Tóm tắt:
Điện năng đóng vai trò quan trọng đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với Phú Thọ khi Tỉnh có chiến lược trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Bài báo tập trung phân tích thực trạng cung - cầu điện năng của tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011- 2020, làm rõ những điểm mạnh và tồn tại hạn chế cùng nguyên nhân liên quan, nhằm góp phần vào việc phát triển bền vững hạ tầng điện lực của Tỉnh trong giai đoạn tới.
Từ khóa: thực trạng cung - cầu điện năng, an ninh cung cấp điện và hiệu quả sử dụng điện.
1. Đặt vấn đề
Điện năng là yếu tố đầu vào không thể thiếu đối với các hoạt động kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng, vì vậy việc cung cấp đầy đủ điện năng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tuy nhiên thời gian qua, việc cung cấp điện của tỉnh Phú Thọ vẫn còn bất cập, chủ yếu tập trung vào việc đảm bảo nhu cầu, trong khi đó các yếu tố quan trọng khác như hiệu quả và an toàn chưa được chú ý đúng mức. Điều này không chỉ tác động đến sự phát triển hệ thống điện của Phú Thọ mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng tăng trưởng chung của tỉnh. Qua bài báo này, tác giả muốn đề cập đến cách tiếp cận toàn diện hơn từ cả 2 phía cung và cầu, nhằm đảm bảo cho phát triển bền vững hạ tầng điện lực của tỉnh Phú Thọ trong giai đoạn tới.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, tác giả tiến hành phân tích thực trạng cung - cầu điện năng của tỉnh giai đoạn 2021-2020 nhằm xác định những điểm mạnh và điểm yếu, cùng các nguyên nhân liên quan.
2. Thực trạng cung - cầu điện năng của tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011-2020
2.1. Thực trạng cung điện năng
Trong giai đoạn 2011-2020, tổng điện năng cung cấp của hệ thống điện tỉnh Phú Thọ tăng liên tục từ 1.170,9 GWh (2011) lên 3.099,8 GWh (2020) tương đương với 2,6 lần về giá trị tuyệt đối và 11,1%/năm về giá trị tương đối. Đây là tỷ lệ tăng trưởng nguồn cung tương đối cao, thậm chí cao hơn so với mức trung bình của cả nước là 9,9%/năm (QHĐ8, 2021). Sở dĩ lưới điện tỉnh Phú Thọ có thể đáp ứng được tốc độ tăng trưởng nguồn cung cao là do: 1) Hệ thống điện của tỉnh có kết nối tốt với lưới điện quốc gia - đó là trạm 500 kV và 220 kV trong lưới điện quốc gia đặt tại đây không chỉ cung cấp điện cho Phú Thọ mà còn cả các tỉnh lân cận trong khu vực trung du và miền núi Tây Bắc, nhờ vậy mà hệ thống có mức độ sẵn sàng cao; 2) Năng lực cũng như độ tin cậy của hệ thống đang được nâng lên do tỉnh có hạ tầng điện lực bao gồm cả hệ thống truyền tải và hệ thống phân phối tương đối phát triển với hàng chục trạm biến áp 110 kV, 35 kV, 22 kV và hàng trăm km đường dây được xây dựng mới và nâng cấp; và 3) Công tác quy hoạch được làm tương đối tốt thể hiện ở tỷ lệ giữa công suất cực đại thực tế và kế hoạch nằm trong khoảng 70-90%; 4) Hiệu quả của hệ thống lưới truyền tải tương đối cao với tỷ lệ tổn hao thấp, khoảng 6.2% năm 2020 thấp hơn mức trung bình của cả nước trong cùng kỳ là 6,4% (Bảng 1).
Bảng 1. Tình hình cung điện năng của tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011-2020
Nguồn: Công ty Điện lực Phú Thọ, 2021
Tuy nhiên, phía cung điện năng của tỉnh còn tồn tại một số hạn chế, đặc biệt ở công tác lập và triển khai kế hoạch phát triển lưới điện, Về công tác quy hoạch có một số vấn đề sau đây: Thứ nhất, công tác lập kế hoạch gần đây chưa sát với thực tế, thể hiện ở công suất dự báo cho năm 2021 là 646 MW thấp hơn so với thực tế là 650 MW. Nhìn vào sai số tuyệt đối 4 MW có thể không lớn nhưng nếu đặt trong bối cảnh các hoạt động kinh tế của cả nước nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng trong thời gian qua bị giảm sút do Covid-19 thì sẽ thấy sự thiếu hụt công suất lớn hơn nhiều khi không có dịch bệnh. Sở dĩ có sự chênh lệch này do số liệu đầu vào cho dự báo chưa sát với thực tế. Cụ thể là hệ số đàn hồi kinh tế - điện cho giai đoạn 2021-2025 nhỏ hơn 1 là không hợp lý, vì đây là giai đoạn phát triển các khu công nghiệp nên tiêu thu điện tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Thứ hai là việc quy hoạch các nguồn điện tại chỗ như thủy điện mực nước thấp Đoan Hùng hay điện sinh khối sắp tới ở Thanh Sơn chưa được tiến hành nghiên cứu khả thi một cách đầy đủ và toàn diện cả về kinh tế, xã hội và môi trường, trong khi các nguồn điện tái tạo khác có tiềm năng ứng dụng thực tế hơn như điện mặt trời áp mái hay công nghệ hydrogen lại chưa được đề cập. Công tác triển khai thực hiện quy hoạch còn nhiều bất cập, nhất là việc đầu tư phát triển lưới điện còn chậm so với kế hoạch. Theo thống kê công tác đầu tư phát triển lưới điện của tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011-2020 mới đạt 73,6% về khối lượng, 38,9% về dung lượng trạm và 74,5% về tổng mức đầu tư. Ngoài ra, sự thiếu đồng bộ trong đầu tư và chậm áp dụng các tiến bộ kỹ thuật - công nghệ trong xây dựng lưới điện cũng là những cản trở không nhỏ trong việc phát triển lưới điện của tỉnh. Nguyên nhân “gốc rễ” của tình trạng trên trước hết thuộc về năng lực hạn chế của đơn vị qui hoạch, sự phối hợp chưa hiệu quả giữa các bên liên quan như kế hoạch đầu tư, tài chính, công thương, tài nguyên môi trường, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Công ty Điện lực Phú Thọ,… trong công tác quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch phát triển lưới điện của Tỉnh.
2.2. Thực trạng cầu điện năng
Về tổng thể, lượng điện tiêu dùng của tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011-2020 tăng liên tục về cả về giá trị tuyệt đối và giá trị tương đối. Động lực cho sự tăng trưởng này chính là sự gia tăng của các hoạt động kinh tế, dân số và mức sống của người dân được cải thiện. Cụ thể trong giai đoạn 2011-2020, dân số và GDP của Phú Thọ tăng từ 1,329.4 nghìn người và 24,043.8 tỷ đồng năm 2011 lên 1.481,9 nghìn người và 41.219,6 tỷ đồng năm 2020, tương đương 1,14%/năm về dân số và 7%/năm về GDP đã làm cho tổng điện năng tiêu dùng của tỉnh trong giai đoạn này tăng từ 1.086,5 GWh năm 2011 lên 2.906,4 GWh năm 2020 tương đương 2,7 lần về giá trị tuyệt đối và 10,3%/năm về giá trị tương đối. Đây là tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm tương đối cao, thậm chí cao hơn mức trung bình của cả nước trong cùng kỳ là 9,66%. Về hiệu quả sử dụng điện có thể thấy do việc kiểm soát phía cầu chưa tốt dẫn đến các doanh nghiệp cũng như người dân đầu tư nhiều vào các thiết bị đầu cuối có hiệu suất thấp, cường độ năng lượng cao làm cho hiệu quả sử dụng điện chung của hệ thống bị thấp. Có thể thấy rõ điều này thông qua hệ số đàn hồi điện/GDP. Mặc dù hệ thống lưới truyền tải có tỷ lệ thất thoát thấp nhưng do hiệu suất của các thiết bị đầu cuối thấp nên hệ số đàn hồi điện/GDP của Phú Thọ vẫn ở mức cao, khoảng 1,61 cho giai đoạn 2011-2020, gần tương đương với mức trung bình của cả nước là 1,65 trong cùng kỳ (Bảng 2).
Bảng 2. Thực trạng tiêu dùng điện năng thương phẩm của tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011-2020
Nguồn: Niêm giám thống kê Phú Thọ 2021 và Công ty Điện lực Phú Thọ 2021
Theo lĩnh vực kinh tế, tiêu dùng điện năng của tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011-2020 trong Công nghiệp - Xây dựng, Nông - Lâm nghiệp - Thủy sản, Dịch vụ và Quản lý - Tiêu dùng dân cư có sự biến động tương đối lớn về quy mô, cơ cấu, tốc độ tăng trưởng và hiệu suất sử dụng (Bảng 3)
Bảng 3. Tiêu dùng điện năng theo lĩnh vực kinh tế của tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011-2020
Nguồn: Công ty Điện lực tỉnh Phú Thọ, 2021
Về qui mô tiêu thụ, có thể thấy trong giai đoạn 2011-2020, lĩnh vực Công nghiệp - Xây dựng là có số lượng khách hàng tiêu dùng điện lớn nhất với lượng điện tiêu thụ trung bình hàng năm chiếm hơn 59% tổng lượng điện thương phẩm của tỉnh. Khách hàng lớn thứ hai là lĩnh vực Quản lý - Dân cư, chiếm hơn 32% tổng lượng điện tiêu thụ của tỉnh. Hai lĩnh vực còn lại là Dịch vụ và Nông - Lâm nghiệp - Thủy sản chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, lần lượt là 1,5% và 0,5% tổng lượng điện thương phấm toàn tỉnh hàng năm.
Về tốc độ tăng trưởng tiêu dùng điện năng, trong giai đoạn 2011-2020 2 lĩnh vực Dịch vụ và Nông - Lâm nghiệp - Thủy sản mặc dù có tổng lượng điện tiêu thụ nhỏ nhất nhưng lại chiếm vị trí thứ nhất và thứ hai trong số các thành phần phụ tải. Trong cùng kỳ, lượng điện tiêu thụ bởi 2 lĩnh vực này tăng lần lượt là 5,5 lần và 2,9 lần từ 10,7 GWh và 6,3 GWh năm 2011 lên 18,3 GWh và 59,2 GWh năm 2020, tương ứng với mức tăng trung bình hàng năm là 20,3% và 11,8%. Hai lĩnh vực Công nghiệp - Xây dựng và Quản lý - Tiêu dùng dân cư lại có tốc độ tăng trưởng tiêu dùng điện năng thấp. Lượng điện tiêu thụ bởi 2 lĩnh vực này tăng từ 630,2 GWh và 412,5 GWh năm 2011 lên 1804 GWh và 948,3 GWh năm 2020, gấp 2,9 lần và 2,3 lần về giá trị tuyệt đối và 11,6%/năm và 9,9%/năm về giá trị tương đối. Tuy nhiên, do đây là 2 lĩnh vực có lượng điện tiêu dùng lớn nhất, nên chỉ cần tốc độ tăng nhỏ cũng làm tổng lượng điện thương phẩm của tỉnh tăng lên rất nhiều.
Về hiệu quả sử dụng điện, nhìn chung, lĩnh vực Công nghiệp - Xây dựng sử dụng điện hiệu quả nhất với hệ số đàn hồi điện năng tiêu thụ/GRDP trung bình là 1,3 trong giai đoạn 2011-2020. Tiếp theo là lĩnh vực Nông - Lâm nghiệp - Thủy sản và Dịch vụ với hệ số đàn hồi trong cùng kỳ tương ứng là 2,6 và 3,4. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng điện chung của cả 3 lĩnh vực đều còn thấp, vì để tăng được 1% GRDP, thì điện năng tiêu thụ ở các lĩnh vực này phải tăng ít nhất là 1,3%. Điều này một lần nữa cho thấy mặc dù hiệu suất của hệ thống cung cấp điện có thể tăng lên nhưng nếu không cải thiện được hiệu quả sử dụng điện của khách hàng thì lượng điện lãng phí vẫn còn nhiều. Nguyên nhân của vấn đề nằm ở cả phía khách hàng sử dụng điện và cơ quan quản lý. Trong khi khách hàng chưa có ý thức tiết kiệm điện, đầu tư vào máy móc thiết bị có hiệu quả năng lượng thấp thì cơ quan quản lý chưa có chính sách phù hợp, rõ ràng và kiên quyết để loại bỏ dần dần các thiết bị đầu cuối có hiệu quả năng lượng thấp, đồng thời ngăn chặn thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có cường độ năng lượng cao như vật liệu xây dựng, khai khoáng, luyện kim,...
Theo vùng phụ tải và đơn vị hành chính cấp huyện/thị xã/thành phố, thực trạng tiêu thụ điện năng của tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011-2020 cũng có những thay đổi đáng kể cả về quy mô, cơ cấu và hiệu quả sử dụng (Bảng 4).
Bảng 4. Tiêu thụ điện năng theo vùng và đơn vị hành chỉnh tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011-2020
Nguồn: Công ty Điện lực Phú Thọ, 2021
Về vùng phụ tải, Phú Thọ có 3 vùng được chia theo đặc điểm địa hình tự nhiên, phân vùng phát triển kinh tế hiện tại; căn cứ vào các hộ tiêu thụ điện xác định trên địa hình từng vùng và khả năng cấp điện của các trung tâm nguồn trạm 220 kV, 110 kV và phương thức vận hành lưới điện. Trong đó, Vùng I bao gồm Thành phố Việt Trì, Huyện Phù Ninh và Huyện Lâm Thao; Vùng II gồm có Thị xã Phú Thọ và các huyện Đoan Hùng, Hạ Hòa, Thanh Ba và Cẩm Khê; Vùng III gồm các huyện Yên Lập, Tam Nông, Thanh Sơn, Thanh Thủy và Tân Sơn. Như vậy, trong giai đoạn 2011-2020, tổng lượng điện thương phẩm của tỉnh Phú Thọ liên tục tăng với tốc độ trung bình 10,34%/năm, trong đó tốc độ tăng trung bình hàng năm của các Vùng I, Vùng II và Vùng III tương ứng là 9,80%, 11,17% và 11,15%. Tuy Vùng I có tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm thấp nhất. nhưng lại chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu tiêu dùng điện của Tỉnh. Trong cùng kỳ, tỷ lệ điện thương phẩm trung bình của Vùng I là 61,1%, trong khi tỷ lệ này ở Vùng II và Vùng III chỉ là 24,8% và 14,2%. Tức là lượng điện tiêu dùng của Vùng I lớn hơn 1.6 lần tổng lượng điện thương phẩm của Vùng II và Vùng III cộng lại
Về tỷ lệ tổn hao điện năng, nhìn chung, tỉnh Phú Thọ đã có sự cải thiện đáng kể với tỷ lệ tổn hao điện năng trong giai đoạn 2011-2020 là 6,2%, thấp hơn so với mức trung bình của cả nước là 6,4%. Tuy nhiên, đi sâu phân tích sẽ thấy đóng góp chính cho giảm tổn thất điện năng của toàn tỉnh là Vùng I. Đây là vùng có tỷ lệ điện thương phẩm cao nhất, nhưng cũng là nơi có tổn thất điện năng thấp nhất tỉnh với tỷ lệ thất thoát trung bình trong cùng kỳ là 3,88% so với 8,9% và 10,8% ở Vùng II và Vùng III. Sở dĩ có được kết quả như vậy là vì Vùng I là trung tâm kinh tế lớn của Tỉnh với nhiều hoạt động trong các lĩnh vực Công nghiệp - Xây dựng và Dịch vụ tiêu dùng nhiều điện năng và đây cũng là nơi có mật độ dân cư cao nhất Tỉnh, do đó tận dụng được lợi thế về quy mô kinh tế (economy of scale) để đầu tư theo chiều sâu cho hạ tầng điện lực. Trong khí đó, ở Vùng II và Vùng III thì ngược lại với quy mô kinh tế nhỏ hơn, nhưng vẫn phải duy trì hạ tầng điện lực lớn, đặc biệt là hệ thống đường dây tải điện, nên hiệu quả đầu tư thấp.
Ở cấp độ đơn vị hành chính huyện/thành phố/thị xã, đơn vị có lượng điện tiêu thụ lớn nhất là thành phố Việt Trì, chiếm tới hơn 40% lượng điện thương phẩm của toàn tỉnh Phú Thọ. Tính trung bình trong giai đoạn 2011-2020, thành phố Việt Trì tiêu thụ lượng điện gấp 2,5 lần 2 đơn vị cùng trong Vùng I là Phù Ninh và Lâm Thao, hay bằng tổng lượng điện thương phẩm của cả Vùng II và Vùng III cộng lại. Các đơn vị có lượng điện tiêu thụ nhiều tiếp theo là Phù Ninh và Thanh Ba, với tỷ lệ lượng điện thương phẩm trong cùng kỳ lần lượt là 11,8% và 8,8%. Những huyện có lượng điện tiêu thụ ít nhất đều nằm ở Vùng III, đó là Tân Sơn, Yên Lập và Thanh Thủy, với tỷ lệ điện thương phẩm chỉ chiếm 1,6%, 2,0% và 3,0% lượng điện tiêu thụ của toàn tỉnh. Xét về tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm, các đơn vị có tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn 2011-2020 là huyện Phù Ninh (17,9%), thị xã Phú Thọ (15,2%), huyện Cẩm Khê (14,9%), huyện Thanh Thủy (13,4%) và huyện Đoan Hùng (13,3%). Các đơn vị có tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm thấp nhất trong cùng kỳ là huyện Thanh Ba (6,1%) và Thành phố Việt Trì (7,8%). Tuy nhiên, có thể thấy, mặc dù Việt Trì và Thanh Ba là 2 đơn vị có tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm thấp nhất nhưng do lượng điện tiêu thụ hàng năm của các đơn vị này cao nên chỉ cần một tỷ lệ nhỏ về tốc độ tăng trưởng cũng làm cho lượng điện tiêu thụ tăng lên rất nhiều về giá trị tuyệt đối. Điều thú vị ở đây là những đơn vị có lượng điện tiêu thụ lớn nhưng lại có tỷ lệ tổn hao nhỏ. Trong giai đoạn 2011-2020 chỉ có 3 đơn vị tiêu dùng điện lớn nhất của tỉnh Phú Thọ có tỷ lệ tổn hao thấp hơn mức trung bình của cả nước (6,42%) trong cùng kỳ, đó là thành phố Việt Trì (2,72%), huyện Thanh Ba (5,14%), huyện Phù Ninh (6,22%). Đây cũng là 3 đơn vị có đóng góp quyết định vào nâng cao hiệu suất và giảm tỷ lệ tổn hao của hệ thống điện tỉnh Phú Thọ trong thời gian qua. Tất cả các đơn vị còn lại đều có tỷ lệ tổn hao lớn hơn 9,5%. Kết quả phân tích cho thấy phụ tải phân bổ không đều giữa các vùng và chỉ có những huyện/thành phố/thị xã nơi có mật độ dân số và các hoạt động kinh tế tập trung mới có thể tận dụng được lợi thế của qui mô kinh tế đầu tư theo chiều sâu nâng cấp hạ tầng điện lực để nâng cao hiệu suất chung của hệ thống. Điều đó có nghĩa là để nâng cao hiệu suất chung của hệ thống thì tỉnh Phú Thọ cần chú ý nhiều hơn tới đầu tư nâng cấp hạ tầng điện lực của 10 đơn vị hành chính còn lại, cũng như quan tâm hơn đến công tác quản lý phía cầu của các đơn vị này.
3. Kết luận
Qua phân tích cho thấy an ninh cấp điện và hiệu quả sử dụng điện của tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011-2020 phụ thuộc vào cả 2 phía cung và cầu. Về phía cung, trong thời gian qua, lưới điện của Tỉnh luôn đảm bảo nhu cầu không ngừng tăng lên của phụ tải cũng như độ tin cậy của hệ thống. Những vấn đề nổi cộm trong việc đảm bảo nguồn cung điện năng của tỉnh là công tác lập kế hoạch và triển khai kế hoạch phát triển hạ tầng điện lực, từ khâu dự báo nhu cầu cho đến sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan. Về phía cầu, trong giai đoạn 2011-2020, tiêu dùng điện năng liên tục tăng ở tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, cũng như các đơn vị hành chính của tỉnh Phú Thọ. Động lực của sự tăng trưởng này chính là sự gia tăng của các hoạt động kinh tế, dân số và tỷ lệ tiếp cận điện năng cùng với mức sống của người dân được cải thiện. Tuy nhiên, sự gia tăng tiêu dùng điện năng không đồng đều giữa các lĩnh vực và đơn vị hành chính khác nhau. Trong khi 2 lĩnh vực Công nghiệp - Xây dựng và Quản lý - Dân cư có lượng khách hàng tiêu dùng điện lớn nhất thì 2 lĩnh vực Dịch vụ và Nông - Lâm nghiệp - Thủy sản lại có tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện cao nhất. Tương tự, Vùng I và các đơn vị hành chính trực thuộc như thành phố Việt Trì và 2 huyện Phù Ninh, Lâm Thao có quy mô điện thương phẩm lớn nhất, thì các đơn vị thuộc Vùng III như Tân Sơn, Yên Lập và Thanh Thủy lại có tỷ lệ điện tiêu dùng nhỏ nhất. Hiệu quả sử dụng điện cũng không đồng đều giữa các lĩnh vực của nền kinh tế và khu vực địa lý của Tỉnh, nhưng điểm chung ở đây là hiệu quả sử dụng điện của tất cả các lĩnh vực còn thấp. Trong khi hiệu quả sử dụng điện thấp ở 2 lĩnh vực Công nghiệp - Xây dựng và Nông - Lâm nghiệp - Thủy sản chủ yếu là do máy móc thiết bị cũ, hiệu suất thấp thì hiệu quả sử dụng điện ở 2 lĩnh vực Dịch vụ và Quản lý - Dân cư ngoài yếu tố kỹ thuật - công nghệ, còn có sự tham gia của yếu tố quản lý và hành vi tiêu dùng nữa. Về nguyên nhân của tình trạng hiệu quả sử dụng điện còn thấp, bên cạnh yếu tố chủ quan của khách hàng thể hiện trong ý thức và hành vi tiết kiệm điện thì sự thiếu chính sách nhất quán của cơ quan quản lý trong việc loại bỏ dần các thiết bị đầu cuối có hiệu suất thấp và ngăn chặn các lĩnh vực đầu tư có cường độ năng lượng cao là những vấn đề cấp bách cần được đề cập trong chiến lược phát triển bền vững hạ tầng điện lực của tỉnh Phú Thọ trong giai đoạn tới.
Tài liệu tham khảo:
- Công ty Điện lực Phú Thọ (201-2020). Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hàng năm giai đoạn 2011-2020.
- Cục Thống kê tỉnh Phú Thọ (2011-2020). Niên Giám thống kê tỉnh hàng năm giai đoạn 2011-2020.
- Viện Năng lượng Việt Nam (2015). Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016-2025, có xét đến 2035.
- Viện Năng lượng Việt Nam (2021). Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045.
- Chính phủ (2019). Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030.
THE CURRENT ELECTRICITY SUPPLY AND DEMAND IN PHU THO PROVINCE FROM 2011 TO 2020
Dr. Do Tien Minh
School of Economics and Management
Hanoi University of Science and Technology
Abstract:
Electricity plays an important role in ensuring scocio-economic development and national security. Ensuring the security of electricity supply is a top concern of Phu Tho province as the prrovince is aiming to become a socio-cultural hub of the Northern midland and mountainous region in Vietnam. This paper focus on analyzing the current electricity supply and demand in Phu Tho province from 2011 to 2020, and pointing out the strengths and shortcomings to promote the sustainable development of provincial electricity infrastructure in the coming time.
Keywords: current electricity supply and demand, security of electricity supply, electric efficiency.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12, tháng 5 năm 2022]