Cần có ngay các giải pháp cấp bách nhằm hạn chế tình trạng thiếu điện

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII ngày 22/11/2010, với tư cách là thành viên Chính phủ và Trưởng ban chỉ đạo Nhà nước về Quy hoạch điện 6, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã nhận trách nhiệm

Quy hoạch điện VI được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có tốc độ tăng trưởng 15 - 17% phụ tải, nhưng Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp để đáp ứng yêu cầu tới 20%. Vì vậy, Quy hoạch điện VI cần phải đầu tư khoảng 3000 MW/năm, với tổng vốn đầu tư khoảng 6 tỷ USD mỗi năm (trên 10% tổng mức đầu tư toàn xã hội). Thế những vẫn thiếu điện, vậy đâu là nguyên nhân?
Thứ nhất là, do thiếu vốn. Từ năm 2006 đến nay, do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và khu vực, nên việc huy động vốn đầu tư các dự án là rất khó khăn. Huy động vốn trong nước cũng có lúc lãi suất đã lên tới 18-19%, tuy nhiên, dù ngành Điện phải đi vay với lãi suất cao như vậy cũng không có đủ vốn để mà vay, trong khi huy động vay vốn nước ngoài cũng gặp nhiều khó khăn vì nguồn vốn có hạn. Nhiều quốc gia trong thời gian đó đã ra quy định cấm đầu tư ra nước ngoài để giữ được cân bằng về tài chính và tiền tệ. Từ năm 1997 đến năm 2003, đã có một số dự án đầu tư vào Việt Nam theo hình thức BOT, nhưng từ 2003 đến nay, không có thêm dự BOT lớn của nước ngoài, mà chủ yếu là các doanh nghiệp tự huy động trong nước. Chính phủ cũng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cùng các ngân hàng và chủ đầu tư phối hợp để đảm bảo đủ vốn. Nếu chậm khởi công dự án thì tình trạng thiếu điện sẽ kéo dài. Đến hết năm 2010, tiến độ Quy hoạch điện VI mới chỉ thực hiện được 74% về nguồn điện, khoảng 61% lưới điện...
Thứ hai là, công tác giải phóng mặt bằng. Phần lớn các công trình nguồn và lưới điện hiện nay ở các địa phương đều vướng khâu giải phóng mặt bằng. Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Nhà nước đã làm việc và giao cho các Bộ như Tài nguyên – Môi trường, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương... phối hợp với lãnh đạo địa phương tập trung giải quyết vấn đề giải phóng mặt bằng vì nguyên nhân này mà nhiều công trình phải chậm đến hai, ba năm.
Thứ ba là, nguyên nhân do giá điện. Hiện nay giá điện bình quân của Việt Nam là 5,2cent/kWh (tính theo giá USD), còn các nước như Thái Lan là 5,5 cent, Xingapo là 13,5cent, Malayxia là 7,6 cent, Indonesia là 8 cent..., như vậy, Việt Nam nằm trong nhóm các nước có giá điện thấp. Chính từ giá điện thấp nên huy động vốn thi công công trình, đặc biệt là công trình của tư nhân ở trong nước và ngoài nước kém hấp dẫn.
Thứ tư là, năng lực của nhà đầu tư và các nhà thầu, kể cả một số nhà thầu nước ngoài. Đây là điểm yếu mà từ nhiều năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành phải sớm khắc phục và hiện nay, các thủ tục đầu tư cũng đã được tháo gỡ cơ bản, chủ đầu tư đã giảm rất nhiều các thủ tục hành chính trong công tác đầu tư, tuy nhiên, công tác chuẩn bị đầu tư, triển khai thực hiện dự án rất chậm. Vấn đề này có nguyên nhân thiếu vốn, tức là sau khi quy hoạch ngành, địa phương xong thì không có vốn để triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, đến khi có vốn rồi mới chuẩn bị đầu tư thì dự án quá chậm.
Thứ năm là, ý thức tiết kiệm của người dân còn hạn chế, cũng như công nghệ sử dụng điện còn rất lạc hậu. Hiện nay, tỷ lệ đàn hồi giữa GDP với nhu cầu sử dụng điện thường tăng gấp 2 lần, trong khi các quốc gia khác chỉ đến 1,1, hoặc cùng trình độ với mình cũng chỉ tăng đến 1,6 – 1,7 lần, thì chúng ta tăng 2,1 lần, chứng tỏ hiệu suất sử dụng điện, hiệu quả sử dụng điện không cao. Việt Nam là quốc gia thiếu điện và phải nhập khẩu điện, chính vì vậy mà sử dụng hiệu suất năng lượng cao và hiệu quả sử dụng điện tiết kiệm là vấn đề phải được coi là hết sức cấp bách.
Để khắc phục tình trạng trên, cần thực hiện các giải pháp:
Thứ nhất là, phải tập trung tháo gỡ những vướng mắc tại các công trình đang thi công mà hiện nay có 35 dự án điện đang bị chậm tiến độ. Trong đó có các nguyên nhân về vốn, giải phóng mặt bằng, năng lực nhà thầu... Đặc biệt là các dự án như Nhiệt điện Quảng Ninh, Hải Phòng, Cẩm Phả, Sơn Động, Quảng Ninh 2, Hải Phòng 2...
Thứ hai là, phải thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài cho phát triển các dự án điện. Tuy nhiên, những dự án này đầu tư mà giá điện không được điều chỉnh, chỉ dựa vào vốn trong nước sẽ không hấp dẫn các nhà đầu tư, vì vậy, cần phải sớm ban hành cơ chế khuyến khích khai thác, phát triển các nguồn năng lượng như gió, mặt trời và hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách cho sự chênh lệch về giá.
Thứ ba là, phải chấn chính việc thực hiện của các chủ đầu tư, các nhà thầu trong việc thực hiện đầu tư và các dự án khác, bảo đảm chất lượng và tiến độ các dự án.
Thứ tư là, phải sớm tái cơ cấu ngành Điện và tới năm 2011 sẽ đưa ra thị trường cạnh tranh về phát điện. Trước hết, sẽ tách các nhà máy điện ra khỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chỉ để lại một số nhà máy điện chiến lược trong EVN, còn phần truyền tải, phân phối vẫn do EVN quản lý giai đoạn đầu, bởi nếu phần phân phối tách ra, trong khi chưa thực hiện điện giá theo cơ chế thị trường thì các công ty phân phối không thể cung cấp điện một cách ổn định do bị lỗ. Thời gian đầu, phải dùng các nhà máy thủy điện chiến lược để đảm bảo cho các công ty phân phối duy trì được vấn đề cấp điện.
Thứ năm là, phải thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường. Chính phủ đã mạnh dạn cho phép thực hiện cơ chế thị trường về giá xăng dầu và bước đầu thành công, nếu không có cơ chế thị trường về giá năng lượng thì không có cách gì đảm bảo đủ điện cho quốc gia, đặc biệt là trong thời gian 50 năm, 100 năm nữa.
Thứ sáu là, phải đẩy mạnh tuyên truyền các giải pháp về quản lý, sử dụng năng lượng hiệu quả. Quốc hội đã ban hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, vì vậy cần có cơ chế bắt buộc về dán nhãn sản phẩm thiết bị sử dụng điện và phải quy định hiệu suất sử dụng điện, không cho nhập, không cho sản xuất những thiết bị năng lượng sử dụng không có hiệu quả, hoặc hiệu quả thấp. Đây là những nội dung Nhà nước đã triển khai thí điểm trong hai năm trước đây và thời điểm này phải đưa vào thực hiện chính thức nhằm hạn chế tình trạng thiếu điện...