Trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2020, trả lời câu hỏi của phóng viên về trách nhiệm của Bộ Công Thương trong vấn đề xuất khẩu gạo vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, vấn đề an ninh lương thực nói chung, trong đó có mặt hàng gạo nói riêng hết sức được quan tâm và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Quý I/2020, dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất nhanh, phức tạp, ảnh hưởng đến Việt Nam và các nước trên thế giới, do vậy, tình hình thị trường gạo toàn cầu phát sinh biến động đa chiều. Trong việc điều hành xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương thực hiện trong chức năng nhiệm vụ của mình và thường xuyên đánh giá và báo cáo, xin sự chỉ đạo của các các cấp có thẩm quyền, tránh gây ảnh hưởng đến cân đối cung cầu, bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh dịch bệnh.
Theo Thứ trưởng, những quyết định liên quan đến việc tạm dừng xuất khẩu gạo ở thời điểm đó dựa vào các căn cứ: Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo đạt 930.000 tấn, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm 2019, và với tốc độ như vậy Quý I sẽ xuất khẩu khoảng 1,7 triệu tấn, tăng 21% so với cùng kỳ 2019. 6 tháng đầu năm, có thể xuất khẩu được 3,7 triệu tấn, lớn hơn nhiều so với hàng hóa có thể cho xuất khẩu.
Trong khi đó, các quốc gia có nhu cầu về gạo cũng liên tục quan tâm đến tăng dự trữ chiến lược khiến giá gạo thế giới liên tục tăng, cùng với đó, tâm lý của người dân trong nước có thể lo thiếu gạo, nhất là việc mua dự trữ gạo quốc gia thời điểm đó không thuận lợi.
Chính vì vậy, Chính phủ có quyết định tạm dừng việc xuất khẩu gạo đến hết tháng 5 để giãn tiến độ xuất khẩu gạo nhằm bảo đảm các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo, góp phần bình ổn giá gạo trong nước.
Tuy nhiên, sau khi làm việc với các cơ quan liên quan, trực tiếp làm việc với các hiệp hội, doanh nghiệp và khảo sát lại tình hình trên toàn quốc trong bối cảnh vụ mùa sắp tới của Việt Nam thì Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về phương án, điều hành xuất khẩu gạo trong tháng 5.
Mặc dù vậy, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng, thời điểm hiện tại, vẫn phải quan tâm đến vấn đề an toàn, an ninh lương thực và thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi UBND các tỉnh đề nghị phối hợp, đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu, tương đương 5%; các thương nhân xuất khẩu gạo yêu cầu phải ký thỏa thuận với ít nhất 1 hệ thống siêu thị về việc bảo đảm cung cấp lượng dự trữ lưu thông khi được yêu cầu.
Ngoài ra, UBND các tỉnh, địa phương phối hợp với Bộ Công Thương kịp thời có biện pháp xử lý phù hợp với các thương nhân vi phạm quy định về duy trì mức dự trữ lưu thông. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã có công hàm, văn bản trao đổi đến các đoàn ngoại giao và các thương nhân để kiến nghị, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất khẩu gạo...
“Chúng tôi thấy rằng, trong quá trình điều hành gạo, Bộ Công Thương luôn bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, quán triệt ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Liên quan đến câu hỏi về trách nhiệm cá nhân (nếu có) trong việc đề xuất chính sách điều hành gạo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ. Ngày 29/4, Thanh tra Chính phủ đã công bố về đoàn thanh tra này. Theo quy định đoàn thanh tra sẽ làm việc trong 35 ngày, vì vậy đến ngày 18/6 tới, đoàn thanh tra mới kết thúc thanh tra theo quy định, kết luận của đoàn thành tra sẽ được công bố rộng rãi.
“Chúng tôi cam kết thực hiện đúng các quyết định cũng như kết luận của Thanh tra Chính phủ", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.
Bổ sung câu trả lời về vấn đề xuất khẩu gạo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, mục tiêu của Thủ tướng đặt ra là hết năm 2020 xuất khẩu 7 triệu tấn gạo,, như vậy, cao hơn khoảng 400.000-500.000 tấn gạo so với cùng kỳ 2019.
Trong bối cảnh các nước có dịch bệnh, các chuyến bay đóng cửa và cấm vận thì ngày 23/3 Bộ Công Thương kiến nghị dừng xuất khẩu gạo, sau đó, ngày 10/4, sau khi đánh giá lại, Bộ Công Thương kiến nghị cho xuất khẩu gạo trở lại nhưng có kiểm soát và ngày 20/4 là chấm dứt khi Thủ tướng quyết định cho xuất khẩu gạo trở lại và không có hạn ngạch.
Do đó, việc chỉ đạo của Thủ tướng trong bối cảnh như vậy là đúng và việc Bộ Công Thương đề xuất trong bối cảnh như vậy là hoàn toàn phù hợp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.