TÓM TẮT:
Bài viết đánh giá tổng quan về đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam vào các quốc gia khu vực tiểu vùng sông Mekong trong bối cảnh cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập. Trên cơ sở phân tích sâu các cơ hội và thách thức từ việc thành lập AEC, bài viết cũng đưa ra một số đề xuất chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động đầu tư trực tiếp của Việt Nam vào khu vực GMS trong thời gian tới.
Từ khóa: đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, khu vực tiểu vùng sông Mekong, hội nhập kinh tế quốc tế.
1. Giới thiệu
Khu vực tiểu vùng sông Mekong (gọi tắt là GMS) là tên gọi của khu vực địa lý được thành lập từ năm 1992 theo sáng kiến của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Khu vực GMS bao gồm 6 quốc gia nằm trong lưu vực của sông Mekong, gồm có Campuchia, Lào, Myanma, Thái Lan, Trung Quốc (gồm 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây) và Việt Nam. Khu vực GMS có diện tích 2,3 triệu km2 và dân số hơn 350 triệu người (năm 2018). Đa số các quốc gia thuộc khu vực GMS cũng đều đồng thời là thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trừ Trung Quốc. Khu vực GMS có vị trí quan trọng vì nằm trên một trong những tuyến đường hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới, nối từ Tây sang Đông, khu vực này còn đóng vai trò vùng địa lý chuyển tiếp giữa 2 quốc gia lớn nhất khu vực châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ.
Thực hiện công cuộc đổi mới, với phương châm đẩy mạnh hợp tác kinh tế quốc tế, chủ động mở rộng đa phương hóa, đa dạng hóa thì đầu tư ra nước ngoài cũng chính là trong những lĩnh vực được Việt Nam quan tâm và đẩy mạnh trong thời gian qua. Với những thành tựu đạt được từ quá trình đổi mới trong phát triển kinh tế hơn 2 thập kỷ qua, cùng với sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam tăng lên là xu hướng tất yếu, phản ánh đúng quy luật khách quan. Trong đó, khu vực GMS luôn là địa bàn đầu tư quen thuộc của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những năm gần đây. Đối với Việt Nam thì khu vực GMS có thể được coi như khu vực bán đảo Đông Dương mở rộng. Các quốc gia khu vực GMS về mặt địa lý rất gần với Việt Nam, bên cạnh đó phong tục tập quán, văn hóa, lối sống cũng có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Do đó, khu vực này có vị trí địa chính trị quan trọng hàng đầu trong chiến lược hội nhập và phát triển kinh tế quốc tế, quốc phòng an ninh, ổn định của nước ta trong thế kỷ XXI và các thế kỷ tiếp theo. Địa chính trị của khu vực GMS còn trở nên quan trọng hơn nữa đối với Việt Nam khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community, viết tắt: AEC) đã được thành lập vào cuối năm 2020.
Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết năm 2020, Việt Nam đã có 1.440 dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt khoảng 318 tỷ USD. Cũng theo nguồn số liệu này, trong thời gian qua, các quốc gia khu vực GMS là địa bàn đầu tư trực tiếp lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, tính đến hết năm 2020, số vốn đầu tư trực tiếp của Việt Nam vào nền kinh tế các quốc gia GMS đạt hơn 9.684 tỷ USD. Trong số các quốc gia khu vực GMS, Lào có 400 dự án với 4,2 tỷ USD (tính đến tháng 9) và Campuchia là 220 dự án và 5,3 tỷ USD (tính riêng 2020), vẫn đang là những thị trường đầu tư quen thuộc, chủ yếu của các doanh nghiệp Việt Nam. Tiếp theo là Myanmar, khi vốn đầu tư trực tiếp của Việt Nam đã đạt khoảng 2,2 tỷ USD năm 2020 trong một thời gian ngắn.
Hình 1: Đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam giai đoạn 2005-2020
Đơn vị tính: Triệu USD
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020)
Các số liệu thống kê đã cho thấy khu vực GMS sẽ ngày càng quan trọng, thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp của Việt Nam nhiều hơn nữa.
2. Thực trạng của đầu tư trực tiếp của Việt Nam vào một số quốc gia khu vực GMS
2.1. Đầu tư trực tiếp của Việt Nam vào Lào
Hiện nay, đầu tư trực tiếp của Việt Nam đang đứng thứ 3 trong số các quốc gia đầu tư vào Lào, tập trung vào một số lĩnh vực như năng lượng, dịch vụ, hạ tầng, nông lâm nghiệp và khai khoáng. Cụ thể, 9 tháng năm 2020, Việt Nam đã đầu tư vào Lào 400 dự án với số vốn đăng ký đầu tư 4,2 tỷ USD, chiếm 28,2% tổng số dự án đăng ký đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài. Về cơ cấu đầu tư, hoạt động đầu tư tập trung vào các lĩnh vực: năng lượng, chủ yếu là thủy điện, chiếm khoảng 26%; dịch vụ, hạ tầng chiếm khoảng 20%; nông-lâm nghiệp, trồng cây công nghiệp chiếm khoảng 23%; khai khoáng khoảng 19%…
Nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam đã đi vào hoạt động với hiệu quả cao, góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Lào, tăng thu ngân sách và tạo việc làm ổn định cho trên 30 nghìn lao động. Đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào Lào tập trung phần lớn tại khu vực Trung Nam Lào với số dự án đầu tư của Việt Nam vào khu vực này là 199 dự án, chiếm khoảng 49% tổng số dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt hơn 3,7 tỷ USD, chiếm 95,4% tổng số FDI đăng kí của Việt Nam tại Lào. Các dự án đều tập trung vào khai thác các thế mạnh của khu vực Trung Nam Lào như: trồng cây công nghiệp và chăn nuôi (cao su, cọ, mía đường, nuôi bò sữa với số vốn khoảng 800 triệu USD), thủy điện (4 dự án, tổng số vốn đầu tư hơn 1,17 tỷ USD), khai khoáng (dự án muối mỏ Kali gần 500 triệu USD) và đầu tư vào cơ sở hạ tầng (dự án kho ngoại quan và đường ống dẫn dầu từ Cảng Hòn La sang tỉnh Khămmuộn, sân bay Attopư, các dự án xây dựng đường giao thông khác).
Các dự án của doanh nghiệp Việt Nam đều thực hiện đúng tiến độ, chất lượng đảm bảo, do đó được Chính phủ Lào đánh giá cao về mặt hiệu quả, đã góp phần thay đổi hẳn diện mạo kinh tế của địa phương, cải thiện cơ bản cuộc sống của người dân Lào tại khu vực có dự án đầu tư. Tuy nhiên, bên cạnh những dự án tích cực vẫn còn một số dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào triển khaicòn chậm, nhất là trong lĩnh vực năng lượng và khai khoáng. Điều này đòi hỏi Chính phủ, các Bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước cần phải nỗ lực hơn nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ.
2.2. Đầu tư trực tiếp của Việt Nam vào Campuchia
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, tính riêng năm 2020 đã có 220 dự án của Việt Nam đã được Chính phủ Campuchia cấp phép đầu tư với tổng số vốn đạt gần 5,3 tỷ USD, chiếm 15,2 % tổng số dự án. Hoạt động của các dự án đầu tư của Việt Nam vào Campuchia đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội 2 nước, nhất là các tỉnh biên giới; tạo việc làm ổn định cho hàng vạn lao động; nhiều hàng nông sản Campuchia xuất sang châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc,… đều do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, như:
- Dự án y tế của Bệnh viện Chợ Rẫy- Phnom Penh: 500 triệu USD.
- Dự án Trồng cao su, nuôi bò sữa của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai: 300 triệu USD.
- Dự án hàng không của Công ty Viettel: 150 triệu USD.
- Dự án sản xuất phân bón của Công ty Phân bón Năm Sao: 100 triệu USD
-…
Hiện tại, Việt Nam đã vươn lên đứng vị trí thứ 5 về số vốn đầu tư trong số khoảng 70 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Campuchia. Hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam được tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực nông nghiệp (trồng cao su và nuôi bò sữa), phân bón, y tế, ngân hàng, hàng không và viễn thông. Tính đến hết năm 2020 đã có khoảng 50 dự án lớn được hoàn thành và đưa vào hoạt động tại Campuchia với tổng số vốn đầu tư đạt khoảng 1,5 tỷ USD.
2.3. Đầu tư trực tiếp của Việt Nam vào Myanmar
Giai đoạn 2018-2020, Việt Nam trở thành nhà đầu tư lớn thứ 2 của Myanmar, tuy nhiên đến năm 2020, Việt Nam đã lùi xuống vị trí thứ 5 về vốn đầu tư trong số các quốc gia có hoạt động đầu tư vào Myanmar.
Số vốn đăng ký đầu tư của Việt Nam vào Myanmar trong năm 2020 là 2,2 tỷ USD, xếp thứ 7 trong tổng số 51 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào thị trường này. Hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar được tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như: Xây dựng cơ bản, khai thác mỏ, bảo hiểm, viễn thông, thăm dò hàng và khai thác dầu khí. Các dự án đầu tư tiêu biểu của doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar như: Dự án HAGL Myanmar Centre của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai với số vốn đầu tư 440 triệu USD; dự án Mạng viễn thông của Liên doanh Viettel Myanmar với số vốn đầu tư 1800 triệu USD; dự án thăm dò, khai thác dầu khí của Tổng công ty thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP) với số vốn đầu tư 600 triệu USD; dự án Chế biến nông sản của Liên doanh giữa Công ty Bảo vệ thực vật An Giang - VinaCapital - Eden Group với số vốn đầu tư 100 triệu USD.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng dần có các bước đi nhằm đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng tại Myanmar. Cụ thể, trong năm 2020, phía Myanmar đã trao cấp phép thành lập liên doanh là Công ty Tài chính BIDV (BIDV Finance Company Limited), với phần vốn góp của BIDV Việt Nam là 70% và Công ty tài chính tiêu dùng vi mô Mahar Bawag của Myanmar là 30%. Liên doanh này sẽ tập trung ban đầu vào lĩnh vực: Tài chính vi mô; Nhận tiền gửi; Chuyển tiền và các hoạt động tài chính khác phù hợp với quy định pháp luật Myanmar.
3. Một số cơ hội và thách thức của Việt Nam trong đầu tư vào khu vực GMS giữa bối cảnh Cộng đồng kinh tế ASEAN đi vào hoạt động
3.1. Cơ hội
- Trong lĩnh vực thương mại và đầu tư sản xuất công nông nghiệp. Ủy ban các quốc gia thuộc khu vực GMS đã thành lập nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy hoạt động thương mại trong tiểu vùng như tiến hành đồng bộ hóa và hợp lý hóa các quy trình và bảng phân loại về thuế quan như: phương thức điều hoà hoạt động buôn bán biên giới và thu hẹp đến mức thấp nhất tình trạng buôn bán bất hợp pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho các hình thức thương mại quá cảnh và các cơ chế bảo đảm tài chính và thanh toán… Tất cả các vấn đề trên dẫn đến một loạt các ký kết hiệp định các qui định để kêu gọi sự đầu tư cùng phát triển trong khu vực và tạo ra một loạt các cơ hội đầu tư tốt cho các nước, trong đó có Việt Nam.
Mặc dù vậy, tuy là quốc gia láng giềng thân cận, nhưng hoạt động giao thương hàng hóa giữa Việt Nam với Lào và Campuchia vẫn chưa tương xứng với các tiềm năng giữa các bên. Song song với đó là trình độ phát triển sản xuất công nghiệp của nước bạn còn khá hạn chế, rất thiếu các nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu, thị hiếu tiêu dùng ở đây lại chưa quá khắt khe. Vì vậy, đây chính là một cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thuộc các lĩnh vực sản xuất đồ gia dụng, đồ nhựa, mỳ ăn liền, thực phẩm, tiểu thủ công nghiệp… có thể dịch chuyển nhà máy sang Lào và Campuchia để đầu tư sản xuất.
Một thực tế là hiện Lào và Campuchia đang chiếm 50% số dự án đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam, với tổng vốn khoảng 9,5 tỷ USD, trong đó Lào có hơn 400 dự án và Campuchia có khoảng 220 dự án. Theo đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư Lào, các doanh nghiệp Việt Nam hiện tập trung đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh về tài nguyên của Lào như nông nghiệp, trồng cao su, cây công nghiệp, khai thác khoáng sản, thủy điện… Tuy nhiên, Lào cũng mời gọi các nhà đầu tư Việt Nam hướng đến các dự án khác như phát triển hạ tầng, đầu tư giáo dục, y tế và phát triển du lịch.
- Cơ hội trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông vận tải. Cơ sở hạ tầng giao thông là một lĩnh vực cực kỳ quan trọng trong việc phát triển kinh tế cũng như thu hút vốn đâu tư của một quốc gia. Hơn nữa, Việt Nam có vị trí trọng yếu nằm trong 3 hành lang kinh tế Bắc Nam, Đông Tây và phía Nam với nhiều tuyến đường quan trọng như: Đà Nẵng - Lào - Đông Bắc Thái Lan - Bangkok, Vũng Tàu - TP. Hồ Chí Minh - Phnômpênh - Siem Riep - Bangkok, Cà Mau - Kiên Giang - ven biển Campuchia - Bangkok; Hài Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh... Điều này tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy nhanh quá trình giao thương hàng hóa, đẩy nhanh tiến độ kinh doanh, rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.
- Trong lĩnh vực công nghiệp du lịch. Song song với sự phát triển cơ sở hạ tầng giao thông trong khu vực. Ngành công nghiệp du lịch cũng rất phát triển dựa trên một loạt các tuyến đường xuyên quốc gia. Giải quyết những vấn đề liên quan đến quy định về đi lại qua biên giới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng các tuyến du lịch lữ hành, khai thác những nguồn lợi chung dọc theo biên giới. Xây dựng và phát huy các chiến lược quảng cáo và tiếp thị về du lịch. Tăng cường các tour du lịch theo các hành lang Đông - Tây tạo cơ sở tiến tới hợp tác du lịch tay ba Việt Nam - Lào - Thái Lan, Việt Nam - Campuchia - Thái Lan, cùng Lào và Thái Lan khai thác tuyến du lịch đường bộ liên hoàn ba nước để khai thác các danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa phong phú của nước bạn.
3.2. Thách thức
- Sự thành lập của AEC sẽ tạo ra sự cạnh tranh tăng cao giữa hàng hóa của các quốc gia trong khu vực. Do đó, hàng hóa Việt Nam trên thị trường các quốc gia GMS sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ đến từ hàng hóa các nước ASEAN. Tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam giảm tương đối do Campuchia thu thuế hải quan dẫn đến thủ tục thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu bị ách tắc, chưa được đồng bộ gây mất thời gian, chi phí logistics tăng, giá cả hàng hóa xuất khẩu ngày càng tăng.
- Hình thức buôn bán chủ yếu thông qua đường tiểu ngạch, khiến lượng hàng Việt Nam đến tay người tiêu dùng nước ngoài còn nhỏ lẻ. Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa quan tâm thực sự tới việc thiết lập kênh phân phối của mình tại thị trường nước ngoài mà chỉ chủ yếu là bán hàng cho các thương nhân Campuchia để họ tự phân phối tại thị trường. Điều này khiến cho việc phân phối hàng hóa không có sự chủ động và khó điều chỉnh trong những thời điểm gặp khó khăn.
- Tâm lý bài Việt, tẩy chay hàng Việt Nam được các lực lượng đối lập của Campuchia thường xuyên tuyên truyền, kích động.
- Trình độ quản lý của các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu kém, tiềm lực vật chất của cũng còn yếu, nguồn nhân lực dồi dào nhưng nói chung là có kỹ năng không cao, điều này khiến cho hệ thống phân công lao động gặp nhiều bất cập ở thị trường nước ngoài.
- Thách thức về hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu cần thiết, vẫn còn tồn tại chênh lệch đáng kể về cơ sở hạ tầng, bao gồm các tuyến đường thứ cấp kém chất lượng, thiếu kết nối đường sắt, thiếu cảng biển và cơ sở hạ tầng cảng hàng không, thiếu cơ sở vật chất hậu cần, thiếu năng lượng ở một số nước làm gián đoạn quá trình sản xuất cũng như vận chuyển hàng hóa.
4. Một số giải pháp đẩy mạnh đầu tư trực tiếp của Việt Nam vào khu vực tiểu vùng sông Mê kông
Thứ nhất, cần phải chủ động xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo sân chơi bình đẳng và môi trường kinh doanh thuận lợi để kích thích sự gia tăng đầu tư, nhất là các nguồn lực của khu vực tư nhân; tăng cường sự hợp tác giữa các chính quyền địa phương sở tại và các doanh nghiệp giữa các nước GMS trong việc thúc đẩy đầu tư, thương mại, du lịch và các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác.
Thứ hai, Chính phủ Việt Nam chủ trương phát triển các tuyến hành lang giao thông làm cơ sở để phát triển các tuyến hành lang kinh tế; phát triển các tuyến nhánh giao thông kết nối với các tuyến chính; phát triển các cực tăng trưởng tại các đô thị, thị trấn, địa điểm du lịch nằm trên tuyến hành lang.
Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước cần đưa ra các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư thương mại ra các nước tiểu vùng sông Mekong (GMS) được vay vốn từ chính sách hỗ trợ lãi suất của Nhà nước để phát triển sản xuất, xuất khẩu đặc biệt đối với các ngành hàng có thế mạnh về xuất khẩu của Việt Nam.
Thứ tư, Chính phủ nên rút ngắn thời gian cấp phép cho các dự án đầu tư của Việt Nam sang Lào, Campuchia, Myanma,… nói chung và của các tỉnh Trung - Nam Lào nói riêng. Phải có các cơ chế ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư sang các nước bạn.
Thứ năm, cải tiến thủ tục hành chính đối với đầu tư ra nước ngoài theo hướng đơn giản thuận tiện, mở rộng hơn nữa diện các dự án thuộc diện đăng ký, giảm bớt sự can thiệp bằng các biện pháp hành chính ngay cả đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước, tăng quyền chủ động, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp.
Thứ sáu, phối hợp với phía các nước bạn để tổ chức các hội chợ, triển lãm hàng hóa giao lưu hàng hóa, văn hóa với các nước bạn nhằm tạo mối quan hệ cũng như quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt đến người tiêu dùng nước. Ngoài ra, cần chỉ đạo nghiêm cấm và có chế tài xử lý nghiêm minh đối với các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại nước bạn có dấu hiệu tiêu cực ảnh hưởng đến uy tính chất lượng của hàng Việt.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Dunning, J. H. (1981). International production and Multinational Enterprises. London, UK: George Allen and Unwin.
- Rugman A. M. (1987). The firm-Specific advantages of Canadian Multinationals. Journal of International Economics Studies, 2(1), 1-14.
- Website Bộ Công Thương (2018). Giới thiệu chung về Chương trình Hợp tác Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS). Truy cập tại https://www.moit.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/gioi-thieu-chung-ve-chuong-trinh-hop-tac-tieu-vung-song-me-cong-mo-rong-gms--11103-22.html
- Mai Anh (2020). Việt Nam đã đầu tư khoảng 4,2 tỉ USD vào Lào. Chuyên trang thông tin điện tử đối ngoại Vietnam.vn, truy cập tại https://vietlao.vietnam.vn/dau-tu-phat-trien/viet-nam-da-dau-tu-khoang-4-2-ti-usd-vao-lao
- Nguyễn Hiệp (2021). Doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia luôn đứng bên cộng đồng trong đại dịch. Báo điện tử Nhân dân, truy cập tại https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/doanh-nghiep-viet-nam-tai-campuchia-luon-dung-ben-cong-dong-trong-dai-dich-635068/
- Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020). Báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2020. Website Bộ Kế hoạch và Đầu tư, truy cập tại http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin =48566&idcm=208
PROMOTING VIETNAM’S DIRECT INVESTMENT
ABROAD INTO THE GREATER MEKONG SUBREGION
WHEN THE ASEAN ECONOMIC COMMUNITY
IS ESTABLISHED
• Master. LE TUAN ANH
Faculty of Business Administration, Nguyen Tat Thanh University
ABSTRACT:
The paper presents an overview of Vietnamese enterprises' overseas investment in the Greater Mekong Subregion (GMS) member countries in the context of the establishment of the ASEAN Economic Community (AEC). By analyzing opportunities and challenges brought by the AEC, this paper also proposes some policy recommendations to promote Vietnams direct investment abroad into the GMS in the future.
Keywords: direct investment abroad, the Greater Mekong Subregion, international economic integration.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8, tháng 4 năm 2021]