Tăng cường kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến các hoạt động xuất khẩu

Bộ Công Thương vừa tổ chức họp Hội nghị các Tham tán Thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại khu vực châu Âu trong hai ngày 14 và 15 tháng 6 năm 2022, tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ.

Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cho biết, nhằm đẩy mạnh hoạt động kinh tế - thương mại, công tác thị trường nước ngoài và xúc tiến thương mại góp phần tăng cường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đến các nước trong khu vực và thế giới, tăng cường công tác kết nối, phối hợp và hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến các hoạt động xuất khẩu Bộ Công Thương tổ chức họp Hội nghị các Tham tán Thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại khu vực châu Âu trong hai ngày 14 và 15 tháng 6 năm 2022, tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ.

Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; ông Phùng Tiến Long - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Thụy Sĩ; bà Lê Thị Tuyết Mai - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ cùng các Tham tán công sứ, Tham tán Thương mại, các Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại khu vực châu Âu và Lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng của Bộ Công Thương.

bo truong

Hội nghị tập trung đánh giá hiện trạng, xu hướng chính sách kinh tế, thương mại tại khu vực châu Âu – những tác động đến Việt Nam, những vấn đề đặt ra trong thời gian tới và trao đổi để đưa ra các khuyến nghị về chiến lược, các biện pháp phát triển thị trường khu vực châu Âu cho giai đoạn 2022 - 2025, trong đó đặc biệt tập trung vào công tác tăng cường công tác nghiên cứu thị trường, xây dựng các khung hợp tác mới về kinh tế, thương mại và công nghiệp, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ mới, công tác vận động chính sách, tháo gỡ rào cản thị trường, tăng cường xúc tiến thương mại phục vụ doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao những kết quả hoạt động của hệ thống Thương vụ đã đạt được trong thời gian vừa qua tại thị trường châu Âu - địa bàn có những đối tác xuất khẩu chiến lược hàng đầu của Việt Nam, đồng thời cũng là khu vực Việt Nam đang ưu tiên nỗ lực mở rộng hợp tác về mọi mặt, chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại...

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng nhấn mạnh, với các Hiệp định Thương mại tự do đã có hiệu lực tại khu vực châu Âu như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) thì việc nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, khung hợp tác để tận dụng cơ hội do hội nhập đem lại, thúc đẩy việc tham gia của Việt Nam vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, cũng như tham gia hình thành các chuỗi giá trị mới là nhiệm vụ quan trọng của Bộ Công Thương và các Thương vụ.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng chỉ đạo các Thương vụ cần tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ chính gồm:

Một là, chủ động nắm bắt, phân tích, đánh giá chính sách nước sở tại và kiêm nhiệm, từ đó kịp thời tham mưu cho Bộ các vấn đề mang tính chất chiến lược và đề xuất những phản ứng chính sách phù hợp, để bảo đảm quyền lợi của đất nước, của doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Hai là, tiếp tục đi sâu, nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của thị trường, từ đó tham mưu cho Bộ chiến lược phát triển thị trường, kết nối giao thương; đồng thời thông qua các Vụ Thị trường ngoài nước đưa ra khuyến cáo, định hướng đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước cho các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp, các địa phương, nhằm tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết để củng cố, phát triển thị trường xuất khẩu, phát triển sản xuất và liên kết sản xuất, tiêu thụ trong khu vực và trên phạm vi toàn cầu.

Ba là, để góp phần thực hiện được mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, là đại diện kinh tế Việt Nam ở nước ngoài, các Thương vụ phải tăng cường kết nối hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là những ngành công nghiệp có tính chất nền tảng (cơ khí, chế biến, chế tạo, điện tử, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp vật liệu, hoá chất, dược phẩm…), thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

Bốn là, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu có sự biến động mạnh, thường xuyên trong tình trạng đứt gãy/gián đoạn, nhiệm vụ của các Thương vụ là phải tìm kiếm, phát hiện, kết nối để đa dạng nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ các ngành sản xuất trong nước, thúc đẩy hợp tác với nước ngoài để phát triển ngành công nghiệp vật liệu của Việt Nam, để Việt Nam có thể tự chủ trong sản xuất và xuất khẩu, chủ động tham gia và nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó cần hỗ trợ đẩy mạnh hợp tác để phát triển đội ngũ lao động kỹ thuật, đưa lao động, thực tập sinh ra nước ngoài để đào tạo trở thành lực lượng lao động lành nghề trong tương lai cho việc phát triển ngành công nghiệp vật liệu.

Năm là, để góp phần làm chủ quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, các Thương vụ cần tích cực tìm kiếm, kết nối, thu hút đầu tư trong các khâu sản xuất, cung ứng các vật tư, vật liệu, thiết bị phục vụ phát triển ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, tiến tới làm chủ về công nghệ, quá trình sản xuất, thiết bị.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu khẩn trương xây dựng và hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh của các vị trí (bộ tiêu chuẩn, điều kiện đối với các chức danh) của hệ thống cơ quan Thương vụ và các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng cán bộ, đồng thời nhấn mạnh trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động Thương vụ, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các Tham tán thương mại, trưởng các cơ quan Thương vụ, xây dựng hệ thống Thương vụ Chuyên nghiệp - Chính quy - Hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu công việc, phục vụ tốt nhất cho cộng động doanh nghiệp, góp phần hoàn thành các mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đã giao cho ngành Công Thương.

bo truong

Năm 2021 kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam với các nước châu Âu đạt 72,52 tỷ USD, tăng 15,2% so với năm 2020, xuất siêu 28,88 tỷ USD. 4 tháng năm 2022, kim ngạch song phương đạt 25,39 tỷ USD, tăng 11,4 % so với cùng kỳ năm 2021, xuất siêu 11,58 tỷ USD.

- Về xuất khẩu: Xuất khẩu sang thị trường Châu Âu năm 2021 đạt 50,7 tỷ USD tăng 14,7% so với năm 2020. Trong đó, khối EU đạt 40,1 tỷ USD tăng 14,2%, các nước ngoài EU đạt 10,6 tỷ USD, tăng 1,51 tỷ USD so với năm 2020. Trong năm 2021 tỷ trọng xuất khẩu sang khu vực châu Âu chiếm 15% tổng xuất khẩu của cả nước. 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam với các nước châu Âu đạt 18,49 tỷ USD, tăng 14,5%.

Thị trường xuất khẩu tiếp tục được duy trì và mở rộng. Năm 2021, có 11 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Có 8 thị trường đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD gồm Áo, Bỉ, Đức, Hà Lan, Italia, Pháp, Nga và Anh, trong đó Đức, Hà Lan và 3 thị trường Đức, Hà Lan và Anh có kim ngạch trên 5 tỷ USD. Có hơn 27 thị trường có mức tăng trưởng đạt mức trên 2 con số. Xuất khẩu sang nhiều thị trường trong Liên minh châu Âu và Anh tăng mạnh sau khi FTA Việt Nam ký với các nước này đi vào hiệu lực và khi nền kinh tế dần phục hồi sau đại dịch Covid-19, cụ thể xuất khẩu vào Bỉ tăng 55,7%, Bồ Đào Nha tăng 50,1%, Bulgaria tăng 84,9%, Séc tăng 37,3%, Hy Lạp tăng 38,3%, Ailen tăng 99,3%, Italia tăng 24,4%, Phần Lan tăng 97,2%, Slovenia tăng 54,9%, Anh tăng 16,4%..

  - Về nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ khu vực trong năm 2021 đạt 21,8 tỷ USD, tăng 16,4% so với năm 2020. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam là Ai-len đạt 4,43 tỷ USD, tăng 9,3%; Đức đạt 3,9 tỷ USD, tăng 17,8%; Nga đạt 2,3 tỷ USD, tăng 14,9%; Italia đạt 1,72 tỷ, tăng 14,1%; Pháp đạt 1,59 tỷ USD, tăng 4,8%...

 

Hà An