Thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam từ các nước thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện xuyên Thái Bình Dương

TS. NGUYỄN THỊ THU HIỀN, ThS. NGUYỄN NGỌC QUỲNH (Bộ môn Kinh tế học - Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) sẽ thúc đẩy hợp tác thương mại, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư giữa các nước thành viên. Tác động của CPTPP tới thu hút vốn đầu tư vào Việt Nam xuất phát từ 3 yếu tố, gồm: mở cửa lĩnh vực đầu tư; tự do hóa lĩnh vực dịch vụ; và quy định về nguồn gốc xuất xứ trong thương mại. CPTPP không chỉ tạo cơ hội để Việt Nam thu hút lượng vốn đầu tư nhiều hơn, mà còn có thể lựa chọn các luồng vốn đầu tư có chất lượng hơn từ các nước thành viên. Để tận dụng cơ hội này, cùng với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư, định hướng các lĩnh vực ưu tiên đầu tư, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các giải pháp về phát triển công nghiệp phụ trợ, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Từ khóa: Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương, đầu tư nước ngoài, thu hút đầu tư.

  1. Các yếu tố tạo động lực thu hút đầu tư khi Việt Nam tham gia CPTPP

Khi trở thành thành viên của CPTPP, Việt Nam sẽ có thêm nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nói chung và đầu tư từ các nước thành viên CPTPP nói riêng. Các lợi thế này xuất phát từ những tác động tích cực sau đây:

Thứ nhất, CPTPP sẽ tiếp tục thúc đẩy áp lực cải cách để hoàn thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam, bao gồm cải cách thể chế trong nước, hoàn thiện khung pháp lý, hoàn thiện chính sách để tạo lập môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng. Cam kết dỡ bỏ các rào cản đầu tư, cũng như các hàng rào thuế quan sẽ làm cho môi trường đầu tư của các nước thành viên trở nên hài hòa với nhau hơn. Khi đó, động lực thu hút đầu tư của Việt Nam không chỉ đơn thuần là dựa vào giá lao động và nguyên liệu rẻ tương đối mà còn bao gồm các lợi thế về cải thiện môi trường đầu tư về luật pháp, thể chế, chính sách để tiến gần hơn đến các chuẩn mực quốc tế.

Thứ hai, chương Đầu tư của Hiệp định CPTPP đưa ra các cam kết liên quan đến việc cho phép các nhà đầu tư không bị hạn chế trong việc chuyển vốn, tài sản vào và ra một quốc gia và quy định “đối xử công bằng”. Điều này tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài, đảm bảo không thu hồi hoặc quốc hữu hóa bất kỳ dự án đầu tư nào dưới hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp. Ngoài ra, CPTPP cũng đưa ra những yêu cầu cao hơn về đầu tư, bao gồm: (1) công khai, minh bạch và dễ dự đoán của hệ thống luật pháp và sự thay đổi của luật pháp; (2) quyền sở hữu trí tuệ, nhất là bảo vệ bản quyền, thương quyền, xử lý nghiêm hàng nhái, hàng giả, hình sự hóa các vi phạm về sở hữu trí tuệ, (3) lao động và quyền của người lao động bao gồm tiền lương và điều kiện làm việc, thành lập công đoàn độc lập và (4) phòng chống tham nhũng. Những điều khoản này sẽ làm minh bạch hóa môi trường đầu tư ở Việt Nam và hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, CPTPP sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và từ đó sẽ tác động đến dòng vốn đầu tư. Trong số các nước thành viên CPTPP, Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất về mức tăng trưởng sản lượng. So với kịch bản cơ sở và năm gốc (2011), tính đến năm 2030, GDP của Việt Nam ước tính sẽ tăng 1,1% do tác động của CPTPP. Nếu giả định mức tăng năng suất vừa phải, tăng trưởng GDP ước tính lên tới 3,5% (Worldbank, 2018).

Với mức tăng trưởng GDP cao và ổn định do tác động của CPTPP sẽ là một trong những yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, vì vậy Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút được lượng vốn đầu tư FDI lớn.

Thứ tư, với CPTPP sẽ tác động tích cực đến xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới, xuất khẩu dự báo sẽ tăng thêm 4,2%; nhập khẩu tăng thêm 5,3% và sẽ tăng cao hơn lần lượt ở các mức 6,9% và 7,6% với kịch bản có năng suất tăng. Hiệp định cũng tạo ra cơ hội tiếp cận thị trường của các nước mà Việt Nam chưa có hiệp định thương mại như Canada,

Mexico, Peru. Dự báo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 19,1% - 22,8%, và nhập khẩu tăng 21.7% - 24,9% trong mỗi kịch bản. Khi CPTPP có hiệu lực thì cùng với những cơ hội hợp tác thương mại sẽ là cơ hội mở rộng đầu tư trong nội khối. Khi khả năng kết nối của Việt Nam với các thị trường khu vực ngày càng lớn, các doanh nghiệp từ Canada, New Zealand, Mexico sẽ đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn.

  1. Khả năng thu hút đầu tư từ các nước thành viên CPTPP của Việt Nam

2.1. Về lĩnh vực đầu tư

Về lĩnh vực đầu tư, các nước thành viên CPTPP có thể tăng đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực: (i) các nước này có lợi thế so sánh, chuyển quá trình sản xuất sang Việt Nam (ví dụ: điện tử, công nghệ cao) nhằm tận dụng chi phí rẻ rồi tái xuất khẩu sản phẩm cuối cùng; (ii) Việt Nam có lợi thế về nguồn lực như khí hậu, tài nguyên, nguồn nhân lực (ví dụ: nông nghiệp); (iii) dịch vụ mà trước đó Việt Nam chưa cam kết mở cửa hoặc mở cửa hạn chế (đặc biệt là dịch vụ tài chính). Trước khi CPTPP được ký kết, lĩnh vực đầu tư chính mà các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam gồm: khai thác thị trường như bất động sản (16%), chế tạo, chế biến (58%). Khi CPTPP có hiệu lực, ngoài những lĩnh vực trên đây, các nhà đầu tư đến từ các quốc gia này có thể sẽ mở rộng sang các lĩnh vực như nông nghiệp, tài chính ngân hàng để tận dụng những cam kết mở cửa mạnh mẽ của Hiệp định.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (WB), dự kiến sẽ có sự chuyển hướng dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh hơn sang các ngành công nghiệp thượng nguồn của các ngành được hưởng lợi nhiều từ CPTPP như dệt, may mặc và da. Vì thế, những ngành then chốt như dệt may, da giày, quần áo, dịch vụ gia công thuê ngoài, chế biến sơ cấp kim loại, khoáng chất vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong thu hút vốn đầu tư từ CPTPP. Đối với lĩnh vực tài chính, ngân hàng, với các cam kết về đầu tư, mở cửa các thị trường dịch vụ mạnh hơn, CPTPP sẽ thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam, đồng thời giúp cho cạnh tranh trong nhiều thị trường dịch vụ mạnh mẽ hơn, đặc biệt trong các dịch vụ phục vụ sản xuất, hứa hẹn mang lại chất lượng cao hơn, giá hợp lý hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Đối với ngành Dệt may, Việt Nam đã nhận được dòng vốn đầu tư vào ngành May mặc và các ngành sản xuất khác với mong muốn tiếp cận thị trường rộng lớn hơn theo thỏa thuận này. Với một nền kinh tế đang phát triển, thị trường lao động dồi dào, Việt Nam sẽ trở thành điểm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dệt may, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ 11 nước thành viên còn lại. Các cam kết của các nước thành viên về lĩnh vực dệt may sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến dòng vốn FDI. Theo đó, các nước thành viên CPTPP đồng ý xóa bỏ thuế quan đối với mặt hàng này; và tuân thủ về quy tắc xuất xứ yêu cầu việc sử dụng sợi và vải từ khu vực CPTPP - thúc đẩy việc thiết lập các chuỗi cung ứng và đầu tư trong lĩnh vực này, từ đó thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Không chỉ những dự án định hướng xuất khẩu và thâm dụng lao động, các dự án FDI trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp sáng tạo cũng sẽ xuất hiện nhiều hơn ở Việt Nam. Đó là vì các cam kết liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ trong CPTPP sẽ rất chặt chẽ, từ đó xóa bỏ những lo ngại về tình trạng vi phạm bản quyền tại Việt Nam khi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao. Đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục vào Việt Nam, vấn đề là chất lượng, là sự lựa chọn để bảo đảm đúng định hướng ngành, lĩnh vực và dự án ưu tiên.

Thực tế, trong những tháng đầu năm 2018, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã được cấp chứng nhận đầu tư phần lớn đến từ các nước thành viên CPTPP, bao gồm nhiều dự án quy mô lớn như dự án Nhà máy Điện gió Hanbaram (tổng vốn đầu tư 150 triệu USD), dự án Nhà máy Dệt và May trang phục Ramatex Nam Định (tổng vốn đầu tư 80 triệu USD) của nhà đầu tư Singapore, dự án Nhà máy Ykk Hà Nam (tổng vốn đầu tư 80 triệu USD), của nhà đầu tư Nhật Bản… Như vậy, những tín hiệu ban đầu cho thấy nhiều nhà đầu tư lớn đầu tư vào Việt Nam năm 2018 đến từ các nước thành viên CPTPP. Điều này khẳng định tiềm năng của Việt Nam trong thu hút đầu tư nói chung và từ các nước thành viên CPTPP nói riêng. Với cơ hội này, Việt Nam có thể chuyển hướng chiến lược thu hút đầu tư, không thu hút một cách ồ ạt, đại trà mà cần thay đổi thu hút các nhà đầu tư lớn, các dòng vốn đầu tư chất lượng cao.

2.2. Về quốc gia đầu tư

Trong số 11 quốc gia thành viên CPTPP, ngoài Peru chưa có dự án đầu tư nào, tất cả các thành viên còn lại đều đã đầu tư vào Việt Nam. Tổng vốn đầu tư trực tiếp của các nước thành viên CPTPP vào Việt Nam khoảng 123 tỷ USD, chiếm gần 37% tổng vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong hơn 3 thập kỷ vừa qua. Trong đó, Nhật Bản, Singapore và Malaysia là 3 nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Lũy kế đến tháng 2/2018, Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam trên 49,5 tỷ USD, Singapore đầu tư 42,8 tỷ USD và Malaysia đầu tư 12,26 tỷ USD. Các thành viên khác trong CPTPP đều có mức đầu tư khá nhỏ: Canada đầu tư trên 5 tỷ USD, Úc đầu tư hơn 1,8 tỷ USD, Chile, Mexico, New Zealand chỉ có mức đầu tư đạt hơn trăm triệu USD.

Khi CPTPP có hiệu lực, sẽ làm gia tăng khả năng kết nối giữa nền kinh tế Việt Nam với các nền kinh mà trước đây ít có mối liên hệ với Việt Nam. Khi đó, Việt Nam có thể kỳ vọng vào các dòng vốn đầu tư mới được kỳ vọng là có chất lượng đến từ các thị trường này. Dưới đây là một số nội dung phân tích về xu hướng dịch chuyển vốn từ các nước thành viên CPTPP sang Việt Nam.

* Nhật Bản

Nhật Bản là nước đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam những năm gần đây. Các lĩnh vực được các nhà đầu tư lựa chọn chủ yếu gồm công nghiệp chế tạo (với sự xuất hiện của những thương hiệu lớn như Toyota, Honda, Canon, Mitsubishi), công nghiệp hỗ trợ và nông nghiệp. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam để tận dụng những lợi thế của ngành Nông nghiệp tại đây, đồng thời phát huy những thế mạnh mà doanh nghiệp Nhật Bản có. Dịch vụ cũng sẽ là một trong những lĩnh vực hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật Bản khi CPTPP có hiệu lực. Một trong những doanh nghiệp lớn đầu tiên của Nhật Bản xâm nhập vào lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam là Tập đoàn Bán lẻ AEON. Một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm đến lĩnh vực dịch vụ tại Việt Nam bởi các nhà đầu tư Nhật Bản nhìn thấy triển vọng thị trường này tại Việt Nam. Dự báo, trong những năm tới không chỉ các doanh nghiệp lớn đầu tư vào Việt Nam để tận dụng CPTPP mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng sẽ đầu tư sang Việt Nam để tận dụng những ưu đãi từ CPTPP. Những doanh nghiệp này sẽ trở thành các doanh nghiệp vệ tinh cho các doanh nghiệp lớn, tạo thành chuỗi cung cấp linh, phụ kiện, nguyên liệu được sản xuất tại Việt Nam. Vì thế, nhìn chung quy mô và chất lượng đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam sẽ tốt hơn.

* Singapore

Singapore đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 tại Việt Nam. Đầu tư của Singapore chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực công nghệ chế biến, chế tạo, bất động sản, giáo dục, giải trí… Các công ty Singapore có xu hướng áp dụng cách tiếp cận dài hạn khi đầu tư vào Việt Nam và vẫn tiếp tục tìm hiểu các cơ hội kinh doanh trong nhiều lĩnh vực. Lợi thế tiềm năng của Singapore tập trung vào 3 yếu tố đó là nguồn vốn dồi dào, phát triển công nghệ cao và hệ thống logistics. Trong khi đó những lợi thế vốn có của Việt Nam gồm lực lượng lao động trẻ và có kỹ năng. Sự khác biệt nhưng lại có tính bổ sung nhau về lợi thế giữa hai quốc gia sẽ khiến Việt Nam sẽ tiếp tục là thị trường hấp dẫn đối với doanh nghiệp Singapore trong nhiều lĩnh vực bao gồm: các lĩnh vực may mặc, điện tử, tiêu dùng, thực phẩm. Bên cạnh đó, với các cam kết mạnh mẽ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cũng như mở cửa trong lĩnh vực đầu tư, các lĩnh vực đầu tư được Singapore quan tâm là ngân hàng, năng lượng, giải pháp đô thị, du lịch, chế tạo, nông nghiệp. Một xu hướng nữa ở Việt Nam là cộng đồng doanh nghiệpkhởi nghiệptrong lĩnh vực công nghệ đang phát triển rất nhanh, cũng sẽ thu hút làn sóng các nhà đầu tư nước ngoài như các quỹ đầu tư mạo hiểm và các nhà cung cấp văn phòng cho hệ sinh thái khởi nghiệp. Ngoài việc thiết lập các cơ sở công nghệ tại Việt Nam, các nhà đầu tư Singapore còn tìm thấy cơ hội trong các lĩnh vực dịch vụ điện tử.

 * Malaysia

Malaysia hiện đang là nhà đầu tư lớn thứ 7 trong 126 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam, với 572 dự án trị giá 12,3 tỷ USD lũy kế tính đến tháng 2/2018. Những lĩnh vực mà Malaysia tập trung đầu tư tại Việt Nam là dầu khí, ô tô, công nghiệp sản xuất, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ tài chính, đầu tư và phát triển bất động sản, phân phối hàng hóa.

Là một trong các nước được hưởng lợi nhiều từ CPTPP, Malaysia sẽ nhanh chóng tận dụng cơ hội từ Hiệp định để tăng cường đầu tư ra nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Với nhiều điểm tương đồng trong tiềm năng phát triển, bên cạnh tài chính, nông nghiệp cũng là lĩnh vực được cộng đồng doanh nghiệp hai bên đặc biệt chú trọng hợp tác và đầu tư. Với những tiềm năng hợp tác vốn có, đặc biệt là sau khi CPTPP được ký kết, sẽ mở ra nhiều cơ hội đầu tư đi vào chiều sâu từ Malaysia.

* Australia

Australia xếp thứ 19/116 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại Việt Nam. Hầu hết các dự án của Australia tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm khoảng 48 % tổng vốn đầu tư đăng ký). Các lĩnh vực còn lại chiếm tỷ lệ nhỏ về vốn đầu tư đăng ký. Cho đến nay, đầu tư của Australia vào Việt Nam nhìn chung chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng của hai bên.

Khi cùng là thành viên của CPTPP, các nhà đầu tư Australia sẽ tận dụng các cơ hội để đầu tư sang Việt Nam từ việc cắt giảm hàng rào thuế quan, và cải cách thể chể pháp lý đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

* Canada

Canada hiện đang xếp thứ 14 trong số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Bình quân 1 dự án là 35,4 triệu USD/dự án cao hơn so với bình quân đầu tư 1 dự án nước ngoài đầu tư tại Việt Nam là 13,96 triệu USD/dự án.

Với các dự án quy mô lớn, lĩnh vực kinh doanh bất động sản dẫn đầu về vốn đầu tư đăng ký của Canada tại Việt Nam với 4 dự án và tổng số vốn đăng ký là 4,23 tỷ USD (chỉ chiếm 2 % số dự án nhưng chiếm tới 80,1% tổng vốn đầu tư); đứng thứ 2 là lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo với tổng số vốn là 476,4 triệu USD (chiếm 9,2% tổng vốn đầu tư). Lĩnh vực y tế và trợ giúp xã hội xếp thứ 3 với tổng vốn đầu tư là 282,4 triệu USD (chiếm 5,3% tổng vốn đầu tư). Còn lại thuộc về các ngành lĩnh vực khác.

CPTPP sẽ mở ra nhiều cơ hội cho hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Canada. Về mặt thương mại, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN. Tổng kim ngạch thương mại song phương trong năm 2017 đạt khoảng 6,2 tỷ USD, trong đó khoảng 5 tỷ USD là xuất khẩu từ Việt Nam vào Canada. CPTPP cũng sẽ mang lại cơ hội cho các nhà đầu tư từ Canada và các doanh nghiệp Canada cũng rất quan tâm đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, công nghệ cao, dịch vụ.

  1. Một số đề xuất nhằm thu hút đầu tư từ các nước thành viên CPTPP

CPTPP tạo ra nhiều cơ hội để Việt Nam có thể thu hút các dòng vốn đầu tư từ các nước thành viên CPTPP. Tuy nhiên, để có thể tận dụng cơ hội này và thu hút các dòng vốn đầu tư có chất lượng tốt thì Việt Nam cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó bao gồm những giải pháp liên quan đến hoàn thiện môi trường thể chế, chính sách đầu tư, định hướng các ngành ưu tiên thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Hoàn thiện thể chế chính sách. Các thể chế, chính sách cần hướng tới việc cắt giảm mạnh mẽ các điều kiện kinh doanh không hợp lý và cải thiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tạo thuận lợi cho tất cả loại hình doanh nghiệp. Thực hiện minh bạch và không hồi tố các chính sách. Các chính sách phải hướng đến việc các doanh nghiệp nước ngoài phát triển và không chèn lấn các doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, xây dựng chính sách thu hút đầu tư riêng biệt đối với những nhà đầu tư đặc biệt để kêu gọi các tập đoàn đa quốc gia đầu tư tại Việt Nam. Tiếp tục hoàn thiện khung chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp FDI.

Xác định những ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư FDI. Định hướng thu hút đầu tư từ các quốc gia thành viên CPTPP cần phải hướng đến các ngành công nghệ cao, công nghệ mới thân thiện với môi trường, ít sử dụng tài nguyên, ít sử dụng năng lượng và ít sử dụng lao động, giảm nguồn nguyên liệu nhập cho sản phẩm xuất khẩu. Điều này cũng có nghĩa Việt Nam phải xác định được lợi thế của từng đối tác đầu tư gắn với nhu cầu của nền kinh tế để hoạch định chính sách thu hút đầu tư theo từng ngành, lĩnh vực, quốc gia, đồng thời tận dụng tối đa các cơ hội có được theo những cam kết mà Hiệp định CPTPP mang lại.

Phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Với yêu cầu cao về xuất xứ hàng hoá trong Hiệp định CPTPP, đối với Việt Nam khi công nghiệp phụ trợ còn kém phát triển thì ngay cả các ngành thế mạnh trong xuất khẩu hiện nay như: Dệt may, Giày dép, Điện tử... cũng sẽ gặp nhiều khó khăn khi khai thác các ưu đãi từ thị trường các nước CPTPP, đặc biệt là các ưu đãi từ thuế nhập khẩu. Lựa chọn đúng các ngành công nghiệp phụ trợ cần ưu tiên, trong đó có xem xét đến các ngành công nghiệp phụ trợ hỗ trợ cho các nhà đầu tư hiện hữu và tiềm năng đến từ các nước CPTPP. Xây dựng cơ chế khuyến khích hấp dẫn hơn đối với đầu tư trong ngành công nghiệp phụ trợ theo chiến lược ưu tiên

Phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ giữa các vùng miền và các tỉnh với nhau, tăng tính kết nối lưu thông hàng hóa. Hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng kỹ thuật về giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước thải, thoát nước mưa để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư thứ cấp hoạt động ổn định tại các địa bàn. Ngoài ra, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế và các ngành phi sản xuất hiện đại thuộc các ngành dịch vụ bán buôn, bán lẻ, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông... cũng cần phải được cải thiện để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Đồng thời, Việt Nam cần có các chính sách đồng bộ nhằm cải thiện chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng lao động đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ cao. Đẩy mạnh việc gắn kết doanh nghiệp và cơ sở đào tạo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Mai Việt Anh, Vũ Bạch Điệp (2019), Chiến lược thu hút FDI: Tạo bước đột phá trong kỷ nguyên số, Tạp chí Tài chính online, truy cập ngày 12 tháng 2 năm 2019, <http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/chien-luoc-thu-hut-fdi-tao-buoc-dot-pha-trong-ky-nguyen-so-302627.html>
  2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2018), Dự thảo “Chiến lược và định hướng chiến lược thu hút FDI thế hệ mới - giai đoạn 2018-2030”, Hà Nội.
  3. Cục đầu tư nước ngoài (2019), Nâng cao trình độ nguồn nhân lực để đón đầu các dự án FDI chất lượng cao. Trang thông tin điện tử đầu tư nước ngoài. Truy cập ngày 15/4/2019. <https://dautunuocngoai.gov.vn/tinbai/5524/Nang-cao-trinh-do-nhan-luc-de-don-dau-cac-du-an-FDI-chat-luong-cao>
  4. Nguyễn Mại (2018), CPTPP với đầu tư trực tiếp nước ngoài, Tạp chí Tài chính. Truy cập ngày 15/4/2019 <http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/cptpp-voi-dau-tu-truc-tiep-nuoc-ngoai-138638.html>
  5. WB (2018), Tác động kinh tế và phân bổ thu nhập của Hiệp định CPTPP: Trường hợp của Việt Nam, Chương trình Hỗ trợ thương mại và năng lực cạnh tranh cho Việt Nam.

ATTRACTING FOREIGN INVESTMENT INTO VIETNAM FROM THE CPTTP’S MEMBERS 

Ph.D NGUYEN THI THU HIEN

Master. NGUYEN NGOC QUYNH

Department of Economics, Thuongmai University

ABSTRACT:

Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership (CPTTP) is expected to promote trade cooperation, facilitating investment activities among this agreement’s members. The impact of the CPTPP on attracting investment capital in Vietnam comes from three factors, namely opening up the investment sector, service liberalization, and regulations on trade origin. The CPTPP provides opportunities for Vietnam to not only attract more investment capital but also select high quality captital flows from other the CPTPP’s members. In order to take advantage of these opportunities, besides completing mechanisms and policies on attracting investment, orienting investment priority areas, Vietnam needs to continue to develop supporting industries and upgrade the countrys infrastructure and improving the quality of human resources.

Keywords: Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership, foreign investment, investment attraction.