Sự cần thiết khách quan của việc hoàn thiện pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại ở nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào

Toudouachi Chaovang (Giảng viên Khoa Luật, Đại học Quốc gia Lào, NCS Trường Đại học Luật Hà Nội)

Tóm tắt:  
Bài viết phân tích những lý do khách quan phải hoàn thiện pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong bối cảnh chính trị, kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế hiện nay ở nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Từ khóa: Khiếu nại, giải quyết khiếu nại, pháp luật, hoàn thiện, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

1. Đặt vấn đề
Trong bài viết “Pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào” đăng trên số 7, tháng 5/2018 của Tạp chí Công Thương, tác giả bài viết đã phân tích những nội dung cơ bản của Luật Giải quyết khiếu nại 2014 của Lào1. Qua đó có thể thấy, mặc dù đã ban hành các văn bản pháp quy để làm cơ sở giải quyết các khiếu nại phát sinh trong quản lý nhà nước ở Lào nhưng hệ thống các quy định này còn tương đối đơn giản và chưa điều chỉnh được triệt để các mối quan hệ phát sinh trong khiếu nại và giải quyết khiếu nại tại Lào hiện nay. Đặc biệt, quan niệm hỗn hợp, không phân tách các quy định về khiếu nại với tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân là nguyên nhân chính dẫn đến việc kém hiệu quả trong giải quyết các nội dung khác nhau trong đơn thư khiếu nại của công dân Lào, từ đó, dẫn đến sự kém hiệu quả trong giải quyết khiếu nại. Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội Lào hiện nay, có thể thấy rõ, ở Lào, khiếu nại đang có xu hướng gia tăng về số lượng và phức tạp về tính chất, đặc biệt là khiếu nại và khiếu nại đông người liên quan đến đất đai do thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Vì vậy, hoàn thiện pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong giai đoạn hiện nay là một vấn đề cấp thiết, đồng thời cũng mang tính chiến lược lâu dài nằm trong tiến trình xây dựng đất nước Lào hưng thịnh, văn minh, phát triển.
2. Vì sao pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào cần phải được hoàn thiện?
Thứ nhất, xuất phát từ tác động của quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong quan hệ giữa pháp luật và kinh tế thì các tiền đề kinh tế không những là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự ra đời của pháp luật mà còn quyết định toàn bộ nội dung, tính chất, cơ cấu, cơ chế điều chỉnh của pháp luật. Vì vậy, sự cần thiết khách quan đối với việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo xuất phát trước hết từ thực trạng và xu hướng phát triển của các quan hệ kinh tế - xã hội nói chung và các yêu cầu đòi hỏi của quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Lào.
Thực hiện việc chuyển đổi từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tất yếu sẽ làm thay đổi căn bản các quan hệ kinh tế, cũng như sự vận hành của các quy luật kinh tế. Đây là nguyên nhân trước hết dẫn đến những thay đổi và sự cần thiết phải hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khiếu nại. Vì vậy, việc điều chỉnh pháp luật nói chung, cũng như điều chỉnh pháp luật trong lĩnh vực khiếu nại và giải quyết khiếu nại cần phải phù hợp với thực trạng đó của nền kinh tế. Đây là nhân tố quan trọng hàng đầu đối với việc hoàn thiện pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại và chỉ trên cơ sở đó mới có thể tạo ra một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phù hợp, điều chỉnh có hiệu lực, hiệu quả, không mắc phải những sai lầm của tư duy chủ quan duy ý chí, nóng vội, muốn xây dựng ngay một hệ thống pháp luật hoàn thiện nhưng không phù hợp với các điều kiện kinh tế.
Thực hiện sự quản lý của mình đối với nền kinh tế thị trường, Nhà nước sử dụng nhiều công cụ, phương tiện khác nhau, như: kế hoạch, chính sách pháp luật… Song trong đó, pháp luật được coi là phương tiện cơ bản nhất, quan trọng nhất, do đó xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước ở Lào đã đặt ra yêu cầu phải không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, cũng như pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại nói riêng. Mặt khác, trong nền kinh tế thị trường, các quan hệ kinh tế nói riêng và các quan hệ xã hội nói chung vận động rất nhanh, đòi hỏi pháp luật nói chung và pháp luật về khiếu nại nói riêng cần phải có sự thay đổi tương ứng để có sự điều chỉnh nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, các quyền con người, quyền công dân ngày càng được mở rộng, vì vậy quyền khiếu nại cũng phải được mở rộng để có thể tương xứng với vai trò của quyền khiếu nại là quyền bảo vệ quyền.
Các điều kiện kinh tế có ảnh hưởng mang tính quyết định đến cơ chế thực hiện quyền khiếu nại, cơ chế giải quyết khiếu nại. Chính vì vậy, cần phải có tư duy mới, nhận thức toàn diện hơn về quyền khiếu nại, cơ chế giải quyết khiếu nại, đảm bảo cho quyền khiếu nại được thực thi đầy đủ trên thực tế. Điều này phải bắt đầu từ việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại sao cho pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại thực sự là phương tiện hữu hiệu bảo vệ các quyền, tự do, lợi ích hợp pháp của công dân.
Thứ hai, xuất phát từ tác động của tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và quá trình dân chủ hóa đời sống nhà nước, đời sống xã hội.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã khẳng định, một trong những quan điểm cơ bản nhằm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào là “Nhà nước là công cụ để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, là nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân… Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật.”2
Quản lý nhà nước bằng pháp luật là yêu cầu khách quan của một xã hội văn minh, công bằng, dân chủ, là phương pháp cơ bản đảm bảo hiệu lực và hiệu quả quản lý của Nhà nước. Xây dựng nhà nước pháp quyền hoạt động trên cơ sở pháp luật, thực hiện quản lý tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, bảo đảm cho toàn xã hội nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Trên cơ sở đó, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được đảm bảo, khắc phục được sự tùy tiện, lạm quyền của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước.
Đại hội IX của Đảng chỉ rõ: “Đổi mới cơ chế, xác định trách nhiệm của các cấp, các cơ quan, cán bộ, công chức trong việc giải quyết kịp thời khiếu nại của công dân”. Điều này tác động rất lớn đến pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại. Pháp luật về khiếu nại phải được xây dựng sao cho nội dung của nó phản ánh được những tư tưởng về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực khiếu nại và giải quyết khiếu nại với những nội dung chính là:
(1) Pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại phải phản ánh được mối quan hệ trách nhiệm qua lại giữa Nhà nước và công dân. Khi khẳng định công dân có quyền khiếu nại thì cũng phải khẳng định Nhà nước có nghĩa vụ giải quyết khiếu nại, bảo đảm cho quyền khiếu nại của dân được thực thi.
(2) Pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại thể hiện sự phân công rõ ràng và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước trong việc giải quyết khiếu nại, có một chế độ trách nhiệm cụ thể của các cơ quan nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình giải quyết khiếu nại.
Mặt khác, quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa không tách rời với quá trình phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, Văn kiện Đại hội IX chỉ rõ: “Phát huy dân chủ, giữ vững kỉ luật, kỉ cương, tăng cường pháp chế… thực hiện tốt quy chế dân chủ, mở rộng dân chủ trực tiếp ở cơ sở. Chăm lo cho con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người. Giải quyết kịp thời khiếu nại của công dân”. Vì vậy, pháp luật về khiếu nại phải thể hiện được nguyên tắc dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo được sự kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với quá trình giải quyết khiếu nại và thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật cũng phải tạo ra một cơ chế để huy động sức mạnh chung của cả xã hội vào việc giải quyết khiếu nại của công dân.
Thứ ba, do tác động của quá trình cải cách hành chính và hiện đại hóa nền hành chính.
Cải cách hành chính và hiện đại hóa nền hành chính là vấn đề mang tính phổ biến trên toàn thế giới, được mọi quốc gia quan tâm, nhưng mức độ và nhu cầu cải cách, hiện đại hóa nền hành chính ở mỗi nước lại rất khác nhau, tùy thuộc vào các quá trình chính trị, kinh tế - xã hội đang diễn ra rất sôi động và vào mức độ năng động, khả năng thực tế “làm dịch vụ công cộng” của nền hành chính đối với xã hội, nhân dân, hình thức cấu trúc nhà nước, truyền thống lịch sử của quốc gia đó và nhiều nhân tố chủ quan, khách quan khác nhau.
Trong khi đó, hiện nay các cơ quan hành chính nhà nước là lực lượng chủ yếu giải quyết khiếu nại. Vì vậy, việc hoàn thiện pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại cũng phải được đặt trong lộ trình cải cách hành chính, góp phần tạo ra một cuộc cải cách hành chính đồng bộ, xây dựng một nền hành chính trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả.
Thứ tư, do ảnh hưởng tiêu cực của cơ chế quản lỹ cũ, sự quan liêu trong bộ máy nhà nước.
Trong một thời gian dài, cơ chế quản lý tập trung đã nảy sinh ra sự quan liêu trong hoạt động bộ máy nhà nước Lào nói chung và trong công tác giải quyết khiếu nại nói riêng. Trong rất nhiều trường hợp, từ sự quan liêu của Nhà nước đã dẫn đến các quyết định pháp luật cá biệt, hành vi công vụ bất hợp pháp, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức làm phát sinh khiếu nại. Đồng thời, quá trình giải quyết khiếu nại cũng do quan liêu làm cho khiếu nại kéo dài, vượt cấp. Vì vậy, pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại cần phải được thiết kế theo hướng sao cho khắc phục được sự quan liêu này. Muốn như vậy, pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại cần phải có các quy định để buộc các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải thực sự sát thực tế, điều tra, nghiên cứu, đánh giá bản chất của sự việc một cách khách quan, toàn diện, để nhằm tạo ra các quyết định giải quyết khiếu nại đúng đắn. Mặt khác, pháp luật về khiếu nại nên các quy định xác định cụ thể trách nhiệm của các cấp giải quyết khiếu nại cũng cần có các quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham mưu giúp việc cho cấp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại và phải có những quy định mang tính nguyên tắc để đảm bảo dân chủ trong quá trình giải quyết khiếu nại.
Thứ năm, sự tác động của xu thế hội nhập và toàn cầu hóa.
Lào là một quốc gia đa dạng về tiềm năng lại nằm ở một vị trí quan trọng trong khu vực Đông Nam Á. Cho nên một mặt Nhà nước Lào chủ động hội nhập, mặt khác cũng chịu sự tác động mạnh mẽ của xu thế hội nhập và toàn cầu hóa. Điều này có nghĩa là các quan hệ xã hội mang tính quốc tế, có yếu tố nước ngoài ở Lào ngày càng nhiều, phong phú, phức tạp. Tức là các khiếu nại có yếu tố nước ngoài cũng sẽ tăng lên cùng với mức độ hội nhập của Lào. Vì vậy, pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại cũng cần phải có những thay đổi nhất định để phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế về khiếu nại và giải quyết khiếu nại, góp phần tạo điều kiện cho tiến trình hội nhập của đất nước.
Thứ sáu, sự tác động của bối cảnh chính trị trong và ngoài nước.
Một trong những điều kiện tiên quyết để đất nước Lào phát triển là phải có một nền chính trị ổn định, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Trước sự phát triển của xã hội hiện nay cũng như sự phức tạp của bối cảnh chính trị, nên việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong rất nhiều trường hợp đã tác động xấu đến tình hình chính trị trong nước, nhất là các trường hợp khiếu nại không được giải quyết dứt điểm, có cơ sở pháp lý và phù hợp với thực tiễn dẫn đến khiếu nại kéo dài, đơn thư vượt cấp, gửi nhiều nơi hoặc các trường hợp khiếu kiện đông người… Thực tiễn cho thấy, những trường hợp này chứa trong đó các tiềm ẩn nguy hại cho sự ổn định chính trị trong nước, dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng, can thiệp. Vì vậy, pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại cần phải tạo ra cơ sở pháp lý đầy đủ, đảm bảo giải quyết khiếu nại dứt điểm ngay từ khi khiếu nại mới phát sinh.
Thứ bảy, các tồn tại, hạn chế của pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại cũng nhưng pháp luật trong các lĩnh vực có liên quan khác hiện nay ở Lào.
Hiện nay, mặc dù Luật Khiếu nại năm 2014 quy định về quyền khiếu nại và giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên, xét cho đến cùng, đó chỉ là việc giải quyết các loại đơn của công dân gửi đến cơ quan nhà nước, trong đó có khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính. Luật này chưa quy định một cách cụ thể các loại đơn và cơ chế giải quyết đặc thù cho mỗi loại đơn. Cho dù là khiếu nại hành chính, tố cáo hay phản ánh, kiến nghị đều được giải quyết như nhau. Đó là sự bất hợp lý lớn nhất cần được giải quyết, khắc phục ngay để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước hiện nay ở Lào.
Chúng ta biết rằng, để giải quyết triệt để khiếu nại, không thể chỉ dựa vào quy định của pháp luật về khiếu nại mà còn phải dựa vào rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật khác để làm căn cứ pháp lý kết luận xem khiếu nại đó đúng hay sai. Tuy nhiên, bản thân hệ thống pháp luật nước Lào hiện nay còn chưa đồng bộ, hay thay đổi, nhiều văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo hoặc chưa ban hành kịp thời để điều chỉnh. Việc ban hành các văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành còn rất chậm và đòi hỏi hiện nay là phải tăng cường công tác lập pháp, xây dựng chương trình dài hạn về lập pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đổi mới quy trình ban hành và hướng dẫn thi hành luật.
3. Kết luận
Trước sự đòi hỏi của thực tiễn, sự tác động của các nhân tố khách quan và chủ quan, pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại hiện nay của Lào rõ ràng chưa đáp ứng được các yêu cầu của thực tiễn, chưa xứng đáng được với vị trí là cơ sở pháp lý cho quyền khiếu nại trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực khiếu nại và giải quyết khiếu nại là một vấn đề cấp thiết, đồng thời cũng mang tính chiến lược lâu dài nằm trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
1 Toudouachi Chaovang, Pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Tạp chí Công Thương, số 7 tháng 5/2018, trang 67-72.
2 Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (2011), Văn kiện Đại hội IX của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, NXB Nhà nước Lào, Viêng Chăn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (2011), Văn kiện Đại hội IX của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, NXB Nhà nước Lào, Viêng Chăn.
2. Luật Giải quyết khiếu nại 2005 Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
3. Luật Giải quyết khiếu nại 2014 Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
4. Khamsing Xaysomphaeng (2013) “Tăng cường vai trò của Quốc hội trong việc giải quyết khiếu nại của nhân dân, Luận văn thạc sĩ luật học - Đại học Quốc gia Lào.

THE NEEDS FOR IMPROVING THE LAW ON COMPLAINTS AND SETTLEMENT OF COMPLAINTS IN THE LAO PEOPLE'S DEMOCRATIC REPUBLIC

Toudouachi Chaovang

Lecturer of Faculty of Law, National University of Laos

PgD of Hanoi Law University

ABSTRACT:

The paper analyzes the objective factors to improve the law on complaints and settlement of complaints in the current political and socio-economic context in the Lao People's Democratic Republic.

Keywords: Complaints, settlement of complaints, law, perfection, Lao People's Democratic Republic