Thái Nguyên thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cho công tác dân tộc

Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế tại địa phương cũng như nâng cao hiệu quả các chính sách dân tộc, Ban dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã đưa ra những kế hoạch và giải pháp trong hoạt động giúp phát triển kinh tế - xã hội của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN)giai đoạn 2021 - 2030, trong đó giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên có kế hoạch dành 1.984 tỷ đồng để triển khai 10 dự án thành phần của chương trình với mục đích tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân trong tỉnh đối với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc.

Dân tộc
Ông Phan Đức Cường - Trưởng Ban dân tộc tỉnh Thái Nguyên xác định tập trung thực hiện 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng cho công tác dân tộc

Thái Nguyên phấn đấu đến hết năm 2025, sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh bình quân 2%/năm, phấn đấu tăng mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số lên gấp 2 lần so với năm 2020; giảm 50% số xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; giảm 50% số thôn, xóm ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.

 Phấn đấu đến hết năm 2025, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông, 100% đường đến trung tâm thôn, bản được nhựa hóa, bê tông hóa, 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố, 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp, 96% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 100% vùng đồng bào dân tộc thiểu số được phủ sóng đài phát thanh, truyền hình của trung ương và địa phương…

Để đạt được những mục tiêu trên, năm 2025, Ban dân tộc tỉnh Thái Nguyên xác định tập trung thực hiện 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng bao gồm:

Một là, tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, Chính phủ, Quốc hội; các quyết định, văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến công tác dân tộc; trọng tâm là thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, gắn với thực hiện Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.

Hai là, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” và các chính sách dân tộc đang còn hiệu lực đảm bảo hoàn thành các mục tiêu phấn đấu đã đề ra đến hết năm 2025. Đôn đốc các sở, ngành, UBND các huyện đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn được giao thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2025.

Ba là, tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn vùng DTTS&MN, thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội vùng DTTS; phối hợp nắm bắt, khắc phục kịp thời thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh xảy ra ở vùng DTTS; chủ động nắm bắt tình hình các địa bàn nhạy cảm về an ninh trật tự không để xảy ra các điểm nóng, phức tạp. Tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, kết hợp nắm tình hình; chủ động phát hiện những vi phạm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết kiến nghị của các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện chính sách dân tộc. Triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách mới ban hành; đảm bảo chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống.

Bốn là, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ quan công tác dân tộc từ tỉnh tới cơ sở tinh thông nghiệp vụ, tâm huyết, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Ban Dân tộc, gắn với việc đổi mới phương thức điều hành tạo sự công khai minh bạch trong công tác quản lý nhà nước; sử dụng, khai thác hiệu quả phần mềm quản lý, điều hành của Ban Dân tộc.

Năm là, nâng cao chất lượng công tác thống kê, tăng cường và nâng cao chất lượng thông tin thống kê, chế độ báo cáo thống kê của ngành, thực hiện tốt cơ chế phối hợp, cung cấp, phổ biến thông tin trong công tác thống kê; thường xuyên cập nhật, phổ biến kịp thời thông tin tình hình chính trị, xã hội trên thế giới, khu vực và trong nước, nhất là những thông tin có tác động ảnh hưởng đến vùng DTTS&MN.

Minh Huế