TÓM TẮT:
Sự phát triển của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN với mục tiêu cơ bản của trụ cột thứ ba thể hiện trong Tuyên bố Hòa hợp ASEAN (Bali II) và Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) là góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN lấy con người làm trung tâm; có trách nhiệm xã hội nhằm xây dựng tình đoàn kết và thống nhất bền lâu giữa các quốc gia và dân tộcASEAN,... Bài viết tập trung nêu rõ việc thực hiện pháp luật nội luật hóa cam kết quốc tế của Việt Nam về Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, từ đó gợi mở một số giải pháp của Việt Nam trong tiến trình xây dựng Cộng đồng văn hoá xã hội trong thời gian tới.
Từ khóa: cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, chính sách, pháp luật, thế chế hóa pháp luật, thực hiện pháp luật.
1. Cơ sở pháp lý hình thành cộng đồng văn hóa xã hội ASEAN
Tuyên bố Băng-cốc năm 1967 đặt nền móng cho hợp tác ASEAN bao gồm cả lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học, kĩ thuật. Đây là văn kiện pháp lý đầu tiên làm cơ sở hình thành Cộng đồng Văn hóa - Xã hội. Năm 1976, Tuyên bố Hòa hợp ASEAN I còn gọi là tuyên bố Ba-li I năm 1976 của các nhà lãnh đạo ASEAN đã cụ thể hóa nhiều nội dung hợp tác văn hóa xã hội ASEAN hướng tới các đối tượng nghèo ở nông thôn, tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em, phòng chống ma túy, các hoạt động hợp tác văn hóa, thông tin, giáo dục.
Năm 1997, Tuyên bố Tầm nhìn 2020 tại Hà nội của nhà lãnh đạo ASEAN khẳng định việc xây dựng được một cộng đồng hòa bình, ổn định và phát triển mạnh mẽ, đồng thời đặt ra mục tiêu phát triển cộng đồng đó thành một Cộng đồng Hài hòa, các Dân tộc; Cộng đồng Đối tác Năng động để Phát triển; và một Cộng đồng Đùm bọc và Chia sẻ. Năm 2003, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 9, diễn ra tại Ba-li (Indonesia) vào tháng 10 năm 2003, các nhà lãnh đạo ASEAN đã tiếp tục cụ thể hóa ý tưởng trên thành một Cộng đồng ASEAN dựa trên 3 trụ cột là Cộng đồng An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa Xã hội - ASCC. Một năm sau đó, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 10 tại Viên-Chăn, nguyên thủ các nước ASEAN đã thông qua Chương trình Hành động Viên-Chăn để thực hiện mục tiêu này.
Năm 2008, Hiến chương ASEAN đã thông qua tạo dựng cơ sở pháp lý và khuôn khổ thể chế vững vàng nhằm xây dựng Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN và cộng động văn hóa xã hội - một trụ cột quan trọng trong 3 trụ cột để xây dựng cộng đồng ASEAN. Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đươc thông qua năm 2008 đưa vào những biện pháp thực hiện cụ thể phù hợp với tình hình và nhu cầu hiện nay nhằm đẩy mạnh việc thành lập Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN vào năm 2015.
Theo Hiến chương ASEAN, các cơ quan của ASEAN bao gồm: Cơ quan Cấp cao ASEAN, gồm các Nguyên thủ quốc gia, những người đứng đầu Nhà nước/Chính phủ các nước ASEAN, họp ít nhất 2 lần trong 1 năm hoặc họp khi cần thiết, chỉ đạo phương hướng và ra những quyết sách lớn, quan trọng của ASEAN. Dưới Cấp cao là Hội đồng điều phối chung - ACC gồm các Ngoại trưởng, có nhiệm vụ điều phối công việc của cả 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN, chuẩn bị các cuộc họp và bảo đảm triển khai các quyết định của Cấp cao. Dưới Hội đồng điều phối chung - ACC là ba Hội đồng ở cấp Bộ trưởng để điều phối và triển khai công việc của từng trụ cột (Chính trị - An ninh, Kinh tế, Văn hóa - Xã hội). Các Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành thực hiện các hoạt động hợp tác theo từng chuyên ngành và phải báo cáo lên Hội đồng Cộng đồng phụ trách trụ cột tương ứng[1].
Xét về vị trí trong bộ máy của ASEAN, Cộng đồng văn hoá xã hội là cơ quan đầu mối điều phối các hoạt động của các cơ quan chuyên ngành của lĩnh vực văn hoá xã hội.Nguyên tắc đồng thuận là nguyên tắc quan trọng trong hoạt động của ASEAN[2]. Mọi quyết định của các nhà lãnh đạo cấp cao về một lĩnh vực chuyên ngành nào đó của cộng đồng văn hoá xã hội, hoặc có liên quan đến lĩnh vực văn hoá xã hội đều phải có ý kiến đồng thuận của Cộng đồng văn hoá xã hội.. Quy trình một sáng kiến pháp lý liên quan đến các lĩnh vực của cộng đồng văn hoá xã hội có thể đi theo hướng từ duới lên có nghĩa là từ Hội nghị Bộ trưởng của một lĩnh vực chuyên ngành nào đó, sau đó đến ASCC và sau đó đến cấp cao, hoặc có thể đi theo hướng từ trên xuống.
Theo hướng này các ưu tiên của các lĩnh vực được đưa ra và sau đó sẽ được thảo luận và bàn bạc để có sự đồng thuận ở cấp Bộ trưởng, sau đó đưa trở lại ASCC để có được sự đồng thuận sau đó là đưa lên cấp cao. Việc đưa ra các sáng kiến trong việc xây dựng các văn kiện cấp cao thuộc lĩnh vực của cộng đồng phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của nước chủ nhà. Mối ưu tiên của nước chủ nhà cũng như việc sử dụng có hiệu quả chiến lược từ trên xuống và từ dưới lên về một lĩnh vực ưu tiên nào đó để đạt được sự đồng thuận.
Quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN gồm 3 trụ cột là kết quả của những thay đổi to lớn và nhanh chóng của bối cảnh thế giới và khu vực, phản ánh sự phát triển của ASEAN trong những năm gần đây. Ngoài ra, cộng đồng ASEAN gồm 3 trụ cột còn là đối sách của ASEAN trước quá trình toàn cầu hóa diễn ra nhanh chóng, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và Ấn Độ và trước tác động của các thách thức an ninh phi truyền thống và các vấn đề toàn cầu[3].
2. Thực hiện pháp luật nội luật hóa cam kết quốc tế của Việt Nam về Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN
2.1. Nhu cầu về xây dựng, hình thành các quy định pháp luật cho hoạt động của cộng đồng
- Trong lĩnh vực giáo dục: Cần phải nhanh chóng xây dựng các mục tiêu và chuẩn mực giáo dục chung khu vực như bảo đảm phổ cập giáo dục tiểu học trước năm 2015, hợp tác nhằm tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong giáo dục, nhất là đối với vùng sâu vùng xa; Tăng cường hợp tác với các khu vực nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trong khu vực; hợp tác nhằm phổ cập tiếng Anh sâu rộng trong ASEAN; Nâng cao hợp tác đào tạo tay nghề nhằm bảo đảm tính cạnh tranh cao của lực lượng lao động. Tuyên bố Chạ am - Hua Hỉn về Tăng cường hợp tác về giáo dục tiến tới xây dựng Cộng đồng ASEAN đùm bọc và chia sẻ được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua năm 2009 xác định vai trò của giáo dục trong tất cả 3 trụ cột của cộng đồng. - Trong lĩnh vực y tế: thúc đẩy hợp tác về y tế, bảo đảm phổ cập dịch vụ y tế chất lượng và giá cả hợp lý, xây dựng phong cách sống lành mạnh cho người dân, tăng cường hợp tác phòng chống ma túy, trao đổi kinh nghiệm và chuyên gia y tế trong khu vực; Hợp tác phòng chống bệnh truyền nhiễm, trong đó bảo đảm duy trì dự trữ thuốc chiến lược, thuốc kháng sinh ở khu vực[4].
Hiện nay ASEAN đã đưa vào hệ thống mạng và truyền thông về các bệnh truyền nhiễm đang nổi lên và tồn tại trong khu vực, đồng thời tăng cường giám sát và chuẩn bị ứng phó trước nguy cơ đại dịch. Tăng cường hệ thống phản ứng với trọng tâm là phương pháp phối hợp đa ngành, chia sẻ thông tin và tiếp cận đa quốc gia. Hiệp định phòng chống dịch bệnh được thực hiện trên cơ sở phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới thực hiện công tác phản ứng nhanh ASEAN và tiến hành các hành động chuẩn trong ngăn chặn, chuẩn bị ứng phó với đại dịch.
- Trong lĩnh vực môi trường: Hợp tác phòng chống ô nhiễm và rác thải độc hại xuyên biên giới, tăng cường giáo dục bảo vệ môi trường; Thúc đẩy hợp tác khu vực nhằm phát triển các công nghệ thân thiện với môi trường; Cải thiện môi trường sống ở các khu đô thị thông qua việc xây dựng tiêu chuẩn môi trường bền vững đối với các thành phố lớn của ASEAN; Phối hợp chính sách môi trường các nước thành viên; Bảo vệ môi trường biển và các vùng ven biển; Hợp tác bảo đảm khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên; Hợp tác bảo đảm khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên; Hợp tác bảo vệ nguồn nước sạch và nhiều lĩnh vực khác.
Về phương diện pháp lý liên quan đến Biến đổi Khí hậu trong khuôn khổ hợp tác chuyên ngành về môi trường thuộc Cộng đồng Văn hoá - Xã hội, các Bộ trưởng Môi trường đã thông qua các Điều khoản tham chiếu của Sáng kiến ASEAN về Biến đổi Khí hậu (ACCI) và thành lập Nhóm Công tác ASEAN về Biến đổi Khí hậu trong Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Môi trường diễn ra vào ngày 29 tháng 10 năm 2009. Biến đổi Khí hậu cũng được các ngành có liên quan như nông nghiệp và lâm nghiệp, năng lượng và giao thông, quản lý thiên tai, Khoa học và công nghệ đặc biệt chú trọng. Công tác phối hợp với các Đối tác Đối thoại và các Tổ chức Quốc tế để giải quyết vấn đề Biến đối Khí hậu đang được triển khai[5].
Về Quản lý Thiên tai và Hỗ trợ nhân đạo ASEAN đóng vai trò lớn trong điều phối công tác cứu trợ thời kỳ hậu Nargis tại Myanmar đến cuối năm 2010. Hiệp định ASEAN về Quản lý Thiên tai và Ứng phó với tình huống khẩn cấp
Về Thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ, trẻ em và người lao động nhập cư đã đạt được một số tiến bộ đáng kể. Ủy ban về Thúc đẩy và Bảo vệ quyền Phụ nữ và Trẻ em đã được thành lập tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 16 vào tháng 4 năm 2010 tại Hà Nội, Việt Nam. Các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tuyên bố Hà Nội về Thúc đẩy Phúc lợi cho Phụ nữ và Trẻ em ASEAN Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 17 tại Việt Nam. Tiếp theo việc thông qua các tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về quyền của người lao động di cư tại Philipine năm 2007, ASEAN cũng đã bắt đầu tiến hành soạn thảo các văn kiện về bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người lao động nhập cư.
2.2. Mức độ cam kết và khả năng thực hiện cam kết trong các văn kiện thuộc lĩnh vực của Cộng đồng Văn hoá - Xã hội còn rất thấp
Hầu hết các tuyên bố của các Nhà lãnh đạo ASEAN trong khuôn khổ hoạt động của Cộng đồng Văn hoá - Xã hội là “Khuyến khích, thúc đẩy, tăng cường” thực hiện một hoạt động ưu tiên nào đó thay vì việc dùng các từ như “tuyên bố, cam kết” thực hiện. Mức độ cam kết và tính thực thi không cao. Một số lĩnh vực đặc thù như phát triển nguồn nhân lực, giáo dục, di chuyển thể nhân, công nhận kỹ năng rất khó khăn trong việc đạt được sự đồng thuận cũng như nguồn lực để tổ chức thực hiện[6]. Sự chênh lệch về điều kiện kinh tế - chính trị và xã hội, sự đấu tranh về các lợi ích là những thách thức.
2.3. Khoảng cách về trình độ phát triển trong ASEAN là thách thức trong việc thực hiện mục tiêu của cộng đồng văn hoá xã hội.
Do sự khác biệt trình độ phát triển dẫn đến khác biệt về các giá trị văn hóa và tinh thần và con người được hưởng thụ. Ở những nước nghèo và các khu vực nghèo, việc duy trì đầy đủ các điều kiện sống cơ bản như lương thực và nước sạch là ưu tiên hàng đầu đối với người dân, trong khi ở những khu vực phát triển hơn, người dân đã hướng tới hưởng thụ các giá trị cao hơn như an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phim ảnh, du lịch. Nguồn lực hạn chế cũng sẽ tiếp tục cản trở việc thực hiện các chương trình, dự án văn hóa - xã hội thường là khá tốn kém, nhất là nếu ASEAN muốn các chương trình, dự án đó thực sự đến được tới đông đảo người dân.
2.4. Lĩnh vực đa dạng và nhạy cảm là thách thức trong việc thực hiện chức năng điều phối ở cả cấp quốc gia và cấp khu vực.
Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN có đặc thù khác so với hai Cộng đồng khác, đó là lĩnh vực thuộc sự điều phối của cộng đồng rất rộng, liên quan đến nhiều bộ, ngành khác nhau, đặc biệt có những lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm ví dụ như quyền của phụ nữ và trẻ em, quyền của lao động di cư, quyền của các nhóm yếu thế cần có sự nghiên cứu cẩn trọng và nhất thiết phải tham khảo ý kiến của nhiều cơ quan chuyên môn[7].
Đặc điểm này đã mang tới nhiều thuận lợi, đó là sự đa dạng, phong phú của Trụ cột Cộng đồng ASCC, tạo nên sự gắn kết đa dạng và bền vững nếu áp dụng được cơ chế điều phối, phối hợp đồng bộ và hiệu quả giữa các bộ, ngành, cơ quan trong triển khai các nội dung, hoạt động của Kế hoạch tổng thể ASCC trong và ngoài nước. Nhưng đặc điểm này cũng là một thách thức lớn trong hoạt động của Cộng đồng Văn hoá - Xã hội, đó là vấn đề đồng thuận trong việc xác định ưu tiên, thu hút nguồn lực và tập trung nguồn lực để thực hiện.
2.5. Thiếu chiến lược thu hút nguồn lực có hiệu quả
Để xây dựng Cộng đồng ASEAN nói chung và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN nói riêng cần huy động tổng hợp nhiều nguồn lực tài chính và nhân lực khác nhau. Các nguồn lực tài chính, chuyên môn, nghiên cứu và xây dựng năng lực để thực hiện Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN có thể được huy động từ: Các Quốc gia Thành viên ASEAN; Các Bên đối thoại, Đối tác Lĩnh vực và Đối tác Phát triển; Các Tổ chức Khu vực và Quốc tế đặc biệt là Ngân hàng Phát triển Châu Á, Ngân hàng Thế giới, Công ty Tài chính Quốc tế, Liên Hiệp quốc; Các Quỹ Khu vực và Thế giới; Khu vực Tư nhân.
ASEAN với tư cách tổ chức liên chính phủ có vai trò chủ đạo trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN, nguồn lực từ chính phủ các nước ASEAN là một trong những nguồn chủ đạo và tiên phong trong việc xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN. Bên cạnh đó, nguồn lực của ASEAN còn được huy động từ cộng đồng các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các đoàn thể, hiệp hội, các viện nghiên cứu, trường đại học và các cá nhân cũng cần có vai trò tích cực trong việc xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN. Trên thực tế, các nguồn lực từ bên ngoài chiếm tỉ trọng lớn và then chốt đối với thúc đẩy hợp tác ASEAN nói chung và xây dựng cồng đồng ASEAN nói riêng trong nhiều năm qua. ASEAN đang tranh thủ mọi nguồn lực, cả trong và ngoài ASEAN, cả chính phủ và phi chính phủ, cả cá nhân và tổ chức trong việc thúc đẩy xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN[8]. Tuy nhiên, do sự đa dạng và phong phú trong hoạt động của cộng đồng văn hoá xã hội, sự khác biệt về phát triển, điều kiện kinh tế, chính trị xã hội khác nhau mà nguồn lực để xây dựng Cộng đồng văn hoá xã hội còn hạn chế và đây là một trong những thách thức lớn trong quá trình xây dựng cộng đồng.
3. Gợi mở một số giải pháp đối với Việt Nam trong tiến trình xây dựng Cộng đồng văn hóa xã hội
Về phương diện pháp lý, một trong những đóng góp quan trọng của Việt Nam trong hoạt động của Cộng đồng Văn hoá - Xã hội năm 2010 là đã đưa ra đề xuất về việc xây dựng hai Tuyên bố quan trọng trong lĩnh vực văn hoá và xã hội. Đó là Tuyên bố của Lãnh đạo Cấp cao ASEAN về Phát triển Nguồn nhân lực và Kỹ năng cho Phục hồi kinh tế và Tăng trưởng bền vững và Tuyên bố Hà Nội về Thúc đẩy phúc lợi cho phụ nữ và trẻ em ASEAN. Việt Nam đã có những nỗ lực để tạo sự đồng thuận và sự cam kết mạnh mẽ trong việc thực hiện các ưu tiên của Cộng đồng.
Đối với quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, Việt Nam cũng đã có những nỗ lực trong việc đưa hai nhóm nước ASEAN xích lại gần nhau nhờ vị trí địa - chính trị và quá trình lịch sử của Việt Nam tạo ra. Việt Nam đã đóng góp lớn trong việc xây dựng Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Việt Nam cũng có vai trò quan trọng trong việc giúp ASEAN duy trì đoàn kết, hợp tác và củng cố vị thế quốc tế trong lúc Hiệp hội ở những thời điểm khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính năm 1997 và cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008; thông qua Chương trình Hành động Hà Nội (HPA) để thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2020. Hơn nữa về tầm cỡ kinh tế, so với các quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, luôn xác định có trách nhiệm trong việc hoàn thành các cam kết của mình.
Trong thời gian tới để thúc đẩy các hoạt động của Cộng đồng Văn hoá - Xã hội, tăng cường vai trò của Cộng đồng Văn hoá - Xã hội, một số giải pháp cần phải thực hiện, bao gồm:
- Tăng cường thực hiện các cam kết và các sáng kiến ưu tiên về văn hoá xã hội liên quan phát triển con người; Phúc lợi và bảo trợ xã hội; Công bằng xã hội và các quyền; Đảm bảo tính bền vững của môi trường; Thu hẹp khoảng cách và xây dựng bản sắc ASEAN thông qua việc xác định các ưu tiên, tập trung nguồn lực để thực hiện các ưu tiên ở cấp quốc gia, cấp khu vực; Tăng cường hơn nữa vai trò chủ tịch của các cơ quan chuyên môn của ASEAN trong việc điều phối tổ chức thực hiện để các cơ quan này hoạt động hướng tới chương trình nghị sự chung của ASEAN; Tăng cường cơ chế giám sát để đảm bảo tính thực thi.
- Các nước thành viên cần xây dựng tinh thần chủ động hơn nữa trong việc thực hiện các hoạt động của Kế hoạch tổng thể của ASCC thông qua việc đảm bảo các sáng kiến ASEAN trong lĩnh vực văn hoá xã hội được nội hoá ở cấp quốc gia nhằm thúc đẩy và bổ sung những nhu cầu phát triển của quốc gia trong bối cảnh ASEAN và thúc đẩy việc thực hiện tốt hơn kế hoạch chung của Cộng đồng Văn hoá - Xã hội.
- Tăng cường huy động nguồn lực để thực hiện các ưu tiên thông qua việc xây dựng một cơ chế tốt nhằm huy động và quản lý hiệu quả các nguồn lực, từ cả các nước thành viên cũng như các đối tác của ASEAN để thực hiện kế hoạch tổng thể của Cộng đồng Văn hoá - Xã hội theo đúng lộ trình.
- Thúc đẩy đề xuất sáng kiến trong các lĩnh vực chuyên ngành nhằm đẩy mạnh hơn nữa hợp tác ASEAN về các lĩnh vực liên quan của Cộng đồng. Bố trí nguồn lực thích hợp để tiếp tục triển khai, thực hiện những sáng kiến đã được thông qua trong ASEAN. Tiếp tục chủ động tham gia tích cực các hoạt động theo các lĩnh vực chuyên ngành trong đó có chú trọng tới công tác phối hợp xây dựng chính sách chung của ASEAN.
4. Kết luận
Cộng đồng ASEAN với ba trụ cột về chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa -xã hội, có mục tiêu tổng quát là trở thành một tổ chức hợp tác liên Chính phủ gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, có trách nhiệm về xã hội và hoạt động trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN. Thành công của ASEAN là do sự tụ hội của nhiều nhân tố, nhưng trước hết là do sự chia sẻ nhiều lợi ích cơ bản cũng như tầm nhìn, quyết tâm chính trị mạnh mẽ và những nỗ lực của các nước thành viên, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là hệ thống pháp lý của Việt Nam cần có những sửa đổi, bổ sung nhanh và kịp thời với cam kết của Cộng đồng chung ASEAN, coi đó là nền tảng của kiểm soát xã hội đối với quản lý phát triển xã hội.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
[1] Trần Văn Đào (2015), Hội nghị Bộ trưởng trong cơ chế ASEAN, Tạp chí Thông tin khoa học xã hội, số 12 năm 2015, tr.14.
[2] Đại học Luật Hà Nội (2013), Giáo trình Pháp luật Cộng đồng ASEAN, NXB. Tư pháp, tr.234.
[3] Thái Văn Sơn (2014), Trung Quốc và Ấn Độ và trước tác động của các thách thức an ninh phi truyền thống, Tạp chí Kinh tế đối ngoại số 5 năm 2014, tr.7.
[4] Lê Thị Hoàng Mai (2012), Thúc đẩy hợp tác về y tế trong hội nhập quốc tế, NXB. Y học, tr.211.
[5] Trung tâm Điều phối ASEAN về Cứu trợ Nhân đạo (2014), Tài liệu tập huấn chuyên đề cho chuyên gia cộng đồng quốc tế, tr.345.
[6] Công Xuân Hồng (2015), Cộng đồng văn hoá xã hội - Cơ hội và thách thức, NXB.Khoa học Xã hội, tr.412.
[7] Bộ Ngoại giao (2013), Cộng đồng ASCC, NXB.Chính trị Quốc gia, tr.14.
[8] Ủy ban Đối ngoại Quốc hội (2016), Hành lang pháp lý về Cộng đồng ASEAN, NXB. Tư pháp, tr.256.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ Ngoại giao (2013), Cộng đồng ASCC, NXB. Chính trị Quốc gia, tr.14
- Công Xuân Hồng (2015), Cộng đồng văn hoá xã hội - Cơ hội và thách thức, NXB. Khoa học Xã hội, tr.412.
- Đại học Luật Hà Nội (2013), Giáo trình Pháp luật Cộng đồng ASEAN, Tư pháp, tr.234
- Lê Thị Hoàng Mai (2012), Thúc đẩy hợp tác về y tế trong hội nhập quốc tế, Y học, tr.211
- Thái Văn Sơn (2014), Trung Quốc, Ấn Độ và trước tác động của các thách thức an ninh phi truyền thống, Tạp chí Kinh tế đối ngoại số 5 năm 2014, tr.7
- Trần Văn Đào (2015), Hội nghị Bộ trưởng trong cơ chế ASEAN, Tạp chí Thông tin khoa học xã hội, số 12 năm 2015, tr.14
- Trung tâm Điều phối ASEAN về Cứu trợ Nhân đạo (2014), Tài liệu tập huấn chuyên đề cho chuyên gia cộng đồng quốc tế, tr.345.
- Ủy ban Đối ngoại Quốc hội (2016), Hành lang pháp lý về Cộng đồng ASEAN, NXB. Tư pháp, tr.256
The internalization commitment of Vietnam to the establishment of ASEAN Socio-Cultural Community
Ph.D. Le Thi Phuc
University of Law, Hue University
ABSTRACT:
The development of the ASEAN Socio-Cultural Community as the third pillar, which is embodied in the Declaration of ASEAN Harmony (Bali II) and the Master Plan to build ASEAN Socio-Cultural Community (ASCC), is to contribute to building a people-centered ASEAN Community with social responsibilities to build solidarity and unity among ASEAN countries. This paper presents the internalization commitment of Vietnam to the establishment of ASEAN Socio-Cultural Community and proposes some solutions to help Vietnam promote the development of ASEAN Socio-Cultural Community in the future.
Keywords: ASEAN Socio-Cultural Community, policy, institutionalization of laws and policies, law enforcement.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 9, tháng 4 năm 2021]