Đề xuất tăng thuế khai thác vàng, bôxit, cát...
Vàng, titan, sắt, bôxit, đất hiếm, cát, đất sét, nước ngầm... được đề nghị tăng mức thuế suất thuế tài nguyên từ ngày 1/7 tới, riêng vàng sẽ tăng thuế suất từ 9% lên 15%. Đây là nội dung tờ trình của Chính phủ về việc ban hành biểu thuế suất thuế tài nguyên trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 14/4. “Khoáng sản kim loại là tài nguyên không tái tạo, có giá trị kinh tế lớn. Để góp phần thúc đẩy việc khai thác, sử dụng tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả, đề nghị phải có mức thuế suất cao. Riêng vàng và đất hiếm là khoáng sản kim loại quý hiếm, do vậy cần quy định mức thuế suất cao hơn so với các khoáng sản kim loại khác. Một số loại tài nguyên không tái tạo được, có giá trị kinh tế cao như kim cương, rubi, saphia, ô pan quý, granit, cao lanh... đề nghị mức thuế suất cao để hạn chế khai thác” - Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh nói. Vẫn theo tờ trình, mức thuế suất với hầu hết các hoạt động khai thác, sử dụng nước ngầm đều được nâng lên so với hiện hành. Sản phẩm được đề xuất hạ mức thuế suất duy nhất là các nhóm gỗ rừng tự nhiên được phép khai thác. Chính phủ khẳng định, chủ trương vừa hạn chế khai thác rừng tự nhiên vừa khuyến khích giao rừng tự nhiên để người dân làm kinh tế thông qua việc chăm sóc, tu bổ, khai thác lâm sản theo chu kỳ lâm sinh. Do đó, đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép áp mức thuế suất với các nhóm gỗ dao động từ 15-35%, mỗi nhóm thấp hơn mức thuế suất hiện hành từ 5-10%. Riêng đối với than và dầu, Chính phủ đề xuất giữ nguyên thuế suất với dầu thô và tăng thêm 1% thuế suất đối với tất cả các nhóm mặt hàng than. Đề xuất này bị Ủy ban Tài chính - ngân sách bác bỏ. Lý do là hai loại tài nguyên quan trọng, có giá trị kinh tế cao, nên hạn chế xuất khẩu và chú trọng đầu tư chế biến trong nước. Hơn nữa, các doanh nghiệp đầu tư khai thác hai ngành này thu lợi nhuận lớn nên cần áp mức thuế cao hơn. Lý giải việc này, Bộ trưởng Ninh cho biết, tổng lợi nhuận năm 2009 của 21 đơn vị thuộc Tập đoàn Than và khoáng sản chỉ đạt gần 600 tỉ, nếu tăng thuế 1% như dự kiến thì cũng chiếm gần hết khoản lợi nhuận này rồi. Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên yêu cầu Ủy ban Tài chính - ngân sách và Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, phân tích cụ thể từng loại mặt hàng trong khung thuế suất, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định ngay tại cuối phiên họp này. (Tuổi Trẻ 15/4)
Trước mắt, cần đẩy mạnh xuất khẩu để giảm nhập siêu
Trong khi dư luận lo ngại nhập siêu cao thì Bộ Công Thương lại nhận định việc nhập khẩu và nhập siêu tăng trong quý I chưa đáng lo ngại. Tuy nhiên đẩy mạnh xuất khẩu vẫn được coi là giải pháp tối ưu trong giai đoạn trước mắt để đảm bảo cán cân thương mại.Trong khi dư luận tỏ ra quan ngại trước việc nhập siêu cao như đã nêu, thì Bộ Công Thương lại nhận định việc nhập khẩu và nhập siêu tăng trong quý I vẫn chưa đáng lo ngại, bởi 5 lý do dưới đây. Thứ nhất, dù nhập khẩu tăng cao 40,2% trong khi xuất khẩu lại giảm nhẹ, ảnh hưởng xấu đến cán cân thương mại trong quý I/2010, nhưng nếu so sánh với cùng kỳ năm 2008 thì nhập khẩu vẫn thấp hơn 17%, trong khi đó xuất khẩu lại tăng hơn 9,8% (năm 2008 là năm bắt đầu xảy ra khủng hoảng kinh tế thế giới). Thứ hai, tình hình xuất nhập khẩu có chuyển biến tích cực theo hướng xuất khẩu tăng lên, trong khi nhập khẩu giảm qua các tháng (tháng 3 xuất khẩu tăng 49,5%, trong khi nhập khẩu chỉ tăng 33,1%). Thứ ba, nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh hơn nhiều so với nhập khẩu của các doanh nghiệp trong nước, cụ thể nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 57,3%, trong khi doanh nghiệp trong nước chỉ tăng 30,4%. Thứ tư, việc nhập khẩu nhiều mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu tăng mạnh về lượng trong thời gian gần đây cho thấy sản xuất, xuất khẩu đang trên đà tăng trưởng. Tuy nhiên cũng phải thấy giá nhập khẩu của nhiều loại mặt hàng tăng mạnh ảnh hưởng không nhỏ tới đầu vào của sản xuất kinh doanh, trong khi đó giá hàng hóa xuất khẩu lại tăng không bằng giá nhập khẩu, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Thứ năm, mặc dù nhập siêu có dấu hiệu tăng trong 3 tháng đầu năm, song nếu so với cùng kỳ năm 2008 (thời điểm đó nhập siêu ở mức 64% /tổng KNXNK) thì nhập siêu 3 tháng đầu năm 2010 vẫn là ở mức chấp nhận được. Tuy nhiên, quyết liệt hạn chế nhập siêu vẫn được Bộ Công Thương ưu tiên hàng đầu trong công tác điều hành hiện nay. Được biết, Bộ Công Thương đã đề cập tới một số biện pháp nhằm giảm nhập siêu trong thời gian tới, như chỉ ưu tiên nhập khẩu vật tư thiết bị và công nghệ tiên tiến phục vụ đầu tư và sản xuất trong nước, đồng thời hạn chế nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ (ô tô, điện thoại), một số thực phẩm, nông lâm thủy sản không cần thiết. Song theo một lãnh đạo của Bộ Công Thương, cái khó nhất hiện nay là các loại hàng hóa cần hạn chế và kiểm soát nhằm giảm nhập siêu lại chiếm tỷ trọng không lớn trong cơ cấu nhập khẩu, còn các mặt hàng cần phải nhập khẩu để phục vụ sản xuất thì đã chiếm tới 88%. Chẳng hạn, nếu so sánh kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng xa xỉ không thiết yếu năm 2009 chỉ ở mức 5- 6 tỷ USD thì năm 2010 theo tính toán cũng chỉ ở mức đó. Nếu tập trung “loại trừ” được việc nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu thì cũng chỉ chiếm ở mức khoảng trên 8 %/ tổng KNNK. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, hiện Bộ Công Thương đang rà soát các danh mục hàng thóa, thiết bị trong nước sản xuất được để ưu tiên sử dụng thay cho hàng nhập khẩu. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch ( Bộ Công Thương) Huỳnh Đắc Thắng, nhanh nhất cũng phải cuối quý II mới hoàn thành danh mục này. Được biết, Bộ Công Thương sẽ triển khai xây dựng danh mục hàng hóa, thiết bị trong nước sản xuất được theo hướng căn cứ vào mã hàng và đề xuất can thiệp bằng công cụ thuế. Việc xây dựng danh mục này căn cứ vào mã sản phẩm nhằm tạo điều kiện cho việc kiểm soát thuận tiện và tạo tính minh bạch cho doanh nghiệp cũng như các cơ quan giám sát. Bộ Công Thương cũng đang phối hợp với Tổng cục Hải quan thống nhất các mã hàng và cùng với các doanh nghiệp rà soát kê khai các sản phẩm. Tuy nhiên đẩy mạnh xuất khẩu vẫn được coi là giải pháp tối ưu trong giai đoạn trước mắt để đảm bảo cán cân thương mại. Bởi theo phân tích cho thấy, mặc dù xuất khẩu quý I/2010 chỉ tăng nhẹ, nhưng so với năm 2008 tăng 9,8% và cơ cấu hàng xuất khẩu có nhiều chuyển biến tích cực.b Tỷ trọng nhóm hàng xuất khẩu chế biến tăng mạnh chiếm 65% tổng KNXK. So với năm 2009, tỷ trọng này chỉ tăng 7% và so với năm 2008 tỷ trọng này tăng 8,6%. Tỷ trọng nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản xuất khẩu giảm mạnh xuống còn 13,8% so với 17,1% của năm 2009 và 23,7% của năm 2008. Thêm nữa, xuất khẩu nhiều mặt hàng công nghiệp có mức tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ 2008 và 2009. Bộ Công Thương kỳ vọng sẽ giữ được con số nhập siêu ở mức 20% theo Nghị quyết của Quốc hội. (Website Chính Phủ 14/4)
Việt Nam - Algeria: Mở rộng hợp tác về dầu khí, thương mại
13/4, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới thủ đô Algiers, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Algeria Dân chủ và Nhân dân theo lời mời của Tổng thống Abdelaziz Bouteflika. Hai nhà lãnh đạo đã dành nhiều thời gian tập trung thảo luận các phương hướng và biện pháp cụ thể nhằm tăng cường, mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực dầu khí, thương mại, xây dựng và hợp tác lao động…, đồng thời trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm. Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp và hoan nghênh việc ký các hiệp định, thỏa thuận hợp tác trong chuyến thăm này, tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho việc thúc đẩy hợp tác song phương. Kết thúc hội đàm, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Abdelaziz Bouteflika đã chứng kiến lễ ký các thỏa thuận quan trọng, bao gồm: Hiệp định tương trợ tư pháp về thương mại và dân sự; Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự; Hiệp định dẫn độ tội phạm; Bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai bộ Tư pháp Algeria và Việt Nam; Bản ghi nhớ về hợp tác thể thao; Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực đánh bắt và nuôi trồng thủy sản; Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực thú y; Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật. (Sài Gòn Giải Phóng 15/4)
Phần 1: Tin công nghiệp ĐIỆN LỰCEVN xây nhà máy sản xuất điện gió ở Ninh Thuận
Thủ tướng đã đồng ý về chủ trương xây dựng thí điểm Nhà máy sản xuất điện gió với công suất khoảng 30MW, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư tại tỉnh Ninh Thuận. Theo nhận định của Bộ Công Thương, Việt Nam rất có tiềm năng phát triển điện gió với 8,6% diện tích cả nước có vận tốc gió cao, tập trung tại các tỉnh Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Trà Vinh, Sóc Trăng... Nếu so với các nguồn năng lượng như nhiệt điện hay thủy điện thì điện gió mang lợi ích về môi trường, chưa kể tiết kiệm được rất nhiều diện tích đất xây dựng. Tuy nhiên thực tế thời gian qua Việt Nam vẫn còn bỏ phí nguồn năng lượng tái tạo từ sức gió rất dồi dào này. Bởi vậy, theo các chuyên gia, khi nhu cầu điện ở Việt Nam đang tăng khoảng 10%/năm và nguy cơ thiếu điện là hiển hiện thì yêu cầu triển khai các dự án điện gió vào thời điểm này là rất cần thiết cũng như cần một cơ chế để các dự án này triển khai thành công, bổ sung cho nguồn năng lượng quốc gia. Trong việc xây dựng thí điểm nhà máy sản xuất điện gió này, Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với Chính phủ Đan Mạch các nhà tài trợ khác để huy động nguồn vốn cho dự án. (Thông Tấn Xã Việt Nam 14/4)
Nghệ An: 470 tỉ đồng xây Nhà máy thuỷ điện Nậm Mộ
14/4 tại bản Cánh, xã Tà Cả, huyện Kỳ Sơn, Cty CP thuỷ điện Bản Vẽ làm lễ khởi công xây Nhà máy thuỷ điện Nậm Mộ trên sông Nậm Mộ. Nhà máy có công suất 16MW, sản lượng điện bình quân 67 triệu kWh, dự kiến diện tích đất sử dụng 10,71ha; tổng vốn đầu tư 470 tỉ đồng, năm 2012 đưa vào khai thác sử dụng. (Lao Động 15/4)
DẦU KHÍThêm 2.100 tỷ đồng bù lỗ dầu
14/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, chính phủ quyết định tiếp tục chi 2.100 tỷ đồng bù lỗ kinh doanh dầu phát sinh đến hết năm 2008 nhằm xử lý dứt điểm bù lỗ kinh doanh xăng dầu. Số tiền này được trích ra từ nguồn tăng thu ngân sách nhà nước kết chuyển từ năm 2008 sang năm 2009. Bộ trưởng Ninh cũng cho biết, nhu cầu này được xác định trên cơ sở của kiểm toán Nhà nước đối với các báo cáo quyết toán kinh doanh mặt hàng dầu năm 2008 của các doanh nghiệp đầu mối. Như vậy, cùng với số bù lỗ dầu 22.380 tỷ đồng Chính phủ đã báo cáo và được Quốc hội đồng ý quyết toán vào năm 2008, Ngân sách Nhà nước bù lỗ 24 nghìn tỷ đồng. (Thời Báo Kinh Tế Việt Nam 15/4)
Không tăng giá xăng dầu đến hết tháng 6
Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết vẫn giữ nguyên mức bù lỗ xăng dầu được trích từ Quỹ bình ốn giá, tuy nhiên sẽ xem xét việc sử dụng một số công cụ tài chính để giữ ổn định giá bán lẻ xăng, dầu. Trước phản ánh của một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu về việc giá xăng dầu thế giới vẫn tăng cao ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho biết cơ quan này sẽ tính toán áp dụng thêm các biện pháp tài chính, bao gồm cả công cụ thuế, để giữ ổn định giá bán lẻ mặt hàng xăng, dầu. Theo các doanh nghiệp, mặc dù, tuần trước Bộ Tài chính đã cho phép các doanh nghiệp được hưởng bù lỗ 500 đồng cho mỗi lít xăng, 400 đồng cho mỗi lít dầu diesel và dầu hỏa, nhưng mức bù lỗ trên không đủ so với chi phí của doanh nghiệp trong khi giá xăng, dầu thế giới vẫn tăng cao. Tính đến chiều 13/4, giá xăng thành phẩm chào bán tại thị trường Singapore đã lên tới 89,84 USD/thùng. Các mặt hàng dầu cũng vượt qua ngưỡng 90 USD/ thùng… Với giá này, sau khi trừ đi các khoản chi phí, lãi suất ngân hàng, cước vận chuyển, các loại thuế (nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, VAT), doanh nghiệp đang bị lỗ khoảng 1.000 đồng mỗi lít xăng, dầu. Ông Thỏa khẳng định, vẫn giữ nguyên mức bù lỗ được trích từ Quỹ bình ốn giá cho xăng là 500 đồng/lít, dầu diesel và dầu hỏa là 400 đồng/lít. Tuy nhiên Bộ Tài chính sẽ xem xét đến khả năng sử dụng một số công cụ tài chính để giữ ổn định giá bán lẻ xăng, dầu; đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện giãn các lần tăng giá bán lẻ xăng dầu đến hết tháng 6. Năm 2008, khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, Bộ Tài chính cũng đã thực hiện công cụ thuế để điều tiết. Việc giảm thuế nhập khẩu đã giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn vốn, từ đó có thể giảm hoặc giữ nguyên giá xăng dầu, giúp hạn chế được sức ép của lạm phát. Như vậy từ nay đến hết tháng 6, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu sẽ được giữ ổn định. (Website Chính Phủ 14/4)
KHAI KHOÁNGTKV bán than nhiều nhất thế giới
Ngân hàng CitiBank (Mỹ) vừa ra thông báo khẳng định vừa ký kết hợp đồng thu xếp khoản vốn vay tổng trị giá 200 triệu USD cho Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV). Mục đích khoản vay, CitiBank cho biết, sẽ được dùng cho dự án Tổ hợp Bô-xít Nhôm Lâm Đồng. Khoản vay trên có thời hạn 13 năm này sẽ được bảo lãnh bởi Cơ quan Bảo lãnh đầu tư và xuất khẩu Nhật Bản và Bộ Tài chính VN. Đặc biệt, dù lãnh đạo TKV khẳng định, VN phải nhập khẩu than vào 2012 nhưng đến nay, theo bản đánh giá của CitiBank, TKV không chỉ là nhà sản xuất than lớn nhất VN chiếm hơn 90% lượng than sản xuất năm 2008, mà còn là nhà xuất khẩu than lớn nhất thế giới, chiếm hơn 90% lượng bán ra toàn cầu. CitiBank đánh giá hoạt động kinh doanh than chiếm khoảng 78% tổng doanh thu của TKV, hoạt động kinh doanh khoáng sản và kinh doanh điện trong 2008 mới chiếm khoảng 5% doanh thu. TKV hiện có 29 mỏ than lộ thiên và 20 mỏ hầm lò với tổng công suất khai thác hiện nay vào khoảng 47-50 triệu tấn/năm. Trong khi đó, theo TKV, lợi nhuận trước thuế của tập đoàn này năm 2009 chỉ đạt khoảng 4.000 tỷ đồng, nợ phải trả đang gấp 2,3 lần vốn chủ sở hữu. (Tuổi Trẻ 14/4)
Kon Tum: Khai thác vàng trái phép vẫn tiếp diễn
Thời gian gần đây, trên địa bàn xã Đăk Pét, huyện Đăk Glei đã diễn ra tình trạng khai thác vàng sa khoáng trái phép bằng phương tiện máy móc hiện đại, làm ảnh hưởng đến môi trường, an ninh trật tự tại địa phương và thất thu ngân sách Nhà nước. Tháng 3, UBND tỉnh này đã có Công điện khẩn yêu cầu Chủ tịch huyện Đăk Glei chỉ đạo truy quét, xử nghiêm các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Tuy nhiên, những ngày trung tuần tháng 4, tình trạng khai thác vàng sa khoáng trái phép ở khu vực xã Đăk Pét vẫn tồn tại. Có điều hoạt động này chuyển sang ban đêm, thường đến 5 giờ sáng là “rút êm” về “khu vực an toàn”. Hiện dư luận đang đặt câu hỏi: tại sao tình trạng khai thác vàng sa khoáng trái phép từ trước tết Nguyên Đán đến nay, địa điểm khai thác cách UBND xã và huyện không xa nhưng vẫn tiếp diễn ồ ạt. (Sài Gòn Giải Phóng 15/4)
CƠ KHÍ - HÓA CHẤTKiểm tra nhập khẩu và kinh doanh phân bón
Cục Quản lý thị trường, Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành đối với sản phẩm phân bón. Đoàn sẽ tiến hành kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh phân bón vô cơ, rà soát nắm rõ tình hình sản xuất của các doanh nghiệp và lập kế hoạch kiểm tra cụ thể các đơn vị sản xuất kinh doanh phân bón trên cả nước, ngăn chặn và xử lý triệt để các đơn vị kinh doanh phân bón lậu, phân bón giả kém chất lượng đầu cơ găm hàng tăng giá quá mức. Cục quản lý thị trường tăng cường kiểm tra kiểm soát hóa đơn chứng từ đối với hàng phân bón nhập khẩu lưu thông trên thị trường, tránh tình trạng lợi dụng hợp thức hóa hàng giả, hàng kém chất lượng. Theo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, hiện lượng phân NPK trong nước sản xuất đã đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, nhưng có những doanh nghiệp không sản xuất phân NPK vẫn nhập loại phân bón này gây ảnh hưởng tới sản xuất trong nước cũng như ra tăng nhập siêu. Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV) cho biết, hiện nay tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn diễn biến hết sức phức tạp, phần lớn số phân bón kém chất lượng đều là NPK, do nhu cầu tiêu thụ lớn, dễ pha trộn, làm giả và bán với giá rất rẻ. Thực trạng này đang là mối đe dọa thường trực đối với các nhà sản xuất chân chính. (Website Chính Phủ 15/4)
Khánh Hoà: Đổi đơn vị thi công nhà máy xử lý hạt nix
UBND tỉnh vừa chỉ đạo ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong có cuộc họp bàn với các đơn vị liên quan vào ngày 15/4, nhằm đẩy nhanh việc triển khai xây dựng nhà máy xử lý hạt nix tại xã Ninh Thủy, huyện Ninh Hòa. Trước đó, Cty CP Khoáng sản luyện kim Hà Nội phối hợp với ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong tổ chức lễ khởi công xây nhà máy xử lý hạt nix phế thải, công suất 330.000 tấn/năm. Công trình do Tập đoàn Phương Cường Thịnh thi công, dự kiến sau 15 tháng sẽ đi vào hoạt động giai đoạn đầu. Nhưng đến nay Cty Khoáng sản luyện kim Hà Nội đã có văn bản gửi tỉnh Khánh Hòa đề nghị thay đổi đơn vị thi công, do Tập đoàn Phương Cường Thịnh không có khả năng thực hiện. (Tuổi Trẻ 15/4)
DỆT MAY – DA GIÀY2011: Ngành dệt may sẽ tự đáp ứng được 70% nhu cầu xơ sợi
Đến năm 2011, khi Nhà máy xơ Đình Vũ (Hải Phòng) đi vào hoạt động, ngành may mặc có thể tự đáp ứng được 70% nhu cầu về xơ sợi phục vụ sản xuất. Ông Lê Trung Hải - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết như vậy bên lề cuộc họp báo giới thiệu Triển lãm quốc tế về máy, thiết bị ngành may mặc, linh kiện, nguyên phụ liệu và vải (Saigon Tex 2010)diễn ra ngày 13/4. Theo ông Hải, hiện nay ngành dệt may tự đáp ứng được 25-35% nhu cầu về xơ sợi, số còn lại vẫn phải nhập khẩu. Tuy nhiên, khi Nhà máy Đình Vũ đặt tại Khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng) với công suất khoảng 600 tấn sợi polister/ngày dự kiến đưa vào hoạt động từ tháng 5/2011, sẽ cung cấp thêm khoảng 40% nhu cầu về xơ sợi để phục vụ ngành dệt may trong nước. Khi đó, ngành dệt may sẽ chủ động được khoảng 70% nguyên liệu xơ sợi. Cũng theo ông Hải, nguồn cung ứng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may đang tăng trưởng trong thời gian vừa qua. (Thời Báo Kinh Tế Việt Nam 14/4)
VẬT LIỆU XÂY DỰNGThanh tra giá thép: Xử phạt 5 doanh nghiệp
Thanh tra Bộ Tài chính vừa hoàn thiện báo cáo kết quả kiểm tra một số doanh nghiệp thép. Qua kiểm tra sáu doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép xây dựng, thanh tra Bộ Tài chính cho biết, trong ba tháng đầu năm 2010, giá thép xây dựng của các doanh nghiệp đều tăng mạnh. Mức tăng giá từ đầu năm đến ngày 23/3 là trên 13%, tức gần gấp đôi mức tăng giá bình quân của cả năm 2009. Từ 15-23/3 (thời điểm đang tiến hành kiểm tra), TCty Thép Việt Nam điều chỉnh bốn lần, tăng bình quân 1.300 đồng/kg, tăng khoảng 13%. Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên điều chỉnh năm lần, tăng khoảng 7,8%. Công ty cổ phần Kim khí Hà Nội điều chỉnh 21 lần, tăng khoảng 6,07%. Công ty cổ phần Kim khí miền Trung điều chỉnh bốn lần, tăng khoảng 1,9%. Theo ông Trần Huy Trường - phó chánh thanh tra Bộ Tài chính, thời gian kiểm tra các doanh nghiệp thép lần này vẫn hạn hẹp, mỗi đơn vị chỉ có năm ngày, trong khi khối lượng công việc rất lớn. Dù chưa phát hiện những sai phạm nghiêm trọng về giá như tăng bất hợp lý nhưng cơ quan thanh tra đã phát hiện và phải tiến hành xử phạt 5/6 doanh nghiệp được kiểm tra. Lý do, thép là mặt hàng thuộc diện đăng ký giá nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không đăng ký. Việc niêm yết giá cũng chưa được chấp hành tốt. Tuy nhiên theo khung xử phạt vi phạm hành chính hiện nay, mức xử phạt mỗi nơi khoảng 7,5 triệu đồng, tổng cộng mức phạt các hành vi vi phạm trên chỉ khoảng 31,5 triệu đồng. Về nguyên nhân tăng giá, thanh tra Bộ Tài chính cho biết không phát hiện được sai phạm lớn nào, giá thép trong quý 1/2010 chủ yếu do giá phôi thép và thép phế liệu thế giới tăng cao. Theo đó, phôi thép đã chiếm 95% giá thành, chi phí điện, nhân công, nhiên liệu chỉ chiếm phần nhỏ còn lại, trong khi giá phôi thép ba tháng qua tăng khoảng 13%, nên giá thép trong nước phải tăng. Tuy vậy, ông Trường công nhận thời gian tiến hành kiểm tra chỉ từ 15 đến 23-3 nên chưa “phủ” được khoảng giá thép tăng mạnh, tăng liên tục thời gian gần đây. Trước thông tin doanh nghiệp thép đã tăng giá 20% trong 15 ngày liên tiếp, ông Trường cho biết vẫn đang theo dõi và nắm tình hình, nếu cần thiết sẽ đề xuất biện pháp phù hợp. Trước thực tế kiểm tra các doanh nghiệp thép, thanh tra Bộ Tài chính cho rằng, dù giá đầu vào tăng, tỉ giá ngoại tệ tăng, giá xăng dầu, điện... tăng nhưng các doanh nghiệp thép vẫn cần rà soát toàn bộ các khâu trong quy trình sản xuất, tiết kiệm thêm chi phí, hạ giá thành và giá bán sản phẩm. Ông Trường cho biết, các doanh nghiệp vẫn có thể rút ngắn quy trình vốn, sử dụng vốn tự có hiệu quả hơn, duy trì mức tồn kho hợp lý để vừa giảm giá sản phẩm, vừa có thể bình ổn giá thị trường. Cơ chế chính sách hiện nay cũng còn những bất cập, như chỉ doanh nghiệp có 51% vốn nhà nước mới phải đăng ký giá, trong khi có nhiều doanh nghiệp thép lớn vốn nước ngoài hoặc tư nhân chi phối không phải làm điều này nên thanh tra Bộ Tài chính kiến nghị cần sửa thông tư 104/2008 của Bộ Tài chính để đưa tất cả doanh nghiệp thép vào diện phải đăng ký giá. (Tuổi Trẻ 15/4)
Thái Nguyên: Tăng đột biến phôi thép xuất khẩu
Giá thép ống xuất xưởng của các doanh nghiệp sản xuất thép trên địa bàn tỉnh dao động từ 14,2 - 14,5 triệu đồng/tấn, trong khi giá thép thị trường vẫn giữ mức trên 16 triệu đồng/tấn. Nhiều nhà sản xuất khẳng định, vẫn đủ hàng cung cấp ra thị trường, còn việc giá thép "nhảy múa" hoàn toàn phụ thuộc ở các nhà phân phối thương mại. Trước thời điểm thép tăng giá, lượng phôi thép các DN trong tỉnh nhập về đã tăng 7,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Dường như đoán được xu hướng tăng giá thép từ giữa tháng 3, trong quý I các DN trên địa bàn tỉnh đã nhập khẩu 77 nghìn tấn thép và phôi thép, tăng gấp ba lần cùng kỳ năm trước. Việc nhập khẩu ồ ạt như trên đã gây khó khăn lớn cho các DN sản xuất thép trên địa bàn tỉnh. Tính đến đầu tháng 3, lượng thép tồn của các DN sản xuất thép là 50 nghìn tấn, bằng 2/3 lượng sản xuất bình quân một tháng. Khi giá thép “xoay chiều” tăng liên tục những tuần gần đây, lượng thép tồn đó lại trở thành “hàng hiếm”. Những DN sản xuất chủ động nhập hoặc ký hợp đồng nhập phôi thép, thép phế từ trước thời điểm tăng giá đã thắng lớn khi giá thép tăng. Giá phôi thép các DN đang nhập hiện dao động từ 620 – 630USD/tấn, so với đầu năm chỉ khoảng 600 – 610USD/tấn. Mức giá niêm yết của một số DN sản xuất thép cán trên địa bàn tỉnh dao động từ 14 – 14,5 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, giá tại các cửa hàng từ 16 – 16,5 triệu đồng/tấn. DN sản xuất thép lớn nhất tại tỉnh là Cty CP gang thép Thái Nguyên khẳng định, không thiếu hàng phân phối ra thị trường. Trong quý I, lượng thép cán Cty sản xuất ra đạt trên 146 nghìn tấn. Lượng thép các DN trên địa bàn tỉnh sản xuất cũng tăng 26% đạt 226 nghìn tấn. Với giá đầu vào tăng, ông Phạm Đức Việt – Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh Cty CP gang thép Thái Nguyên ước tính giá xuất xưởng khoảng 15 triệu đồng/tấn thép. Nghĩa là, để tham gia bình ổn giá thép DN phải chấp nhận bán thấp hơn giá thành sản xuất. Trong khi đó, giá thép trên thị trường vẫn tăng cao bởi biện pháp duy nhất các DN sản xuất áp dụng được là niêm yết giá. (Lao Động 15/4)
Cấp phép khai thác đá vôi cho nhà máy xi măng tại Ninh Bình
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa yêu cầu Bộ TN&MT khẩn trương thực hiện việc cấp giấy phép thăm dò, khai thác đá vôi cho nhà máy xi măng Duyên Hà và Hệ Dưỡng, tỉnh Ninh Bình. Thủ tướng cũng yêu cầu việc cấp giấy phép trên phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về khoáng sản. Được biết, năm 2008, Công ty cổ phần xi măng Hệ Dưỡng đã tiến hành đầu tư xây dựng nhà máy mới với công suất 3,6 triệu tấn/năm với 2 dây chuyền hiện đại. Khi đi vào hoạt động nhà máy sẽ đóng góp thêm một nguồn xi măng lớn với chất lượng cao cho thị trường xi măng trong nước. (Vietstock 14/4)
Tập đoàn Thép của Nhật đầu tư vào Nghệ An 1 tỉ USD
Nghệ An vừa cấp giấy chứng nhận Cty TNHH Kobelco Việt Nam đầu tư xây nhà máy sản xuất sắt xốp theo công nghệ Itmk3(R). Đây là dự án 100% vốn nước ngoài, triển khai tại KCN Hoàng Mai; tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỉ USD. Từ tháng 2/2011, Cty sẽ tiến hành xây dựng giai đoạn 1 - mức đầu tư khoảng 500 triệu USD, công suất khoảng 1 triệu tấn phôi thép /năm. Năm 2014 đầu tư 500 triệu USD giai đoạn 2, nâng tổng công suất lên 2 triệu tấn sắt xốp/năm. Việc xây nhà máy sản xuất sắt xốp nhằm khai thác, sử dụng nguồn quặng từ mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) và các vật liệu thô khác trên địa bàn đáp ứng nhu cầu trong nước và XK. (Lao Động 15/4)
Quý 2/2010: Giá xi măng có thể tăng 4-5%
Theo Trung tâm Thông tin Thương mại và Công nghiệp (Bộ Công Thương), quý 2/2010 là cao điểm của mùa xây dựng, nhu cầu sử dụng xi măng sẽ tăng mạnh, mức tiêu thụ khoảng 11 triệu tấn (tăng 12,2% so quý 1/2010). Xem xét các yếu tố cung - cầu, Trung tâm dự đoán cung sẽ vượt cầu khoảng 5 triệu tấn, do đó thị trường có thể sẽ dư thừa, giá xi măng vì thế sẽ không biến động mạnh, có thể chỉ tăng 4-5% so với giá bán quý 1/2010. Nhưng nếu không điều tiết tốt có thể vẫn xảy ra tình trạng dư thừa xi măng cục bộ ở miền Bắc, thiếu cục bộ ở miền Nam như các năm trước. (Gia Đình & Xã Hội 15/4)
CÔNG NGHIỆP TIÊU DÙNG VÀ CHẾ BIẾNThủy sản Việt Nam được đánh giá cao ở Nhật
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), Cục Y dược và thực phẩm Nhật Bản đánh giá cao công tác quản lý và kiểm soát về an toàn vệ sinh thủy sản của Việt Nam. Kể từ khi thực hiện quyết định 06/2007 về áp dụng những biện pháp cấp bách kiểm soát dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm trong thủy sản xuất khẩu vào Nhật Bản, tỷ lệ lô hàng của Việt Nam bị cảnh báo dư lượng kháng sinh cấm tại thị trường này đã giảm đáng kể, từ 4,6% xuống còn 0,39% vào năm 2009. Thời gian qua, Nhật Bản đã áp dụng chế độ kiểm tra tăng cường theo mức kiểm 30% số lô hàng cá tra nhập khẩu từ Việt Nam cho chỉ tiêu Trifluralin và trong vòng 30 lô tiếp nếu có 1 lô không đạt sẽ bị chuyển thành chế độ đặc biệt kiểm 100% lô hàng. Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD), Bộ NN&PTNT đã đồng ý loại bỏ sản phẩm có chứa Trifluralin ra khỏi danh mục sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản, thu hồi và tiêu hủy các sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản chứa Trifluralin còn tồn kho. NAFIQAD cũng đề xuất hợp tác giữa cơ quan thẩm quyền của hai nước trong việc đánh giá năng lực kiểm tra, kiểm nghiệm và thừa nhận kết quả kiểm nghiệm của NAFIQAD, tránh kiểm tra hai lần đối với các lô hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản. Đồng thời, hai bên sẽ tiến tới ký kết thỏa thuận hợp tác kiểm soát chất lượng thủy sản xuất nhập khẩu của hai nước. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2009, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản đạt gần 760 triệu USD, với sự tham gia của 39 doanh nghiệp. (Thông Tấn Xã Việt Nam 14/4)
Đắc Lắc: Nhiều đại lý cà phê vỡ nợ
Những ngày gần đây, nhiều nông dân trồng cà phê ở huyện EhLeo rơi vào cảnh điêu đứng vì hàng trăm tấn cà phê có thể không đòi lại được, bởi nhiều đại lý thu mua cà phê tuyên bố vỡ nợ, không còn khả năng thanh toán. Câu chuyện bắt nguồn từ hình thức ký gửi vốn phổ biến tại vùng đất này. Sau mỗi vụ thu hoạch, thay vì đem bán, nông dân mang cà phê đến gửi tại các đại lý, với hy vọng chờ giá cao để bán. Nhưng kết quả đã không như mong đợi. Sau mỗi vụ thu hoạch, nếu giá cà phê không cao, hầu hết nông dân trồng cà phê tại huyện Ehleo, chỉ bán một phần nhỏ sản lượng cho các đại lý, còn phần lớn là ký gửi. Thứ nhất, vì không có kho xưởng để chứa, thứ hai là hy vọng chờ giá cao để bán, còn nếu không thì cứ gửi tại các đại lý. Nếu thiếu tiền để sản xuất hoặc tiêu dùng, người nông dân lại đến các đại lý để tạm ứng. Đây là hình thức đã tồn tại nhiều năm nay tại vùng đất này, nhưng bản thân người nông dân lại không lường hết được những rủi ro mà họ có thể gặp phải. Một nông dân trồng cà phê tại huyện Eahleo cho biết: “Để cà phê ở nhà thì mối mọt, không có chỗ chứa, nên đem đến đại lý gửi. Bình thường, cứ hết tiền là đến lấy, mấy người ở đây làm ăn uy tín lắm, nhưng bây giờ không hiểu sao đi đâu không tìm được, giờ cũng chẳng biết làm thế nào”. Các đại lý thu mua cà phê là các doanh nghiệp tư nhân, chỉ có số vốn nhất định, còn chủ yếu là vay từ ngân hàng thông qua việc thế chấp nhà xưởng. Sau khi ký gửi cà phê của nông dân, các đại lý lại bán cho các DN xuất khẩu theo từng thời điểm. Mặc dù cà phê là của nông dân, nhưng việc mua hay bán lại do các đại lý quyết định. Vì lẽ đó, nên nhiều khi giá lên cao, DN vẫn chưa vội bán, hoặc bán ở thời điểm thấp hơn so với giá mà người nông dân muốn bán. Kết quả của mối liên hệ tài chính lỏng lẻo này là khi được giá, nông dân chốt giá bán cần lấy tiền ngay, thì các đại lý, doanh nghiệp không đủ khả năng chi trả, nên vỡ nợ. Hiện ở huyện Eahleo có 4 doanh nghiệp đã tuyên bố vỡ vợ, với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng. Đây là 4 doanh nghiệp thu mua cà phê lớn nhất trên địa bàn, mỗi năm thu mua gần 2/3 sản lượng cà phê của toàn huyện. UBND huyện Eahleo cũng như các cơ quan của tỉnh Đăk Lăk đang vào cuộc để nắm bắt tình hình và sớm đưa ra giải pháp khắc phục. Sự bế tắc của bà con nông dân trong việc giải quyết đầu ra cho sản phẩm đang là một nghịch lý tồn tại ở nước có sản lượng xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới. (VTVNews 14/4)
Hỗ trợ mua tạm trữ 200.000 tấn cà phê
Thủ tướng vừa có công văn đồng ý hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp mua tạm trữ tối đa 200.000 tấn cà phê sản xuất trong niên vụ 2009-2010, thời hạn mua cà phê tạm trữ bắt đầu từ 15/4. Cụ thể, Nhà nước sẽ hỗ trợ lãi suất với mức 6%/năm khi doanh nghiệp mua cà phê tạm trữ. Thời gian hỗ trợ lãi suất cho mua cà phê tạm trữ tối đa là 6 tháng, tính từ ngày 15/4 đến ngày 15/7. Ngân hàng Nhà nước VN có nhiệm vụ chỉ đạo các ngân hàng thương mại cân đối đủ vốn cho các doanh nghiệp thu mua cà phê, kể cả cà phê tạm trữ. Đồng thời, các ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn nợ, giãn nợ đối với các khoản nợ vay của các hộ trồng cà phê đến hạn trả nhưng có khó khăn chưa trả được, tiếp tục cho vay để người dân có vốn sản xuất vụ mới. (Tuổi Trẻ 15/4)
ĐBSCL: Thiếu tôm nguyên liệu, các nhà máy tăng giá mua
Nông dân các tỉnh ĐBSCL mới bắt đầu thả tôm sú chính vụ nên tôm nguyên liệu đang khan hiếm nghiêm trọng. Diện tích tôm sú nuôi theo mô hình quảng canh bị thiệt hại ở Bạc Liêu và Cà Mau đang tăng nhanh từng ngày vì thiếu nước mặn và ảnh hưởng nắng hạn gay gắt. Hàng loạt nhà máy chế biến thủy sản ở ĐBSCL phải hoạt động cầm chừng, chỉ khoảng 30-40% công suất. Ông Lâm Ngọc Khuân - giám đốc Công ty TNHH chế biến thủy sản Phương Nam (Sóc Trăng) cho biết, mỗi ngày công ty mua được gần 15 tấn tôm trong khi sức tiêu thụ của nhà máy lên đến 150 tấn tôm/ngày nên phải áp dụng chính sách bù lương để trên 2.000 công nhân tiếp tục gắn bó với công ty. Thiếu nguyên liệu nên các công ty chế biến thủy sản đã tăng giá mua tôm sú lên rất cao. (Tuổi Trẻ 15/4)
ĐIỆN TỬSamsung Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 1,5 tỷ USD
Năm 2010, Samsung Việt Nam phấn đấu đạt cả năm xuất khẩu 42 triệu sản phẩm và trở thành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt giá trị xuất khẩu lớn nhất Việt Nam. Theo ông Yoo Young Bok – Tổng giám đốc công ty, hiện Samsung Việt Nam có 23 doanh nghiệp vệ tinh chuyên sản xuất các linh kiện phụ trợ tại Bắc Ninh và 32 nhà máy tại các tỉnh phía Bắc. Sau khi chính thức đi vào sản xuất (tháng 10/2009), nhà máy đạt công suất trung bình 1,5 triệu sản phẩm/tháng. Năm 2010, công ty phấn đấu đạt công suất 2 triệu sản phẩm/tháng và từ tháng 6/2010 sẽ nâng công suất lên gấp đôi, phấn đấu cả năm xuất khẩu 42 triệu sản phẩm, góp phần thực hiện mục tiêu đạt 1,5 tỷ USD giá trị xuất khẩu và trở thành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt giá trị xuất khẩu lớn nhất Việt Nam. Hiện nay Samsung đã xây dựng chung cư cho công nhân, giải quyết chỗ ở cho 720 lao động ngay tại Khu công nghiệp Yên Phong. (Bưu Điện Việt Nam 14/4)
Phần 2: Tin Thương mại CHÍNH SÁCH THƯƠNG MẠIKiến nghị hạn chế cấp ngoại tế nhập thép
Nhằm giảm nhập siêu, Hiệp hội Thép Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ hạn chế cấp tín dụng, ngoại tệ cho các đơn vị nhập khẩu các dòng sản phẩm mà sản xuất trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu như thép xây dựng, thép cán nguội, thép ống, thép mạ. Đồng thời, áp dụng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm thép như: yêu cầu các đơn vị sản xuất trong nước phải tiến hành in logo của mình lên sản phẩm thép cuộn, thép thanh, thép hình và yêu cầu các sản phẩm nhập khẩu phải có logo của nhà sản xuất… Những năm gần đây, ngành thép luôn rơi vào tình trạng phát triển ì ạch, nhập khẩu từ 6-8 tỷ USD/năm, trong khi xuất khẩu năm cao nhất chỉ đạt 1,7 tỷ USD (năm 2008) còn lại chỉ vài trăm triệu USD. (Nông Thôn Ngày Nay 15/4)
XUẤT NHẬP KHẨUHòa Phát xuất khẩu 5,000 tấn gang sang Hàn Quốc
Theo tin từ CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG), CTCP Thép Hòa Phát, một thành viên của HPG vừa hoàn tất việc bốc xếp lô hàng gang xuất khẩu đầu tiên của Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát cho một nhà sản xuất thép của Hàn Quốc. Cụ thể, hợp đồng xuất khẩu gang được ký giữa Thép Hòa Phát và Công ty Samkyung Intraco với số lượng 5,000 tấn, giao hàng tại cảng Hải Phòng vào trung tuần tháng 4 này. Lô gang xuất khẩu đầu tiên này sẽ được cung cấp cho nhà máy sản xuất thép lớn thứ 2 Hàn Quốc - Dongkuk Steel Mill Co.,Ltd. Công ty có sản lượng đạt 5.6 triệu tấn thép/ năm. Ngoài đơn hàng xuất khẩu trên, Thép Hòa Phát còn ký hợp đồng bán nội địa cho Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Sao Thủy với khối lượng 5,000 tấn gang để cung cấp cho Công ty Thép Việt tại TPHCM. (Vietstock 14/4)
Việt Nam xuất khẩu được gần 330.000 tấn cà phê
Bộ NN&PTNT cho biết, trong 3 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 330.000 tấn cà phê với kim ngạch khoảng 466 triệu USD. Sản lượng xuất khẩu giảm tới 24,04% và giảm 28,28% về giá trị kim ngạch so với cùng kỳ năm 2009. Cũng theo bộ NN&PTNT, giá cà phê trong những tháng đầu năm đã giảm đáng kể, bình quân từ đầu năm đến nay, giá cà phê đã giảm 7,99% so với cùng kỳ năm 2009. Được biết, hiện giá cà phê được các đại lý thu mua tại các tỉnh Đak Lak, Đak Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng dao động từ mức 24.300 đồng - 24.500 đồng/kg. (Website Đảng Cộng Sản Việt Nam 14/4)
Xuất khẩu chè đạt 24 nghìn tấn
14/4, Bộ NN&PTNT cho biết, xuất khẩu chè tháng 3 vừa qua đạt 7.000 tấn, kim ngạch 9 triệu USD, đưa lượng chè xuất khẩu cả quý I lên 24 nghìn tấn, kim ngạch 33 triệu USD. Hầu hết các thị trường xuất khẩu chè của Việt Nam đều có kim ngạch tăng như Nga 85,99%, Ấn Độ 33%... chỉ có thị trường Pakistan và Đài Loan giảm. Việt Nam là nước xuất khẩu chè lớn thứ 5 thế giới. Với kết quả đạt được trong thời gian qua, nhiều chuyên gia cho rằng, mục tiêu đề ra đến năm 2010 đạt kim ngạch xuất khẩu chè 200 triệu USD là khả thi. (Hà Nội Mới 15/4)
Đồng Nai: Kim ngạch XK tăng 18,5%
Sở Công Thương Đồng Nai cho biết, kim ngạch XK trên địa bàn tỉnh quý I/2010 đạt 1.437,2 triệu USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2009, đạt 20,4% kế hoạch năm. Đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu đạt 1.916,3 triệu USD, tăng 70,7% so với cùng kỳ năm 2009. Nguyên nhân nhập khẩu tăng là do sản xuất tăng, yêu cầu nhập khẩu nguyên liệu, vật tư phục vụ cho sản xuất tăng là tất yếu. (Đầu Tư 14/4)
THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚCHàng trăm mặt hàng tăng giá bán
Bất chấp tỷ giá đôla đang giảm, các mặt hàng nhập khẩu vẫn không có tín hiệu giảm giá, thậm chí một số vẫn tiếp tục tăng. Nhưng đáng ngại là so với các mặt hàng sản xuất trong nước, quy mô và mức độ tăng giá của các mặt hàng nhập khẩu hiện chưa thấm tháp gì. Thông tin từ các hệ thông phân phối lớn tại Hà Nội như Fivimart, Intimex, Citimart cho biết, nếu như sau Tết, số lượng các nhà cung cấp gửi công văn điều chỉnh tăng giá sản phẩm chỉ ở mức độ “rải rác” thì từ vài tuần trở lại đây, hiện tượng này trở nên “ào ạt”. Tương tự, nếu như tăng giá thời điểm sau chủ yếu rơi vào hàng nhập khẩu với mức tăng nhẹ, phổ biến từ 3-5%, thì hiện nay là cuộc “kéo nhau lên giá” của hàng trong nước với mức tăng trên dưới 10%. “Hiện siêu thị đã nhận được thông báo điều chỉnh giá bán từ khoảng 20 nhà cung cấp hàng trong nước, dải đều các ngành hàng từ thực phẩm, gia dụng, hóa mỹ phẩm… Tính cả hàng nhập khẩu thì ước chừng có khoảng 200-300 mặt hàng tăng giá” – đại hiện hệ thống Intimex cho hay. Còn lãnh đạo hệ thống Fivimart, bà Vũ Thị Hậu mô tả: “nói chung các nhà cung cấp hàng trong nước, nhà nào cũng có những mặt hàng tăng giá. Gần như họ rủ nhau lên hết mà siêu thị không thể không cho phép”. Lý do mà các nhà cung ứng hàng vào siêu thị đưa ra đợt này chủ yếu vin vào các chi phí đầu vào từ nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng đến việc tăng lương cơ bản bắt đầu từ tháng 5/2010. Điều bất hợp lý là thông thường khi tỷ giá VND/USD trên thị trường tăng cao thì ngay lập tức các nhà nhập khẩu, kinh doanh cũng cho đó là lý do cốt yếu để tăng giá bán nhưng vài tuần nay khi tỷ giá liên tục giảm thì đó lại trở thành lý do thứ yếu để họ tính chuyện giảm giá. Thông tin cho thấy, sau một loạt động thái nâng giá thời điểm trước và sau Tết thì hiện nay khi đôla giảm mạnh (giá đôla trên thị trường tự do, hôm 14/4 lần đầu tiên còn thấp hơn tỷ giá liên ngân hàng), các siêu thị vẫn chưa nhận được công văn điều chỉnh giảm giá nào từ phía nhà nhập khẩu, cung ứng hàng. Thậm chí, một số mặt hàng nhựa ngoại nhập còn đang báo giá tăng tiếp 10%. Ngoài những trường hợp tăng giá bất khả kháng nêu trên, giải thích việc chưa có động thái giảm giá nào, hầu hết nhà nhập khẩu hàng thực phẩm khi được hỏi đều vin vào lúc này đang là giai đoạn thấp điểm tiêu thụ, hàng bán ra hiện nay đều được nhập từ trước - khi giá đôla còn cao, còn gần đây chưa có lô hàng nào mới nhập về. Ngay cả đơn vị thường xuyên nhập và phân phối hoa quả tươi như táo, lê từ Mỹ, Úc là Công ty Nhất Nam, một đại diện còn cho rằng, các loại hoa quả nhập về có tính mùa vụ. Thường nhập nhiều vào vụ Tết, còn hiện nay hoa quả trong nước đa dạng, phong phú nên đơn vị cũng không nhập mấy (?!). Thừa nhận việc tỷ giá đôla giảm hiện nay cũng có ý nghĩa nhất định nhưng từ góc độ nhà nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng, phụ trách kinh doanh của một doanh nghiệp lâu năm tại Hà Nội phân trần, doanh nghiệp đang phải chịu lãi suất vay vốn ngân hàng cao nên khó có thể tính đến chuyện giảm giá bán. Cũng theo hướng này, một đại diện Ban lãnh đạo Công ty Minh Anh – chuyên nhập khẩu, phân phối hàng thực phẩm tại Hà Nội cho rằng, mặc dù thuế suất thuế nhập khẩu cũng như tỷ giá đang theo chiều hướng giảm nhưng doanh nghiệp vẫn phải đối mặt trước nhiều nguy cơ bất ổn định của nền kinh tế. Cho nên tất cả các quyết sách hiện đều phải nhìn một cách dài hơi. (Vietnamnet 15/4)
XÚC TIẾN THƯƠNG MẠIExpo 2010 thu hút DN của 17 quốc gia, lãnh thổ
Với chủ đề “Việt Nam - Cơ hội thương mại và đầu tư mở rộng”, Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam Expo lần thứ 20 đã khai mạc sáng 14/4 tại Hà Nội. Với 700 gian hàng, Expo 2010 đã thu hút gần 400 doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp đến từ 17 quốc và vùng lãnh thổ như Mỹ, Trung Quốc, Hongkong, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, Cuba, Lào, Campuchia. Tại đây các doanh nghiệp tập trung giới thiệu các mặt hàng như nông-lâm-thủy sản và thực phảm; thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ nội thất; may mặc, thời trang và da giày; thiết bị máy móc vật liệu xây dựng và trang trí nội thất; công nghiệp điện và điện tử; dịch vụ thương mại. Do đó, đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tìm kiếm, mở rộng và tiếp cận thông tin với các thị trường nước ngoài nhằm đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới. Ngoài việc trưng bày sản phẩm tại Expo 2010, các doanh nghiệp tham gia hội chợ còn có các buổi tiếp xúc trực tiếp các cơ sở sản xuất của phía doanh nghiệp Việt Nam, giúp việc nắm bắt các cơ hội kinh doanh từ hai phía được đầy đủ hơn, qua đó ký kết được các hợp đồng làm ăn mà không tốn thời gian để tìm hiểu thị trường. (Thông Tấn Xã Việt Nam 14/4)
Sẽ lập sàn giao dịch nông sản tại Kiên Giang
Theo tin từ Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã đồng ý về chủ trương thí điểm thành lập sàn giao dịch nông sản tập trung tại tỉnh Kiên Giang. Bộ Công Thương sẽ hướng dẫn thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và Công ty cổ phần MASAN là đơn vị vận hành sàn giao dịch này. Trước đó, ngày 6/4, một sàn giao dịch đường hiện đại đã được Công ty cổ phần giao dịch hàng hóa Sài Gòn Thương Tín đưa vào vận hành. Hội Nông dân Việt Nam và Công ty Phố Chợ đã thống nhất sẽ xây dựng hệ thống sàn giao dịch kết nối cung cầu nông nghiệp thực phẩm, tại các huyện thị trong quý II tới. Việc thành lập các sàn giao dịch nông sản sẽ tạo cơ hội thuận lợi hơn cho nông dân và doanh nghiệp trong việc lưu thông các sản phẩm nông nghiệp và tiếp cận với mô hình thương mại quốc tế. (Thông Tấn Xã Việt Nam 14/4)
Triển lãm về thiết bị và linh kiện ngành may mặc
Sáng 14/4, triển lãm quốc tế về máy, thiết bị ngành may mặc, linh kiện, nguyên phụ liệu và vải năm 2010 đã khai mạc tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Tân Bình, TPHCM. Triển lãm lần này thu hút sự tham gia của hơn 300 công ty đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sản phẩm trưng bày, giới thiệu tại triển lãm bao gồm các loại máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu phục vụ cho thị trường may mặc Việt Nam; tạo cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam thăm quan, tìm hiểu và mua các chủng loại thiết bị hiện đại. (Thông Tấn Xã Việt Nam 14/4)
Hơn 200 DN tham gia Festival thủy sản Việt Nam
Chiều 14/4, tại TPHCM, ban tổ chức cho biết, mọi công tác chuẩn bị cho Festival Thủy sản Việt Nam gần như đã hoàn tất. Lễ hội sẽ diễn ra từ 24 đến 27/4, tại TP Cần Thơ với chủ đề: Thủy sản Việt Nam - Tiềm năng, phát triển và hội nhập. Gần 20 hoạt động có ý nghĩa kinh tế - văn hóa sẽ diễn ra như tôn vinh doanh nghiệp tiêu biểu, gương điển hình đóng góp cho ngành thủy sản; hội thi tôm càng xanh lớn nhất, cá tra, ba sa lớn nhất; guinness ẩm thực thủy sản, con đường trực quan thủy sản… Riêng hoạt động xúc tiến thương mại sẽ có hội chợ thương mại thủy sản VN đã có hơn 200 doanh nghiệp và các địa phương đến từ 20 tỉnh, thành từ miền Bắc, Trung, vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL đăng ký tham gia trên 450 gian hàng. Hiện có khoảng 150 đoàn khách quốc tế đăng ký tham dự. (Tuổi Trẻ 15/4)
“Việt Nam - cơ hội thương mại và đầu tư rộng mở”
Đây là chủ đề của Hội chợ Thương mại Quốc tế VN lần thứ 20 (Vietnam Expo 2010) do Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, UBND TP.Hà Nội tổ chức, khai mạc sáng 14/4 tại Hà Nội. Hội chợ đã thu hút được trên 400 DN của VN và các DN đến từ 17 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia trưng bày tại 700 gian hàng. Vietnam Expo 2010 sẽ diễn ra các hoạt động tiêu biểu: “Triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ VN xuất khẩusang thị trường Nhật Bản”, “Hội thảo hàng VN XK sang thị trường Trung Quốc và các nước ASEAN”, “Hội thảo cơ hội cho hàng VN xuất khẩu sang thị trường Châu Âu”... (Lao Động 15/4)
DOANH NGHIỆP - THƯƠNG HIỆUThành lập Chi hội Doanh nhân Việt Nam tại Mỹ
12/4, Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức lễ ra mắt chi hội tại Mỹ. Theo ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, Hiệp hội quyết định thành lập chi hội tại Mỹ để hỗ trợ các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư và mở rộng kinh doanh tại thị trường này. Ông David Huy Hồ - Phó Chủ tịch Hiệp hội và Chi hội trưởng Chi hội tại Mỹ, cho biết việc thành lập chi hội này nhằm thúc đẩy quan hệ kinh doanh giữa Việt Nam và Mỹ. Nhiệm vụ của chi hội là tạo cầu nối để tăng cường giao dịch kinh doanh giữa Việt Nam và Mỹ và các nước khác cũng như tăng đầu tư vào Việt Nam. Theo ông, việc này hoàn toàn có thể thực hiện được vì môi trường đầu tư tại Việt Nam rất tốt, vì Việt Nam phát triển ổn định, giá nhân công thấp và trình độ học vấn của nhân công tương đối cao. (Thông Tấn Xã Việt Nam 14/4)./.