Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hưởng ưu đãi GSP, căn cứ Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ và Quy định số 2015/2447 ngày 24 tháng 11 năm 2015 của Liên minh châu Âu (EU), Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 38/2018/TT-BCT ngày 30 tháng 10 năm 2018 quy định thực hiện chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của Liên minh châu Âu, Na Uy, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Thông tư số 38/2018/TT-BCT có hiệu lực kể từ ngày 14 tháng 12 năm 2018.
Theo đó, từ ngày 01 tháng 01 năm 2019, khi xuất khẩu hàng hóa sang EU, Na Uy, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, thương nhân đăng ký và được thực hiện cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP (gọi tắt là REX) thay cho việc đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu A. Hàng hóa xuất khẩu của thương nhân chưa có mã số REX vẫn được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu A trong thời gian chuyển tiếp theo quy định của Ủy ban châu Âu. Đối với các lô hàng có trị giá dưới 6.000 euro, thương nhân được thực hiện chứng nhận mà không cần có mã số REX.
Ngày 06 tháng 11 năm 2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 4173/QĐ-BCT về việc ủy quyền Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếp nhận đăng ký mã số REX cho thương nhân. Quyết định này được đăng tải tại Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử của Bộ Công Thương tại địa chỉ: http://www.ecosys.gov.vn.
Bộ Công Thương đã hướng dẫn VCCI triển khai thực hiện tiếp nhận đăng ký mã số REX tại Việt Nam và đề nghị VCCI chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai tiếp nhận ngay hồ sơ đăng ký mã số REX của thương nhân. Thương nhân kê khai đăng ký mã số REX theo hướng dẫn của VCCI hoặc theo địa chỉ website do EU cung cấp (https://customs.ec.europa.eu/rex-pa-ui/) và nộp hồ sơ giấy cho các tổ chức tiếp nhận đăng ký mã số REX của VCCI.
Bộ Công Thương thông báo và đề nghị thương nhân liên hệ với VCCI để được hướng dẫn và đăng ký mã số REX theo nhu cầu.
Ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) là cơ chế ưu đãi đơn phương dành cho các nước đang phát triển và chậm phát triển trong quan hệ thương mại với các nền kinh tế lớn. Trong những năm qua, Liên minh Châu Âu (EU) đã dành cơ chế này cho một số mặt hàng của Việt Nam như da giày, may mặc, đồ nhựa... Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã tận dụng tốt cơ chế này để mở rộng thị trường tại EU.