Thực trạng chi tiêu cho y tế của hộ gia đình ở Việt Nam giai đoạn 2010 -2020

THS. NGUYỄN VĂN CHỈNH(1) - PGS.TS. PHẠM HUY TUẤN KIỆT(2) - PGS.TS. NGUYỄN NGỌC SƠN(3) ( (1) Công ty Cổ phần Chẩn đoán Y khoa Hà Nội - (2) Bộ môn Kinh tế Y tế, Trường Đại học Y Hà Nội - (3) Khoa Kế hoạch và Phát triển, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân)

TÓM TẮT:

Theo Tổ chức Y tế thế giới, ở các nước có thu nhập thấp và trung bình như Việt Nam thì chi tiêu cho y tế đang có xu hướng tăng nhanh, chiếm 10% GDP. Mức chi tiêu này ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, đe dọa tính bền vững của hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân. Căn cứ vào kết quả nghiên cứu, chúng tôi đã đề xuất một số giải pháp phù hợp để giải quyết vấn đề này. 

Từ khóa: chi tiêu, chi tiêu cho y tế, chi tiêu hộ gia đình.

1. Đặt vấn đề

Chi tiêu cho y tế là chi phí mà các cá nhân, tổ chức hoặc xã hội phải chi trả trực tiếp hoặc gián tiếp khi sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhằm duy trì hoặc phục hồi sức khỏe của một người hoặc một nhóm dân cư (Neri & Ornaghi, 2014). Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thì chi tiêu cho y tế đang có xu hướng tăng nhanh, chiếm 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tăng trung bình 6% mỗi năm (Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, 2019). Chi tiêu cho y tế gia tăng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, phúc lợi xã hội và đe dọa tính bền vững của hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân. Chi tiêu cho y tế là nguyên nhân chính gây ra tình trạng nghèo hóa và bất bình đẳng trong y tế ở các nước đang phát triển (Paudel & Pant, 2020). Đánh giá thực trạng chi tiêu cho y tế ở Việt Nam để đưa ra một số giải pháp giúp các hộ gia đình tránh rơi vào bẫy nghèo hóa là thực sự cần thiết.

2. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu: Thống kê mô tả dựa trên nguồn số liệu thứ cấp sẵn có từ “Kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam 2020” (Tổng cục Thống kê, 2020) để phân tích, đánh giá, so sánh các kết quả thu được.

3. Kết quả và thảo luận 

3.1. Tổng chi tiêu cho y tế trung bình cho 1 nhân khẩu trong hộ gia đình 1 tháng

Bảng 1. Tổng chi tiêu cho y tế trung bình cho 1 nhân khẩu trong

hộ gia đình 1 tháng

 Đơn vị tính: 1.000 đồng

Năm

Tổng chi tiêu cho y tế 

Chi tiêu trực tiếp cho y tế

Chi tiêu trực tiếp ngoài y tế

Tổng

Thuốc dự trữ

Dụng cụ y tế

Bảo hiểm y tế tự nguyện

2010

61,8

46,3 

15,5 

11,2

0,8

3,5

2012

78 

58,2 

19,9 

13,1

1,2

5,6

2014

95,7

67 

28,7 

18,8

1,5

8,4

2016

114,1

78,2 

35,9 

21,9

2,2

11,9

2018

157,2

103,5 

53,7 

29,6

2,7

21,4

2020

157,4

93 

64,3 

29,5

3,6

31,2

Nguồn: Kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2020, Tổng cục Thống kê

Theo kết quả Bảng 1, chi tiêu cho y tế trung bình cho 1 nhân khẩu trong hộ gia đình 1 tháng tăng dần qua các năm từ 2010 - 2020 tăng trung bình 20% trong 2 năm (10%/năm). Chi tiêu cho y tế của người dân Việt Nam tăng trung bình là 10%/năm, cao gấp 1,7 lần so với các nước đang phát triển (trung bình 6%/năm) và cao gấp 2,5 lần so với các nước thu nhập cao (4%/năm) (Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, 2019). Tỷ lệ gia tăng chi tiêu cho y tế trung bình của 1 nhân khẩu tăng gấp 2,9 - 4,0 lần so với mức độ tăng trưởng GDP trung bình của Việt Nam (Tăng ở mức 2,5% đến 3,5%/năm) trong suốt 30 năm từ 2002 - 2020 (The World Bank, 2022) sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế.

Chi tiêu trực tiếp cho y tế cao hơn 2,2 lần so với chi tiêu trực tiếp ngoài y tế. Bảo hiểm y tế chỉ chi trả cho các dịch vụ y tế thuộc chi tiêu trực tiếp cho y tế còn các chi tiêu trực tiếp ngoài y tế được chi từ tiền túi của hộ gia đình. Bảo hiểm y tế chính là cứu cánh để giúp làm giảm gánh nặng cho người dân nhằm làm giảm nguy cơ nghèo hóa do y tế gây ra. Đồng thời, cần có các nghiên cứu cụ thể để tìm ra nguyên nhân chi tiêu trực tiếp ngoài y tế gia tăng để có biện pháp giải quyết phù hợp.

Người dân phải sử dụng tiền túi để mua bảo hiểm xã hội tự nguyện có xu hướng tăng lên và chi phí mua thuốc tự chữa vẫn ở mức cao mặc dù có giảm từ 72,3% (2010) xuống 45,9% (2020). Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ người dân khi tham gia mua bảo hiểm xã hội tự nguyện. Cần tuyên truyền người dân hiểu tầm quan trọng của bảo hiểm xã hội và khám, lĩnh thuốc ở các cơ sở y tế để được bảo hiểm xã hội chia sẻ chi phí.

3.2. Chi phí cho y tế so với tổng chi tiêu của hộ gia đình từ 2010 - 2020

Hình 1. Chi phí cho y tế so với tổng chi tiêu của hộ gia đình từ 2010 - 2020

 

Theo kết quả Hình 1, chi tiêu cho y tế so với tổng chi tiêu của hộ gia đình chiếm hơn 10% và 25% từ 2010 - 2020 đều có xu hướng giảm nhưng tỷ lệ hơn 10% vẫn ở mức cao. Năm 2017, theo WHO và Ngân hàng thế giới (WB),  trên thế giới có khoảng 800 triệu người buộc phải chi tiêu ít nhất 10% thu nhập của cả hộ gia đình vào chi phí y tế và với gần 100 triệu người có thể rơi vào tình trạng nghèo hóa. Bảo hiểm y tế toàn dân sẽ là cơ hội để người nghèo tiếp cận thuận lợi nhất với các dịch vụ y tế thiết yếu khi có nhu cầu mà không gặp phải những khó khăn về tài chính (Minh Thành, 2023). 

4. Kết luận và khuyến nghị giải pháp

4.1. Kết luận

Chi tiêu cho y tế của hộ gia đình ở Việt Nam trong giai đoạn 2010 - 2020 có xu hướng tăng lên, trung bình 10%/năm. Chi tiêu trực tiếp cho y tế trung bình cao hơn 2,2 lần so với chi tiêu trực tiếp ngoài y tế. Chi tiêu trực tiếp ngoài y tế chủ yếu là tự mua thuốc tại nhà và mua bảo hiểm xã hội tự nguyện. Chi tiêu cho y tế chiếm 10% và 25% so với tổng chi tiêu của hộ gia đình đã có xu hướng giảm từ 2010 - 2020 nhưng vẫn ở mức cao.

4.2. Khuyến nghị giải pháp:

Về phía Nhà nước, cơ quan bảo hiểm y tế:  Hỗ trợ kinh phí cho người dân, đặc biệt là những nhóm thu nhập thấp, người nghèo/cận nghèo khi tham gia mua bảo hiểm y tế nhằm tăng khả năng bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân bền vững, đảm bảo công bằng trong y tế. Tuyên truyền cho người dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia bảo hiểm y tế để người dân hiểu và tự nguyện tham gia chia sẻ với cộng động khi mắc bệnh hiểm nghèo. Tăng tỷ lệ chi trả của bảo hiểm y tế trong khám và điều trị sẽ làm giảm gánh nặng trong chi tiêu trực tiếp cho y tế của người dân.

Về phía người dân: Nâng cao kiến thức, thay đổi hành vi, lối sống nhằm giảm thiểu các yếu tố nguy cơ mắc các bệnh hiểm nghèo. Tự nguyện và tự giác đi khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm để điều trị kịp thời, tuân thủ phác đồ điều trị để hạn chế biến chứng. Người dân nên đi khám tại các cơ sở y tế để được cấp phát thuốc nhằm làm giảm chi tiêu cho y tế của bản thân và gia đình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Minh Thành (2023). Bảo hiểm y tế góp phần giảm nghèo bền vững. Truy cập tại: https://www.worldbank.org/vi/country/vietnam/overview
  2. Neri, S., & Ornaghi, A. (2014). Health-Care Costs. In A. C. Michalos (Ed.), Encyclopedia of Quality of Life and Well-Being Research, Springer Netherlands, pp. 2759-2760.
  3. Paudel, U., & Pant, K. P. (2020). Estimation of household health cost and climate adaptation cost with its health related determinants: Empirical evidences from western Nepal, Heliyon, 6(11), e05492.
  4. Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh. (2019). Tìm hiểu tình hình chi tiêu cho y tế tại các nước trên thế giới. Truy cập tại: http://medinet.gov.vn/tin-tuc-su-kien/tim-hieu-tinh-hinh-chi-tieu-cho-y-te-tai-cac-nuoc-tren-the-gioi-so-y-te-hcm-cmobile1780-11944.aspx
  5. The World Bank (2022). Tổng quan về Việt Nam. Truy cập tại: https://www.worldbank.org/vi/country/vietnam/overview
  6. Tổng cục Thống kê (2020). General Statistics Office of Vietnam. Truy cập tại: https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2022/06/ket-qua-khao-sat-muc-song-dan-cu-viet-nam-nam-2020/

The health expenditure of households in Vietnam over the 2010 - 2020 period

Master. Nguyen Van Chinh1

Assoc. Prof. PhD. Pham Huy Tuan Kiet2

Assoc. Prof. PhD. Nguyen Ngoc Son3

1Department of Health care Economics, Hanoi Medical Laboratory Diagnostic Joint Stock Company

2Hanoi Medical University

3Faculty of Planning and Development, National Economics University

Abstract

According to the World Health Organization, in low- and middle-income countries like Vietnam, health expenditure is increasing rapidly and accounting for 10% of the national GDP. It affects the country’s economic development, threatens the sustainability of the national health insurance system, and causes health impoverishment as well as inequities. Based on this study’s results, some suitable solutions are proposed to solve these problems.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6  tháng 3 năm 2023]