TÓM TẮT:
Thuế giá trị gia tăng đóng vai trò quan trọng với ngân sách nhà nước, khai báo thuế giá trị gia tăng đúng, đủ, chính xác là nghĩa vụ và trách nhiệm của doanh nghiệp. Nắm chắc phương pháp tính thuế giá trị gia tăng giúp doanh nghiệp mới giảm thiểu rủi ro trong quá trình khai báo thuế. Theo Tổng cục Thống kê năm 2021, Việt Nam có 116.800 doanh nghiệp mới thành lập và có 1.738 dự án nước ngoài được cấp mới. Các doanh nghiệp mới thành lập đồng nghĩa với việc các hoạt động báo cáo thuế, báo cáo tài chính, kiểm toán nội bộ cần được thực hiện đồng bộ ngay từ ban đầu. Do đó, bài viết tập trung vào những vấn đề về tầm quan trọng của thuế giá trị gia tăng, các phương pháp tính thuế giá trị gia tăng và kiến nghị những bất cập, giải pháp liên quan tới thuế giá trị gia tăng.
Từ khóa: thu thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp.
1. Hiểu thêm về thuế giá trị gia tăng
1.1. Thuế giá trị gia tăng
Để hiểu được thuế giá trị gia tăng (GTGT), trước hết cần phải hiểu GTGT là gì? Về cơ bản, trong suốt quá trình thực hiện sản xuất - kinh doanh (SX-KD), sau mỗi giai đoạn từ nghiên cứu, sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng đều sẽ xuất hiện một khoản giá trị tăng thêm của dịch vụ và hàng hóa. Giá trị tăng thêm này được gọi là GTGT, có thể là tiền công, tiền lương, lợi tức cổ phần, lợi nhuận hay các khoản chi phí phát sinh,... Song, đó là phần tiền chênh lệch giữa giá đầu vào và giá đầu ra được tạo ra bởi đơn vị kinh doanh.
Theo đó, thuế GTGT là loại thuế được tính trên phần giá trị tăng thêm của các hàng hóa, dịch vụ, hay sản phẩm phát sinh tại các giai đoạn trong quá trình SX-KD.
1.2. Phân biệt thuế giá trị gia tăngvới thuế doanh thu
Thuế GTGT và thuế doanh thu là 2 khái niệm rất dễ bị nhầm lẫn.
+ Điểm giống nhau
Về cơ bản, thuế GTGT và thuế doanh thu đều là thuế gián thu. Mặc dù 2 loại thuế này đều do các cơ sở SX-KD nộp vào ngân sách của Nhà nước, nhưng người chịu thuế lại là người tiêu dùng. Các cơ sở hay đơn vị chỉ có trách nhiệm tính toán, thu hộ và nộp đi.
+ Điểm khác biệt
- Thuế doanh thu được tính trên toàn bộ doanh thu của dịch vụ, sản phẩm và hàng hóa sau mỗi lần luân chuyển từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Trong khi đó, thuế GTGT chỉ tính trên phần giá trị tăng thêm ở từng khâu.
- Người dùng sẽ phải chịu thuế doanh thu cao khi các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trải qua nhiều công đoạn sản xuất, lưu thông. Trái lại, thuế GTGT khá dễ chịu, bởi chỉ thu đối với từng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
- Việc thực hiện thuế GTGT đơn giản hơn vì có ít thuế suất hơn.
- Thuế doanh thu không có khấu trừ thuế ở các giai đoạn trước, ngược lại với thuế GTGT.
1.3. Đặc điểm cơ bản của thuế giá trị gia tăng
Thuế GTGT là thuế gián thu. Theo báo cáo, thuế gián thu chiếm đến hơn 60% trong tổng nguồn thu từ thuế, và thuế GTGT chiếm đến 50 - 60% trong số đó.
+ Ưu điểm
- Thuế GTGT không chỉ góp phần làm tăng ngân sách nhà nước, qua đó còn là công cụ điều tiết nền kinh tế vô cùng hữu hiệu của Nhà nước. Bằng cách đưa ra các mức thuế suất phù hợp với các đối tượng chịu thuế, một số mức thuế suất GTGT phổ biến được áp dụng hiện nay là 10%, 5% và 0%. Từ ngày 28/01/2022, giảm thuế GTGT còn 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế 10%. Việc định ra các mức thuế suất khác nhau cho từng đối tượng phù hợp còn có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển kinh tế, điều chỉnh thu nhập.
- So với các loại thuế trực thu, thuế GTGT hỗ trợ việc tổ chức quản lý thu nhanh chóng và dễ dàng hơn.
- Thuế GTGT tạo điều kiện cho hàng xuất khẩu cạnh tranh trên trường quốc tế.
- Thuế GTGT mang tới khả năng cạnh tranh nhưng công bằng giữa hàng hóa sản xuất nội địa và hàng nhập khẩu. Nó cũng góp phần giúp bảo vệ sản xuất và kinh doanh nội địa.
+ Nhược điểm
- Khâu quản lý thu thuế GTGT tốn nhiều chi phí.
- Tính chất điều tiết không cao, do thuế GTGT có ít thuế suất.
- Thuế GTGT không đảm bảo yêu cầu công bằng, dù có thu nhập thấp hay cao thì mức thuế phải chịu là giống nhau.
2. Phương pháp tính thuế giá trị gia tăng
Căn cứ theo Luật số 31/2013/QH13 - Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi năm 2013, đã sửa đổi bổ sung phương pháp tính thuế GTGT được áp dụng như sau:
2.1. Đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng
Cần phân biệt được đối tượng chịu thuế và người chịu thuế VAT. Đây là 2 khái niệm thường xuyên gây nhầm lẫn.
Đối tượng ở đây là hàng hóa, dịch vụ được dùng cho SX-KD và tiêu thụ tại lãnh thổ Việt Nam. Trong đó có bao gồm cả phần được mua của cá nhân, tổ chức nước ngoài nhưng được tiêu thụ tại Việt Nam.
Người chịu thuế ở đây là người tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ cuối cùng, người thực hiện giá trị của hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam.
Người nộp thuế GTGT là các cá nhân, tổ chức SX-KD hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế VAT tại Việt Nam và những cá nhân tổ chức mua hàng hóa dịch vụ được nhập khẩu từ nước ngoài thuộc đối tượng chịu thuế VAT.
2.2. Tính thuế gia trị gia tăng
Thuế VAT được tính bằng: giá tính thuế VAT * thuế suất thuế VAT.
Giá tính thuế VAT ở đây là giá bán không bao gồm thuế VAT cộng với các khoản thuế khác, như: thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường nếu có.
Đối với hàng hóa dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài thuế VAT được tính bằng:
(Giá FOB/CIF + thuế NK + thuế tiêu thụ đặc biệt) * thuế suất thuế VAT.
Thuế suất VAT gồm 3 mức là 8%, 5%, 0%. Được áp dụng chi các đối tượng chịu thuế tương ứng.
2.3. Thuế gia trị gia tăng đối với doanh nghiệp
Hiện nay, đối với doanh nghiệp, có 2 phương pháp tính thuế, đó là: phương pháp khấu trừ và phương pháp trực tiếp trên thuế GTGT.
- Phương pháp khấu trừ:
Hiện nay, phương pháp khấu trừ được áp dụng rộng rãi và phổ biến hơn cả. Đối tượng được áp dụng phương pháp khấu trừ gồm các đơn vị kinh doanh có mức thu nhập và doanh thu cung cấp hàng hóa, dịch vụ từ 1 tỷ đồng. Bao gồm từ những đơn vị áp dụng phương pháp tính thuế trực tiếp và các đơn vị tự nguyện xin áp dụng phương pháp tính thuế GTGT khấu trừ; ngoại trừ các đơn vị áp dụng phương pháp tính thuế VAT trực tiếp.
Khi xác định số thuế VAT phải nộp, trước hết cần xác định số thuế VAT đầu vào được khấu trừ. Số thuế được khấu trừ được xác định bằng giá trị thuế VAT được ghi trên hóa đơn hàng hóa và dịch vụ mua vào.
- Phương pháp trực tiếp:
Áp dụng cho các đơn vị có hoạt động kinh doanh vàng bạc, đá quý.
Xác định số thuế VAT phải nộp bằng phần giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ bán ra nhân với mức thuế suất 8%.
3. Thực trạng thuế gia trị gia tăng tại các doanh nghiệp hiện nay
Gian lận thuế GTGT tại các doanh nghiệp vẫn là vấn đề nan giải trong suốt những năm qua. Dựa trên báo cáo từ lực lượng Thanh tra ngành Tài chính, nhiều đơn vị có dấu hiệu gian lận hàng tỷ đồng thuế GTGT. Trước những hành vi gian lận ngày càng phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, các cơ quan quản lý vẫn chưa thể giải quyết triệt để dù đã đưa ra nhiều giải pháp. Song, bất kể là hành vi được thực hiện dưới hình thức nào, nó đều gây ra những tổn hại nhất định tới ngân sách nhà nước, tạo áp lực lớn cho các cơ quan quản lý, khiến môi trường doanh nghiệp cạnh tranh trở nên không lành mạnh, gián tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Các hành vi gian lận thuế GTGT rất đa dạng, được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau.
Thứ nhất, doanh nghiệp thực hiện giảm thuế GTGT đầu ra phải nộp, tăng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ.
Vượt qua sự kiểm soát của các cơ quan thuế, các doanh nghiệp thường lợi dụng kẽ hở trong các quy định để gian lận trong hoàn thuế GTGT.
Vốn dĩ ban đầu, các hành vi không mấy phức tạp. Để được hoàn lại thuế về mức 0% hay giảm thuế, các doanh nghiệp đã tìm cách lập hồ sơ hàng bán ra là hàng xuất khẩu. Bởi dựa trên quy định của Nhà nước, suất thuế GTGT của các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa là 0%.
Tuy nhiên, các hành vi ngày càng trở nên phức tạp hơn. Đặc biệt, trường hợp doanh nghiệp được thành lập và đăng ký kinh doanh nhiều sản phẩm, hoạt động trong nhiều ngành nghề, nhưng lại không có kho hàng hay trụ sở. Mục đích mà các doanh nghiệp này được lập ra là để bán hóa đơn GTGT cho các doanh nghiệp khác - các doanh nghiệp đang tìm cách hợp thức hóa bán hàng buôn lậu trốn thuế và ăn chặn tiền hoàn thuế.
- Trường hợp gian lận nhờ tăng thuế GTGT đầu vào.
Nó xuất phát từ quy định doanh nghiệp có thể tự in ấn và sử dụng hóa đơn thuế GTGT mua bán nội địa trong chính sách quản lý thuế. Lợi dụng kẽ hở này, một số doanh nghiệp tương tự in ấn và phát hành hóa đơn. Họ tạo ra một lượng lớn hóa đơn và tự hợp thức hóa cho nguồn gốc của các lô hàng xuất khẩu đi nước ngoài.
Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng việc làm hóa đơn bất hợp pháp, bao gồm hóa đơn chưa hết giá trị sử dụng hoặc chưa có giá trị sử dụng, hóa đơn giả hay hóa đơn của các đơn vị đã bị hủy bỏ địa chỉ kinh doanh để hợp thức hóa việc khấu trừ thuế GTGT.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kê khai khấu trừ các hóa đơn nhưng không mang theo tên hay mã số thuế của đơn vị mà dùng với mục đích cá nhân. Hoặc, khấu trừ thuế GTGT của hàng hóa dịch vụ nhưng không phải là phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, sản xuất - kinh doanh.
Đơn vị doanh nghiệp kê khai thuế được khấu trừ không trùng khớp với ngày chứng từ nộp thuế ở giai đoạn nhập khẩu. Hoặc phân bổ sai hoặc không phân bổ thuế đầu vào cho mặt hàng không chịu thuế và chịu thuế.
- Trường hợp các doanh nghiệp thực hiện để gian lận thuế GTGT là giảm thuế đầu ra.
Khai thiếu thuế đầu ra là một trong những hành vi sai phạm phổ biến. Để thực hiện điều này các doanh nghiệp sẽ bán hàng nhưng không xuất hóa đơn, mục đích là giấu doanh thu đầu ra để tránh nộp thuế, thậm chí là chiếm đoạt thuế.
Với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng hay kinh doanh bất động sản, hoặc thực hiện hành vi gian lận bằng cách xuất hóa đơn sớm, hoặc chưa thu tiền của khách hàng ngay cả khi dự án, dịch vụ đã được thực hiện.
Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong hàng hóa tiêu dùng nội bộ, họ cố tình khai thiếu hoặc không khai thuế GTGT đầu ra, bởi họ cho rằng cơ quan thuế sẽ không đả động đến.
Thứ hai, gian lận bằng cách điều chỉnh thuế GTGT đầu vào và ra không dựa theo quy định.
Thực tế cho thấy, một số cán bộ thanh tra thường không để ý tới các thông tin quản lý điều chỉnh tăng và giảm thuế GTGT ở kỳ trước, mà chỉ tập trung vào việc chấm hóa đơn. Đây là lỗi sai đến từ người đi đầu, song các DN lại tận dụng lỗi sai này để điều chỉnh giảm doanh thu cũng như thuế đầu ra và tăng thuế đầu vào của kỳ trước. Sự điều chỉnh này diễn ra mà không có hóa đơn, cũng không được chứng minh. Mục đích chính là để giảm thuế đầu ra của kỳ này, hoặc tăng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ sang kỳ nộp tiếp theo.
Thứ ba, doanh nghiệp cố tình xác định sai thuế suất đối với dịch vụ, hàng hóa.
“Nhập nhèm” thuế suất là một trong những chiêu trò cũng khá phổ biến của các doanh nghiệp trốn thuế. Hành vi này bộc phát từ kẽ hở trong chính sách kích cầu để giảm khó khăn cho các doanh nghiệp của Chính phủ.
Nhiều doanh nghiệp cố tình kê sai thuế suất thuế đầu ra GTGT của các mặt hàng chịu 10% thành mặt hàng chịu dưới 5%. Có khi các mặt hàng chịu thuế lại được liệt kê vào mục mặt không chịu thuế.
Một số doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa được ưu đãi thuế suất còn cố tình khai man để được hoàn thuế hoặc tăng khấu trừ.
4. Giải pháp cho các cơ quan quản lý nhằm chống thất thu tiền thuế gia trị gia tăng
Gian lận thuế dù tồn tại dưới bất kỳ hình thức nào cũng sẽ gây ra tổn thất cho ngân sách nhà nước. Để có thể ngăn chặn được mầm mống gian lận, các cơ quan thuế cần siết chặt hơn trong công tác quản lý. Song, các giải pháp được đề xuất bao gồm:
Trước hết, cần sửa đổi và ban hành luật, hướng dẫn cụ thể về hoàn thuế, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đạt hiệu quả cao hơn trong thực thi. Đồng thời, đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ nghiệp vụ cao và có đạo đức. Ngoài ra, cần phối hợp với các cơ quan cảnh sát điều tra, công an, an ninh điều tra và các cấp ủy chính quyền tại địa phương để có thể thực hiện điều ra và chính thức khởi tố khi phát hiện hành vi gian lận trong hoàn thuế.
Thứ hai, tăng mức phạt đối với hành vi vi phạm, gian lận tiền hoàn thuế. Với các quy định còn sơ sài hiện nay thì việc lạng lách luật để chiếm đoạt tiền hoàn thuế diễn ra rất nhiều và tinh vi. Và mức phạt hiện nay vẫn còn nhẹ nhàng so với số tiền thuế đã chiếm đoạt nên chưa thể răn đe. Cần tăng mạnh về mức phạt tiền và phạt tù để hạn chế tối đa hành vi chiếm đoạt tiền hoàn thuế.
Thứ ba, thực hiện công tác kiểm soát chặt chẽ những đối tượng nằm trong vùng nghi vấn bằng cách thúc đẩy và tăng cường lực lượng hải quan thuế nội địa giám sát, làm thủ tục giám sát và thanh toán tiền hàng xuất khẩu. Để đạt hiệu quả cao hơn trong công tác quản lý thủ tục xuất khẩu, cần kết nối với cơ quan thuế nội địa.
Thứ tư, đặc biệt quan tâm tới việc kiểm tra thuế giá trị gia tăng với các đối tượng xuất khẩu qua lối mở biên giới đất liền hay cửa khẩu phụ. Thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các khâu giải trình trước khi hoàn thuế dựa trên các quy định được đề ra, theo các Nghị định của Chính phủ, Luật Hải quan, Luật Thương mại và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua lối mở biên giới đất liền hoặc cửa khẩu phụ.
Thứ năm, nên kiểm tra từ sớm, phát hiện từ xa. Cần phát huy hết vai trò của công nghệ thông tin, đẩy mạnh công nghệ thông tin vào khâu quản lý hoàn thuế. Nhanh chóng cho triển khai trên phạm vi toàn quốc hóa đơn điện tử, xây dựng dữ liệu lớn có cung cấp thông tin của người nộp thuế,...
Công nghệ hiện đại sẽ hỗ trợ các bộ phận cơ quan Thuế và Hải quan theo dõi tình hình mua bán hóa đơn, phát hiện kịp thời giao dịch bất hợp pháp.
5. Kết luận
Thuế GTGT đối với doanh nghiệp là nghĩa vụ và trách nhiệm, với Nhà nước là nguồn thu. Để doanh nghiệp thể hiện đúng vai trò trách nhiệm của mình, việc nắm các thông tin về phương pháp tính, mức thuế là điều quan trọng. Còn đối với những vấn đề thường gặp hay những sai sót thường xảy ra, hãy chú ý cẩn thận hơn trong kê khai để không mắc phải những lỗi không đáng có, gây ảnh hưởng đến lợi ích và danh tiếng của doanh nghiệp, cũng như giảm thiểu những bất cập xảy ra trong quá trình thực hiện khai báo và đóng thuế của doanh nghiệp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Quốc hội (2019), Luật số 38/2019/QH14 - Luật Thuế Việt Nam.
- Tổng cục Thống kê (2022), Báo cáo tình hình doanh nghiệp Việt Nam năm 2021.
- Chính phủ (2021), Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2021 về việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021.
- Chính phủ (2013), Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2013, về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng.
- Trần Ngọc (2021), Thu hút FDI năm 2021 tăng ngoạn mục, vượt mốc 31 tỷ USD, https://vov.vn/kinh-te/thu-hut-fdi-nam-2021-tang-ngoan-muc-vuot-moc-31-ty-usd-post915086.vov
Collecting value-added tax from enterprises: Inadequacies and solutions
Master. Vu Thi Phuong Dung
Hai Phong University
ABSTRACT:
Value-added tax (VAT) plays an important role in the state budget. Declaring VAT correctly, sufficiently and accurately is the obligation and responsibility of businesses. Understanding the VAT calculation method helps new businesses reduce risks in their tax declaration process. According to General Statistics Office of Vietnam, Vietnam had 116,800 newly established enterprises and 1,738 newly licensed foreign projects in 2021. It is necessary for newly established businesses to perform synchronously their tax report, financial statements, and internal audit activities. This paper presents the importance of VAT, VAT calculation methods, points out some inadequacies, and proposes some solutions about VAT collection.
Keywords: value-added tax collection, enterprise.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6, tháng 4 năm 2022]