Thủ tướng: Sau bước thăng trầm, ngành dầu khí phải trở lại là động lực phát triển

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn PVN phải có khát vọng một tương lai hùng cường trở lại với ngành dầu khí. Ở đâu có dầu khí, ở đó có khởi sắc. Sau bước thăng trầm, ngành dầu khí phải trở lại là động lực phát triển.

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) diễn ra chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương kết quả đạt được của Tập đoàn, PVN đã hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất kinh doanh.

2018: Năm có nhiều thành tích nổi bật của PVN

 

Theo báo cáo của PVN, năm 2018, sản lượng khai thác dầu đạt gần 14 triệu tấn (trong đó, sản lượng dầu khai thác trong nước khoảng 11,3 triệu tấn), giảm so với mức trên 15 triệu tấn của năm 2017.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng mong muốn PVN phải có khát vọng một tương lai hùng cường trở lại với ngành dầu khí. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

PVN cho biết năm 2018 là năm thứ 4 liên tiếp (2015-2018) hoạt động dịch vụ dầu khí gặp nhiều khó khăn, giá dầu không ổn định dẫn đến nhiều nhà thầu dầu khí giảm khối lượng công việc và giảm giá dịch vụ. Công tác phát triển dịch vụ ra nước ngoài phải cạnh tranh gay gắt cới các công ty dịch vụ đa quốc gia có tiềm lực mạnh… Nhưng các đơn vị của Tập đoàn đã thực hiện hiệu quả các giải pháp, ứng phó phù hợp trong điều kiện đặc biệt của năm 2018. Kết quả doanh thu dịch vụ dầu khí toàn PVN năm 2018 vượt  kế hoạch 30%, chiếm khoảng 32% tổng doanh thu.

Năm 2018 được đánh giá là một năm có nhiều thành tích nổi bật của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi đã hoàn thành thắng lợi, về đích trước thời hạn các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đặc biệt ở cả chỉ tiêu gia tăng trữ lượng, sản lượng khai thác dầu khí và các chỉ tiêu tài chính.  

khai thác dầu khí
Hoạt động khai thác dầu khí trên mỏ Bạch Hổ

 

Sản lượng khai thác dầu thô trong nước vượt 675 nghìn tấn so với kế hoạch Chính phủ giao đầu năm, đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP cả nước đạt 7,08%.  Cụ thể, tổng sản lượng khai thác dầu khí đạt 23,98 triệu tấn quy dầu, vượt 5,0% kế hoạch năm (KHN). Trong đó, khai thác dầu thô 13,97 triệu tấn (vượt 735 nghìn tấn, tương đương vượt 5,6% KHN). Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đạt mốc khai thác tấn dầu thứ 390 triệu vào ngày 28-4-2018. Khai thác dầu thô ở trong nước hoàn thành kế hoạch cả năm (11,31 triệu tấn) trước 21 ngày, cả năm 2018 đạt 12,0 triệu tấn, (vượt 675 nghìn tấn, vượt 6,0% KHN). Khai thác dầu thô ở nước ngoài hoàn thành kế hoạch cả năm (1,92 triệu tấn) trước 10 ngày, cả năm 2018 đạt 1,98 triệu tấn (vượt 60 nghìn tấn, vượt 3,1% KHN). Khai thác khí hoàn thành kế hoạch cả năm (9,60 tỉ m3) trước 15 ngày, cả năm 2018 đạt 10,01 tỉ m³ (vượt 410 triệu m3, vượt 4,3% kế hoạch năm). Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đạt mốc khai thác m3 khí thứ 140 tỉ vào ngày 27-9-2018.

Sản xuất đạm hoàn thành kế hoạch cả năm (1,54 triệu tấn) trước 18 ngày, cả năm 2018 đạt 1,63 triệu tấn (vượt 88 nghìn tấn, vượt 5,7% kế hoạch năm). Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đạt mốc sản xuất tấn đạm thứ 16 triệu vào ngày 19-7-2018. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đạt mốc sản xuất 170 tỉ kWh điện vào ngày 2-12-2018. Trong lĩnh vực chế biến, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã đạt mốc sản xuất tấn sản phẩm các loại thứ 55 triệu vào ngày 30-8-2018.

gian xu ly khi
Giàn Xử lý khí trung tâm mỏ Hải Thạch Mộc Tinh

 

Bên cạnh đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch về tài chính. Cụ thể, tổng doanh thu toàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ước đạt 626,8 nghìn tỉ đồng (vượt 96 nghìn tỉ đồng, tương đương vượt 18,1% kế hoạch năm 2018, tăng 25,9% so với năm 2017). Nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ước đạt 121,3 nghìn tỉ đồng, vượt 47,5 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch đề ra, đã góp phần quan trọng vào cân đối ngân sách trung ương năm 2018.   

Một số đơn vị đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh xuất sắc, như: PVGAS đạt tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ hữu bình quân là 24,32%; PVTrans 15,07%; BSR 13,21%, VSP 12,72%; PVCFC 10,4%, PVEP 8,25%, PVPower 7,76%, PVFCCo 7,63%; Petrosetco 7,99%.

Một số đơn vị có mức đóng góp tốt cho ngân sách nhà nước, gồm: VSP đóng góp 28,9 nghìn tỷ đồng, BSR đóng góp 11,7 nghìn tỷ đồng; PVEP đóng góp 10,5 nghìn tỷ đồng; PVOil đóng góp 8,3 nghìn tỷ đồng; PVGas đóng góp 5,0 nghìn tỷ đồng; PV Power đóng góp 1,36 nghìn tỷ đồng…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá:  “Từ chỗ chúng ta không có dầu khí, đến nay công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí đã xác định được trữ lượng dầu khí tới trên 1,4 tỷ tấn quy dầu và đã nghiên cứu, đánh giá tiềm năng còn lại của Việt Nam là 1,6-2,8 tỷ tấn quy dầu, đủ khả năng cân đối bền vững cho hoạt động khai thác, bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước trong những thập niên tới”. Ngành dầu khí Việt Nam hiện bảo đảm cung cấp khí làm nhiên, nguyên liệu để sản xuất khoảng 35% sản lượng điện quốc gia, 70% thị phần phân bón và 64% thị phần khí hóa lỏng phục vụ các ngành công nghiệp và dân dụng cả nước.

Ngành dầu khí phải trở lại là động lực phát triển

 

Theo ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng giám đốc PVN, bước vào thực hiện kế hoạch năm 2019, tình hình kinh tế thế giới và trong nước được dự báo còn nhiều biến động như chiến tranh thương mại giữa các nước, tình hình thay đổi chính sách ở một số quốc gia dẫn đến kinh tế bất ổn định, đặc biệt là sự biến động chưa có dấu hiệu ổn định, phục hồi của giá dầu là yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển của Tập đoàn. Tuy nhiên, năm 2019, PVN quyết tâm đặt mục tiêu cao hơn năm 2018. Cụ thể, gia tăng trữ lượng dầu khí toàn Tập đoàn 10-15 triệu tấn quy dầu; Khai thác dầu khí 22,06 triệu tấn quy dầu, Sản xuất xăng dầu đạt 10,35 triệu tấn; giá trị thực hiện đầu tư 51,36 nghìn tỷ đồng.

Với phương án giá dầu năm 2019 đã được Quốc hội thông qua, các chỉ tiêu kế hoạch tài chính năm 2019 chủ yếu của PVN được đưa ra: doanh thu toàn Tập đoàn 612,2 nghìn tỷ đồng; doanh thu hợp nhất 307 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hợp nhất Tập đoàn là 38,7 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế hợp nhất Tập đoàn là 31,3 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách toàn Tập đoàn 87,5 nghìn tỷ đồng.

lọc hóa dầu Nghi Sơn
Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn

 

Thủ tướng  mong muốn: PVN tiếp tục phải là tập đoàn dầu khí, tập đoàn kinh tế hùng mạnh hàng đầu của đất nước, sánh vai với các đối tác trong khu vực và trên thế giới. Dầu khí cũng không đơn thuần là kinh tế mà còn có vị trí quốc phòng an ninh, ở đâu có dầu khí, ở đó khẳng định chủ quyền của đất nước.

Thủ tướng cho rằng PVN phải nhận thức được thách thức và sứ mệnh phía trước. Đơn cử, theo tính toán của các chuyên gia, từ năm 2017 trở đi, nếu không đưa vào khai thác những mỏ có trữ lượng lớn thì PVN sẽ bị giảm mỗi năm 2 triệu tấn dầu. Ngành dầu khí cũng chịu ảnh hưởng nhất định từ biến động tình hình thế giới.

Nhấn mạnh ngành dầu khí là ngành kinh tế đặc biệt thực hiện chiến lược biển, Thủ tướng nêu rõ, đất nước cần sự đóng góp của PVN, do đó, Tập đoàn cần tính toán lại các chỉ tiêu sản lượng dầu khí, đạm, các sản phẩm khác của ngành dầu tính, tính lại doanh thu, nộp ngân sách… có mức phấn đấu cao hơn.

Thủ tướng nhấn mạnh PVN cần tập trung thảo luận, tìm biện pháp quyết liệt hơn, quyết tâm, ý chí cao hơn, trong “cái khó ló cái khôn”. Thường xuyên rà soát, cập nhật tình hình thực tế tiến độ giải ngân các dự án, đáp ứng nhu cầu đầu tư theo kế hoạch.

Cần ứng dụng khoa học công nghiệp để gia tăng hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí. Ngành dầu khí cần đi tiên phong, đi tắt đón đầu cuộc cách mạng 4.0. Tuyệt đối tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường.

Tập đoàn cần tập trung chỉ đạo lấy lại tiến độ các dự án trọng điểm đã và đang bị chậm so với yêu cầu; tiếp tục chỉ đạo xử lý các tồn tại của 5 dự án khó khăn, yếu kém.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ, các bộ, ngành sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tích cực Tập đoàn, đặc biệt là các dự án tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, các dự án trọng điểm của Nhà nước về dầu khí mà Tập đoàn đang thực hiện.

5 chỉ tiêu thi đua của PVN trong năm 2019

  1. Thi đua hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong công tác xây dựng Đảng, sản xuất, kinh doanh, thực hiện sắp xếp, tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp. Nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 05/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
  2. Thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; trước hết là của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, đoàn thể; góp phần xây dựng Đảng, triển khai Văn hóa Dầu khí trong mọi hoạt động của Tập đoàn, kiện toàn đội ngũ cán bộ đủ năng lực phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
  3. Thi đua phát hiện, xử lý có hiệu quả những tồn tại, yếu kém, những vấn đề bức xúc, nổi cộm của từng cơ quan, đơn vị, đoàn thể đã được chỉ ra tại Hội nghị kiểm điểm, tự phê bình và phê bình năm 2018; Tập đoàn và các đơn vị tập trung mọi nguồn lực để củng cố uy tín, thương hiệu, chủ động truyền thông khách quan về vai trò, vị thế, hình ảnh của Petrovietnam.
  4. Thi đua, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tối ưu hóa nguồn lực, đi đôi với thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí; đảm bảo đời sống, thu nhập cho cán bộ, công nhân viên lao động trong tất các các đơn vị thành viên của Tập đoàn; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.
  5. Thi đua hoàn thành, đảm bảo chất lượng các công trình, sản phẩm trọng điểm lập thành tích chào mừng đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội Đảng bộ Tập đoàn, tiến tới Đại hội XIII của Đảng.

 

Nguyên Hà