Tác động của dự toán ngân sách đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa: nghiên cứu thực nghiệm các doanh nghiệp sản xuất tại Thành phố Hồ Chí Minh

ThS. THÁI NGỌC TRÚC PHƯƠNG (Khoa Tài chính - Kế toán, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định các nhân tố tác động và đo lường mức độ tác động của chúng đến dự toán ngân sách của các doanh nghiệp sản xuất có quy mô nhỏ và vừa tại TP. Hồ Chí Minh; kiểm định sự tác động và đo lường mức độ tác động của dự toán ngân sách đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa tại TP. Hồ Chí Minh. Sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng, xử lý dữ liệu bằng phần mềm SPSS 22.0, AMOS, kết quả nghiên cứu cho thấy chiến lược kinh doanh; sự bất ổn của môi trường; cơ cấu sở hữu; ứng dụng công nghệ thông tin có ảnh hưởng tích cực đến dự toán ngân sách của các doanh nghiệp. Đồng thời, dự toán ngân sách cũng tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa tại TP. Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu góp phần cung cấp cơ sở khoa học để các nhà quản lý đưa ra các quyết định phù hợp trong việc cải thiện hiệu quả hoạt động dựa trên dự toán ngân sách.

Từ khóa: dự toán ngân sách, hiệu quả hoạt động, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sản xuất, Thành phố Hồ Chí Minh.

1. Đặt vấn đề

Dẫn theo Horngren (2002), ngân sách là một tập hợp các kế hoạch liên kết với nhau để mô tả định lượng các hoạt động dự kiến trong tương lai của một đơn vị. Hansen và cộng sự (2004) cho rằng cả tổ chức lợi nhuận và phi lợi nhuận đều có thể thu được lợi ích từ việc lập kế hoạch và kiểm soát được việc thực hiện dự toán ngân sách đã lập, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động. Tiếp đó, Blocher và cộng sự (2010) xác định mục đích cơ bản của dự toán ngân sách là phục vụ cho việc hoạch định và kiểm tra hoạt động kinh doanh, thông qua đó mà người quản lý đạt được mục tiêu của các doanh nghiệp là tối đa hóa lợi nhuận.

Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa thực sự quan tâm, nhận thức đầy đủ tầm quan trọng, vai trò và lợi ích của công tác lập dự toán ngân sách trong quản lý doanh nghiệp, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng của dự toán ngân sách trong hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, tác giả đã lựa chọn đề tài “Tác động của dự toán ngân sách đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa: Nghiên cứu thực nghiệm các doanh nghiệp sản xuất tại TP. Hồ Chí Minh” để thực hiện nghiên cứu.

2. Cơ sở lý thuyết và mô hình đề xuất

Dự toán là một kế hoạch chi tiết chỉ rõ cách huy động và sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp trong một thời gian nhất định có thể một năm, tháng hoặc quý. Một ngân sách bao gồm cả 2 khía cạnh tài chính và phi tài chính của kế hoạch các hoạt động và biểu diễn bằng một hệ thống chỉ tiêu dưới dạng số lượng và giá trị (Horngren, 2002).

Mối quan hệ giữa chiến lược kinh doanh và dự toán ngân sách: Nhiều nghiên cứu tìm thấy bằng chứng thực nghiệm về tác động của chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến công tác dự toán ngân sách của doanh nghiệp, Porter (1980) giải thích rằng việc theo đuổi các chiến lược kinh doanh khác nhau sẽ yêu cầu các cách sắp xếp tổ chức khác nhau để thực hiện chiến lược hiệu quả. Dự toán ngân sách là một phần của các sắp xếp tổ chức phụ thuộc vào chiến lược (Merchant, 1998), tức là chiến lược kinh doanh có ảnh hưởng đến việc thiết kế hệ thống kiểm soát quản lý nói chung và dự toán ngân sách nói riêng (Langfield-Smith, 1997). Giả thuyết nghiên cứu như sau:

Giả thuyết H1: Chiến lược kinh doanh có ảnh hưởng đến dự toán ngân sách của các doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa TP. Hồ Chí Minh.

Mối quan hệ giữa sự bất ổn của môi trường và dự toán ngân sách: Waterhouse, Tiessen (1978), cho rằng các yếu tố thuộc về môi trường hoạt động có những lúc không thể đoán được và có những biến động bất ngờ, khó lường như: biến động về kinh tế, chính trị, về thiên tai,… Sự biến động này tác động mạnh đến hệ thống dự toán ngân sách của doanh nghiệp. Môi trường hoạt động doanh nghiệp thay đổi thì hoạt động của doanh nghiệp cũng thay đổi, thông thường nếu môi trường có tính cạnh tranh càng cao, yêu cầu lập dự toán càng thiết yếu và càng chi tiết. Giả thuyết nghiên cứu như sau:

Giả thuyết H2: Sự bất ổn của môi trường có ảnh hưởng đến dự toán ngân sách của các doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa TP. Hồ Chí Minh

Mối quan hệ giữa cơ cấu sở hữu và dự toán ngân sách: Mahmood (2008) cho rằng nếu chủ sở hữu doanh nghiệp đã xác định rõ ràng mối quan hệ với doanh nghiệp, nghĩa là có sự phân biệt rõ ràng giữa quyền sở hữu và quyền quản lý thì khi đó quy trình lập ngân sách trở nên chính thức, tinh vi và chính xác hơn do ảnh hưởng, cũng như yêu cầu kiểm soát từ phía chủ sở hữu. Giả thuyết nghiên cứu như sau:

Giả thuyết H3: Cơ cấu sở hữu có ảnh hưởng đến dự toán ngân sách của các doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa TP. Hồ Chí Minh.

Mối quan hệ giữa ứng dụng công nghệ thông tin và dự toán ngân sách: Diamond, Khemani (2006) khi thực hiện nghiên cứu hệ thống kế toán giữa các doanh nghiệp ở các nước đang phát triển ở châu Phi, kết quả nghiên cứu cho thấy việc thực hiện các quy trình kế toán bằng biện pháp thủ công hoặc được hỗ trợ bởi các ứng dụng phần mềm và phần cứng cũ và không được bảo trì, nâng cấp ảnh hưởng tiêu cực đến công tác lập dự toán ngân sách của doanh nghiệp. Giả thuyết nghiên cứu như sau:

Giả thuyết H4: Ứng dụng công nghệ thông tin có ảnh hưởng đến dự toán ngân sách của các doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa TP. Hồ Chí Minh.

Mối quan hệ giữa phong cách lãnh đạo và dự toán ngân sách: Ritchie và Miles (1970) lập luận rằng, lãnh đạo tin tưởng và hỗ trợ là một điều kiện tiên quyết để khuyến khích sự tham gia có hiệu quả từ cấp dưới. Trong một nghiên cứu khác của Kohlmeyer III và cộng sự (2014) cũng kết luận phong cách lãnh đạo ảnh hưởng đến sự tham gia ngân sách bởi vì cả hai biến này đều liên quan đến sự cam kết tổ chức thông qua nhận thức công bằng. Giả thuyết nghiên cứu như sau:

Giả thuyết H5: Phong cách lãnh đạo có ảnh hưởng đến dự toán ngân sách của các doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa TP. Hồ Chí Minh.

Mối quan hệ giữa dự toán ngân sách và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp: Kết quả nghiên cứu của Gorton (1999) cung cấp bằng chứng về mối liên hệ tích cực giữa việc sử dụng ngân sách và hiệu quả hoạt động được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sử dụng lý thuyết dự phòng, Covaleski và cộng sự (2003) đã giải thích mối quan hệ tác động của các yếu tố dự phòng đến các nội dung của kế toán quản trị, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả, đồng thời mối quan hệ này được giải thích bằng “sự phù hợp”. Phù hợp xảy ra khi tổ chức thiết kế các phương pháp thực hành kế toán quản trị của mình theo cách có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động. Giả thuyết nghiên cứu như sau:

Giả thuyết H6: Dự toán ngân sách có ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp của các doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa TP. Hồ Chí Minh.

Từ những phân tích trên, mô hình nghiên cứu được đề xuất như mô tả như Hình 1.

Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

Mô hình nghiên cứu đề xuất

Nguồn: Tác giả đề xuất

3. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng kết hợp phương pháp nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng. Dữ liệu sơ cấp được thu thập bằng bảng câu hỏi khảo sát, sau đó, được xử lý bởi phần mềm SPSS, AMOS từ đó xác định các nhân tố ảnh hưởng đến dự toán ngân sách và ảnh hưởng của dự toán ngân sách đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp của các doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa TP. Hồ Chí Minh.

Bảng câu hỏi khảo sát được thiết kế theo thang đo Likert 5 mức độ, từ “1: Hoàn toàn không đồng ý” đến “5: Hoàn toàn đồng ý”. Bảng câu hỏi được tác giả gửi trực tiếp đến các đáp viên tiềm năng (gửi file giấy hoặc thu thập dữ liệu khảo sát thông qua google form) trong vòng 2 tháng, bắt đầu từ tháng 11/2021.

Phương pháp chọn mẫu: Mẫu được chọn theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên. Theo Hair và cộng sự (1998), số mẫu quan sát trong phân tích nhân tố phải > 100 quan sát và có tỷ lệ so với biến tốt nhất trong khoảng tỷ lệ 5/1 - 10/1.

4. Kết quả nghiên cứu và bàn luận

Kết quả kiểm định Cronbach’s Alpha cho thấy các thang đo này có hệ số Cronbach’s Alpha > 0,6 và hệ số tương quan biến tổng > 0,3. Do đó, không có biến quan sát nào bị loại trừ và tiếp tục được sử dụng trong phân tích EFA.

Kết quả phân tích EFA cho thấy hệ số KMO > 0,5, kiểm định Batlett có giá trị p bằng 0,000 < 0,05, phương sai > 50%, hệ số tải nhân > 0,5 và hệ số Eigen Value > 1. Như vậy, các tiêu chuẩn khi sử dụng phân tích khám phá EFA cho thấy các yếu tố phù hợp với tập dữ liệu nghiên cứu.

Độ tin cậy tổng hợp C.R > 0,7, tổng phương sai trích (AVE) lớn hơn 50% nên có thể kết luận các thành phần trong thang đạt độ tin cậy và hội tụ.

Bảng 1. Kết quả kiểm tra độ tin cậy tổng hợp,
phương sai của khái niệm nghiên cứu

Kết quả kiểm tra độ tin cậy tổng hợp, phương sai của khái niệm nghiên cứu

Nguồn: Kết quả nghiên cứu của tác giả

Kết quả phân tích CFA cho thấy mô hình có 608 bậc tự do, giá trị CFA là p = 0,000; giá trị GFI là 0,819; RMSEA = 0,049; Chi-Square = 918.116; Chi-Square/df = 1,510; TLI = 0,930; và CFI = 0,936 đều lớn hơn 0,9. So sánh với yêu cầu của Schumacker và Lomax (2004) về hệ số tỷ lệ Chisquare/df < 5, Hair và cộng sự (2006) với TLI > 0,90, p-value < 0,05, RMSEA < 0,07, Hu và Bentler (1999) đề xuất CFI> 0,9 cho thấy rằng mô hình này phù hợp với dữ liệu thực tế.

Hình 2: Kết quả CFA

Kết quả CFA

Nguồn: Kết quả nghiên cứu của tác giả

Tác giả đã sử dụng SEM để kiểm tra các mô hình hiện có và các giả thuyết nghiên cứu. Kết quả ước lượng của mô hình nghiên cứu cho thấy mô hình kiểm định có 613 bậc tự do (p = 0,00) và các chỉ số thể hiện mô hình phù hợp với dữ liệu thu thập (Chi-square/df = 1,554; GFI = 0,816; CFI = 0,930, TLI = 0,924 và RMSEA = 0,051). Kết quả ước lượng tham số chính cho thấy các mối quan hệ đều có ý nghĩa thống kê (p < 0,05). Như vậy, mối quan hệ của các khái niệm đã đạt được kỳ vọng về mặt lý thuyết.

Hình 3: Sơ đồ kiểm định lý thuyết theo cấu trúc SEM

Sơ đồ kiểm định lý thuyết theo cấu trúc SEM

Nguồn: Kết quả nghiên cứu của tác giả

Kiểm định giả thuyết nghiên cứu:

Bảng 2. Kết quả kiểm định giá trị phân biệt

Kết quả kiểm định giá trị phân biệt

          Nguồn: Kết quả nghiên cứu của tác giả

Kết quả Bảng 2 cho thấy giá trị cột P chính là sig của tác độngtừCCSH đến DTNS; từ BOMT đến DTNS, từ CLKD đến DTNS; từ CNTT đến DTNS; từ DTNS đến HQHD đều bé hơn 0.05, do đó các giả thuyết này được chấp nhận. Riêng sig của tác động từ PCLD đến DTNS là 0.816 > 0.05 cho nên giả thuyết này bị bác bỏ.

5. Kết luận và hàm ý chính sách

Nghiên cứu đã mô hình hóa mối quan hệ giữa chiến lược kinh doanh; sự bất ổn của môi trường; cơ cấu sở hữu; ứng dụng công nghệ thông tin đến dự toán ngân sách của các doanh nghiệp, và quan hệ giữa dự toán ngân sách đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa tại TP. Hồ Chí Minh. Kết quả kiểm định giả thuyết cho thấy 5/6 giả thiết ban đầu đã được chấp nhận. Các giả thuyết này phù hợp với kết quả nghiên cứu mà tác giả đã tìm hiểu và tham khảo khi đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến dự toán ngân sách và ảnh hưởng của dự toán ngân sách đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Với kết quả nghiên cứu trên, chiến lược kinh doanh; sự bất ổn của môi trường; cơ cấu sở hữu; ứng dụng công nghệ thông tin có mối quan hệ trực tiếp đến dự toán ngân sách và dự toán ngân sách ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa tại TP. Hồ Chí Minh. Do đó, các nhà quản lý tại các doanh nghiệp này cần quan tâm đến việc công tác dự toán ngân sách, vì đây được coi là giải pháp giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động.

Nghiên cứu này chỉ giới hạn trong phạm vi nghiên cứu là các doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa tại TP. Hồ Chí Minh, không phải toàn ngành sản xuất Việt Nam. Do đó, các nghiên cứu sau này có thể mở rộng phạm vi nghiên cứu, nhằm nâng cao tính tổng thể của đề tài.

Ghi chú:

Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Thành phố Hồ Chí Minh

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Blocher, E.J., Stout, D.E., and Cokins, G., (2010). Cost Management: Strategic Emphasis. Fifth Edition. New York, United States: McGraw-Hill Irwin,
  2. Covaleski, M. A., Dirsmith, M. W., & Samuel, S. (2003). Changes in the institutional environment and the institutions of governance: extending the contributions of transaction cost economics within the management control literature. Accounting, Organizations and Society, 28(5), 417-441.
  3. Diamond, J., & Khemani, P. (2006). Introducing financial management information systems in developing countries. OECD Journal on Budgeting, 5(3), 97-132.
  4. Gorton, M. (1999). Use of financial management techniques in the UK--based small and medium sized enterprises: Empirical research findings. Journal of financial management & analysis, 12(1), 56.
  5. Hair, J.F., W.C. Black, B.J. Babin and R.E. Anderson. (2006). Multivariate data analysis. 6th Edn., Englewood Cliffs, NJ: Prentice Hall.
  6. Hansen, S. C., & Van der Stede, W. A. (2004). Multiple facets of budgeting: an exploratory analysis. Management accounting research, 15(4), 415-439.
  7. Horngren, C. T., Bhimani, A., Datar, S. M., & Foster, G. (2002). Management and cost accounting. Harlow: Financial Times/Prentice Hall.
  8. Hu, L. and P.M. Bentler. (1999). Cutoff criteria for fit indexes in covariance structure analysis: Conventional criteria versus new alternatives. Structural Equation Modeling: A Multidisciplinary Journal, 6(1), 1-55.
  9. Kohlmeyer, J.M., Mahenthiran, S., Parker, R.J. and Sincich, T. (2014). Leadership, Budget Participation, Budgetary Fairness, and Organizational Commitment. Accounting Behavioral Research (Advances in Accounting Behavioural Research), 17, 95-118.
  10. Langfield-Smith, K. (1997). Management control systems and strategy: a critical review. Accounting, Organizations and Society, 22, 207-32.
  11. Merchant, K. A. (1998). Modern Management Control Systems. Upper Saddle River: Prentice Hall.
  12. Porter, M.E. (1980). Competitive Strategy: Techniques for Analyzing Industries and Competitors. New York, United States: Free Press,
  13. Ritchie, J. B. & Miles, R. E., (1970). An Analysis of Quantity and Quality of Participation as Mediating Variables in the Participative Decision Making Process. Personnel Psychology, 23(3), 347-359.
  14. Suhaila, M. K., & Wan Mahmood, W. M. (2008). Capital structure and firm characteristics: Some evidence from Malaysian companies. Germany: University Library of Munich.
  15. Waterhouse, J. H., & Tiessen, P. (1978). A contingency framework for management accounting systems research. Accounting, organizations and society, 3(1), 65-76.

THE IMPACT OF BUDGET ESTIMATES ON THE PERFORMANCE

 OF SMALL AND MEDIUM-SIZED ENTERPRISES:

AN EXPERIMENTAL STUDY OF MANUFACTURING ENTERPRISES

 IN HO CHI MINH CITY

• Master. THAI NGOC TRUC PHUONG

Faculty of Finance - Accounting, Nguyen Tat Thanh University

ABSTRACT:

This study identified the factors affecting the budget estimates of small and medium-sized manufacturing enterprises in Ho Chi Minh City. The study also measured and tested the impact level of these factors on the performance of small and medium-sized manufacturing enterprises in Ho Chi Minh City. By using qualitative and quantitative research methods, SPSS Statistics 20.0 and AMOS software, the study found out that the business strategy, environmental instability, ownership structure, and information technology application have positive impacts on the budget estimates of enterprises. The budget estimate also positively affects the performance of small and medium-sized manufacturing enterprises in Ho Chi Minh City. This study is expected to work as a scientific basis for managers to make appropriate decisions in improving their enterprises performance based on their budget estimates.

Keywords: budget estimates, performance, small and médium-sized enterprises, manufacturing enterprises in Ho Chi Minh City.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4, tháng 3 năm 2022]