhiên, Bộ Công Thương có chỉ đạo Sóc Trăng khai thác hết tiềm năng điện gió, điện mặt trời nên nếu có dự án nào phù hợp sẽ cho bổ sung trong thời gian tới. Tất nhiên là phải căn cứ trên khả năng truyền tải của lưới điện, vì lưới truyền tải của Tổng công ty Điện lực miền Nam cũng có hạn, do nuôi trồng thủy sản và điện cho phát triển công nghiệp. Theo quy hoạch, đến năm 2020, tỉnh Sóc Trăng được phát lên lưới 1100 MW năng lượng tái tạo và chúng tôi có thể hy vọng các dự án có thể nhanh chóng triển khai để đạt mục tiêu đề ra.
Với những rào cản này thì Sóc Trăng làm thế nào để tiếp tục thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo, thưa ông?
Ông Võ Văn Chiêu: Mặc dù khó khăn nhưng các nhà đầu tư vẫn quyết tâm và mong muốn được đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo của tỉnh.
Sóc Trăng là một tỉnh nghèo. Thành phố Sóc Trăng là thành phố khó khăn, còn lại các huyện là đặc biệt khó khăn, nên các nhà đầu tư trong mọi lĩnh vực đều được ưu đãi như giao đất đầu tư không thu tiền sử dụng đất, thuế hưởng ưu đãi theo khu vực đặc biệt khó khăn, ưu đãi thu nhập doanh nghiệp…
Tỉnh sẽ luôn trải thảm đỏ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư để thu hút dự án, đặc biệt là trong 3 trụ cột phát triển của tỉnh, trong đó có năng lượng tái tạo.
Phát triển điện gió thì không chiếm diện tích, nhưng ngược lại, điện mặt trời lại chiếm diện tích lớn. Vậy Sóc Trăng xử lý vấn đề này như thế nào để không ảnh hưởng đến người dân?
Ông Võ Văn Chiêu: Quan điểm của Sóc Trăng là lựa chọn những vùng đất, vị trí kém hiệu quả, hoặc theo mấy tiêu chí
Điện mặt trời kết hợp với sản xuất nông nghiệp theo hướng trên là điện mặt trời, dưới khai thác tiềm năng mặt đất cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Hay điện mặt trời kết hợp với nuôi trồng thủy sản, tuy hiện chưa có mô hình nhưng theo nghiên cứu nếu áp dụng công nghệ cao thì có khả năng làm được. Có thể để tấm pin năng lượng mặt trời trên phần diện tích làm bể lắng lọc của đầm tôm.
Hoặc điện mặt trời kết hợp với điện gió, khi điện gió lên lưới, điện mặt trời ghép cùng để lên lưới có sẵn.
Việc này phụ thuộc nhiều vào việc lên lưới. Vì điện mặt trời chỉ có ban ngày, muốn phục vụ lại cho ban đêm thì phải bán được vào lưới, rồi đến đêm lấy từ trên lưới xuống. Còn nếu đầu tư pin tích điện thì giá thành cao hơn việc mua điện lưới, nên không khả thi. Vấn đề mấu chốt là đấu nối để EVN mua điện khi thừa tải vào ban ngày, để đổi lấy điện lưới vào ban đêm.
Chúng tôi đã tính toán với cùng một diện tích trồng lúa, nuôi tôm mà làm điện mặt trời hiệu quả tăng gấp 10 giá trị thì nên làm.
Sóc Trăng cũng là tỉnh nông nghiệp, vậy tỉnh có nghĩ tới năng lượng sinh khối?
Ông Võ Văn Chiêu: Sóc Trăng đã và đang làm năng lượng sinh khối từ trấu, rơm, rạ, bã mía… Hiện, Sóc Trăng đang có một nhà máy đường làm đồng phát từ nguyên liệu bã mía được 12 MW, dự kiến đến năm 2020 mở công suất dần lên khoảng 17-18 MW.
Trong số các dạng năng lượng tái tạo thì năng lượng sinh khối đang chạy trước và có hiệu quả, tỉnh đang quy hoạch từ nay đến năm 2020, 2030, điện sinh khối từ trấu, rơm, rạ, gỗ có thể đạt 40 MW. Trong đó trấu là chính.
Vì rơm rạ hiện vẫn đang phục vụ chủ yếu cho chăn nuôi nên phát huy chưa tốt bằng điện trấu. Như rơm rạ của Sóc Trăng giờ chuyển ra Nghệ An phục vụ trang trại bò của TH True Milk, bán với giá 2.000 đ/kg.
Còn một vấn đề nữa mà Sóc Trăng đang rất quan tâm là kêu gọi đầu tư vào phát triển điện rác, chỉ cần qui mô công suất nhỏ nhưng rất cần thiết vì hiện nay các nơi đang đốt xử lý theo kiểu đốt rất độc hại.
Nhìn chung, tất cả những vấn đề liên quan đến năng lượng tái tạo đều được tỉnh chú trọng kêu gọi đầu tư và tạo điều kiện để thu hút các dự án nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng năng lượng tái tạo của tỉnh.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!