Theo ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, hiện có 224 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) liên quan đến Việt Nam, trong đó chống bán phá giá (CBPG) là 124 vụ; chống trợ cấp là 23 vụ; tự vệ 45 vụ; chống lẩn tránh thuế PVTM là 32 vụ.
Các sản phẩm xuất khẩu thường xuyên bị điều tra như thép, sản phẩm thép, sợi, sản phẩm nhựa, sản phẩm cao su, vật liệu xây dựng, đồ gỗ, ống đồng, tôm, cá tra, mật ong,… Các thị trường tiến hành điều tra như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, Canada, EU, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Mexico,…
Hiện tại, việc thực hiện cảnh báo sớm cũng đã có một số kết quả khi các cơ quan chức năng căn cứ vào các thông tin cảnh báo sớm đã phối hợp, tăng cường kiểm tra, giám sát, xác minh việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ, khai báo xuất xứ khi thông quan, đăng ký đầu tư nước ngoài.
Kết quả xác minh đã phát hiện một số doanh nghiệp cá biệt có vi phạm về xuất xứ hàng hóa hoặc chỉ thực hiện các công đoạn sản xuất có hàm lượng giá trị gia tăng không đáng kể tại Việt Nam, từ đó, các cơ quan chức năng đã có biện pháp xử lý phù hợp, tránh ảnh hưởng đến lợi thế của hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu.
Thực tế, nhiều sản phẩm nằm trong danh sách cảnh báo bị nước ngoài điều tra PVTM như gỗ dán có nguyên liệu làm từ gỗ cứng, đệm mút, lốp xe ô tô, ống đồng, mật ong, thép chống ăn mòn, gạch men, pin năng lượng mặt trời, tủ gỗ..., nhưng từ việc được cảnh báo sớm, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã không bị động trong ứng phó với các biện pháp PVTM của nước ngoài.
Ví dụ với vụ việc Hoa Kỳ điều tra CBPG đối với sản phẩm lốp xe, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chiếm 95,5% tổng kim ngạch xuất khẩu lốp xe của Việt Nam sang Hoa Kỳ không bị áp thuế CBPG. Hoặc trong vụ việc Hoa Kỳ điều tra CBPG đối với sản phẩm ống đồng, thuế CBPG đối với doanh nghiệp Việt Nam là 8,35%, thấp hơn nhiều so với mức 110% mà ngành sản xuất trong nước của Hoa Kỳ đã cáo buộc với hàng hóa Việt Nam.
Một trong những biện pháp mà Bộ Công Thương thực hiện để có thể tăng cường cảnh báo sớm với doanh nghiệp xuất khẩu là tăng cường hợp tác về chống lẩn tránh và gian lận xuất xứ với các cơ quan liên quan của nước ngoài, đặc biệt là các đối tác thương mại lớn nhằm chia sẻ thông tin của Việt Nam với các nước trong việc xử lý, nâng cao uy tín và thương hiệu các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Đồng thời đề nghị Thương vụ Việt Nam tại các nước thường xuyên cung cấp các thông tin về thị trường, cảnh báo các mặt hàng xuất khẩu, khả năng về việc điều tra PVTM để cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp liên quan có thể chủ động trong mọi vụ việc.