Tác động của vốn con người đến tăng trưởng kinh tế thành phố Cần Thơ

Đào Nguyễn Mộng Nghi - Nguyễn Thị Lương - Trần Thy Linh Giang - Đặng Thị Ngọc Hà (Trường Kinh tế - Đại học Cần Thơ)

Tóm tắt:

Mục tiêu của nghiên cứu xem xét sự tác động, ảnh hưởng của vốn con người đến tăng trưởng kinh tế của thành phố Cần Thơ. Nghiên cứu được thực hiện với bộ số liệu thứ cấp được thu thập từ Niên giám Thống kê trong giai đoạn 1995 - 2020. Kết quả ước lượng của mô hình phân phối trễ tự hồi quy (ARDL) cho thấy các biến đo lường vốn con người đều có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế của thành phố Cần Thơ, bên cạnh các biến kiểm soát là vốn vật chất, lao động và sự ổn định kinh tế vĩ mô. Các kiểm định tính dừng, kiểm định đồng kết hợp và kiểm định Bound được sử dụng để đảm bảo cho việc lựa chọn đúng mô hình ước lượng. 

Từ khóa: tăng trưởng kinh tế, mô hình ARDL, thành phố Cần Thơ.

1. Đặt vấn đề

Nguồn nhân lực hay vốn con người từ lâu đã được xem là một yếu tố trung tâm, ảnh hưởng rất lớn đối với sự tăng trưởng kinh tế của một quốc gia nói chung, cũng như sự tăng trưởng kinh tế của các tỉnh/thành phố, trong đó có thành phố Cần Thơ nói riêng. Trong thời đại ngày nay, bên cạnh yếu tố vốn vật chất và công nghệ, vai trò của nguồn nhân lực với tăng trưởng kinh tế càng được khẳng định là một yếu tố quan trọng, tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng kinh tế, góp phần đưa nền kinh tế của thành phố, của khu vực hội nhập vào nền kinh tế chung của cả nước, khu vực và thế giới. Để đạt điều đó, đòi hỏi phải có được nguồn nhân lực đủ chất lượng, đáp ứng những yêu cầu khắt khe của trình độ phát triển kinh tế ngày nay.

Lý thuyết về tăng trưởng nội sinh trong những thập kỷ qua đã xác định về vai trò của nguồn nhân lực đối với tăng trưởng kinh tế, chẳng hạn như Romer (1986), Lucas (1988), Squire (1993), Schultz (1999), Bassanini & Scarpetta (2001). Vốn con người ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế chủ yếu thông qua: giáo dục và y tế. Đối với giáo dục, giáo dục có vai trò vô cùng quan trọng, đầu tư và nâng cao tri thức sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (Isola & Alani, 2005; Hổ & Hoàng, 2016; Nguyệt & cộng sự, 2018). Đối với y tế, đây là một trong những yếu tố quan trọng của tăng trưởng kinh tế, hệ thống y tế sẽ làm cho nền kinh tế phát triển hơn, do năng suất lao động tăng lên khi công việc được đảm bảo về sức khỏe (Isola & Alani, 2005; Hổ & Hoàng, 2016).

Nghiên cứu về tác động của nguồn nhân lực đến tăng trưởng kinh tế hiện nay nhận được rất nhiều sự quan tâm nghiên cứu. Tuy nhiên, đối với nền kinh tế của thành phố Cần Thơ  lại rất hạn chế và thiếu những bằng chứng để chứng minh rằng: (i) Nguồn nhân lực có thật sự tác động đến nền kinh tế của thành phố Cần Thơ  hay không? và (ii) Nếu có thì sẽ tác động qua những yếu tố nào và tác động như thế nào? Do vậy, việc tìm hiểu sâu hơn về vai trò của nguồn nhân lực, cũng như sự ảnh hưởng của chất lượng nguồn nhân lực đối với tăng trưởng kinh tế thành phố Cần Thơ là điều thật sự cần thiết trong bối cảnh hiện tại, để từ đó giúp những nhà hoạch định chính sách có những lựa chọn chính sách phù hợp.

2. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu

Tầm quan trọng của nguồn vốn con người được các nhà nghiên cứu kinh tế ghi nhận rất nhiều trong các lý thuyết tăng trưởng kinh tế. Các lý thuyết tăng trưởng kinh tế này đã đóng góp không nhỏ trong việc giải thích ảnh hưởng của nguồn vốn con người đối với tăng trưởng kinh tế, đồng thời tạo tiền đề vững chắc để lý thuyết tăng trưởng kinh tế phát triển ngày càng hoàn thiện hơn. Giáo dục là tâm điểm chú ý đối với các nhà kinh tế học khi nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế kể từ khi các mô hình tăng trưởng nội sinh được giới thiệu. Tăng trưởng nội sinh dựa vào tích lũy vốn con người đã được giới thiệu bởi tác giả Lucas (1988). Lucas (1988) đã phát triển một mô hình tương tự của Romer (1986), ngoại trừ việc Lucas lập luận rằng tiến bộ kỹ thuật là do sự lan tỏa vốn của con người chứ không phải vốn vật chất như đề xuất của Romer (1986). Lucas (1988) đưa ra phạm trù tăng trưởng nội sinh dựa vào tích lũy vốn con người và cho phép giải thích một cơ chế cộng dồn tăng trưởng mà không cần phải viện đến một tăng trưởng ngoại sinh. Lucas định nghĩa, vốn con người là các kỹ năng gắn với các cá nhân, được các cá nhân này sử dụng để tạo ra sản phẩm hoặc để tích lũy tri thức thông qua giáo dục. Một đặc điểm độc đáo của lý thuyết Lucas (1988) là vốn con người được coi là một yếu tố sản xuất, do đó lợi nhuận cận biên không đổi hoặc ngày càng tăng của tích lũy vốn con người có thể quyết định sự tăng trưởng nội sinh. Mô hình hàm sản xuất Lucas có dạng như sau:

vốn con người

Trong đó: Y là sản lượng quốc gia (GDP); K là vốn sản xuất quốc gia; u là thời gian lao động của mỗi cá nhân; H là vốn con người; (u.H) là vốn con người của toàn bộ lao động quốc gia; α là hệ số co giãn của vốn theo GDP; (1-α) là hệ số co giãn của vốn con người theo GDP.

Từ cơ sở các lý thuyết kinh tế học và các nghiên cứu kinh tế trước đây đều thấy rằng nguồn nhân lực có mối liên hệ vô cùng mật thiết với tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, nghiên cứu sẽ sử dụng mô hình tăng trưởng Solow do R. Solow và T. Swan xây dựng dựa vào hàm sản xuất Cobb-Douglass mở rộng, được bổ sung các biến được tổng hợp từ các nghiên cứu trước và phù hợp với đặc điểm kinh tế tại Cần Thơ. Hàm sản xuất có dạng như sau:

vốn con người

Trong đó: Y là tăng trưởng kinh tế được đo lường bằng GDP/GRDP, A là năng suất các yếu tố tổng hợp, K là giá trị vốn vật chất; L là lực lao động; H là vốn con người. IR: là sự ổn định kinh tế vĩ mô được đo lường bằng tỷ lệ lạm phát hàng năm.

3. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng mô hình ước lượng Phân phối trễ tự hồi quy (ARDL). Mô hình ARDL được sử dụng phổ biến để mô hình hóa mối quan hệ giữa các biến (kinh tế) trong một phương trình chuỗi thời gian. Mô hình được sử dụng phổ biến là bởi các chuỗi kinh tế thường không dừng và có mối quan hệ đồng tích hợp với quá trình điều chỉnh sai số (EC). Sự tồn tại của một mối quan hệ dài hạn hay đồng tích hợp có thể được kiểm tra dựa trên dạng điều chỉnh sai số. Mô hình ARDL/EC rất hữu ích để dự báo và phân tích mối quan hệ dài hạn từ các biến động ngắn hạn. Theo đó, một chuỗi thời gian bị ràng buộc lẫn nhau theo các điều chỉnh cân bằng mặc dù từng chuỗi thời gian riêng lẻ có thể biến động đáng kể. Vì vậy, khi có sự hiện diện của các biến trễ phụ thuộc là các biến giải thích trong mô hình, thì việc sử dụng ước lượng OLS cho mô hình ARDL sẽ cho kết quả ước lượng của các hệ số bị chệch.

4. Kết quả và thảo luận

Bảng 1. Kiểm định tính dừng

vốn con người

Nguồn: Kết quả phân tích từ phần mềm Stata

Ghi chú: * , ** và *** có ý nghĩa tương ứng ở mức 10%, 5% và 1%.

Kết quả kiểm định tính dừng (Bảng 1) cho thấy các chuỗi trong mô hình là dừng hỗn hợp, kết quả kiểm định Gregory - Hansen (1996) cho thấy giá trị thống kê lớn hơn giá trị tới hạn ở mức ý nghĩa 5% (- 4,65 so với -5,77), nghĩa là các chuỗi trong mô hình không có điểm gãy cấu trúc ở mức độ chuỗi cơ sở. Đồng thời kiểm định về mối quan hệ đồng kết hợp cũng cho thấy các chuỗi trong mô hình có mối quan hệ đồng tích hợp (nghĩa là có mối quan hệ cân bằng trong dài hạn). Từ những bằng chứng thống kê đó cho thấy, việc lựa chọn mô hình Phân phối trễ tự hồi quy (ARDL) để ước lượng sự ảnh hưởng của Vốn con người đến Tăng trưởng kinh tế TPCT là phù hợp với đặc điểm của bộ số liệu thu thập được. (Bảng 2)

Bảng 2. Kết quả hồi quy

vốn con người

Nguồn: Kết quả xử lý

Trong cả 4 mô hình ước lượng thì hệ sộ điều chỉnh đều mang giá trị âm (-) và có ý nghĩa thống kê ở mức 1%, cho thấy các chuỗi trong mô hình ước lượng có mối quan hệ đồng kết hợp. Điều này cung cấp thêm bằng chứng thống kê để khẳng định mối quan hệ tác động trong dài hạn của chuỗi độc lập đến chuỗi phụ thuộc bên cạnh kiểm định Bound của Pesaran et al. (2001).

Kết quả ước lượng cho thấy chi tiêu ngân sách cho giáo dục của thành phố Cần Thơ có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế cả trong dài hạn lẫn ngắn hạn. Tuy nhiên, mức độ tác động của chi tiêu cho giáo dục trong dài hạn lớn hơn so với sự tác động của yếu tố này trong ngắn hạn. Chiều tác động và mức độ tác động của chi tiêu cho giáo dục ở thành phố Cần Thơ tương đồng với các nghiên cứu khác về ảnh hưởng của biến số này đến tăng trưởng kinh tế của các địa phương như trong các nghiên cứu của Long và Nhân (2018), Hổ và Hoàng (2015), Hùng (2018), Nguyệt và cộng sự (2018).

Số năm đi học bình quân của lượng lao động có tác động trong dài hạn nhưng lại chưa có đủ bằng chứng thống kê về sự ảnh hưởng của yếu tố này đến tăng trưởng kinh tế thành phố Cần Thơ trong ngắn hạn. Điều này có thể được giải thích là sự ảnh hưởng của chất lượng nguồn nhân lực thông qua số năm đi học bình quân của người lao động cần thời gian để có thể phát huy được sự ảnh hưởng của nó đến tăng trưởng kinh tế.           

Tương tự thước đo số năm đi học bình quân, thước đo tỷ lệ sinh viên trên tổng dân số trong độ tuổi 15 - 60 cũng chỉ thể hiện sự tác động của nó đến tăng trưởng kinh tế thành phố Cần Thơ trong dài hạn và không có mối quan hệ tác động trong ngắn hạn. Điều này được giải thích bởi vì sinh viên là đối tượng đang theo học ở các trường đại học và chưa tham gia vào hoạt động kinh tế, từ khi theo học cho đến khi tốt nghiệp và có thể tham gia vào hoạt động sản xuất - kinh doanh thì cũng cần phải có thời gian, bởi vì biến số này cần có độ trễ để phát huy được tác động của nó.

Tuy nhiên, chi thường xuyên của ngân sách nhà nước cho y tế lại chưa đủ bằng chứng thống kê về sự tác động của khoản chi này đến tăng trưởng kinh tế thành phố Cần Thơ. Điều này được lý giải là khoản chi thường xuyên của ngân sách nhà nước cho y tế được tập trung chủ yếu chi lương cho đội ngũ y tế ở cơ sở y tế công lập do địa phương quản lý, thay vì chi vào các hoạt động chủ động chăm sóc sức khỏe và chất lượng đời sống của người dân. Bên cạnh đó, người dân Việt Nam có thể sử dụng hệ thống khám chữa bệnh tư nhân và sử dụng bảo hiểm y tế. Vì vậy, khoản chi này đối với thành phố Cần Thơ chưa thực sự tác động đến tăng trưởng của nền kinh tế thành phố.

Vốn vật chất là yếu tố có ý nghĩa trong cả 4 mô hình ước lượng thước đo vốn con người trong cả dài hạn và ngắn hạn, thể hiện sự ảnh hưởng và cần thiết của vốn vật chất đến tăng trưởng kinh tế. Cùng với vốn vật chất, lao động là yếu tố đầu vào quan trọng tiếp theo cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Đối với tăng trưởng kinh tế thành phố Cần Thơ, lao động đóng góp không chỉ trong dài hạn, mà còn trong cả ngắn hạn.

Trong các lý thuyết tăng trưởng mới (tăng trưởng nội sinh) đều nhấn mạnh và thừa nhận vai trò của Nhà nước trong điều tiết nền kinh tế. Việc ổn định vĩ mô nền kinh tế có vai trò quan trọng trong không chỉ phát triển, tăng trưởng kinh tế, mà còn ổn định về mặt xã hội, dân sinh. Kết quả ước lượng từ các mô hình ước lượng đã cung cấp bằng chứng thống kê về sự ảnh hưởng của ổn định vĩ mô nền kinh tế đến tăng trưởng kinh tế của thành phố Cần Thơ trong giai đoạn 1995 - 2020 trong cả dài hạn và ngắn hạn. Tuy nhiên, hệ số ước lượng mức độ tác động của biến số này nhỏ và tác động cùng chiều, nghĩa là khi tỷ lệ lạm phát tăng lên sẽ tác động làm kinh tế tăng trưởng. Điều này đúng với lý thuyết kinh tế. Khi đó lạm phát ở mức chấp nhận được sẽ là một “đòn bẩy” kích thích các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất, từ đó sẽ làm gia tăng tổng sản lượng.

5. Kết luận và hàm ý chính sách

Kết quả của nghiên cứu đã cho chúng ta thấy tác động tích cực của nguồn nhân lực đối với tăng trưởng kinh tế thành phố Cần Thơ, vì thế chúng ta cần phải có những chính sách để tận dụng cơ hội hiện có và phát huy tối đa hiệu quả nguồn nhân của thành phố để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố Cần Thơ:

Đối với y tế

Thứ nhất, mạng lưới y tế của thành phố tuy có phát triển, nhưng chưa đáp ứng một cách đồng bộ và đúng mức yêu cầu nâng cao sức khỏe, cho người lao động của thành phố.

Thứ hai, phải không ngừng hoàn thiện và mở rộng hệ thống cơ sở y tế khám chữa bệnh, nhất là vùng sâu vùng xa, bảo đảm số lượng y, bác sĩ cần thiết.

Thứ ba, cần tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong công tác phòng, khám bệnh, phát hiện và điều trị.

Đối với giáo dục

Thứ nhất, cân đối bố trí ngân sách cho giáo dục tại các địa phương và đảm bảo tỷ lệ chi thường xuyên cho giáo dục tối thiểu ngang bằng với tỷ lệ bình quân chung của cả nước.

Thứ hai, cần đẩy mạnh xã hội hóa trong đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp chất lượng cao, khuyến khích khu vực tư nhân và các doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực công nghiệp chất lượng cao, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, đào tạo với hoạt động sản xuất - kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động công nghiệp, khuyến khích tổ chức đào tạo lao động tại chỗ, đặc biệt là lao động kỹ thuật cao.

Lời cảm ơn: Đề tài này được tài trợ bởi Trường Đại học Cần Thơ, Mã số: T2022-52.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Becker, G. S. (1964). Human Capital: A Theoretical and Empirical Analysis with Special Reference to Education. New York: Columbia University Press.
  2. Becker, G. S., & Murphy, K. M. (2009). Social economics: Market behavior in a social environment. Cambridge, MA: Harvard University Press.
  3. Cục Thống kê thành phố Cần Thơ (1995 - 2020). Niên giám thống kê Cần Thơ. Cần Thơ: Nhà xuất bản Thống kê.
  4. Đinh Phi Hổ và Từ Đức Hoàng (2016). Tác động của vốn con người đến tăng trưởng kinh tế đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Phát triển Kinh tế, số 27(2), trang 02-16.
  5. Gregory, A. W., & Hansen, B. E. (1996). Tests for Cointergration in Models with Regime and Trend Shifts. Oxford Bulletin of Economics and Statistics, 58(3), 555 - 560.
  6. Lucas, R. E. (1988). On the Mechanics of Economic Development. Journal of Monetary Economics, 22, 3 - 42.
  7. Nguyễn Hồng Gấm (2020). Nguồn nhân lực chất lượng cao với sự nghiệp phát triển TP Cần Thơ theo tinh thần Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị. Hội thảo Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển thành phố Cần Thơ theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đại học Cần Thơ, tháng 1/2020.
  8. Nguyễn Ngọc Hùng (2016). Tác động của nguồn nhân lực đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tạp chí Tài Chính, [online] số tháng 9/2016. Truy cập tại: https://tapchitaichinh.vn/tac-dong-cua-nguon-nhan-luc-den-tang-truong-kinh-te-viet-nam.html.
  9. Pesaran, M. H., Shin, Y., & Smith, R. (2001). Bounds testing approaches to the analysis of level relationships. Journal of Applied Econometrics, 16(3), 289 - 326.
  10. Phạm Đình Long và Lương Thị Mai Nhân (2018). Tác động của giáo dục đến tăng trưởng kinh tế các tỉnh, thành khu vực miền Trung. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Đà Nẵng, số 4(125), trang 11-15.
  11. Phan Thị Bích Nguyệt, Trần Thị Hải Lý và Lương Thị Thảo (2018). Nguồn vốn con người và tăng trưởng kinh tế cấp độ tỉnh/thành phố tại Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á, số 8 (2018), trang 05-17.
  12. Schultz, T. W. (1961). Investment in human capital. The American Economic Review, 51(1), 1-17.
  13. Teixeira, A. A. C., & Queirós, A. S. S. (2016). Economic growth, human capital and structural change: A dynamic panel data analysis. Research Policy, 45 (2016): 1636-1648.
  14. Trình, T. H., & Thanh, T. B. (2022). Mô hình tăng trưởng và khủng khoảng kinh tế. Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á, 33(6), 72 - 88.

THE IMPACT OF HUMAN CAPITAL ON CAN THO’S ECONOMIC GROWTH

Dao Nguyen Mong Nghi1

Nguyen Thi Luong1

Tran Thy Linh Giang1

Dang Thi Ngoc Ha1

1University of Economics, Can Tho University

Abstract:

This study is to estimate the impact of human capital on Can Tho city’s economic growth. This study uses secondary data covered the period of 1995 to 2020 and the data is collected from the Statistics Yearbook of Can Tho city. The Autoregressive Distributed Lag (ARDL) model’s results reveals that besides control variables including physical capital, labor and economic stability, the variables measuring human capital have a positive impact on the economic growth of Can Tho city. Unit root, cointegration and Bound tests are conducted to select the appropriate estimation model.

Keywords: economic growth, ARDL model, Can Tho city.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 1 tháng 1 năm 2023]