Cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 1 diễn ra chiều qua (5/2/2020) trong bối cảnh dịch bệnh do virus corona gây ra đang ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. Rất nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề phòng dịch, chống dịch được các nhà báo, phóng viên quan tâm.
Áp dụng nhiều biện pháp mạnh để chống dịch
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, các biện pháp chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra được Việt Nam áp dụng mạnh hơn so với chống dịch SARS trước đây và cao hơn so với WHO khuyến nghị.
Theo Bộ trưởng, một số tổ chức quốc tế khuyến cáo, Việt Nam là nước có nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch viêm phổi từ Vũ Hán (Trung Quốc), do có hơn 1.400 km đường biên giới, nhiều lối mở, đường mòn, cửa khẩu quốc tế... với Trung Quốc.
Trước tình hình đó, "Chính phủ chấp nhận thiệt thòi một phần lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng và cuộc sống bình yên của nhân dân". Đến nay Việt Nam đã hạn chế tối đa việc lây lan dịch; trong 10 trường hợp dương tính với nCoV, có 3 người được chữa khỏi, chưa người nào tử vong.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng còn cho biết, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải đặt nhiệm vụ chống dịch lên hàng đầu, không được chủ quan, lơ là vì ở Việt Nam chưa đến đỉnh dịch; đồng thời không được hoang mang để đánh giá, xử lý đúng các vấn đề liên quan.
Cách ly là giải pháp hữu hiệu nhất để chống dịch
Phòng chống dịch virus corona là vấn đề được các cơ quan báo chí, truyền thông quan tâm nhất và đặt nhiều câu hỏi nhất. Trả lời câu hỏi “Cách ly tại chỗ có phải phương án tốt nhất trong thời điểm này?”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng nhanh chóng từ Trung Quốc, biện pháp cách ly là hiệu quả, hữu hiệu ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng.
Chúng ta thực hiện cách ly 3 vòng. Cụ thể: với người dân nghi nhiễm bệnh cách ly ngay tại cơ sở y tế; với những cá nhân đi từ hoặc đi qua vùng Hồ Bắc về Việt Nam thì lập tức được cách ly tại các cơ sở do UBND tỉnh, TP chỉ định, chuẩn bị cho việc cách ly tập trung; với những người đi từ các vùng khác của Trung Quốc về thì lập tức cách ly tại gia đình.
"Chúng ta đã chỉ đạo chống dịch rất quyết liệt. Năm 2003, chúng ta chống dịch SARS thành công với phương án cách ly tương tự như hiện nay. Nếu triển khai đồng bộ, cương quyết cách ly thì chúng ta sẽ kiểm soát được dịch”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.
Đẩy mạnh liên kết, tiêu thụ nông sản trong nội địa
Trả lời câu hỏi về tháo gỡ khó khăn cho hàng nông sản, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, hiện nay, Bộ đã phối hợp với Bộ Công Thương bàn giải pháp để tháo gỡ. Đến trưa nay đã thông quan hàng hoá, tuân thủ đúng quy định người Trung Quốc sang cách ly 14 ngày.
Về giải pháp, trước mắt là không chuyển hàng lên biên giới mà tập trung tiêu thụ nội địa, tăng chế biến và tạm trữ kho lạnh. “Tuần tới Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp sẽ đi kiểm tra việc cơ cấu sản xuất và tái cơ cấu lại sản xuất để giải quyết kịp thời”.
Về lâu dài, Bộ đã lên kế hoạch cơ cấu lại sản phẩm nông nghiệp tại các địa phương phù hợp với thị trường. Hiện tại, mới chỉ có 9 loại nông sản đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng, dịch này ảnh hưởng thương mại không chỉ thị trường Trung Quốc mà cả ở thị trường thứ ba khác. Đơn cử như dệt may, chúng ta xuất nhiều sang EU, Mỹ, các nước khác nhưng phần lớn nguyên phụ liệu của ngành dệt may, chúng ta lại nhập nhiều từ Trung Quốc.
Do đó, dịch bệnh này tác động trực tiếp, gián tiếp đến các hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại biên giới, kể cả thương mại nội địa. Trước tình hình này, ngày 31/1 Bộ Công Thương đã ra chỉ thị tăng cường giải pháp để đối phó với dịch bệnh. Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho các Cục, Vụ ở tất cả lĩnh vực: xuất khẩu, nhập khẩu, thị trường nội địa...
Riêng về vấn đề nông sản, hiện nay chúng ta còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc nên khi thị trường này có biến động, kể cả khách quan hay chủ quan thì đều tác động rất lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Ngay trong 5/2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn chỉ đạo cho phép việc vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới nhằm tạo thuận lợi thương mại, không làm gián đoạn sản xuất kinh doanh, tạo cho sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu, đặc biệt với thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, về lâu dài, đối với mặt hàng nông sản, cần có giải pháp căn cơ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, sản xuất theo tín hiệu thị trường và liên kết sản xuất, đẩy mạnh chế biến và tăng cường kết nối với các hệ thống siêu thị, trung tâm phân phối nội địa. Ta sẽ phải làm việc này tốt hơn để không phụ thuộc vào một thị trường.
Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các địa phương, các hệ thống siêu thị kết nối hỗ trợ tiêu thụ qua hệ thống phân phối đối với các mặt hàng nông sản đang gặp khó khăn trong tiêu thụ do việc hạn chế xuất khẩu sang các nước lân cận, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Hiện nay, Bộ Công Thương cũng yêu cầu địa phương, doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối có kế hoạch bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trong hệ thống phân phối để phục vụ nhu cầu của người dân trong mọi tình huống.
Với các mặt hàng khác, không riêng gì nông sản, Bộ Công Thương tiếp tục yêu cầu các thương vụ phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong đó có Bộ NN&PTNT, các hiệp hội ngành hàng để mở rộng thêm hệ thống tiêu thụ hàng hoá ở các thị trường khác, không riêng gì Trung Quốc.