Tăng trưởng xanh trong ngành Công nghiệp mỏ: Kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới và bài học cho Việt Nam

ThS. LÊ VĂN CHIẾN và ThS. PHẠM KIÊN TRUNG (Trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội)

TÓM TẮT:

Loại bỏ quan điểm về sự đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế với chất lượng môi trường và an toàn xã hội, đồng thời bảo vệ các hình thức khác nhau của nguồn vốn tự nhiên chính là mục tiêu của trưởng xanh. Bài báo phân tích kinh nghiệm về tăng trưởng xanh trong ngành Công nghiệp mỏ của Trung Quốc, Thái Lan và Canada, là các quốc gia đã tiếp cận và triển khai tốt về tăng trưởng xanh. Từ đó, đã đưa ra một số định hướng kinh nghiệm tăng trưởng xanh trong ngành Công nghiệp mỏ ở Việt Nam.

Từ khóa: Tăng trưởng xanh, ngành Công nghiệp mỏ, Trung Quốc, Thái Lan, Canada, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Trong những năm qua, chất lượng môi trường của Việt Nam đang ngày càng xuống cấp. Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn về môi trường như suy giảm diện tích rừng, đa dạng sinh học bị tàn phá; tài nguyên khoáng sản bị khai thác cạn kiệt và bị sử dụng kém hiệu quả; tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí, chất thải ngày một tăng và trở nên bức bối.

Việt Nam xếp thứ 136 trong tổng số 178 quốc gia khảo sát với chỉ số hiệu suất môi trường là 38,17 được công bố bởi Đại học Yale University. Trong đó, hai vấn đề môi trường có điểm số thấp nhất đó là nguồn nước và rừng (hình 1). Ngoài ra, nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực như: Malaysia, Thailan, Philipines, Indonesia thì Việt Nam có điểm số về sức khỏe môi trường là thấp nhất và chỉ xếp trên Myanmar và Cambodia (hình 2). Bên cạnh đó, các báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra rằng, Việt Nam có những thành phố có mức độ ô nhiễm cao trên thế giới (TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Quảng Ninh, Đồng Nai v.v.). Đây là những cảnh báo môi trường quan trọng cho Việt Nam trong quá trình phát triển.

Hình 1: Chỉ số hiệu suất môi trường




“Tăng trưởng xanh” là những thuật ngữ mới gần đây trong cuộc thảo luận về môi trường và phát triển kinh tế, cho đến nay có ít sự tìm hiểu và phân tích nền tảng của nó hoặc còn mập mờ. Có 3 định nghĩa lưu ý như của Hallegate (2011), OECD và UNEP cho chúng ta thấy rõ hơn về tăng trưởng xanh, cũng như là các vấn đề cần quan tâm của tăng trưởng xanh. Tăng trưởng xanh có nghĩa là sự thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo nguồn vốn tự nhiên vẫn tiếp tục cung cấp từ môi trường; tăng trưởng xanh là tăng trưởng đảm bảo cho nền kinh tế carbon thấp trên cơ sở sản xuất xanh và tiêu dùng xanh. Tăng trưởng xanh thể hiện thông qua một số vấn đề sau: (1) Các hoạt động đầu tư vì lợi ích công cộng (tối đa hóa phúc lợi xã hội) nhằm xây dựng nguồn vốn tự nhiên như là một tài sản kinh tế quan trọng; (2) Giảm lượng khí thải carbon và ô nhiễm; (3) Tăng cường năng lượng và hiệu quả tài nguyên; (4) Ngăn chặn sự mất mát của các dịch vụ hệ động thực vật và hệ sinh thái; (5) Đảm bảo thu nhập và việc làm ổn định.

Nhận thấy vai trò của tăng trưởng xanh, Việt Nam đã tiến hành cấu trúc nền kinh tế chuyển sang mô hình tăng trưởng xanh như một câu trả lời cho sự phát triển bền vững mà Việt Nam đang theo đuổi, cụ thể: “Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050” với 3 mục tiêu tổng quát: (1) Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch năng lượng tái tạo; (2) Xanh hóa sản xuất; (3) Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Để thực hiện được chiến lược đó, cần rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có và ưu tiên khuyến khích phát triển công nghiệp xanh đã được Chính phủ đặt ra. Trong đó, công nghiệp mỏ là ngành Công nghiệp trọng tâm trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã nêu ra ở trên.

Mục đích của bài báo là đưa ra một số định hướng cho tăng trưởng xanh ngành Công nghiệp mỏ tại Việt Nam trên cơ sở nhìn nhận những kinh nghiệm của các quốc gia như: Trung Quốc, Thái Lan và Canada.

2. Kinh nghiệm về tăng trưởng xanh trong ngành Công nghiệp mỏ ở nước ngoài

2.1. “Khai thác xanh” trong ngành Công nghiệp mỏ của Trung Quốc

Ở các khu vực mỏ của Trung Quốc: “Khai thác xanh” là thuật ngữ thường được nhắc đến thay thế cho “tăng trưởng xanh”. Khai thác xanh là việc phối hợp các thông tin khai thác khoáng sản và môi trường, là một công nghệ khai thác nhằm đạt được mục tiêu của “sản xuất ít, hiệu quả cao, lượng khí thải thấp”. Khai thác xanh trong các khu vực khai thác là cách duy nhất cho sự phát triển lành mạnh của ngành Công nghiệp khai thác, nó có thể ngăn ngừa hoặc giảm thiểu các tác động môi trường bất lợi từ khai thác càng nhiều càng tốt, để đạt được các lợi ích kinh tế và môi trường tốt nhất trong việc khai thác các nguồn tài nguyên. Trong chính sách của mình, Trung Quốc xác định thực hiện 3 nhiệm vụ tăng trưởng xanh trong Công nghiệp mỏ, như sau:

(1) Cải thiện trình độ công nghệ: việc khai thác phải áp dụng các tiến bộ sáng tạo của khoa học công nghệ là yêu cầu cần thiết cho tăng trưởng xanh;

(2) Sử dụng hiệu quả các sản phẩm và giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với môi trường;

(3) Đánh giá toàn diện từ các doanh nghiệp, xem xét hệ môi trường sinh thái.

Trung Quốc đã giữ cân bằng các mối quan hệ của “khai thác tài nguyên - bảo vệ môi trường” và các công nghệ mới trong khai thác khoáng sản là ràng buộc để đạt được khai thác hài hòa, cuối cùng để đạt được các mục tiêu lớn của việc thiết lập một xã hội hài hòa.

2.2. Hợp tác vì trách nhiệm xã hội của các mỏ xanh tại Thái Lan

Các công ty khai thác mỏ của Thái Lan đã thực hiện có một số chính sách toàn diện với công cụ quản lý đi kèm, từ đó đã giúp đưa tăng trưởng xanh vào thực tế. Nhận thức những tác động của ngành Công nghiệp mỏ tới cộng đồng, môi trường, tác động văn hóa xã hội, các công ty đã thực hiện chiến lược “Hợp tác vì trách nhiệm xã hội - CSR”. Việc thực hiện chính sách này đã làm công tác quản lý môi trường được cải thiện, giảm sự giám sát của chính phủ và cải thiện quan hệ với cộng đồng. Đi đầu trong việc xây dựng chiến lược này phải kể đến Mea Moh Mine - Công ty khai thác mỏ lộ thiên lớn nhất ở Thái Lan, đã cam kết sẽ cải thiện chất lượng về môi trường và quan hệ kinh tế xã hội. Mỗi khu vực mỏ có thiết kế ràng buộc, sử dụng các thiết bị có hiệu quả cao, tạo ra số lượng tối thiểu chất thải và đưa ra nhiều nỗ lực để bảo vệ thiên nhiên.

Mea Moh Mine đã nhận được nhiều bằng khen của Chính phủ, Bộ Công nghiệp và Mỏ, Bộ Lao động... và quan trọng nhất đó là đã xác nhận tính bền vững trong cộng đồng địa phương, trở thành mỏ “khai thác xanh”. Công ty đã thực hiện một chính sách với mục tiêu phát triển bền vững và đã tuân thủ đầy đủ các chỉ dẫn định hướng. Cụ thể trong chính sách, Công ty tìm cách để thực hành bền vững trong 5 lĩnh vực chính:

* Về phía nội bộ công ty: Giáo dục nhân viên về môi trường và trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững từ thăm dò đến đóng cửa mỏ, sản xuất phải gắn chặt giữa mục tiêu của mỏ và cải thiện chất lượng môi trường và xã hội.

* Quan hệ công chúng: Cung cấp cho các cộng đồng được tham gia một cách hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của các bên hữu quan, hiểu được và phản hồi lại mối quan tâm của các bên, thiết lập một chương trình giám sát và nhận dạng liên tục cả 6 ngày và 24h. Các ý kiến cộng đồng được đưa ra tại các buổi họp thường kỳ hàng tháng với công ty.

* Trách nhiệm xã hội: Việc đánh giá điều kiện tại những cộng đồng, nhận thức tầm quan trọng tiêu chuẩn cao về sức khỏe và giáo dục cộng đồng, làm việc một cách hợp tác với các cộng đồng và chính quyền địa phương, công nhận tầm quan trọng của đất cho các dân tộc bản địa, và cộng tác với các cộng đồng và chính quyền địa phương để lập kế hoạch cho mỏ đóng cửa chắc chắn và tính bền vững của cải xã hội.

* Bảo vệ môi trường: Đánh giá thường xuyên về môi điều kiện môi trường trong suốt các giai đoạn của hoạt động, xác định và đánh giá rủi ro môi trường trước khi bắt đầu một hoạt động mới hoặc dự án, thiết kế cơ sở trong một mô hình thân thiện với môi trường và các chương trình cam kết giảm thiểu các tác động của hoạt động tới môi trường.

* Phát triển kinh tế: Khuyến khích cộng đồng mở rộng ra ngoài cuộc sống của công ty, xác định cơ hội của địa phương và quốc gia đối với các chính phủ và cộng đồng địa phương, cung cấp giáo dục và đào tạo trong cộng đồng địa phương, và việc thúc đẩy và sử dụng các doanh nghiệp địa phương.

Mea Moh Mine đã góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người lao động và cộng đồng địa phương, và hợp tác một cách chặt chẽ với các Chính phủ, các tổ chức độc lập khác.

2.3. Khai thác mỏ bền vững ở Canada

Trước những vấn đề đặt ra trong hoạt động khai thác khoáng sản, Chính phủ Canada đã ban hành “Chính sách Khoáng sản và kim loại: Quan hệ đối tác cho phát triển bền vững” đây là chính sách toàn diện nhất, đồng thời cũng là bước đi quan trọng nhất được thực hiện bởi chính phủ. Chính phủ đã thiết lập các nguyên tắc phát triển bền vững trong bối cảnh khai thác mỏ tạo ra một khuôn khổ bao trùm cho tất cả các khoáng chất và các hoạt động kim loại từ khai thác, chế biến và tiêu thụ khoáng sản. Cụ thể 4 nguyên tắc như sau:

* Tìm kiếm, sản xuất, sử dụng, tái chế, xử lý các khoáng chất và các kim loại theo cách hiệu quả nhất và có trách nhiệm với môi trường.

* Duy trì hoặc nâng cao chất lượng cuộc sống và môi trường cho cả các thế hệ hiện tại và tương lai.

* Tôn trọng các nhu cầu của tất cả người sử dụng tài nguyên và tính toán các nhu cầu trong quá trình ra quyết định của chính phủ.

* Bảo đảm sự tham gia của các bên hữu quan trong quá trình ra quyết định.

04 nguyên tắc này chi phối mọi hoạt động của Canada và nó được cụ thể hóa bằng các chính sách khác, với sự tham gia tích cực của 2 tổ chức: Hiệp hội Khai thác Canada (MAC) và Hội đồng Quốc tế về kim loại và môi trường (ICME). Cụ thể:

MAC bao gồm các công ty tham gia vào việc thăm dò, khai thác khoáng sản, luyện kim và lọc dầu, các chính sách môi trường sớm nhất tại Canada đều là sáng kiến của MAC. Nhìn chung, các chính sách môi trường và khung quản lý môi trường đặt ra các nguyên tắc cho một hệ thống quản lý môi trường (EMS), thiết lập thủ tục của tổ chức, trách nhiệm, quy trình và các phương tiện cần thiết để thực hiện các chính sách về môi trường cho các công ty thành viên. Tổ chức này còn tổ chức đánh giá các thành viên của mình về các vấn đề, như: hiệu quả năng lượng, sử dụng nguồn nước, đánh giá công nghệ, giám sát ô nhiễm và giảm, giao tiếp cộng đồng và nghiên cứu ứng dụng.

Tổ chức thứ 2 là ICME - một tổ chức đã giúp khởi động các phong trào phát triển bền vững trong lĩnh vực khai thác mỏ của Canada. Nó bao gồm các công ty khai thác khoáng sản từ khắp nơi trên thế giới. ICME đã tìm cách quảng bá sự phát triển: Thực hiện các chính sách môi trường và sức khỏe tốt và thực hành trong sản xuất, sử dụng, tái chế và xử lý kim loại quý ( 1991). Ủy ban của ICME nhấn mạnh tầm quan trọng của giám sát và đánh giá chất độc chính, độc hại sinh thái, dịch tễ học và tiếp xúc với thông tin hàng đầu để phát triển chính sách xem xét đánh giá rủi ro những nguyên tắc làm cơ sở quản lý rủi ro.

3. Một số định hướng tăng trưởng xanh cho ngành Công nghiệp mỏ ở Việt Nam

Ngành Công nghiệp mỏ ở Việt Nam đã trải qua một thời gian dài hơn 100 năm phát triển. Chính phủ đã có các chính sách khuyến khích tăng trưởng xanh. Các Tập đoàn đã thấy được tầm quan trọng của việc khai thác khoáng sản bền vững đặc biệt trong nền kinh tế. Một chính sách khai thác khoáng sản tốt, cùng với sự đổi mới công nghiệp trong hoạt động của mình chắc chắn sẽ là cơ sở tăng trưởng xanh cho ngành Công nghiệp mỏ ở Việt Nam. Kinh nghiệm của Trung Quốc và Canada đã cung cấp cho Việt Nam một cách nhìn mới về chính sách khoáng sản và vai trò của các tổ chức, hiệp hội Khai thác khoáng sản trong việc định hình và xây dựng chính sách cho Nhà nước. Câu chuyện của Thái Lan đã đem lại một cách tiếp cận cho các doanh nghiệp cụ thể trong tiến trình tiến tới mỏ xanh và phát triển bền vững, đó là mối quan tâm đến môi trường, xã hội thể hiện thông qua Chiến lược trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR (CSR) và cao hơn nữa đó là cùng chia sẻ giá trị giữa doanh nghiệp và các bên liên quan (CSV -). Cụ thể một số định hướng như sau:

Về phía cơ quan quản lý

* Thực hiện một cách tiếp cận tăng trưởng xanh để đưa ra quyết định giúp đảm bảo rằng các quyết định liên quan đến luôn tích hợp các vấn đề môi trường và kinh tế - xã hội.

* Thúc đẩy sự đổi mới thông qua khoa học và công nghệ cho các mục đích tăng cường khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp khai thác và quản lý môi trường; đặc biệt tập trung vào quá trình giám sát môi trường của các khu vực mỏ.

* Với vai trò là công ty mẹ, thực hiện việc chỉ đạo sản xuất của mình, Tập đoàn nên có những quy định bắt buộc liên quan đến việc phải xây dựng chiến lược xanh, bền vững của từng công ty, đặc biệt là trách nhiệm đối với xã hội trong quá trình phát triển. Để các công ty có thể tự nhận thức được vai trò của nó là một vấn đề lâu dài. Do đó, một điểm thuận lợi của Việt Nam đó là vai trò của Tập đoàn trong chỉ đạo điều hành các công ty con trong việc yêu cầu xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh và trách nhiệm xã hội.

+ Bên cạnh việc xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh và trách nhiệm xã hội của từng công ty, thì việc kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả là việc làm đảm bảo sự thành công của chiến lược này. Từ đó, Tập đoàn có thể xây dựng một mô hình mẫu cho chiến lược này trên cơ sở tổng hợp các mô hình từ các công ty thành viên.

Về phía các công ty khai thác khoáng sản

Các công ty cần thay đổi cách nhìn của mình đối với các vấn đề môi trường và trách nhiệm đối với xã hội. Cần nhận thấy rằng, việc bảo vệ môi trường và đạt được sự đồng thuận của cộng đồng đó là cơ hội cho sự phát triển lâu dài của công ty. Để giải quyết các vấn đề trên, một số gợi ý cho công ty như sau:

* Giáo dục nhân viên về thực hành để cải thiện

* Nghiên cứu quy trình, thực hành và các công nghệ mới sẽ cải thiện môi trường, sức khỏe và an toàn.

* Thực hiện kế hoạch môi trường, sức khỏe, vệ sinh, an toàn đáp ứng khẩn cấp, thường xuyên.

Bên cạnh đó, để giải quyết mối quan tâm kinh tế - xã hội quan trọng, công ty cũng nên xây dựng tuyên bố về trách nhiệm cộng đồng theo 4 nguyên tắc cốt lõi là:

* Tôn trọng các nền văn hóa, phong tục và các giá trị của cá nhân và nhóm người có cuộc sống có thể bị ảnh hưởng bởi các hoạt động khai thác.

* Nhận biết các cộng đồng địa phương như các nhóm liên quan và hạch toán cho các nhu cầu của họ.

* Tham gia vào việc phát triển xã hội - kinh tế của cộng đồng địa phương.

* Tôn trọng quy định của Chính phủ và chính quyền địa phương, tích hợp các hoạt động với mục tiêu phát triển của họ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. EPI Report (2014). Yale University.

2. Gavin Hilson (2000). Sustainable development policies in Canadas mining sector: an overview of government and industry efforts, Environmental Science & Policy 3, pp. 201 - 211.

3. Hallegate, Stéphane, Geoffrey Heal, Marianne Fay, and David Treguer. 2011. From growth to green growth: A framework. Policy Research Working Paper 5872.

4. Hui-qi Shi (2012). Mine Green Mining, International Conference on Future Energy, Environment, and Materials.

5. Organisation for Economic Cooperation and Development (OECD). 2011. Towards Green Growth Available at: http://www.oecd.org/dataoecd/37/34/48224539.pdf

6. Qunwei Wang, Zengyao Zhao, Neng Shen, Tiantian Liu (2015). Have Chinese cities achieved the win-win between environmental protection and economic development? From the perspective of environmental efficiency, Ecological Indicators 51, pp. 151-158.

7. Jason Sing (2015). Regulating mining resource investments towards sustainable development The case of Papua New Guinea, The Extractive Industries and Society 2, pp.124-131.

8. Thủ tướng Chính phủ (2012). Quyết định 1393/QĐ-TTgngày 25/9/2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.

9. The World Bank (2012). Development Research Group Environment and Energy Team: “Green Growth” An Exploratory Review.

10. United Nations Environment Progr

GREEN GROWTH POLICIES FOR THE MINING INDUSTRY: EXPERIENCE OF SOME FOREGIN COUNTRIES AND LESSONS FOR VIETNAM

Master. LE VAN CHIEN

Master. PHAM KIEN TRUNG

Hanoi University of Mining and Geology

ABSTRACT: 

reen growth is a term to describe a path of economic growth that uses natural resources in a sustainable manner. This study analyzes valuable experience of China, Thailand, Canada and other countries of applying green growth strategies into their mining industries. By this way, the study introduces some experience for Vietnam in implementing green growth-oriented strategies into the countrys mining sector.

Keywords: Green growth, mining industry, China, Thailand, Canada, Vietnam.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 04 + 05 tháng 04/2017 tại đây