Thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp khi áp dụng Luật Kế toán mới

Bài báo Thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp khi áp dụng Luật Kế toán mới do Nguyễn Hồng Anh (Khoa Kế toán Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp) thực hiện.

TÓM TẮT:

Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ Quốc gia dự kiến áp dụng trong năm 2025, trong đó, liên quan đến Luật Kế toán số 88/2015/QH13, Ban soạn thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung 02 nhóm chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực kế toán, đảm bảo sự nhất quán và phù hợp với các quy định khác của pháp luật. Bài viết phân tích những khó khăn của doanh nghiệp với Luật Kế toán hiện tại và những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi áp dụng Luật Kế toán.

Từ khóa: Luật Kế toán, giải pháp, khó khăn, doanh nghiệp.

1. Những khó khăn của doanh nghiệp với Luật Kế toán hiện tại

Luật Kế toán số 88/2015/QH13 có hiệu lực từ năm 2017, đã tiếp cận hơn các nguyên tắc, thông lệ chung về kế toán, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam; làm cơ sở cho việc hoàn chỉnh khung pháp lý đầy đủ về kế toán theo hướng tiếp cận hơn các thông lệ quốc tế; tổ chức triển khai lập báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc và các địa phương, tổ chức thực hiện kiểm toán nội bộ tại các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp; hỗ trợ và hướng dẫn cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thực hiện công tác kế toán phù hợp, hiệu quả. Trải qua 7 năm thực hiện, với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế và của các doanh nghiệp Việt Nam, Luật Kế toán đã phát sinh một số vướng mắc, khó khăn đối với các doanh nghiệp như:

Thứ nhất, việc chưa có quy định áp dụng Chuẩn mực quốc tế về kế toán (IFRS) tại các đơn vị và xây dựng khuôn khổ pháp lý cho áp dụng IFRS tại Việt Nam là rào cản đối với các doanh nghiệp khi thu hút đầu tư nước ngoài hoặc tham gia niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Theo tài liệu của Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế, tính đến nay đã có 87,5% quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới bắt buộc áp dụng IFRS, nếu tính thêm các nước đã tuyên bố về việc cho phép áp dụng IFRS thì khoảng 94%. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao với kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 150% GDP. Trong những năm gần đây, nhu cầu niêm yết và huy động vốn của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường chứng khoán quốc tế ngày càng nhiều và để thực hiện được điều đó, các đơn vị bắt buộc phải lập báo cáo tài chính theo IFRS. Đồng thời, các công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng có nhu cầu áp dụng IFRS theo chính sách của công ty mẹ. Tuy nhiên, Việt Nam lại nằm trong số ít các quốc gia chưa thừa nhận và cho phép áp dụng IFRS, dẫn đến khó khăn trong việc: (i) Được các định chế quốc tế nâng hạng thị trường chứng khoán; (ii) Tranh thủ cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài; (iii) Được quốc tế công nhận là nền kinh tế thị trường; (iv) Các doanh nghiệp khó khăn trong quá trình niêm yết trên thị trường quốc tế và tiếp cận với nguồn vốn từ các thị trường tài chính quốc tế; (v) Triển khai nghị quyết của quốc hội về chống xói mòn thuế toàn cầu.

Thứ hai, một số quy định trong Luật Kế toán gây ra tốn kém chi phí với các DN cũng như chưa đảm bảo nâng cao tính minh bạch của báo cáo tài chính và trách nhiệm giải trình trước công chúng của đơn vị có lợi ích công chúng và các DN có quy mô lớn.

Qua phản hồi của các đơn vị, việc dịch tài liệu kế toán từ tiếng ngước ngoài ra tiếng Việt rất tốn kém và lãng phí, nhiều đơn vị không có điều kiện tự dịch phải thuê bên ngoài gây lãng phí lớn nguồn lực trong khi nhiều tài liệu chỉ phục vụ cho công tác quản trị là chính (cho công tác kế toán là phụ) thì việc dịch là không cần thiết. Ngoài ra, Luật Kế toán năm 2003 cho phép gộp kỳ kế toán năm đầu tiên hoặc kỳ kế toán năm cuối cùng thì được phép cộng với kỳ kế toán năm tiếp theo hoặc cộng với kỳ kế toán năm trước đó với điều kiện không quá 15 tháng. Tuy nhiên, Luật Kế toán năm 2015 lại quy định kỳ kế toán năm đầu tiên hoặc cuối cùng phải không quá 90 ngày. Quy định này làm phát sinh vướng mắc đối với trường hợp quý 2 và quý 3 kéo dài 92 ngày, dẫn đến việc các đơn vị vẫn phải lập báo cáo tài chính nếu kỳ đầu tiên hoặc kỳ cuối cùng rơi vào quý 2 và 3, dẫn đến tốn kém chi phí và thời gian. Để thuận tiện cho công tác kế toán, giảm bớt thời gian và chi phí tại các đơn vị mới thành lập hoặc chấm dứt hoạt động, cần thiết phải sửa đổi theo hướng quy định nếu kỳ đầu tiên hoặc cuối cùng không quá 3 tháng thì được gộp với các kỳ có liên quan.

Bên cạnh đó, do tính tuân thủ của một số doanh nghiệp chưa cao, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô. Một số đơn vị thuộc lĩnh vực kinh doanh lập báo cáo tài chính chưa tuân thủ Chuẩn mực kế toán và Chế độ kế toán nên còn nhiều sai sót, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư. Việc cung cấp thông tin không trung thực có thể gây những hậu quả xấu cho môi trường đầu tư, cho nền kinh tế và tình hình trật tự an toàn xã hội, gây khiếu kiện kéo dài. Thời gian vừa qua, nhiều vụ án kinh tế bị khởi tố cũng bắt nguồn từ việc đơn vị không cung cấp thông tin trung thực, báo cáo tài chính không tuân thủ Chuẩn mực kế toán và Chế độ kế toán. Vì vậy, cần sửa đổi để đảm bảo đơn vị phải tuân thủ nghiêm Chuẩn mực kế toán và Chế độ kế toán, góp phần phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Một số đơn vị lập báo cáo cho một số mục đích đặc biệt như cung cấp riêng cho nhà đầu tư nước ngoài, báo cáo riêng về thuế, đánh giá xếp hạng tín nhiệm... nhưng vẫn gọi là báo cáo tài chính làm người sử dụng báo cáo tài chính hiểu chưa đúng về tình hình tài chính dẫn đến đưa ra các quyết định không phù hợp. Mặt khác, hiện nay có sự bất cập, chồng chéo về phạm vi hoặc không rõ về phạm vi áp dụng của một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác kế toán, lập và trình bày báo cáo tài chính, gây khó khăn cho các đơn vị trong việc áp dụng quy định của pháp luật cho công tác kế toán. Ví dụ một số quy định căn cứ quy định về thuế nhưng phạm vi không nói rõ là áp dụng cho thuế hay kế toán; một số cơ quan đưa ra các quy định về quản trị nhưng lại có nội hàm về kế toán khác với quy định của Chuẩn mực kế toán và Chế độ kế toán. Vì vậy, để làm rõ sự khác biệt giữa báo cáo tài chính (sử dụng cho mục đích chung) và báo cáo sử dụng cho mục đích đặc biệt cần có những sửa đổi theo hướng các báo cáo lập theo cơ sở khác với quy định của Chuẩn mực kế toán, Chế độ kế toán thì không gọi là báo cáo tài chính để nâng cao tính minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và người sử dụng báo cáo tài chính, từ đó sẽ giúp các DN thuận lợi trong việc huy động vốn, cũng như thu hút vốn đầu tư.

2. Áp dụng Luật Kế toán mới thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp

Để tháo gỡ những khó khăn cho DN, Bộ Tài chính đã có đề nghị sửa đổi Luật Kế toán (dự kiến sẽ áp dụng trong năm 2025), với những nội dung chính như sau:

Thứ nhất, áp dụng Chuẩn mực quốc tế về kế toán (IFRS) và xây dựng khuôn khổ pháp lý cho việc áp dụng IFRS tại Việt Nam.

Để thực hiện áp dụng IFRS tại Việt Nam sẽ tiến hành quy định cụ thể về đối tượng, phạm vi, lộ trình, thể thức và phương pháp áp dụng chuẩn mực quốc tế về kế toán. Việc cho phép các đơn vị có nhu cầu và khả năng áp dụng IFRS sẽ góp phần giúp đạt các mục tiêu:

- Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng do việc áp dụng IFRS là một trong các yếu tố để được các định chế quốc tế nâng hạng thị trường chứng khoán và được quốc tế công nhận là nền kinh tế thị trường;

- Tranh thủ cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài từ các doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, LG, Panasonic, Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu, Hoa Kỳ… đều mong muốn được áp dụng IFRS;

- Giúp các doanh nghiệp Việt Nam như Vinfast, Viettel dễ dàng niêm yết trên thị trường quốc tế và các doanh nghiệp như PVN, EVN… dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn từ các thị trường tài chính quốc tế;

- Phù hợp với Nghị quyết của quốc hội về chống xói mòn thuế toàn cầu do Nghị quyết quy định căn cứ để xác định thuế tối thiểu dựa trên báo cáo tài chính được lập theo IFRS.

Thứ hai, hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ; Giảm bớt thời gian, chi phí cho công tác kế toán của đơn vị; Nâng cao tính minh bạch và tuân thủ báo cáo tài chính của các đơn vị có quy mô lớn; phòng chống rửa tiền.

- Về dịch tài liệu ra tiếng Việt: cho phép các tài liệu kế toán chỉ phải dịch ra tiếng Việt khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu. Các loại tài liệu kế toán giống nhau về nội dung, biểu mẫu chỉ phải dịch một lần.

- Về kỳ kế toán đầu tiên và cuối cùng của đơn vị: cho phép trường hợp kỳ kế toán năm đầu tiên hoặc kỳ kế toán năm cuối cùng có thời gian không quá 3 tháng được phép cộng với kỳ kế toán năm tiếp theo hoặc cộng với kỳ kế toán năm trước đó để tính thành một kỳ kế toán năm; kỳ kế toán năm đầu tiên hoặc kỳ kế toán năm cuối cùng phải không quá 15 tháng.

- Về Báo cáo tài chính

+ Đối với các đơn vị thuộc lĩnh vực kinh doanh, ngoại trừ các đơn vị có quy mô vừa, nhỏ, siêu nhỏ theo quy định của pháp luật: Chuẩn mực về kế toán và Chế độ kế toán mà đơn vị áp dụng là căn cứ để lập và trình bày Báo cáo tài chính của đơn vị. Các loại báo cáo lập theo các quy định khác với Chuẩn mực về kế toán và Chế độ kế toán không được gọi là báo cáo tài chính.

+ Đơn vị có quy mô vừa, nhỏ, siêu nhỏ theo quy định của pháp luật lập và trình bày báo cáo tài chính theo Chế độ kế toán đơn giản.

+ Báo cáo tài chính hợp nhất của đơn vị công phải được nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn 120 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm theo quy định của pháp luật.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1]. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2024), Luật số 56/2024/QH15, ban hành ngày 29/11/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính.

[2]. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2015), Luật Kế toán số 88/2015/QH13 ngày 20/11/2015

[3]. Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam(2024), Tờ trình số 678/TTr-CP ngày 18/10/2024 gửi Quốc hội về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dữ trữ quốc gia.

Promoting production and business activities of enterprises when applying the new Accounting Law

Nguyen Hong Anh

 Faculty of Accounting - Auditing

University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

The Ministry of Finance is in the process of finalizing the draft Law on Amendments and Supplements to several laws, including the Law on Securities, the Law on Accounting,  the Law on Independent Audit, and others, with implementation expected in 2025. Specifically, for the Law on Accounting No. 88/2015/QH13, the Drafting Committee has proposed amendments in two key policy areas to address challenges, enhance business operations, promote decentralization, and strengthen state management in accounting. This study examines the difficulties enterprises face under the current accounting law and explores potential solutions to improve its application, ensuring consistency and compliance with broader legal frameworks.

Keywords: the Law on Accounting, solutions, difficulties, businesses.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6 tháng 2 năm 2025]

Tạp chí Công Thương