Số liệu thống kê từ Eurostat cho biết, năm 2023, EU nhập khẩu cà phê (mã HS 0901) từ thế giới đạt 4,05 triệu tấn, trị giá 19,17 tỷ EUR (tương đương 20,79 tỷ USD), giảm 9% về lượng và giảm 10,2% về trị giá so với năm 2022.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại, nguyên nhân khiến EU giảm nhập khẩu cà phê trong năm 2023 là do nền kinh tế suy thoái, lạm phát duy trì ở mức cao khiến người dân thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên, khi nền kinh tế phục hồi, nhu cầu tiêu thụ cà phê của người dân châu Âu sẽ tăng trở lại.
Theo Liên đoàn Cà phê châu Âu, Liên minh châu Âu có mức tiêu thụ cà phê bình quân đầu người cao nhất thế giới, mặc dù mức tiêu thụ tại các thị trường thành viên khác nhau.
Quy mô thị trường cà phê châu Âu dự tính đạt 47,88 tỷ USD vào năm 2024 và dự báo sẽ đạt 58,14 tỷ USD vào năm 2029, tăng trưởng bình quân 3,96% trong giai đoạn 2024 - 2029.
Cà phê là một trong những thức uống phổ biến nhất ở Tây Âu do đã ăn sâu vào văn hóa và được sử dụng rộng rãi trong đời sống hàng ngày của người tiêu dùng. Ngoài ra, nhu cầu về cà phê cũng ngày càng tăng trong khu vực do số lượng quán cà phê mới mở, sự phát triển của các chuỗi cửa hàng cà phê và số lượng người mua máy pha cà phê ngày càng tăng. Do đó, châu Âu được coi là thị trường tiềm năng lớn mà bất kỳ nước sản xuất cà phê nào cũng muốn khai thác.
Về cơ cấu nguồn cung, năm 2023, EU nhập khẩu cà phê từ thị trường nội khối đạt xấp xỉ 1,31 triệu tấn, trị giá 8,54 tỷ EUR (tương đương 9,26 tỷ USD), giảm 6,8% về lượng và giảm 0,1% về trị giá so với năm 2022. Trong đó, các nguồn cung cà phê truyền thống nội khối EU gồm: Đức, Bỉ, Ý, Hà Lan, Pháp.
Năm 2023, EU nhập khẩu cà phê từ thị trường ngoại khối đạt 2,74 triệu tấn, trị giá 10,63 tỷ EUR (tương đương 11,53 tỷ USD), giảm 10% về lượng và giảm 17% về trị giá so với năm 2022. Trong đó, EU nhập khẩu cà phê từ Brazil đạt 921,8 nghìn tấn, trị giá gần 3,3 tỷ EUR (tương đương 3,57 tỷ USD) trong năm 2023, giảm 11,6% về lượng và giảm 24% về trị giá so với năm 2022.
Thị phần cà phê của Brazil trong tổng lượng nhập khẩu của EU từ thế giới giảm từ 23,41% năm 2022 xuống 22,74% năm 2023. Ngược lại, thị phần cà phê của Brazil trong tổng lượng nhập khẩu của EU từ thị trường ngoại khối tăng từ 34,19% năm 2022 lên 33,58% năm 2023.
Năm 2023, EU nhập khẩu cà phê từ Việt Nam đạt 652 nghìn tấn, trị giá 1,53 tỷ EUR (tương đương 1,66 tỷ USD), giảm 1,4% về lượng và giảm 0,02% về trị giá so với năm 2022. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của EU từ thế giới tăng từ 14,85% năm 2022 lên 16,08% năm 2023. Tương tự, thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của EU từ thị trường ngoại khối tăng từ 21,69% năm 2022 lên 23,75% năm 2023. Năm 2023, EU giảm nhập khẩu cà phê từ các thị trường Colombia, Thụy Sỹ, nhưng tăng nhập khẩu từ Honduras.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong quý I/2024, cà phê là một trong 4 mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, đồng thời cũng là mặt hàng nông sản xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng kim ngạch mạnh nhất. Cụ thể, sau 3 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu gần 600.000 tấn cà phê, tăng 8,3% về lượng; kim ngạch đạt 1,9 tỷ USD, tăng đến 54,2% so với cùng kỳ năm 2023. Giá xuất khẩu bình quân của mặt hàng cà phê trong quý I/2024 cũng tăng cao, ước đạt 3.181 USD/tấn, tăng 43,5% so với cùng kỳ.