TÓM TẮT:
Hội nhập kinh tế thông qua việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang trở thành xu thế phổ biến trên thế giới, do những lợi ích kinh tế mang lại. Đặc biệt, trong bối cảnh những thỏa thuận đạt được trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chưa làm “hài lòng” các nước về mức độ cam kết, làm cho các quốc gia phải chuyển hướng sang hợp tác song phương và liên kết khu vực, nhằm thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ. Nếu như các FTA truyền thống trước đây chỉ liên quan đến lĩnh vực hàng hóa đơn thuần, thì các FTA thế hệ mới có phạm vi rộng hơn, đòi hỏi độ mở cửa sâu hơn trên hầu hết các lĩnh vực. Trong thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tham gia nhiều FTA thế hệ mới và đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Bài viết phân tích những cơ hội và thách thức trong việc thu hút doanh nghiệp FDI nhờ tham gia vào các FTA thế hệ mới.
Từ khóa: FDI, FTA, thương mại quốc tế, thu hút FTA.
1. Đặt vấn đề
Thực hiện chủ trương chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước, Việt Nam đã từng bước mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước, tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các diễn đàn, tổ chức quốc tế. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Việt Nam đã đẩy mạnh việc đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với rất nhiều các đối tác quan trọng và tiềm năng. Đặc biệt, việc tham gia các FTA thế hệ mới đã và đang đem lại cho Việt Nam nhiều cơ hội cũng như thách thức. Cùng với lộ trình thực hiện các cam kết mở cửa thị trường, có thể thấy tất cả các lĩnh vực, hoạt động của nền kinh tế đang chịu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp từ các FTA thế hệ mới, trong đó việc thu hút FDI vào Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi nhưng cũng có không ít khó khăn. Trong bài viết này, nhóm tác giả sẽ trình bày những nội dung chính như sau: Thứ nhất là khái quát những điểm chính về các FTA thế hệ mới. Tiếp theo là những cơ hội và thách thức trong việc thu hút doanh nghiệp FDI vào Việt Nam nhờ vào việc tham gia các FTA thế hệ mới. Cuối cùng, nhóm tác giả đưa ra kết luận và một số đề xuất nhằm giúp Việt Nam có thể tận dụng tốt hơn những cơ hội này.
2. Tổng quan về FTA thế hệ mới
Theo quan niệm truyền thống, Hiệp định thương mại tự do (FTA) là thỏa thuận giữa 2 hay nhiều quốc gia hoặc vùng lãnh thổ, nhằm mục đích tự do hóa thương mại về 1 hoặc một số nhóm mặt hàng bằng việc cắt giảm thuế quan, có các quy định tạo thuận lợi cho trao đổi hàng hóa, dịch vụ và đầu tư giữa các thành viên bên cạnh việc tiếp tục duy trì chế độ thuế quan độc lập với hàng nhập khẩu từ các quốc gia bên ngoài FTA. Các nội dung mà FTA đề cập đến thường bao gồm: quy định về việc cắt giảm các hàng rào thuế quan và phi thuế quan; quy định danh mục hàng hóa đưa vào cắt giảm thuế quan; quy định lộ trình cắt giảm thuế quan và quy định về quy tắc xuất xứ.
Khác với các FTA truyền thống, các FTA thế hệ mới có đặc điểm chính sau: (i) Phạm vi cam kết rất rộng, gắn với phát triển xanh, bền vững và tái cơ cấu, không chỉ bao gồm các nội dung thương mại thuần túy, mà còn được mở rộng sang các lĩnh vực như: Minh bạch hóa chính sách, cạnh tranh công bằng, hạ tầng cơ sở pháp lý về kinh tế, phát triển bền vững, môi trường, lao động, thương mại điện tử...; (ii) Mức độ tự do hóa (mở cửa) sâu với “tiêu chuẩn cao” hơn nhiều so với quy định của WTO, xóa bỏ hầu hết (gần 100%) các dòng thuế, mở cửa mạnh các lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ (tài chính - ngân hàng, viễn thông, vận tải,...), đầu tư, mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ,...; (iii) Nhiều cam kết quốc tế về thể chế, pháp luật tác động trực tiếp đến chính sách, thể chế, pháp luật trong nước, gắn với yêu cầu cải cách, tái cơ cấu kinh tế, phát triển bền vững và ứng phó thách thức toàn cầu; (iv) Lộ trình thực hiện cam kết ngắn hơn, chủ yếu từ 5 - 7 năm; (v) Có quy định, cơ chế giải quyết tranh chấp mạnh mẽ, toàn diện hơn nhằm giám sát và bảo đảm việc thực thi cam kết của các nước thành viên; đặc biệt, (vi) Có quy định về việc thực thi các tiêu chuẩn lao động quốc tế của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO).
Tóm lại, nếu so với các hiệp định của WTO, các hiệp định FTA thế hệ mới là các hiệp định mở rộng của WTO, với những vấn đề đã bị loại bỏ trong quá khứ đã được xác định và chấp nhận một cách chính xác trong thương mại quốc tế hiện đại trong bối cảnh hàng hóa đã thay đổi.
3. Thực trạng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào Việt Nam
3.1. Tác động của đại dịch Covid-19 đến kinh tế thế giới và Việt Nam
Xuất hiện và bùng phát từ cuối năm 2019, đến nay, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu, làm đứt gãy chuối cung ứng hàng hóa, phát triển công nghệ và “nắn chỉnh” lại dòng vốn đầu tư. Đại dịch Covid-19 làm suy giảm nhu cầu, khi không có nhiều người tiêu dùng mua hàng hóa, dịch vụ, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân sự để bù đắp cho khoản doanh thu bị sụt giảm nên đã tạo ra vòng xoáy suy giảm kinh tế, đẩy người lao động rơi vào thất nghiệp, không có khả năng tài chính để duy trì cuộc sống, thậm chí có khả năng rớt xuống dưới chuẩn nghèo. Điều này khiến các nhà kinh tế dự báo, nếu đại dịch Covid-19 còn kéo dài sẽ dẫn tới “Đại suy thoái” kinh tế toàn cầu.
Với những tiến bộ đạt được trong phát triển vắc xin phòng ngừa Covid-19, kinh tế thế giới đang có những tín hiệu lạc quan và có chiều hướng phục hồi, tuy còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong ngắn hạn. Sau khi sụt giảm mạnh trong năm 2020 (-4,2%), GDP toàn cầu được dự báo sẽ tăng khoảng 4,2% vào năm 2021 và 3,7% vào năm 2022. Vào cuối năm 2021, GDP toàn cầu dự báo sẽ đạt mức trước khủng hoảng, nhờ sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc, Mỹ và một số nước châu Âu.
Tại Việt Nam, với những giải pháp quyết liệt và hiệu quả trong việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội, do đó, kinh tế vẫn đạt kết quả tích cực, duy trì tăng trưởng dương trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021. Kết quả này cộng hưởng với nỗ lực thực hiện cam kết các FTA sẽ mang lại những tín hiệu tăng trưởng khả quan cho nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Điển hình là các FTA thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu - EU (EVFTA), FTA Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA)... Đặc biệt là Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được kỳ vọng tạo ra một khu vực thương mại tự do mới có quy mô lớn, thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, góp phần phát triển kinh tế của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và các đối tác.
3.2. Thực trạng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào Việt Nam
Theo Cục Đầu tư nước ngoài của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh, góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt 38,2 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước tính đạt 20,38 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2018. Giải ngân vốn FDI cao hơn qua các năm đã cho thấy niềm tin của nhà ĐTNNvào triển vọng kinh tế và cam kết đầu tư dài hạn của nhà đầu tư được cải thiện ở Việt Nam.
Hình 1: Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam
Nguồn: Economist Intelligence Unit; World Bank
Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn cho nhiều lĩnh vực khác nhau, từ sản xuất, bất động sản, năng lượng, bán lẻ và xây dựng, đến nghệ thuật, du lịch, giải trí và các dịch vụ khác. Trong đó, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngành Công nghiệp sản xuất chiếm đến 65% tổng dòng vốn đầu tư FDI, tiếp theo là lĩnh vực địa ốc chiếm khoảng 10%, và còn lại là các lĩnh vực, ngành nghề khác như năng lượng xanh, khoa học và kỹ thuật,...
Trong số 125 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong năm 2019, Hàn Quốc là nước dẫn đầu về nguồn vốn FDI với 7,92 tỷ USD, chiếm 21% tổng vốn đầu tư; Hong Kong đứng ở vị trí tiếp theo với 7,87 tỷ USD, chủ yếu đóng góp bởi 3,85 tỷ USD mua lại cổ phần của Công ty TNHH Nước giải khát Việt Nam; Singapore đứng thứ ba với 4,5 tỷ USD; tiếp theo là Nhật Bản và Trung Quốc.
Đáng chú ý, đầu tư từ Hồng Kông và Trung Quốc đại lục tăng vọt so với năm 2018, do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. FDI từ Trung Quốc tăng 1,65 lần và từ Hồng Kông tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Hình 2: Các nguồn FDI chính
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, 2020
4. Cơ hội và thách thức trong việc thu hút nguốn vốn FDI vào Việt Nam từ các FTA thế hệ mới
4.1. Cơ hội
Các FTA thế hệ mới được ký kết và có hiệu lực đã tạo ra nhiều cơ hội cho Việt Nam trong việc thu hút nguồn vốn FDI từ các nhà ĐTNN. Cụ thể như sau:
Một là, các FTA thế hệ mới (đặc biệt CPTPP FTA) đã giúp Việt Nam tiếp cận với nền kinh tế của 60 nước, trong đó có 15/20 thuộc khối G20. Thông qua việc đàm phán và ký kết các FTA, các nhà ĐTNN bắt đầu chú ý, quan tâm nhiều hơn đến thị trường Việt Nam. Minh chứng điển hình là sự gia tăng về vốn đầu tư từ các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản,… trong năm 2019 và đây đều là các đối tác chủ chốt trong các FTA đã có hiệu lực.
Hai là, trong các FTA thế hệ mới, Việt Nam cùng các đối tác đều cam kết tuân thủ các nguyên tắc quan trọng như không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nhà ĐTNN. Ngoài ra, Việt Nam ngày càng mở rộng các lĩnh vực kinh doanh cho phép nhà ĐTNN đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam là số ít quốc gia trong khu vực cho phép 100% vốn nước ngoài đối với hầu hết các lĩnh vực. Có 375 doanh nghiệp nhà nước được thoái vốn một phần hoặc toàn bộ trong giai đoạn năm 2017 - 2020. Chính những điều này sẽ giúp cho các nhà ĐTNN cảm thấy được bảo hộ, được đối xử công bằng và an tâm khi đầu tư.
Ba là, khi các FTA có hiệu lực, hàng hóa xuất khẩu có xuất xứ từ Việt Nam sẽ được hưởng những ưu đãi, đặc biệt là về hàng rào thuế quan. Do đó, các nhà ĐTNN sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam để tận dụng cơ hội này.
Bốn là, FTA giúp cho việc tiết kiệm chi phí vận chuyển sản phẩm trung gian và sản phẩm cuối cùng giữa công ty mẹ ở nước đầu tư và các công ty con đặt ở các nước tiếp nhận. Bên cạnh đó, FTA giúp hình thành mạng lưới doanh nghiệp khu vực, giúp làm giảm chi phí dịch vụ. Đây là điều mà các nhà ĐTNN tìm kiếm nhằm tận dụng được các nguồn lực tại các nước tiếp nhận nguồn đầu tư.
Năm là, khi việc ký kết FTA được thực hiện, các thành viên buộc phải có những điều chỉnh thích hợp về hệ thống pháp luật, cơ chế kinh doanh đầu tư để có thể tham gia vào “sân chơi chung” của nền kinh tế thế giới. Việt Nam cũng đã và đang có những chuyển đổi và ngày càng hoàn thiện các chính sách đầu tư, tạo niềm tin cho các nhà ĐTNN, từ đó tăng cường thu hút FDI.
4.2. Thách thức
Mặc dù các FTA thế hệ mang lại những hiệu quả bước đầu đáng ghi nhận trong việc thu hút nguồn vốn FDI vào Việt Nam. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam, liên quan đến 2 khía cạnh, đó là thực thi các FTA và ổn định nền kinh tế khi có sự gia tăng của các doanh nghiệp FDI.
Mặc dù FTA đã tạo ra nhiều cơ hội, nhưng Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Việt Nam có thể tận dụng tối đa các ưu đãi thuế quan. Tuy nhiên, hàng hóa Việt Nam cần phải đáp ứng các điều kiện về xuất xứ, rào cản kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ từ các thị trường nhập khẩu. Các rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt và hệ thống vệ sinh, kiểm dịch động thực vật khiến hàng hóa Việt Nam khó thâm nhập thị trường của các đối tác FTA. Ngược lại, khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, nhưng hàng rào kỹ thuật không hiệu quả, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ sản phẩm kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời không bảo hộ được sản xuất trong nước.
Các FTA thế hệ mới cũng đặt ra những thách thức mới cho Việt Nam về nguồn nhân lực, đó là thực hiện các cam kết về bảo vệ các quyền cơ bản của người lao động và vấn đề về nâng cao trình độ của nguồn nhân lực. Ví dụ cụ thể như sau:
(i) Trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các FTA thế hệ mới, các vụ việc phòng vệ thương mại gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ ngày càng nhiều hơn, với tính chất phức tạp gia tăng. Ở chiều ngược lại, một số ngành sản xuất trong nước cũng phải chịu áp lực từ việc gia tăng nhập khẩu, do các tác động mở cửa thị trường và cần đến những công cụ chính sách về phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích của ngành. Điều đó khiến cho Việt Nam sẽ phải đối mặt với việc tham gia vào các cuộc tranh tụng, khiếu kiện về thương mại nhiều hơn. Ví dụ, EVFTA đặt ra thách thức không nhỏ đối với Việt Nam trong việc triển khai cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư của Hiệp định - cơ chế chưa từng có trong lịch sử. Để duy trì thiết chế này, các Bên phải chuẩn bị về nhân sự để giới thiệu người làm trọng tài viên tại các thiết chế này (3 người ở cấp sơ thẩm và 2 người ở cấp phúc thẩm mang quốc tịch của mỗi Bên). Đây là vấn đề không đơn giản đối với Việt Nam trong bối cảnh nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, đặc biệt là những người có đủ năng lực để được cử làm trọng tài trong các thiết chế này.
(ii) Việc tham gia các FTA buộc Việt Nam phải có những thay đổi trong quá trình sản xuất, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển như vũ bão hiện nay. Trong khi đó, Việt Nam thiếu nguồn nhân lực chất lượng có khả năng tham gia vào bất kỳ công nghệ được chuyển giao nào. Điều đó hạn chế không nhỏ, ngăn bước Việt Nam thâm nhập và cạnh tranh khi xuất khẩu hàng hóa vào các nước là đối tác trong các FTA.
Mặt khác, sự gia tăng của các doanh nghiệp FDI tạo ra những thách thức đáng kể cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam. Khi tham gia vào các FTA thế hệ mới, chúng ta đã chấp nhận cuộc chơi sòng phẳng và cạnh tranh bình đẳng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay gặp khó khăn trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và chưa đủ năng lực để chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh cho phù hợp với xu thế mới, từ đó làm giảm năng lực cạnh tranh so với các doanh nghiệp nước ngoài. Hay nói cách khác, các doanh nghiệp Việt Nam có nguy cơ “thua ngay trên sân nhà” và Nhà nước không thể can thiệp vì những ràng buộc về các nguyên tắc của các FTA.
Cuối cùng là thách thức về việc ổn định nền kinh tế - xã hội của quốc gia khi có sự tham gia “sôi động” của các doanh nghiệp FDI, thể hiện ở những mặt như sau: (1) Nguồn thu ngân sách từ thuế xuất nhập khẩu giảm qua các năm, là kết quả của việc xóa bỏ các rào cản thuế quan đối với các đối tác trong các FTA. Điều này tạo ra áp lực trong việc cân đối thu, chi ngân sách nhà nước. (2) Mặc dù Việt Nam đã có những thay đổi trong khung pháp lý, chính sách đối với doanh nghiệp FDI; tuy nhiên việc quản lý vẫn còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp FDI có hành vi chuyển giá, trốn thuế và gây tác động xấu đến môi trưởng. (3) Dòng vốn đầu tư từ nước ngoài đổ vào Việt Nam liên tục đặt ra thách thức trong việc xây dựng những chính sách kinh tế vĩ mô kịp thời, tránh lặp lại bài học tỷ lệ lạm phát tăng cao sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2006.
5. Kết luận và đề xuất giải pháp
Như vậy, quá trình gia nhập các FTA thế hệ mới đã giúp Việt Nam tăng thêm uy tín trên thị trường thương mại thế giới, từ đó mở ra nhiều cơ hội đón nhận những con sóng đầu tư từ các doanh nghiệp FDI, thúc đẩy nền kinh tế quốc gia phát triển. Tuy nhiên, việc tham gia cùng lúc nhiều FTA, cũng như mở rộng cơ hội cho các nhà ĐTNN cũng chứa đựng nhiều rủi ro cho nền kinh tế - xã hội của đất nước, đặt ra nhiều thách thức cho toàn bộ hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam. Để vượt qua những thách thức đã nêu, nhóm tác giả đưa ra một số đề xuất như sau:
Một là, nâng cao nhận thức về vai trò của các FTA cho doanh nghiệp trong nước. Hiện nay, vẫn còn nhiều doanh nghiệp nội địa chưa nắm rõ những thỏa thuận, quy định trong các FTA, nên dẫn đến việc sản xuất và xuất khẩu sản phẩm không đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng của các quốc gia đối tác. Do đó, các doanh nghiệp trong nước cần tăng cường liên kết với các bên liên quan, quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ, mô hình quản trị và chiến lược kinh doanh để hạ giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, cần nắm chắc FTA về những nội dung liên quan đến lĩnh vực hoạt động của mình, các lộ trình giảm thuế và các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa của đối tác để được hưởng ưu đãi.
Hai là, tiếp tục cải cách, hoàn thiện các chính sách về đầu tư. Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) đã có 8 khuyến nghị là “bản thiết kế” chi tiết để đưa Việt Nam đi theo quỹ đạo đột phá, hướng tới việc giải quyết các trở ngại, tăng cường cải cách, thu hút đầu tư FDI thế hệ mới, nhằm duy trì các mục tiêu tăng trưởng kinh tế sâu rộng, cụ thể như sau: (a) tăng cường cung cấp các kỹ năng chính để tạo thuận lợi cho đầu tư FDI thế hệ mới. (b) xây dựng, kiện toàn cơ quan xúc tiến đầu tư nước ngoài “thế hệ mới” để chủ trì thực thi chiến lược. (c) cải cách khung chính sách ưu đãi hiện hành. (d) hiện đại hóa xúc tiến đầu tư, xác định lĩnh vực ưu tiên xúc tiến chủ động. (e) thực hiện môi trường kinh doanh, đầu tư 4.0. (f) mở cửa cho FDI những ngành nghề hỗ trợ năng lực cạnh tranh và tăng trưởng. (g) áp dụng các chính sách xúc tiến đầu tư FDI ra nước ngoài chiến lược. (h) có chính sách cụ thể để tăng cường kết nối và tác động lan tỏa của doanh nghiệp FDI.
Ba là, để thu hút được đầu tư FDI có giá trị cao, Việt Nam cần xác định các ngành ưu tiên, điều chỉnh dòng vốn FDI theo hướng thu hút có chọn lọc, chấm dứt tình trạng ưu đãi tràn lan, hạn chế dòng vốn FDI vào lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản, lĩnh vực kinh doanh bất động sản, một số lĩnh vực dịch vụ giải trí,… Xây dựng và triển khai thực hiện tốt chương trình tái cấu trúc cơ cấu đầu tư, trong đó trọng tâm là đầu tư công. Chính sách ưu đãi đầu tư cần tập trung khuyến khích cao hơn cho lĩnh vực có khả năng tăng năng lực và tạo sự lan tỏa, như: công nghiệp chế tạo, chế biến có sử dụng công nghệ cao, công nghệ tiết kiệm năng lượng, công nghệ bảo vệ môi trường.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ Công Thương, World Bank (2016). Việt Nam: Nắm bắt cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Kỷ yếu hội thảo
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020). Doing business in Vietnam 2020, Truy cập tại: https://www2.deloitte.com/content/dam/Deloitte/vn/Documents/tax/vn-tax-vietnam-doing-business-2020.pdf.
- Quoc Hoi Le, Quynh Anh Do, Hong Chuong Pham and Thanh Duong Nguyen (2021). The Impact of Foreign Direct Investment on Income Inequality in Vietnam. Economies, 9, 27.
- Hassan, Kabir. (2001). Is SAARC a viable economic block? Evidence from gravity model. Journal of Asian Economics, 12, 263-90.
- International Economics (2016). Review of foreign direct investment in Vietnam: implications for improvements. International Trade and Economics Series.
- Moon, J., (2009). The Influence of Free Trade Agreement on Foreign Direct Investment: Comparison with non-FTA countries. Retrieved from: http://fdhawks.bol.ucla.edu/20090529_1.pdf.
- Nick J. Freeman. (2002). Foreign Direct Investment in Vietnam: An Overview. Hanoi: DfID Workshop on Globalization and Poverty in Vietnam.
- Lê Thị Thúy (2017). Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam. Tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam, số 5 (114).
- Trần Thị Trang, Đỗ Thị Mai Thanh (2018). Những tác động nổi bật của FTA thế hệ mới đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia.
- Nguyên Vũ (2016). Ai tận dụng tốt cơ hội từ các FTA?. Thời báo Kinh tế Sài Gòn, số 16.
ATTRACTING MORE FDI INTO VIETNAM VIA NEW-GENERATION FTAS: OPPORTUNITIES AND CHALLENGES
TRAN THI BICH TUYEN 1
Asocc. Prof. Ph.D. DONG THI THANH PHUONG 1
Ph.D. PHAN VAN NHIEM 1
1 Ba Ria - Vung Tau University
ABSTRACT:
Integrating the global economy by participating in free trade agreements (FTAs) has become a popular trend in the world thanks to its economic benefits. Especially some countries have not yet satisfied with economic agreements which are reached under the World Trade Organization (WTO)’s framework and they have opted to develop bilateral and regional cooperations to promote their trade in goods and services. Previous FTAs only focused on trade in goods. However, current new-generation FTAs have broader scopes and have required a greater openness of parties in most economic fields. In current years, Vietnam has actively participated in many new-generation FTAs and has achieved many remarkable achievements. This paper analyzes opportunites and challenges in attracting foreign direct investment faced by Vietnam when the country takes part in new-generation FTAs.
Keywords: FDI, FTA, international trade, attract FTA.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,
Số 21, tháng 9 năm 2021]