Xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tại một số quốc gia và khu vực trên thế giới

Các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ được coi là ba cột trụ của hệ thống các biện pháp phòng vệ thương mại trong thương mại quốc tế và được các quốc gia sử dụng như một chiếc “van an toàn” để bảo vệ thị trường nội địa trước sự thâm nhập của hàng hoá nước ngoài.

Xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tại Hoa Kỳ

Cảng container
Hoa Kỳ là nước điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá đứng thứ hai trên thế giới sau Ấn Độ.

 

Hoa Kỳ là một trong những nước đầu tiên trên thế giới áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ năm 1906. Đến năm 1930, Đạo luật Thuế quan của Hoa Kỳ đã có các quy định tương đối chi tiết về vấn đề này. Hoa Kỳ cũng là nước có ảnh hưởng đáng kể trong việc đưa vào Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) năm 1947 các quy định về phòng vệ thương mại như là công cụ “rào cản nhập khẩu” hợp pháp.

Pháp luật về điều tra chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (AD) của Hoa Kỳ là một phần quan trọng của pháp luật về phòng vệ thương mại Hoa Kỳ nói riêng cũng như pháp luật về thương mại Hoa Kỳ nói chung. Mục tiêu chủ yếu là các biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ là để xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các nhà xuất khẩu nước ngoài trên thị trường Hoa Kỳ nhằm bảo vệ các nhà sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, việc điều tra, áp dụng  các biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ phải tuân thủ các nguyên tắc bắt buộc về nội dung yêu cầu và thủ tục quy định tại các Hiệp định liên quan của WTO (cụ thể là Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) năm 1994, Hiệp định về chống bán phá giá, Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng, Hiệp định về biện pháp tự vệ).

Theo quy định của Hoa Kỳ, cơ quan có thẩm quyền điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm: Các cơ quan có thẩm quyền trực tiếp trong điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (Bộ Thương mại Hoa Kỳ và Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ); các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quá trình điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (Hải quan Hoa Kỳ, Tòa án Thương mại quốc tế Hoa Kỳ CIT, Văn phòng đại diện Thương mại Hoa Kỳ USTR).

Cơ quan có thẩm quyền khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại là Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Pháp luật phòng vệ thương mại Hoa Kỳ quy định hai phương thức khởi xướng điều tra vụ việc chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD) gồm vụ việc được khởi xướng khi một bên liên quan đại diện cho ngành sản xuất trong nước nộp đơn kiện lên cơ quan điều tra cáo buộc rằng hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ được trợ cấp và bị bán phá giá gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa. Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) có thể tự khởi xướng điều tra AD và CVD khi từ những thông tin có sẵn xác định sự cần thiết phải tiến hành điều tra.

Theo số liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong giai đoạn từ 01/01/1995 đến 30/06/2021, trên toàn thế giới có 6422 vụ việc điều tra chống bán phá giá và 4225 vụ việc dẫn đến áp thuế. Trong đó, Hoa Kỳ là nước điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá đứng thứ hai trên thế giới (sau Ấn Độ) với 828 vụ việc điều tra và 573 vụ áp thuế.

Trong giai đoạn từ 1995 đến 30/6/2021, có 402 vụ khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ trên toàn thế giới, tuy nhiên, chỉ có 205 biện pháp tự vệ được áp dụng trong đó Hoa Kỳ tiến hành điều tra 13 vụ việc và áp dụng 8 vụ việc.

Xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tại Liên minh châu Âu (EU)

Số liệu thống kê của WTO cho thấy EU là một trong ba thành viên WTO đứng đầu về số vụ điều tra chống bán phá giá (sau Ấn Độ và Hoa Kỳ), đứng thứ hai về số vụ điều tra chống trợ cấp (sau Hoa Kỳ và trước Canada), tuy nhiên lại là thành viên ít khởi xướng các cuộc điều tra tự vệ (từ năm 1995 đến nay chỉ có 6 cuộc điều tra tự vệ trong khi nước khởi xướng nhiều nhất là Ấn độ với 46 vụ).

Xét riêng trong giai đoạn từ 2015 đến 2020, EU đã tiến hành 81 cuộc điều tra mới liên quan đến chống bán phá giá, chống trợ cấp và điều tra tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu từ 22 quốc gia. Các mặt hàng bị điều tra nhiều nhất là: sắt và thép: 37 cuộc điều tra; Hóa chất và sản phẩm liên quan: 20 cuộc điều tra.

Tính đến cuối năm 2020, EU đã áp dụng 150 biện pháp phòng vệ thương mại có hiệu lực gồm: 99 biện pháp chống bán phá giá (AD) (được gia hạn thêm 29 vụ việc), 18 biện pháp chống trợ cấp (AS) (được gia hạn trong 01 vụ việc) và 03 biện pháp tự vệ (mở rộng trong 01 trường hợp); tăng 10 biện pháp so với cuối năm 2019.

Các cuộc điều tra rà soát cũng nhiều hơn so với năm 2019. Có 47 cuộc điều tra đang diễn ra. Các quốc gia bị điều tra nhiều nhất trong giai đoạn từ 2015 - 2020 bao gồm: Trung Quốc: 33 cuộc điều tra; Nga: 6 cuộc điều tra, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ: mỗi nước 5 cuộc điều tra, Ấn Độ, Indonesia: mỗi nước 4 cuộc điều tra, Brazil, Hàn Quốc: mỗi nước 3 cuộc điều tra.

Tính trung bình các vụ việc phòng vệ thương mại điều tra khởi xướng của EU mỗi năm trong giai đoạn 2010-2020 đã tăng lên so với giai đoạn 1999-2009, từ 40 vụ khởi xướng mỗi năm lên với 44 vụ/năm, trung bình tăng 4 vụ/năm.

Đồng thời, số vụ khởi xướng điều tra chống bán giá và chống trợ cấp cũng đạt mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, con số này vẫn còn thấp hơn so với một số nước thành viên WTO khi sử dụng cùng biện pháp này.

Biện pháp chống bán phá giá/chống trợ cấp đối với các mặt hàng nhập khẩu vào EU

Dữ liệu đến tháng 8/2021 cho thấy, trong năm 2020, Ủy ban châu Âu (EC) đã khởi xướng 15 cuộc điều tra mới gồm 12 AD và 3 AS). Trong đó, áp đặt thuế tạm thời trong 6 thủ tục tố tụng và đã kết thúc 11 vụ việc bằng cách áp đặt các mức thuế cuối cùng (8 AD và 3 AS). Năm cuộc điều tra đã được kết luận mà không có biện pháp. Số lượng các cuộc rà soát được bắt đầu tăng so với năm 2019. Ủy ban đã bắt đầu 21 đánh giá hết hạn và 2 đánh giá tạm thời.

Biện pháp tự vệ đối với các mặt hàng nhập khẩu vào EU

Không có cuộc điều tra tự vệ mới nào được khởi xướng vào năm 2020 và năm 2021.

Xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tại Thổ Nhĩ Kỳ

Kể từ khi tiến hành cuộc điều tra chống bán phá giá đầu tiên vào năm 1989 cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một trong những quốc gia có tần suất sử dụng công cụ phòng vệ thương mại thường xuyên nhất trên thế giới. Tính từ năm 1995 đến tháng 6 năm 2021, Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi xướng 270 vụ kiện phòng vệ thương mại (240 vụ kiện chống bán phá giá, 03 vụ kiện chống trợ cấp, 27 vụ). Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã áp dụng 201 biện pháp chống bán giá giá, 18 biện pháp tự vệ và 01 biện pháp chống trợ cấp.

Tính đến 30/6/2021, Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi xướng 240 vụ kiện chống bán phá giá và có 201 biện pháp chống bán phá giá được áp dụng. Tuy nhiên, do một vụ việc điều tra có thể kéo dài từ 12 đến 18 tháng nên các biện pháp chống bán phá giá được áp dụng không nhất thiết là kết quả của việc khởi xướng các cuộc điều tra trong cùng giai đoạn. Tỷ lệ các vụ kiện chống bán phá giá có áp dụng biện pháp cuối cùng của Thổ Nhĩ Kỳ tương đối cao (xấp xỉ 84%); đặc biệt trong giai đoạn từ năm 1995 đến 2014, tỷ lệ này lên tới 90.56% (163/180) các vụ khởi xướng điều tra chống bán phá giá. Mặc dù các cuộc điều tra chống bán phá giá không nhất thiết sẽ dẫn đến việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá, sự gia tăng các vụ việc điều tra có thể báo hiệu sự gia tăng của số lượng các biện pháp chống bán phá giá được áp dụng.

Trong hơn 5 năm trở lại đây, số lượng các vụ việc điều tra chống bán phá giá do Thổ Nhĩ Kỳ khởi xướng đã giảm liên tục trong giai đoạn 2016 - 2020. Sau khi giảm mạnh trong năm 2019 và 2020, số lượng các vụ việc điều tra chống bán phá giá đã tăng trở lại với 8 vụ việc khởi xướng trong sáu tháng đầu năm 2021.

Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng biện pháp chống bán phá giá thì chống trợ cấp lại là một biện pháp tương đối mới với Thổ Nhĩ Kỳ. Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ mới chỉ khởi xướng 03 vụ việc chống trợ cấp đối với hàng hóa xuất khẩu vào thị trường nước này vào các năm 2008, 2015 và 2018. Cuộc điều tra chống trợ cấp đầu tiên được khởi xướng vào năm 2008 đã dẫn đến việc áp dụng biện pháp vào năm 2009 vẫn là biện pháp chống trợ cấp duy nhất đến thời điểm này. Tuy nhiên, sự gia tăng toàn cầu về hoạt động chống trợ cấp trong những năm gần đây cũng có thể ảnh hưởng đến Thổ Nhĩ Kỳ và dẫn đến việc gia tăng các vụ việc chống trợ cấp trong tương lai gần.

Mặc dù bắt đầu tiến hành các cuộc điều tra tự vệ tương đối muộn vào năm 2004, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã sử dụng biện pháp này một cách rất tích cực. Tính đến tháng 6 năm 2021, Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi xướng 27 vụ tự vệ và 18 lần áp dụng biện pháp.

Xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tại Canada

Tính từ 01/01/1995 (thời điểm thành lập WTO) đến hết tháng 6 năm 2021, Canada đã khởi xướng điều tra tổng cộng 276 vụ chống bán phá giá, 76 vụ chống trợ cấp, 4 vụ tự vệ và chưa ghi nhận tiến hành vụ việc chống lẩn tránh nào.

Trong đó, Canada tiến hành áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với 180 vụ việc; biện pháp chống trợ cấp chính thức đối với 37 vụ việc và biện pháp tự vệ là 1 vụ việc. Có thể thấy, Canada khởi xướng điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá chiếm đa số trong các vụ việc phòng vệ thương mại.

Canada chủ yếu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số ngành hàng như: nông sản; thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống, rượu mạnh, giấm, thuốc lá; sản phẩm của ngành công nghiệp hóa chất và các ngành liên quan; gỗ, nút chai và các sản phẩm gỗ, giỏ đựng đồ; giấy, bìa và các sản phẩm liên quan; giày dép, mũ đội đầu; các sản phẩm bằng đá, thạch cao, sản phẩm gốm sứ, cốc thủy tinh; kim loại; máy móc và thiết bị điện,…Tỷ lệ điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá so với các vụ việc khởi xướng của nước này là tương đối cao, xấp xỉ 66%.

Trong tổng số 180 vụ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá kể từ năm 1995 đến hết 6 tháng 2021, kim loại là ngành hàng bị điều tra áp dụng nhiều nhất với 137 vụ, chiếm 76,11% tổng số vụ việc chống bán phá giá. Các ngành hàng khác như hóa chất, sản phẩm giấy, bìa và thực phẩm chế biến sẵn cũng thuộc đối tượng bị điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá thường xuyên của Canada.

Ít hơn biện pháp chống bán phá, trong giai đoạn từ năm 1995 đến hết 6 tháng đầu năm 2021, Canada khởi xướng 76 vụ việc điều tra chống trợ cấp, trong đó áp dụng biện pháp chống trợ cấp chính thức là 37 vụ, chiếm 49%.

Một số ngành hàng bị Canada điều tra áp dụng biện pháp chống trợ cấp như: thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống, rượu mạnh, giấm, thuốc lá; sản phẩm của ngành công nghiệp hóa chất và các ngành liên quan; gỗ, nút chai và các sản phẩm gỗ, giỏ đựng đồ; kim loại; máy móc và thiết bị điện.

Cũng trong giai đoạn 1995 đến hết 6 tháng năm 2021, Canada đã khởi xướng 4 vụ việc tự vệ: 1 vụ việc năm 2002, 2 vụ việc năm 2005 và 1 vụ việc năm 2018. Tuy nhiên, nước này mới chỉ áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với một số mặt hàng thép vào năm 2019.

Xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tại Australia

Tính từ 01/01/1995 (thời điểm thành lập WTO) đến hết tháng 6 năm 2021, Australia đã khởi xướng điều tra tổng cộng 375 vụ chống bán phá giá (chiếm 89,7% tổng số vụ việc), 39 vụ chống trợ cấp (chiếm 9,3% tổng số vụ việc), 4 vụ tự vệ (chiếm 1% tổng số vụ việc).

Trong đó, Australia tiến hành áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với 170 vụ việc; biện pháp chống trợ cấp chính thức đối với 16 vụ việc và chưa áp dụng chính thức biện pháp tự vệ nào. Có thể thấy, Australia khởi xướng điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá chiếm đa số trong các vụ việc phòng vệ thương mại.

Australia chủ yếu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số ngành hàng như: nông sản; thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống, rượu mạnh, giấm, thuốc lá; sản phẩm khoáng; sản phẩm của ngành công nghiệp hóa chất và các ngành liên quan; nhựa, plastic và các sản phẩm cao su; gỗ, nút chai và các sản phẩm gỗ, giỏ đựng đồ; giấy, bìa và các sản phẩm liên quan; các sản phẩm dệt may; các sản phẩm bằng đá, thạch cao, sản phẩm gốm sứ, cốc thủy tinh; kim loại; máy móc và thiết bị điện; xe cộ, máy bay và tàu thuyền; dụng cụ, đồng hồ, máy ghi âm…Tỷ lệ điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá so với các vụ việc khởi xướng của nước này là tương đối cao, xấp xỉ 45%.

Trong tổng số 170 vụ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá kể từ năm 1995 đến hết 6 tháng 2021, kim loại là ngành hàng bị điều tra áp dụng nhiều nhất với 75 vụ, chiếm 44% tổng số vụ việc chống bán phá giá. Các ngành hàng khác như hóa chất, nhựa và các sản phẩm cao su, giấy, bìa và thực phẩm chế biến sẵn cũng thuộc đối tượng bị điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá thường xuyên của Australia.

Ít hơn biện pháp chống bán phá, trong giai đoạn từ năm 1995 đến hết 6 tháng đầu năm 2021, Australia khởi xướng tổng cộng 39 vụ việc điều tra chống trợ cấp, trong đó áp dụng biện pháp chống trợ cấp chính thức là 16 vụ, chiếm 41% tổng số vụ việc khởi xướng đối với biện pháp này.

Một số ngành hàng bị Australia điều tra áp dụng biện pháp chống trợ cấp như: mỡ, dầu và bơ động vật và thực vật; thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống, rượu mạnh, giấm, thuốc lá; sản phẩm khoáng; sản phẩm của ngành công nghiệp hóa chất và các ngành liên quan; giấy, bìa và các sản phẩm liên quan; các sản phẩm bằng đá, thạch cao, sản phẩm gốm sứ, cốc thủy tinh; kim loại; máy móc và thiết bị điện; xe cộ, máy bay và tàu thuyền và một số sản phẩm khác.

Cũng trong giai đoạn 1995 đến hết 6 tháng năm 2021, Australia đã khởi xướng 4 vụ việc tự vệ. Năm 2013, Australia đã thông báo Ủy ban Tự vệ của WTO rằng họ đã khởi xướng 2 vụ điều tra tự vệ đối với hoa quả sấy (chanh, lê, mận, đào và hỗn hợp các hoa quả) và cà chua đóng hộp vào tháng 6 và tháng 7 năm 2013 (đến tháng 12/2013), các cuộc điều tra này đã được chấm dứt mà không áp biện pháp tự vệ do Ủy ban đã ra kết luận rằng việc áp biện pháp tự vệ là không có đủ bằng chứng). Trước đó, Australia cũng điều tra 2 vụ việc tự vệ vào năm 1998 và 2007.

Các hiệp định thương mại khu vực (ví dụ FTA Thái Lan – Australia) có thể có các quy trình tự vệ bổ sung liên quan đến thương mại ưu đãi nếu thiệt hại gây ra bởi hàng nhập khẩu gia tăng do việc giảm thuế theo từng FTA cụ thể; những biện pháp tự vệ tạm thời hoặc tự vệ song phương này không phải là tự vệ toàn cầu. Quy trình để kiện các biện pháp tự vệ này giống như kiện theo WTO.

Mục tiêu chính của các biện pháp PVTM của Australia là hạn chế cạnh tranh của các nhà xuất khẩu nước ngoài trên thị trường Australia (ở các mức độ khác nhau tùy thuộc từng biện pháp) nhằm bảo vệ các nhà sản xuất trong nước. Trong quá khứ, phần lớn các quy định, pháp luật về các biện pháp này ở Australia đều được soạn bởi bởi các ngành sản xuất nội địa (đối tượng được hưởng lợi nếu các biện pháp này được áp dụng). Trên thực tế nhiều công ty (đặc biệt là các công ty lớn) có chiến lược phát triển bằng cách dựa vào việc sử dụng các biện pháp này.

Doanh nghiệp Việt Nam cũng như do-anh nghiệp sản xuất, xuất khẩu ở các nước khác khi vướng phải các vụ điều tra phòng vệ ở Australia đều cho rằng các biện pháp này là không công bằng và đi ngược lại lý tưởng cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Thực tế, như đã nói, mục tiêu của các biện pháp này chính là hạn chế cạnh tranh (trên thực tế, Australia và nhiều nước thành viên WTO đã lạm dụng biện pháp này như là một công cụ bảo hộ sản xuất nội địa chống lại cạnh tranh từ nước ngoài), vì vậy hệ quả này là có thể dự kiến trước được.

Cần lưu ý rằng Australia chỉ áp dụng nó để hạn chế cạnh tranh của nhà xuất khẩu nước ngoài; còn ở trong nước (cạnh tranh giữa các nhà sản xuất nội địa) thì Australia lại theo quan điểm bảo vệ cạnh tranh. Tuy nhiên, việc “bảo hộ” này của Úc không phải là tùy ý. Úc phải tuân thủ các nguyên tắc bắt buộc về nội dung và thủ tục quy định tại các Hiệp định liên quan của WTO và đây là “cọc bám” có ý nghĩa cho các doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài khi bị vướng phải các vụ kiện ở nước này.

Xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tại ASEAN

Tại Indonesia, việc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đã giảm nhẹ nhưng các biện pháp có hiệu lực đã tăng lên. Từ năm 2013 đến cuối tháng 6 năm 2019, Indonesia đã khởi xướng 40 vụ việc chống bán phá giá.

Trong giai đoạn 2006 – 2012, các cuộc điều tra là 46 vụ việc liên quan đến thép cuộn cán nóng có xuất xứ từ: Trung Quốc, Belarus, Ấn Độ, Kazakhstan, Hàn Quốc, Malaysia, Liên bang Nga, Thái Lan và Đài Bắc Trung Hoa; thép cán nguội cuộn/tấm từ Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan – Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam; thép tấm cán nóng (Trung Quốc, Singapore và Ukraine), thép (Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan – Trung Quốc), amoni nitrat và polyethylene terephthalate (Trung Quốc, Hàn Quốc và Malaysia), bột mì (Ấn Độ, Sri Lanka và Thổ Nhĩ Kỳ), chuối cavendish (Philippines), sợi kéo sợi (Trung Quốc), xơ staple polyester (Trung Quốc, Ấn Độ và Đài Loan – Trung Quốc) và polypropylene định hướng hai trục (Thái Lan và Việt Nam). Tính đến cuối tháng 6 năm 2019, 27 biện pháp chống bán phá giá đã có hiệu lực đối với 9 sản phẩm, chủ yếu là thép cuộn cán nóng (7 vụ), polypro-pylene định hướng hai trục (5 vụ), thép tấm cán nóng (3 vụ), thép cuộn/tấm (3 vụ) và xơ staple polyester (3 vụ).

Trong nhiều năm gần đây, việc áp dụng biện pháp tự vệ đã giảm xuống nhưng Indonesia vẫn là một trong những quốc gia khởi xướng thường xuyên nhất các cuộc điều tra về tự vệ. Từ năm 2013 đến năm 2019, Indonesia đã bắt đầu 11 cuộc điều tra tự vệ (20 vụ việc trong giai đoạn 2006-2012) và áp đặt 9 biện pháp; hầu như tất cả các biện pháp đều là thuế hải quan (một hạn ngạch).

Việc sử dụng các biện pháp bảo vệ tương đối thường xuyên được cho là do nhận thức của ngành cao hơn về sự sẵn có của các biện pháp phòng vệ thương mại để chống lại các tác động tiêu cực của tự do hóa thương mại.

Không chỉ vậy, khi xu thế bảo hộ đang gia tăng, một số nước có xu hướng thay đổi các thông lệ điều tra như tự khởi xướng điều tra hay thay đổi phương pháp tính toán, thay đổi quy trình điều tra để bảo hộ mức cao cho các ngành sản xuất trong nước, dẫn tới nhiều diễn biến khó lường. Các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý theo dõi biến động về giá và lượng xuất khẩu của các mặt hàng xuất khẩu sang Indonesia để có đánh giá kịp thời. Những mặt hàng có giá xuất khẩu cạnh tranh, lượng xuất khẩu tăng nhanh sẽ có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại cao hơn. Doanh nghiệp cũng có thể thông qua đối tác nhập khẩu của mình để nắm tình hình và dự báo trước khả năng bị điều tra phòng vệ thương mại.

Tại Thái Lan, dựa trên bằng chứng về việc gia tăng nhập khẩu các mặt hàng từ các quốc gia vào Thái Lan và gây thiệt hại cho nội địa, ngành công nghiệp. Từ năm 1995 đến cuối năm 2019, Thái Lan đã khởi kiện 84 vụ kiện chống bán phá giá, trong đó có 23 vụ kiện vào năm 2015.

Thái Lan đã thông báo cho WTO rằng, vào ngày 30 tháng 6 năm 2020, 43 biện pháp chống bán phá giá dưới hình thức có hiệu lực đối với 12 loại sản phẩm: 10 loại thép hoặc hợp kim thép; axit citric; và bên trong săm cao su cho xe máy. Các vụ việc liên quan chủ yếu đến các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và trong đó có 5 vụ việc với mặt hàng có xuất xứ từ Việt Nam.

Uyên Chi