Tác động của công nghệ đến năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại

ThS. MAI BÌNH DƯƠNG (Trường Đại học Văn Lang)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu nhằm xác định mức độ ảnh hưởng của đầu tư công nghệ tới năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Nghiên cứu sử dụng dữ liệu bảng của 5 ngân hàng thương mại tại Việt Nam qua 5 năm từ năm 2010 đến 2014. Kết quả nghiên cứu cho thấy các ngân hàng tăng cường mức độ đầu tư cao vào công nghệ thì có lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) gia tăng hơn so với các ngân hàng thương mại ít chú trọng đầu tư công nghệ.

Từ khóa: Công nghệ, ROA, ROE, năng lực cạnh tranh, ngân hàng thương mại.

1. Lý luận về tác động của công nghệ đến năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại

1.1. Khái quát về năng lực cạnh tranh

Năng lực cạnh tranh là một khái niệm được đề cập đến trong nhiều công trình nghiên cứu của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD),... Trong các công trình nghiên cứu của Mehra (1998), Ramasamy (1995), năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là khả năng duy trì và mở rộng thị phần, thu lợi nhuận của doanh nghiệp. Đây là cách quan niệm khá phổ biến hiện nay, theo đó năng lực cạnh tranh là khả năng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ so với đối thủ và khả năng thu lợi của các doanh nghiệp. Đây cũng là quan điểm được tác giả sử dụng khi đề cập đến năng lực cạnh tranh trong nghiên cứu này.

1.2. Khái quát về công nghệ số hóa trong ngân hàng thương mại

Công nghệ số hóa là khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào tất các lĩnh vực hoạt động của ngân hàng, số hóa được các dữ liệu, thông tin,… phục vụ cho hoạt động kinh doanh, hoạt động quản lý nội bộ, hoạt động bảo mật thông tin khách hàng và hoạt động an ninh, an toàn hệ thống.

1.3. Tác động của công nghệ đến năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại

+ Ứng dụng công nghệ sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các ngân hàng thương mại

Xu hướng số hóa của các ngân hàng thể hiện qua các giao dịch điện tử trên các thiết bị ngày càng nhiều, không chỉ với ATM, POS truyền thống, các thiết bị di động, từ điện thoại di động đến máy tính bảng đã được khách hàng sử dụng nhiều hơn để tiếp cận thông tin sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Chính nhờ việc ứng dụng số hóa của các ngân hàng mà người sử dụng dịch vụ tài chính có được sự thuận tiện, giảm thiểu được chi phí và có thể tiếp cận một cách trực tiếp với sự trợ giúp, ưu đãi từ các ngân hàng mà không cần phải tới chi nhánh hay điểm giao dịch. Điều này tạo thuận lợi để thu hút được nhiều hơn đối tượng sử dụng dịch vụ của ngân hàng đặc biệt là những người bận rộn, người khó khăn trong việc di chuyển.

+ Ứng dụng công nghệ sẽ tạo ra nhiều thách thức cho các ngân hàng thương mại

Chi phí đầu tư cho việc chuyển đổi công nghệ tương đối cao, theo thông tin do các ngân hàng thương mại (NHTM) công bố, chi phí đầu tư cho công nghệ mới lên đến hàng triệu đô la Mỹ, một NHTM cổ phần có thể phải bỏ ra từ 3 đến 5 triệu đô la cho đầu tư công nghệ trong khi các NHTM nhà nước còn tiêu tốn gấp từ 2 đến 3 lần con số này. Nếu như các NHTM không tính toán kĩ lưỡng và có chiến lược hoạch định mà đầu tư dàn trải sẽ đạt hiệu quả không cao.

2. Mô hình nghiên cứu về tác động của công nghệ số đến năng lực cạnh tranh của các NHTM Việt Nam

2.1. Mô hình nghiên cứu

Để đánh giá ảnh hưởng của công nghệ số đến năng lực cạnh tranh của các NHTM Việt Nam, hai mô hình kinh tế lượng dưới đây được xây dựng, trong đó các biến phụ thuộc của mô hình là tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ROE và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản ROA của NHTM. Đó cũng là hai biến đo lường năng lực cạnh tranh của các NHTM. Ở cả hai mô hình, tác động của công nghệ số được xem xét thông qua việc đầu tư cho công nghệ của các ngân hàng. Tuy nhiên, do biến phụ thuộc là một giá trị tương đối, so sánh giữa lợi nhuận với vốn chủ sở hữu và tổng tài sản nên để đảm bảo tính đồng nhất và thích hợp của mô hình nên tỷ trọng đầu tư cho công nghệ trên tổng tài sản vô hình TE được sử dụng thay vì lấy giá trị đầu tư tuyệt đối cho công nghệ.

2.2. Dữ liệu và phương pháp nghiên cứu

Dữ liệu nghiên cứu: Bao gồm 5 ngân hàng là Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam, Ngân hàng TMCP Quân Đội, Ngân hàng TMCP Á Châu, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội trong giai đoạn 5 năm từ 2010 đến 2014.

Phương pháp nghiên cứu: Tác giả tiến hành hồi quy mô hình (1) bằng phương pháp tác động cố định Fixed Effects và phương pháp tác động ngẫu nhiên Random Effects. Sau đó thực hiện kiểm định để lựa chọn mô hình hồi quy phù hợp như: Kiểm định Hausman, kiểm định F-test, kiểm định Breusch và Pagan Lagrangian, kiểm định Wooldrige. Nếu mô hình được chọn có hiện tượng phương sai thay đổi, hoặc hiện tượng tự tương quan hoặc cả phương sai thay đổi và tự tương quan, tác giả sử dụng phương pháp bình phương tối thiểu tổng quát khả thi (Feasible Generalized Least Squares - FGLS) để khắc phục.

3. Kết quả nghiên cứu

Tác giả tiến hành hồi quy 2 mô hình: Mô hình FEM, mô hình REM. Bảng dưới đây sẽ trình bày kết quả hồi quy các biến phụ thuộc ROA, ROE theo 6 biến độc lập lần lượt là FL, TCTR, DLR, ETA, TE, NPL.

Kết quả kiểm định Hausman, cho thấy, mô hình FEM phù hợp với mẫu dữ liệu hơn so với mô hình REM. Tác giả tiếp tục thực hiện kiểm định cần thiết về tự tương quan và phương sai thay đổi đối với mô hình FEM được chọn. Kết quả kiểm định cho thấy, mô hình được chọn có tồn tại hiện tượng phương sai thay đổi và tự tương quan. Để khắc phục hiện tượng này, tác giả sử dụng ước lượng bình phương tổi thiểu tổng quát khả thi (FGLS - Feasible Generalized Least Squares) với mô hình có hiện tượng phương sai thay đổi.

Từ kết quả mô hình ta thấy, tỷ lệ đòn cân nợ, tỷ lệ chi phí trên doanh thu, tỷ lệ tiền gửi so với tiền cho vay, vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản có ảnh hưởng đến lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản của các NHTM hay có ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các NHTM.

Đối với mô hình với biến phụ thuộc là ROE, hệ số hồi quy của các biến độc lập FL, TCTR, ETA, TE, NPL đều khác không có ý nghĩa thống kê, tức là tỷ lệ đòn cân nợ, tỷ lệ chi phí trên doanh thu, vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản, đầu tư công nghệ, tỷ lệ nợ quá hạn trên tổng dư nợ có ảnh hưởng đến lợi nhuận sau thuế trên tổng vốn chủ sở hữu của các NHTM hay có ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các NHTM.

Như vậy, nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng thực nghiệm về ảnh hưởng của đầu tư công nghệ đến lợi nhuận của các NHTM, hay công nghệ số có tác động đến năng lực cạnh tranh của các NHTM. Hệ số hồi quy của biến TE có giá trị là 0,0667737 mang dấu dương tức là tăng đầu tư công nghệ sẽ giúp gia tăng năng lực cạnh tranh của các NHTM.

4. Khuyến nghị về nâng cao năng lực cạnh tranh của các NHTM trong thời đại công nghệ số

Từ phân tích ở phần trên về các thách thức đối với các NHTM trong cuộc đua cải thiện và nâng cao công nghệ số hoá và bằng chứng thực nghiệm về tác động tích cực của công nghệ số đến năng lực cạnh tranh của các NHTM. Tác giả đề xuất:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác quảng bá để giúp khách hàng tiếp cận và sử dụng sản phẩm công nghệ hiện đại của ngân hàng.

Trong cuộc cạnh tranh công nghệ số hóa, lượng khách hàng sẽ biến động rất nhiều bởi vì lợi ích của khách hàng sẽ được đáp ứng một cách khác nhau do sự phân hóa các loại công nghệ số hóa mà ngân hàng áp dụng. Chính điều này sẽ làm ngân hàng chịu thiệt hại lớn bởi sự biến động trong khách hàng và sự sụt giảm đáng kể khách hàng từ việc cạnh tranh số hoá gây ra. Vì thế, ngân hàng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư cho công nghệ.

Trong bối cảnh hiện nay, thị trường tiền tệ liên tục bị biến động, không những từ tỷ giá ngoại tệ mà còn cả các luồng thông tin phát tín hiệu thị trường, lạm phát và lãi suất. Chính vì vậy, các ngân hàng phải tính toán sử dụng nguồn vốn đầu tư công nghệ sao cho hiệu quả, cân đối giữa các khoản đầu tư và lợi nhuận. Để làm được điều này, các ngân hàng cần:

Thành lập bộ phận chuyên trách đầu tư công nghệ để tiến hành thực hiện các phân tích, dự báo thị trường và xác định mức độ đầu tư trước khi thực hiện đầu tư, tránh gây thiệt hại vốn ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng.

Các ngân hàng có thể mua các phần mềm công nghệ của các đối tác trong nước đáp ứng đủ điều kiện. Hiện nay, tại Việt Nam ngành Công nghệ thông tin cũng đang phát triển mạnh mẽ cho ra đời nhiều nhà cung cấp phần mềm với chi phí rẻ hơn rất nhiều so với các công ty nước ngoài và có chất lượng tương đối tốt, điển hình phải kể đến các nhà cung cấp phần mềm như FPT, VDC,…

Thứ ba, nâng cao trình độ sử dụng công nghệ thông tin của đội ngũ nhân viên.

Để tránh lãng phí đầu tư và sử dụng hiệu quả công nghệ số hóa, NHTM cần phải ra sức đào tạo nhân viên đáp ứng với nhu cầu và tận dụng hết công năng của công nghệ số hóa. Để làm được điều này các ngân hàng cần:

Từng bước tiêu chuẩn hóa các điều kiện tuyển dụng. Ngoài các yêu cầu về trình độ chuyên môn và các kỹ năng cần thiết cho công việc, các ngân hàng cần chú trọng khả năng sử dụng công nghệ thông tin của ứng viên.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cần tổ chức thường xuyên các lớp học nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ nhân sự, đặc biệt là đội ngũ cán bộ tin học, vì công nghệ thông tin thế giới luôn phát triển không ngừng. Việc đào tạo cần chú trọng tăng cường cho nhân viên khả năng vận hành, quản lý nghiệp vụ ngân hàng điện tử và khả năng ứng phó xử lý các sự cố tin tặc, khắc phục những lỗ hổng công nghệ.

Thứ tư, tăng cường phát triển hạ tầng cơ sở và đầu tư công nghệ hiện đại.

Ngân hàng là một trong những ngành hội nhập quốc tế mạnh mẽ nhất ở Việt Nam. Trong tương lai, hệ thống ngân hàng đòi hỏi khả năng xử lý số liệu thông tin rất lớn, thời gian xử lý nhanh, tính đồng bộ trong các hoạt động giao dịch liên ngân hàng trong nước và quốc tế chuẩn mực. Do đó, việc đầu tư hạ tầng cơ sở và đầu tư công nghệ hiện đại cần phải tiến hành liên tục. Để làm được điều này các ngân hàng cần:

Xây dựng một chiến lược công nghệ thông tin làm nền tảng nhằm thực hiện chiến lược tổng thể có tính đến tiềm lực của ngân hàng. Cần đầu tư có chọn lọc và đổi mới theo sự phát triển của thời đại.

Các ngân hàng cần tối đa hóa các lĩnh vực công nghệ khác nhau như hệ thống máy chủ, hệ thống lưu trữ, các trung tâm dữ liệu, trang thiết bị phần cứng, phần mềm có khả năng liên kết giữa hệ thống của ngân hàng mình với hệ thống của các ngân hàng trong và ngoài nước.

Việc đầu tư công nghệ phải tính đến khả năng tương thích của công nghệ trên hệ thống thanh toán. Hiện nay có quá nhiều phần mềm được sử dụng tại các ngân hàng Việt Nam và các phần mềm này có nhiều điểm không tương thích với nhau dẫn đến khả năng liên kết và thời gian xử lý giao dịch bị hạn chế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Phan Thị Hạnh, Lê Đức Hoàng (2010), Đánh giá ảnh hưởng của đầu tư công nghệ đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam, Báo Quản lý Kinh tế, số 3/2010.

2. Phan Thị Hạnh, Lê Đức Hoàng, Đánh giá ảnh hưởng của đầu tư công nghệ đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu - Trao đổi, số 34 (7/2010).

3. Gujarati, D. (2004). Basic Econometrics. 4th Ed., India: Tata McGraw Hill.

4. Heffernan, s. & Fu, M. (2008). The Determinants of Bank Performance in China. Social

5. Science Electronic Publishing, August 22nd 2008, SSRN. 1247713.

6. IMF (2006). Financial Soundness Indicators Compilation Guide, http://www.imf.org/external /pubsift/fsi /guide/2006/ index.htm.

7. Kyriaki Kosmido & Constantin Zopounidis (2008). Measurement of Bank performance in Greece. South-Eastern Europe Journal of Economics 1, 2008, 79-95.

8. Nguyễn Việt Hùng (2008). Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng thương mại Việt Nam. Luận án Tiến sỹ, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

9. WEF (1997). Báo cáo về khả năng cạnh tranh toàn cầu.

10. Mehra S (1998).Perpetual Analysis and Continuous Improvement: A must forOrganizational Competitiveness. The University of Memphis, vol 24, No 1.

11. Ramasamy H (1995). Productivity in the Age of Competitiveness: Focus on Manufacturingin Singapore. APO Monograph Series, 16, Asian Productivity Organisation

THE IMPACT OF TECHNOLOGY ON THE

COMPETITIVENESS OF COMMERCIAL BANKS

● MA. MAI BINH DUONG

Van Lang University

ABSTRACT:

This study seeks to ascertain the extent to which investment in technology by commercial banks in Vietnam can impact on their competing capability. The study uses the panel dataset of 5 commercial banks in Vietnam over a 10-year period (2010 -2014). The study finds that banks which maintain high levels of investments in IT increased return on assets (ROA) and return on equity (ROE).

Keywords: Technology, ROA, ROE, competing capability, commercial banks.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 09 tháng 08/2017 tại đây