Ông Dương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhôm thanh định hình Việt Nam đã chia sẻ về kinh nghiệm của hiệp hội và các doanh nghiệp thành viên trong vấn đề này.
Phòng vệ thương mại là một công cụ chính đáng và cần được phổ rộng
Chúng ta thấy rằng có rất nhiều ngành hàng, doanh nghiệp nhờ áp dụng phòng vệ thương mại không chỉ bảo vệ được chính ngành nghề của mình mà thậm chí còn có được những lợi ích ưu việt cho mình. Đây cũng chính là câu chuyện của doanh nghiệp ngành nhôm khi từ chỗ đứng trên bờ vực phá sản đã giành lại được thị trường của mình. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về câu chuyện của ngành nhôm được không?
Ông Dương Quốc Tuấn: Hiệp hội Nhôm mới ra đời cách đây 4 năm và các doanh nghiệp trong Hiệp hội Nhôm cũng là những doanh nghiệp rất trẻ. Trước đây ngành nhôm Việt Nam nằm trong tay những nhà đầu tư nước ngoài từ Đài Loan, Trung Quốc… và các doanh nghiệp Việt Nam ban đầu chỉ là những nhà phân phối đại lý cho các doanh nghiệp đó nhưng trong những năm gần đây cũng đã bắt đầu thành lập doanh nghiệp và làm chủ được sản xuất, thương mại ở trong lĩnh vực nhôm trong nước.
Trong bối cảnh năm 2018 khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung xảy ra, lượng hàng hóa Trung Quốc sản xuất ra xuất khâ đi Mỹ bị ách tắc lại và nhôm cũng là một trong những mặt hàng như vậy.
Khi đó, thông qua việc chuyển sang Việt Nam từ các đường thương mại chính tắc cũng như thương mại tiểu ngạch đã làm cho những nhà sản xuất nhôm non trẻ của Hiệp hội chúng tôi gặp khó khăn.
Trước tình hình đó, Hiệp hội đã họp lại và được sự hỗ trợ, hướng dẫn từ Bộ Công Thương, từ Cục Phòng vệ thương mại, chúng tôi đã chính thức phát đơn khởi kiện chống bán phá giá đối với các mặt hàng nhôm nhập khẩu.
Sau hơn một năm kết quả cũng đã có được quyết định về nâng mức thuế nhập khẩu đối với các loại hình sản phẩm nhôm từ 2,5% đến trên 30%. Đây là một biện pháp phòng vệ rất chính đáng trong hoạt động thương mại mà Hiệp hội Nhôm dù là đơn vị trẻ đã làm được giúp cho những thành viên của mình.
Nhờ động lực đó, trong 4 năm vừa rồi Hiệp hội Nhôm đã phát triển từ 12 doanh nghiệp đầu tiên đến nay chúng tôi đã gia tăng lên gần 50 thành viên, tạo được một sân chơi, thai nghén cho ngành nhôm là một sản phẩm rất phổ dụng trong các lĩnh vực công nghiệp và tiêu dùng.
Có thể nói, thông qua hoạt động về phòng vệ thương mại, chính những doanh nghiệp trong Hiệp hội đã vực dậy được thị trường trong nước và cũng bắt đầu có những hoạt động xuất khẩu ra nước ngoài, đem lại ngoại tệ cho đất nước.
Đấy là những giá trị mà tôi cho rằng phòng vệ thương mại là một công cụ chính đáng và cần được phổ rộng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu cũng như doanh nghiệp nhập khẩu những sản phẩm trong lĩnh vực kim loại.
Theo ông vì đâu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam liên tiếp bị điều tra phòng vệ thương mại?
Ông Dương Quốc Tuấn: Câu chuyện phòng vệ thương mại thì những nước phát triển đã sử dụng từ lâu, có những nước đã đến cả 100 năm. Việt Nam trong tiến trình hội nhập càng ngày càng sâu rộng thì phòng vệ thương mại là công cụ tôi nghĩ bất cứ doanh nghiệp nào không chỉ xuất khẩu hay nhập khẩu mà chúng ta cũng nên quan tâm, đặc biệt với những doanh nghiệp nhỏ rất khó khăn về nguồn lực cũng như về kiến thức chuyên môn.
Kinh nghiệm của Hiệp hội Nhôm chúng tôi là Hiệp hội sẽ đứng ra kết nối các doanh nghiệp tham gia những vụ kiện về chống bán phá giá hay phòng vệ thương mại. Chúng tôi sẽ kết nối các doanh nghiệp đó, tập hợp thông tin và tư vấn hướng dẫn trong phạm vi Hiệp hội nắm được. Đồng thời chúng tôi làm việc với các cơ quan chuyên môn như Cục Phòng vệ thương mại và các đơn vị luật nếu có.
Đấy là vai trò của Hiệp hội sẽ giúp cho các doanh nghiệp tham gia tập trung hơn và đúng quy trình với chuẩn mực quốc tế về khởi kiện cũng như để phòng vệ chính đáng theo những quy định, chính sách liên quan đến phòng vệ thương mại mà chúng ta đã được hưởng hay chúng ta đã được áp dụng.
Đối với Hiệp hội Nhôm, không chỉ được hưởng lợi từ việc quyết định áp chống bán phá giá với nhôm nhập khẩu cách đây 4 năm mà chúng tôi cũng liên tục đối mặt với những vụ kiện của các doanh nghiệp nước ngoài. Họ kiện sản phẩm nhôm của chúng ta có thể trốn xuất xứ hay né tránh nguồn gốc.
Cũng do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung mà Mỹ đánh thuế rất cao hàng nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc dẫn đến có một số doanh nghiệp đã lợi dụng đưa hàng hóa sang dựa vào xuất xứ của Việt Nam để lẩn tránh. Chính điều đấy làm những doanh nghiệp trong nước bị vạ lây. Bản thân Hiệp hội chúng tôi trong 2 năm vừa rồi cũng đã nhận được 3 đơn khởi kiện từ các nước như Mỹ, Ai Cập và gần đây là Úc. Chúng tôi đang phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong Hiệp hội xử lý những vấn đề liên quan đến chuyên môn để phòng vệ chính đáng cho xuất xứ hàng hóa của mình xuất khẩu đi các nước này.
Làm tốt "kiềng ba chân"
Thưa ông, có thể thấy rằng cùng với sự đồng hành của Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương với các doanh nghiệp, theo ông, với những doanh nghiệp nhôm hiện nay để hạn chế thấp nhất việc bị khởi kiện phòng vệ thương mại thì chúng ta nên tự bảo vệ mình bằng những cách nào?
Ông Dương Quốc Tuấn: Câu hỏi này cũng là một trong những thực tiễn mà các doanh nghiệp ngành nhôm chúng tôi đối mặt trong thời gian qua và cũng tích lũy được những kinh nghiệm. Hiệp hội chúng tôi với vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp với thị trường, cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý để tham mưu và hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện được những hoạt động kinh doanh hiệu quả cũng như tuân thủ đúng các quy định của pháp luật thì chúng tôi đã đặt ra những khái niệm như chúng ta phải đi như "kiềng ba chân".
Chân kiềng thứ nhất là chúng ta phải làm tốt và làm chắc thương hiệu với chất lượng của mình ở thị trường nội địa để giữ được một thị phần nhất định, không phụ thuộc quá nhiều vào thị trường nước ngoài.
Chân kiềng thứ hai là đối với những thị trường xuất khẩu, chúng ta phải tìm hiểu và làm theo đúng những quy định, thông lệ quốc tế cũng như văn hóa, quy định về chính sách thương mại của các nước sở tại. Thông qua Hiệp hội, chúng tôi hỗ trợ về mặt thông tin, xúc tiến thương mại, kiến thức thị trường... cho các doanh nghiệp trong Hiệp hội.
Chân kiềng thứ ba là khi xảy ra những vụ khởi kiện hay những vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại, khiếu nại…, chúng tôi sẽ kết hợp với các cơ quan chức năng như Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương và các đơn vị chuyên môn về pháp lý quốc tế giúp doanh nghiệp cập nhật thông tin, thực hiện đúng những quy định, quy trình về phòng vệ thương mại quốc tế.
Xin cảm ơn ông!