Tăng trưởng xanh và bài học kinh nghiệm cho tỉnh Ninh Thuận trong phát triển kinh tế - xã hội

Bài báo nghiên cứu "Tăng trưởng xanh và bài học kinh nghiệm cho tỉnh Ninh Thuận trong phát triển kinh tế - xã hội" do TS. Võ Nguyễn Hoài Như (Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh, Phân hiệu Ninh Thuận) thực hiện.

Tóm tắt:

Việt Nam là quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Chính phủ đã có nhiều biện pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh để nâng cao đời sống nhân dân. Bài viết nghiên cứu về tăng trưởng xanh và kinh nghiệm của một số quốc gia, vùng kinh tế trong nước. Từ đó, gợi ý bài học kinh nghiệm cho tỉnh Ninh Thuận tìm ra hướng đi phù hợp với tăng trưởng xanh, khắc phục những khó khăn của điều kiện tự nhiên nhằm hướng đến phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Từ khóa: tăng trưởng, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, khí nhà kính.

1. Đặt vấn đề

Tăng trưởng xanh (TTX) là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, góp phần đảm bảo phát triển kinh tế nhanh và là một phương thức theo đuổi tăng trưởng và phát triển kinh tế, trong khi vẫn đảm bảo các nguồn tài sản tự nhiên tiếp tục cung cấp các tài nguyên và dịch vụ môi trường thiết yếu cho con người. Các quốc gia đều quan tâm đến vấn đề này. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH), vì vậy Chính phủ đã có nhiều biện pháp thúc đẩy TTX để nâng cao đời sống nhân dân. Bài viết phân tích về tăng trưởng xanh, kinh nghiệm về tăng trưởng xanh của Hàn Quốc, Nhật Bản, vùng Tây Nguyên, vùng Đồng bằng sông Hồng. Từ đó, gợi ý bài học kinh nghiệm cho tỉnh Ninh Thuận trong phát triển kinh tế - xã hội.

2. Vai trò của tăng trưởng xanh

2.1. Khái niệm tăng trưởng xanh

Khái niệm TTX lần đầu tiên được đưa ra cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2005 ở Hội nghị Bộ trưởng về Môi trường và Phát triển (MCED) tại Seoul, Hàn Quốc. Theo Ngân hàng Thế giới: TTX là quá trình tăng trưởng nhờ sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả, giảm thiểu tối đa ô nhiễm và các tác động môi trường, có khả năng thích ứng trước các hiểm họa thiên nhiên và vai trò của quản lý môi trường và vốn tự nhiên trong việc phòng ngừa thiên tai. Tổ chức UNEP (tổ chức trực thuộc Đại hội đồng Liên hợp quốc) nhấn mạnh: TTX là định hướng mới thúc đẩy kinh tế phát triển theo những mô hình tiêu thụ và sản xuất bền vững, nhằm đảm bảo nguồn vốn tự nhiên tiếp tục cung cấp những nguồn lực và dịch vụ sinh thái mà đời sống của chúng ta phụ thuộc vào, cho thế hệ này cũng như cho những thế hệ mai sau.

Tại Việt Nam, Chương trình TTX được cụ thể hóa thông qua “Chiến lược quốc gia về TTX thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”. Trong đó khẳng định: TTX là sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với BĐKH, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế bền vững.

Như vậy, dù có những quan niệm khác nhau về TTX nhưng nội dung thì thống nhất ở việc nhấn mạnh đến thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn giữ cân bằng hài hòa với môi trường sinh thái, cải thiện phúc lợi của con người, đảm bảo tài nguyên thiên nhiên được sử dụng bền vững.

2.2. Nội dung của tăng trưởng xanh

Một là, sản xuất và tiêu dùng bền vững

Sản xuất bền vững là việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật mới, sáng tạo trong thiết kế và cải tiến sản phẩm, cũng như chú trọng đến các quá trình sản xuất như khuyến khích áp dụng sinh thái công nghiệp, sản xuất xanh, giảm thiểu lượng phát thải các chất ô nhiễm như các oxit lưu huỳnh và các kim loại nặng [1]. Tiêu dùng bền vững là việc sử dụng sản phẩm, các nguồn tài nguyên, năng lượng tái tạo và không thể tái tạo đạt được hiệu quả cao nhất, từ đó giúp giảm đi lượng nguyên liệu và mức độ năng lượng sử dụng cho một đơn vị sản phẩm. [1].

Hai là, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu

BĐKH là vấn đề toàn cầu, thách thức nghiêm trọng đối với toàn nhân loại trong thế kỷ XXI. Mục tiêu của TTX là tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường nên ứng phó với BĐKH không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội to lớn để thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh. Để giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với BĐKH, các Chính phủ và chính quyền địa phương cần tập trung vào một số nội dung cụ thể như: Sử dụng tiết kiệm và nâng cao hiệu suất năng lượng; Điều chỉnh cơ cấu năng lượng theo hướng giảm tỷ trọng năng lượng hóa thạch (các bon); Thúc đẩy phát triển và sử dụng các nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.

Ba là, phát triển công nghệ xanh, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, sử dụng ít tài nguyên, áp dụng các biện pháp sản xuất sạch

Công nghệ xanh (Green Tech hoặc Cleantech) là các công nghệ thân thiện với môi trường dựa trên quy trình sản xuất hoặc chuỗi cung ứng của nó. Theo đó, công nghệ xanh hướng đến việc sản xuất sử dụng năng lượng ít gây hại cho môi trường so với các cách sản xuất sử dụng nhiên liệu hóa thạch [4]. Công nghệ xanh bao gồm:  Các kỹ thuật cho phép tiết kiệm năng lượng và các nguồn năng lượng mới, cho phép các hoạt động kinh tế giảm độ thải khí gây ô nhiễm môi trường [5]. Phát triển công nghệ xanh không chỉ góp phần đáp ứng yêu cầu hiện tại mà còn có thể hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng những nhu cầu của thế hệ tương lai.

2.3. Vai trò của tăng trưởng xanh

Một là, hạn chế sự nóng lên toàn cầu, giảm thiểu tác động tiêu cực của BĐKH

TTX sẽ thay thế các nguồn năng lượng truyền thống bằng nguồn năng lượng xanh, các nguồn nhiên liệu hóa thạch sẽ được giảm dần và thay thế bằng các nguồn năng lượng ít chất thải và an toàn hơn đối với cuộc sống. Sự chuyển đổi cách thức sử dụng các nguồn năng lượng mới này sẽ góp phần không nhỏ trong việc giảm thiểu lượng khí nhà kính, hạn chế sự nóng lên của khí hậu toàn cầu.

Hai là, bảo vệ đa dạng sinh học và tạo cơ hội phục hồi các hệ sinh thái

TTX giúp cho các hệ sinh thái thứ sinh có cơ hội phục hồi, giảm thiểu những hệ quả tiêu cực do các yếu tố bên ngoài gây ra bởi việc khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên. Việc đầu tư cho TTX sẽ giúp cho lâm nghiệp phục hồi, góp phần ổn định đời sống kinh tế của hơn một tỷ người hiện đang sinh sống bằng các sản phẩm từ gỗ, giấy và chất xơ; với lĩnh vực thủy sản, TTX giúp hạn chế việc khai thác quá mức các nguồn lợi thủy sản, hải sản từ đó phục hồi lượng cá tự nhiên,… từ đó góp phần nâng cao đời sống con người.

Ba là, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên

Ngày nay, tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng khan hiếm, TTX sẽ đảm bảo hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đối với tài nguyên và môi trường, hướng tới mục tiêu tiếp cận và khai thác các công nghệ sạch hiệu quả, nâng cao hiệu suất sử dụng tài nguyên, giảm đáng kể lượng chất thải so với công nghệ cũ.

Bốn là, thúc đẩy cải thiện đời sống kinh tế - xã hội

Thực hiện TTX thông qua việc triển khai các công nghệ năng lượng sạch và cải thiện tiếp cận với các dịch vụ năng lượng; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, sử dụng nhiều phương pháp nông nghiệp bền vững góp phần bảo đảm an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo cho một bộ phận dân cư, đồng thời hạn chế các ảnh hưởng môi trường và chi phí liên quan đến sức khỏe từ những hoạt động sản xuất.

3. Kinh nghiệm về tăng trưởng xanh

3.1. Kinh nghiệm của một số nước

Thứ nhất, kinh nghiệm của Hàn Quốc

Hàn Quốc, từng được biết đến là một trong những nước nông nghiệp nghèo nàn với 85% dân số sống bằng nghề nông và ngư nghiệp, thu nhập bình quân đầu người dưới 200 USD/người/năm vào đầu những năm 1960 [2]. Kể từ năm 1962, Hàn Quốc đã nỗ lực tiến hành phát triển kinh tế và đã đạt được điều gọi là “Kỳ tích sông Hàn”. Trong thúc đẩy TTX, Chính phủ Hàn Quốc đã tập trung vào một số chương trình hành động cụ thể như:

Một là, mua sắm và tiêu dùng xanh

Đây là chương trình gồm những biện pháp tạo ra sự thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân như: (i) Chương trình “mua sắm công xanh” bắt buộc, đó là việc yêu cầu các tổ chức công mua sắm hàng hóa có ít tác động đến môi trường trong toàn bộ chu kỳ sản xuất, phân phối, tiêu thụ và tiêu hủy. (ii) Chương trình “chứng nhận cửa hàng xanh”, đây là chương trình cấp chứng nhận cho các cửa hàng bán lẻ bao gồm các cửa hàng bách hóa và siêu thị cam kết môi trường bằng cách thúc đẩy việc phân phối các sản phẩm và lắp đặt, vận hành các thiết bị thân thiện sinh thái. Các cửa hàng muốn nhận được chứng nhận cửa hàng xanh phải đáp ứng được cả tiêu chuẩn cứng và tiêu chuẩn mềm liên quan như quản lý cửa hàng, phân phối sản phẩm và đào tạo nhân viên.

Để tạo động lực, Chính phủ Hàn Quốc đã cắt giảm thuế để thu hút và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cửa hàng. (iii) Chương trình “thỏa thuận tự nguyện mua sắm xanh”, là một thỏa thuận xã hội tự nguyện được ký kết giữa Bộ Môi trường và các doanh nghiệp kinh doanh để hỗ trợ sản xuất và mua bán các sản phẩm thân thiện sinh thái. Tham gia chương trình này, doanh nghiệp được Chính phủ Hàn Quốc cung cấp gói ưu đãi gồm các hoạt động như đào tạo miễn phí về xanh hóa quá trình sản xuất, tặng thưởng cho các công ty “xanh” nhất và cung cấp thêm tín dụng cho các công ty khi họ nộp đơn xin cấp giấy chứng nhận thân thiện sinh thái. (iv) Chương trình “dán nhãn Carbon”, là một hệ thống cho biết lượng khí nhà kính được phát thải trong suốt vòng đời của sản phẩm.

Hai là, giáo dục xanh và nhận thức môi trường

Chương trình này được triển khai bằng nhiều hoạt động thông qua giáo dục, truyền thông,… để thay đổi nhận thức về môi trường như: (i) Chiến dịch “Khởi đầu xanh”, đây là một chiến dịch toàn quốc được phát động để thu hút công chúng tham gia vào việc giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực phi công nghiệp. (ii) Sáng kiến ‘Khu trường xanh”, chương trình này nhằm biến các khu trường đại học và cao đẳng thành các tổ chức hiệu quả năng lượng, thân thiện với môi trường để thúc đẩy sự phát triển của tài năng xanh và dẫn dắt các nỗ lực của cộng đồng về cắt giảm khí nhà kính phát thải. (iii) Chiến dịch “Cool Mapsy” (Chiến dịch làm mát vào mùa hè), đây là Chiến dịch mong muốn tác động vào phong cách thời trang cá nhân gắn với tiêu thụ năng lượng theo mùa ở Hàn Quốc để hình thành văn hóa ăn mặc ứng phó với BĐKH. Sau một thời gian thực hiện, Chiến dịch này đã lan rộng nhanh chóng từ khu vực công đến khu vực tư, góp phần định hình lại quan điểm của công chúng đối với tiêu thụ và tiết kiệm năng lượng.

Ba là, quản lý chất thải một cách khoa học và nghiêm ngặt

Chính phủ Hàn Quốc kiềm chế phát sinh rác thải bằng nhiều cách như: nâng cao nhận thức về môi trường, phát động các chiến dịch giảm rác thải, thi hành phân loại rác thải và triển khai một hệ thống thu phí rác thải dựa trên khối lượng. Đặc biệt là hệ thống thu phí rác thải thức ăn trên cơ sở khối lượng qua mô hình trả tiền khi xả rác. Các thông tin về trọng lượng rác thải thực phẩm được chuyển đến một hệ thống quản lý trực tuyến tập trung; số liệu đổ rác thải hàng tháng là cơ sở cho việc tính phí đối với mỗi hộ gia đình.

Thứ hai, kinh nghiệm của Nhật Bản

Một là, xanh hóa hệ thống thuế và tăng cường các hoạt động ưu đãi

Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ tài chính dưới nhiều hình thức cho doanh nghiệp và hộ gia đình nhằm khuyến khích họ hạn chế tiêu thụ năng lượng hóa thạch và tăng cường sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường thông qua thực hiện ưu đãi thuế bao gồm: Thuế năng lượng; Thuế carbon; Giảm thuế cho xe tiết kiệm nhiên liệu; ưu đãi về thuế đối với các khoản đầu tư vào tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo;…

Hai là, đổi mới và hoàn thiện chính sách công nghệ xanh và tuyên truyền vận động sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường

Chương trình khuyến khích sáng kiến xanh là một nội dung quan trọng trong chính sách môi trường của Nhật Bản, kết hợp giữa chính sách kinh tế, công nghiệp và môi trường. Nội dung của Chính sách này bao gồm: đầu tư xanh, cơ sở hạ tầng, carbon thấp,... Nhật Bản chú trọng không chỉ chất lượng sản phẩm mà còn quảng bá giới thiệu các sản phẩm đó tới người tiêu dùng, tạo lòng tin cho người tiêu dùng về những sản phẩm xanh có chất lượng cao, thân thiện với môi trường, an toàn sức khỏe.

 Ba là, tập trung vào các chính sách hướng tới tăng trưởng gắn liền với đảm bảo phát triển bền vững con người và xã hội

Nhật Bản thực hiện chiến lược dẫn đầu về sức khoẻ thông qua chính sách đổi mới cuộc sống bằng các biện pháp, như: chú trọng hoạt động R&D trong ngành công nghiệp dược phẩm, y tế; Chiến lược thúc đẩy du lịch hướng về đất nước và phục hồi địa phương. Nhật Bản thực hiện các chính sách, như: giảm bớt các tiêu chuẩn về visa cho các công dân thuộc các nước châu Á; tăng thời gian nghỉ được trả lương ở các công ty, doanh nghiệp; cải thiện thị trường nhà ở hiện có và cải tạo khả năng chống chịu động đất của các toà nhà.

Bốn là, thực hiện việc xanh hóa tiêu dùng và phát triển đô thị xanh

Chương trình “tiết giảm - tái sử dụng - tái chế” (Reduce - Reuse - Recycle, viết tắt là 3R). Chương trình 3R đòi hỏi phải sử dụng hiệu quả tài nguyên từ thời điểm khai thác cho đến thời điểm thải bỏ cuối cùng và tránh sinh ra chất thải trong quá trình đó thông qua việc thiết kế và sản xuất theo nguyên tắc đảm bảo hiệu quả sử dụng tài nguyên. Điều này mang lại các lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường như giảm thiểu các nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Dự án “thành phố thông minh”, lấy con người làm trung tâm, tạo ra môi trường sống chất lượng cao trong đó hướng tới phụ nữ, thanh niên và người cao tuổi.

3.2. Kinh nghiệm của một số vùng trong nước

Thứ nhất, kinh nghiệm của vùng Tây Nguyên

Được Đảng và Nhà nước rất quan tâm định hướng và đầu tư phát triển, vùng Tây Nguyên đã thực hiện tốt mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phong trào xây dựng nông thôn mới, giữ vững diện tích rừng tự nhiên. Toàn vùng mức đạt bình quân 13/19 tiêu chí nông thôn mới. Để đạt được những kết quả nêu trên:

Một là, các địa phương trong vùng đã chú trọng thực hiện xây dựng lồng ghép kế hoạch TTX trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Cụ thể: (i) Kiểm soát phát thải khí nhà kính từ 3 lĩnh vực chính là nông nghiệp, xây dựng, công nghiệp. (ii) Kiểm soát và tăng cường xử lý rác thải, các loại chất thải khác nhau. (iii) Khuyến khích các mô hình sử dụng đất bền vững và thông minh với BĐKH thông qua đẩy mạnh canh tác theo phương thức xen canh để tăng hiệu suất sử dụng nước, qua đó góp phần nâng cao năng suất, bảo vệ môi trường. (iv) Tăng cường công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, nước và đa dạng sinh học.

Hai là, nâng cao chất lượng các sản phẩm hàng hóa thân thiện môi trường

Các địa phương trong vùng xác định nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị thu được trên một đơn vị sản phẩm là một trong những khía cạnh cần quan tâm của TTX. Do vậy, các địa phương trong vùng đang tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ trong các ngành hàng lúa gạo, rau, hoa, hoa quả, chăn nuôi, thủy sản.

Ba là, phát triển du lịch xanh và bền vững

Vùng Tây Nguyên có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Vì vậy, trong kế hoạch TTX của các địa phương rất chú trọng việc xây dựng các điểm đến xanh - sạch - đẹp để thu hút du lịch đồng thời với việc xây dựng một quy tắc ứng xử của ngành Du lịch cũng như du khách để tôn trọng môi trường và văn hóa bản địa. Thúc đẩy sự tham gia của các cộng đồng địa phương, đặc biệt là các cộng đồng nghèo, các cộng đồng dân tộc thiểu số trong các hoạt động du lịch.

Bốn là, khuyến khích lối sống xanh và tiêu dùng bền vững.

Chính quyền các địa phương có nhiều nhóm giải pháp về tăng cường quản lý sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của kiểm soát chất thải và áp dụng các mô hình tiêu dùng bền vững, phát triển các công nghệ xanh, các công nghệ sau thu hoạch để giảm phế phẩm nông nghiệp và tăng cường sản lượng nông nghiệp từ đó, tuyên truyền, khuyến khích lối sống xanh và tiêu dùng bền vững đến nhân dân, các doanh nghiệp, tổ chức.

Thứ hai, kinh nghiệm của vùng đồng bằng sông Hồng

Một là, giảm phát thải khí nhà kính.

Các địa phương trong vùng, đi đầu như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Quảng Ninh đã sớm chủ động xây dựng kịch bản phát thải khí nhà kính. Từ đó, các tỉnh, thành phố có căn cứ để thực hiện các điều chỉnh, lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, chủ động triển khai chiến lược phát triển bền vững, xanh, góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Cụ thể, các sở ngành của các địa phương đã thực hiện công tác thống kê trong lĩnh vực chất thải. Đẩy mạnh việc thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn, định hướng người sản xuất và người tiêu dùng các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính thông qua các chương trình, dự án.

Hai là, tập trung phát triển đô thị xanh

Các địa phương trong vùng đã tranh thủ mọi nguồn lực nâng cấp cơ sở hạ tầng theo hướng xanh hơn và đẹp hơn. Hệ thống thoát nước, cây xanh được đặc biệt quan tâm với nhiều công trình được đầu tư mới, nâng cấp và cải tạo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của người dân. Phát động phong trào xây dựng nếp sống văn minh đô thị, xây dựng từng cơ quan, đơn vị, từng tuyến phố văn minh, an toàn xanh - sạch - đẹp và đánh giá kết quả thực hiện giao ước.

Ba là, thúc đẩy sản xuất xanh

Đồng bằng sông Hồng là một trong những vùng của Việt Nam chịu tác động của BĐKH, do đó các địa phương trong vùng đã rất quan tâm thúc đẩy “xanh hóa” sản xuất trong cả trong nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, cụ thể: (i) Trong nông nghiệp, chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường với các mô hình canh tác sử dụng ít hoặc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Tăng cường sử dụng các sản phẩm sinh học có nguồn gốc thiên nhiên. (ii) Trong công nghiệp, đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hướng vào những ngành có lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh như: Điện tử, cơ khí chính xác, công nghiệp dược; Liên kết vùng để hình thành mạng lưới sản xuất, phân phối hàng hóa một cách đồng bộ nhằm sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm các nguồn lực; Chú trọng đến xây dựng các công trình bảo vệ môi trường. Triển khai các dự án bảo vệ môi trường như phong trào “Chống rác thải nhựa”, hưởng ứng “Giờ Trái đất” tiết kiệm năng lượng, xây dựng các quy định, nội quy về bảo vệ môi trường, tổ chức trồng cây xanh,…[3].

4. Bài học kinh nghiệm cho tỉnh Ninh Thuận trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững

Ninh Thuận là tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ có nhiều vùng sinh thái, khí hậu khác nhau (vùng biển, vùng đồng bằng, trung du và miền núi) với các tiềm năng có thể khai thác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là du lịch, năng lượng lái tạo. Chính quyền Ninh Thuận xác định, TTX là nội dung quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của tỉnh, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng TTX, thích ứng với BĐKH. Qua kinh nghiệm của một số quốc gia và vùng kinh tế trong nước có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Một là, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về thực hiện lồng ghép kế hoạch thúc đẩy TTX

 Ninh Thuận cần thay đổi nhận thức cả phía cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp, người dân về TTX. Vì vậy, cần có chương trình nâng cao năng lực trong nghiên cứu và triển khai những nội dung liên quan đến TTX. Từ đó, thay đổi nhận thức từ “kinh tế nâu’ sang ‘kinh tế xanh’ để tạo ra một sự đồng thuận cao trong xã hội, từ lãnh đạo đến người dân và doanh nghiệp.

Hai là, tập trung vào những lĩnh vực có lợi thế

Ninh Thuận có lợi thế lớn về năng lượng tái tạo (điện gió, điện năng lượng mặt trời), du lịch (du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa), cây ăn quả (nho, táo), rau quả (hành, tỏi), nuôi trồng thủy sản (tôm giống). Vì vậy, Tỉnh cần tập trung vào phát triển các sản phẩm này trên cơ sở sử dụng các công nghệ mới không gây ô nhiễm môi trường, cần phát hiện và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững vừa tiết kiệm chi phí, gia tăng giá trị, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Ba là, khuyến khích sử dụng công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường, ít tiêu hao năng lượng trong sản xuất và tiêu dùng

Ninh Thuận nên đầu tư cho nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu để phát triển các lĩnh vực sản phẩm phù hợp nội dung TTX, sử dụng công nghệ sản xuất tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng, công nghệ giảm thiểu phát thải khí nhà kính; hạn chế tối đa gây ô nhiễm môi trường; phục hồi hệ sinh thái tự nhiên. Tăng cường kiểm tra, giám sát và có các biện pháp cứng rắn để hạn chế tối đa các hoạt động gây ô nhiễm môi trường, hạn chế chi tiêu trong những lĩnh vực làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên góp phần thúc đẩy TTX. Quản lý chất thải một cách khoa học và nghiêm ngặt. Sự phát triển kinh tế sẽ đi liền với quá trình đô thị hóa, gia tăng về chất thải, vì vậy chính quyền tỉnh và các địa phương trong tỉnh cần đẩy mạnh phân loại rác ngay từ nguồn phát thải thành (rác hữu cơ, vô cơ, rác có thể tái chế,…) để giảm thiểu lượng rác phải đưa đi chôn lấp hoặc đốt; Đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ tối ưu cho việc thu gom và sử lý rác thải chi phí thấp.

Bốn là, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng xanh

Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc và đồng bằng sông Hồng cho thấy, để thúc đẩy TTX, tỉnh Ninh Thuận cần hướng tới việc tạo ra động lực cho sản xuất và tiêu dùng xanh nhằm từng bước khắc phục và đối phó với BĐKH và ô nhiễm môi trường, thiếu nguồn năng lượng. Do vậy, tỉnh Ninh Thuận cần kiến tạo môi trường thuận lợi cả về môi trường pháp lý, kinh tế, văn hóa, xã hội, kết cấu hạ tầng, cho việc thúc đẩy TTX.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Duy Bình, Trần Thị Liên (2008). Sản xuất và tiêu thụ bền vững - Một số khái niệm cơ bản. Truy cập tại: https://hepa.gov.vn/san-xuat-va-tieu-thu-ben-vung-mot-so-khai-niem-co-ban/.
  2. Linh Chi (2018). Hàn Quốc: Chia sẻ kinh nghiệm quản lý môi trường. Truy cập tại: https://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong/han-quoc-chia-se-kinh-nghiem-quan-ly-moi-truong-253352.html.
  3. Tiến Dũng (2020). Quảng Ninh thúc đẩy xanh hóa khách sạn. Truy cập tại: https://congthuong.vn/quang-ninh-thuc-day-viec-xanh-hoa-khach-san-142184.html.
  4. Hằng Hà (2019). Công nghệ xanh là gì? Công nghệ xanh trong hoạt động kinh doanh và đầu tư. Truy cập tại: https://kinhtetieudung.phapluatxahoi.vn/cong-nghe-xanh-green-tech-la-gi-cong-nghe-xanh-trong-hoat-dong-kinh-doanh-va-dau-tu-20191017113929332.htm.
  5. Thanh Hà (2009). Công nghệ xanh, một thị trường đầy triển vọng, trang điện tử Đài phát thanh quốc tế Pháp. Truy cập tại: http://www.rfi.fr/vi/.
  6. Trần Ngọc Ngoạn, Hà Huy Ngọc (2014). Kinh nghiệm xây dựng chính sách thúc đẩy TTX của một số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tạp chí Những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới, số 8 (220).
  7. Thủ tướng Chính phủ (2012). Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 về Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
  8. Đặng Thị Bồng (2018). Chính sách tăng trưởng xanh của Hàn Quốc: kết quả đạt được và một số khó khăn, thách thức. Truy cập tại: https://ciem.org.vn/tin-tuc/6333/chinh-sach-tang-truong-xanh-cua-han-quoc-ket-qua-dat-duoc-va-mot-so-kho-khan-thach-thuc?newsgroup=Th%C3%B4ng%20tin%20-%20T%C6%B0%20li%E1%BB%87u.

 

Green Growth and Lessons Learned for Socio-Economic Development

in Ninh Thuan Province

PhD. VO NGUYEN HOAI NHU

Ho Chi Minh City University of Agriculture and Forestry, Ninh Thuan Branch

Abstract:

Vietnam is a nation significantly impacted by climate change, prompting the Government to implement various measures to promote green growth and enhance the quality of life for its citizens. This paper explores the concept of green growth and examines the experiences of several countries and economic regions within Vietnam. Drawing from these insights, the paper proposes lessons for Ninh Thuan Province to identify suitable strategies for green growth, address the challenges posed by natural conditions, and achieve sustainable socio-economic development.

Keywords: growth, green growth, sustainable development, climate change, greenhouse gases.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 18 tháng 8 năm 2024]