Thực trạng hoạt động quản lý của chính quyền quận Hà Đông đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn

ĐẶNG THỊ ANH THƯ (Lớp K04 - QLKY801 - Học viện Chính trị khu vực 1)

TÓM TẮT:

Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của một quốc gia, tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, góp phần ổn định xã hội. Ở các nước phát triển, số lượng DNVVN thường chiếm từ 90 - 95% tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế và giải quyết việc làm cho khoảng 2/3 lực lượng lao động. Chẳng hạn các DNVVN của Thụy Điển đã tạo việc làm cho hơn 60% người lao động, tỷ lệ này ở Nhật Bản là 66,9% và Chile là 70,3%. Ở Việt Nam hiện nay có khoảng 140.000 DNVVN, chiếm trên 90% tổng số doanh nghiệp, đóng góp khoảng 26-27% GDP, 31% sản lượng công nghiệp, 67% nguồn thu ngân sách từ thuế và việc làm cho 26% tổng số lao động cả nước.

Từ khóa: Quận Hà Đông, quản lý, chính quyền, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

I. Cơ sở khoa học và thực tiễn về quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ của chính quyền cấp quận

1. Tính tất yếu trong sự hình thành và phát triển DNVVN trong nền kinh tế

Tại Việt Nam, tiêu chí xác định DNVVN được thể hiện trong Nghị định 90/2001/NĐ ngày 23/11/2001 của Chính phủ. Theo quy định này, DNVVN được định nghĩa như sau: “DNVVN là cơ sở sản xuất, kinh doanh độc lập, đã đăng ký kinh doanh theo pháp luật hiện hành, có vốn đăng ký không quá 10 tỷ đồng hoặc số lao động trung bình hành năm không qúa 30 người”.

Như vậy, tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có đăng ký kinh doanh và thỏa mãn một trong hai điều kiện trên đều được coi là DNVVN. Theo cách phân loại này ở Việt Nam có khoảng 93% trong tổng số doanh nghiệp hiện có là DNVVN, cụ thể là 80% các doanh nghiệp nhà nước thuộc nhóm DNVVN chiếm tỷ trọng 97% xét về vốn và 99% xét về lao động so với tổng số doanh nghiệp của cả nước.

DNVVN thực hiện các dịch vụ đa dạng và phong phú trong nền kinh tế như các dịch vụ trong quá trình phân phối và thương mại hóa, dịch vụ sinh hoạt và giải trí, dịch vụ tư vấn và hỗ trợ. Trực tiếp tham gia chế biến các sản phẩm cho người tiêu dùng cuối cùng với tư cách là nhà sản xuất toàn bộ.

Chính vì vậy, các DNVVN có lợi thế về tính linh hoạt. Có thể nói tính linh hoạt là đặc tính trội của các DNVVN, nhờ cấu trúc và quy mô nhỏ nên khả năng thay đổi mặt hàng, chuyển hướng kinh doanh thậm chí cả địa điểm kinh doanh được coi là mặt mạnh của các DNVVN.

Đảng ta đã khẳng định vai trò quan trọng của các DNVVN là lực lượng chủ yếu trong thành phần kinh tế tư nhân. Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế tư nhân, Nhà nước đã thể chế hóa, ban hành các luật liên quan để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các chính sách, chương trình trợ giúp phát triển DNVVN đã từng bước đi vào cuộc sống. Việc thực thi chính sách hỗ trợ phát triển DNVVN của các bộ, ngành giúp cho cộng đồng DNVVN nỗ lực vượt khó khăn để phát triển bền vững.

2. Quản lý nhà nước đối với DNVVN của chính quyền cấp quận

2.1. Khái niệm quản lý nhà nước đối với DNVVN

Quản lý nhà nước là sự tác động của nhà nước vào các hoạt động của nền kinh tế quốc dân bằng cơ chế, chính sách và các công cụ quản lý khác. Trong nền kinh tế nhiều thành phần của nước ta, Đảng và Nhà nước đã vận dụng tốt các quy luật kinh tế để tác động lên các đối tượng của quản lý nhằm điều chỉnh hỗ trợ và định hướng cho các thành phần kinh tế phát triển. Doanh nghiệp nói chung, DNVVN nói riêng cũng là đối tượng của hoạt động quản lý của Nhà nước. Nhà nước thông qua một hệ thống chính sách và các công cụ kinh tế tác động vào hệ thống các doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

2.2. Sự cần thiết của quản lý nhà nước đối với DNVVN

Nền kinh tế nước ta là nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, do vậy quản lý nhà nước đối với nền kinh tế là rất quan trọng. Nếu tạo dựng cơ chế và các chính sách phù hợp sẽ tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế và ngược lại. Với đặc điểm nền kinh tế nước ta có điểm xuất phát thấp, phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa từ một nền nông nghiệp còn nghèo nàn, lạc hậu, các hoạt động công nghiệp, dịch vụ còn kém phát triển, do vậy cơ chế quản lý nhà nước ta phải có những đặc thù riêng, phù hợp với đặc điểm kinh tế của từng vùng, miền.

3. Nội dung QLNN đối với DNVVN của chính quyền cấp quận

Các nội dung hỗ trợ cơ bản, hay là những dịch vụ hỗ trợ có tính phổ cập, càng được nhiều doanh nghiệp sử dụng thì càng hiệu quả, do không mất thêm chi phí hoặc chi phí tăng thêm thấp hơn so kết quả đem lại. Thí dụ dịch vụ thông tin hỗ trợ doanh nghiệp, dịch vụ đào tạo, tư vấn phổ biến trên các phương tiện thông tin như internet, báo chí, truyền hình, hội thảo,…; hoặc các dịch vụ chỉ dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận quy định và các gói tín dụng của ngân hàng thương mại, liên kết kinh doanh theo cụm, chuỗi và trong các khu và cụm công nghiệp.

+ Các dịch vụ hỗ trợ trọng tâm là những hỗ trợ có mục tiêu, hướng đến các DNVVN trong phạm vi mục tiêu, có ý nghĩa quan trọng đến sự phát triển như đổi mới sáng tạo trên cơ sở ứng dụng công nghệ, doanh nghiệp trong những ngành có giá trị gia tăng cao, liên kết theo thế mạnh cạnh tranh của từng địa phương và của quốc gia,…

Trên cơ sở đó, chủ động thu hẹp các đối tượng hỗ trợ, đảm bảo tính hiệu quả gắn với khả năng nguồn lực phù hợp; không hỗ trợ dàn đều, mang hơi hướng bao cấp cho tất cả doanh nghiệp. Đây là nội dung và quy định có tính cốt yếu, thể hiện tư tưởng và quan điểm phát triển kinh tế có lựa chọn, gắn với tính toán hiệu quả và cơ chế thị trường. Theo ước tính, đối tượng nằm trong phạm vi theo mục tiêu và được lựa chọn theo các điều kiện minh bạch để được hỗ trợ trọng tâm mỗi năm không lớn. Số liệu tính toán sơ bộ từ cơ quan thống kê cho thấy, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mỗi năm có tổng số khoảng 5.000 doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia; hỗ trợ phát triển cụm liên kết, chuỗi giá trị có tổng số khoảng 16.900 doanh nghiệp đủ điều kiện xem xét. Nhưng chỉ một phần trong số các doanh nghiệp này được lựa chọn theo các tiêu chí phù hợp với mục tiêu phát triển mới được xem xét hỗ trợ.

Tuy số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ nhỏ, nhưng thể hiện tính trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nguồn lực và sẽ có tác động tích cực tới sự phát triển của doanh nghiệp khi tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp này tăng nhanh và là tiền đề quan trọng để các doanh nghiệp này tích lũy vốn, mở rộng sản xuất, đầu tư mới, tiếp tục mở rộng hoạt động sáng tạo của mình, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị bền vững.

II. Thực trạng hoạt động quản lý của chính quyền quận Hà Đông đối với các DNVVN trên địa bàn quận

1. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội có ảnh hưởng đến QLNN đối với DNVVN

Quận Hà Đông nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam, cách trung tâm Thủ đô 11 km, với diện tích gần 5.000 ha, gồm 17 phường, 230 nghìn nhân khẩu. Trong nhiệm kỳ 2005-2010, Đảng bộ quận Hà Đông đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đưa quận phát triển mạnh mẽ, đồng bộ trên các lĩnh vực.

Nổi bật nhất là thành tích trên lĩnh vực xây dựng và quản lý đô thị. Quận đã hoàn thành quy hoạch chung tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch chi tiết cho từng ngành, tạo tiền đề để các công trình hạ tầng cơ bản được triển khai đồng bộ trên các lĩnh vực.

Hệ thống giao thông phát triển mạnh, tạo thành mạng lưới thông suốt, giải quyết tình trạng quá tải về giao thông ở khu vực trung tâm quận, đồng thời mở ra cho Hà Đông nhiều trục không gian đô thị bề thế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của quận, thu hút nhiều nhà đầu tư. Đó là tuyến đường trục phát triển phía Bắc quận, đường Lê Trọng Tấn, đường Phúc La - Văn Phú... Bốn cây cầu lớn gồm cầu Đen, cầu Chùa Ngòi, cầu La Khê, cầu Kiến Hưng bắc qua sông Nhuệ đã được đưa vào sử dụng, là cầu nối giao thương với trung tâm thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Trong thời gian qua, DNVVN trên địa bàn quận Hà Đông đã đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Các DN đã có ý thức cao trong việc phát triển nguồn nhân lực. Mặt khác, lãnh đạo thành phố, quận cũng rất quan tâm đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các DNVVN.

Trong đó, Trung tâm Hỗ trợ DNVVN được thành lập, có chức năng tham mưu cho Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND Quận triển khai các kế hoạch, chương trình hỗ trợ của Chính phủ và Thành phố cho các DNVVN; thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, đào tạo và các dịch vụ công khác cho nguồn nhân lực của DNVVN ở Hà Nội. Tổ chức các lớp đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo nhu cầu của các DN; tổ chức đào tạo và quản lý các chương trình đào tạo giám đốc DN, khởi sự DN và quản trị DN. Trung tâm cũng tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, với sự tham gia của các chuyên gia có kinh nghiệm trong nước, quốc tế với các DN về nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nguồn nhân lực.

Giai đoạn 2011- 2015, TP. Hà Nội đã triển khai Chương trình đào tạo nguồn nhân lực ngắn hạn cho các DNVVN trên địa bàn thủ đô về các kiến thức: Giám đốc điều hành DN cho 450 học viên; khởi sự DN cho 6.840 học viên và quản trị DN cho 13.160 học viên. Nội dung chương trình học của Trung tâm sát với nhu cầu thực tế của các DN, tạo được niềm tin và sự ủng hộ của đông đảo DNVVN.

2. Thực trạng QLNN đối với DNVVN của chính quyền quận Hà Đông

Các DNVVN chiếm tỷ trọng lớn trên địa bàn quận Hà Đông. Các doanh nghiệp đã đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của quận; tạo công ăn, việc làm, nâng cao đời sống cho người lao động; thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa; thu ngân sách nhà nước, cải thiện tình hình bội chi ngân sách, tạo ra môi trường cạnh tranh thúc đẩy sự phát triển kinh tế và thương mại; chuyển giao công nghệ tiên tiến, nâng cao trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng cho các nhà quản lý doanh nghiệp và người lao động của Việt Nam; phát triển các ngành có công nghệ cao, tạo ra nhiều giá trị gia tăng, giúp đẩy mạnh tiến trình CNH, HĐH đất nước…

Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các DNVVN hiện nay, thành phố Hà Nội nói chung, UBND quận Hà Đông nói riêng đặc biệt chú trọng đến công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Theo đánh giá của tổ chức OECD về xu hướng phát triển của các chính sách hỗ trợ DNVVN, hiện tại giải pháp chính để hỗ trợ các DNVVN là kiến tạo và thúc đẩy, trong đó trọng tâm là nâng cao năng lực cạnh tranh của các DNVVN. Việc này hoàn toàn phù hợp với định hướng chính sách của chính phủ Việt Nam, phù hợp với tư duy mới của thế giới. Luật hỗ trợ DNVVN quan trọng là cần phải lấy kiến tạo, thúc đẩy, nâng cao năng lực cạnh tranh làm tư duy cốt lõi.

Thực tế, Nhà nước có nhiều vai trò khác nhau đối việc hỗ trợ các doanh nghiệp. Nhiều chương trình tư vấn kiến thức về kinh doanh, công nghệ và quản lý sản xuất; tư vấn phát triển sản phẩm, phát triển thị trường; xây dựng hệ thống thông tin hỗ trợ DN đã được thực hiện. Nhiều chương trình đào tạo khởi sự, quản trị DN, cơ chế hợp tác giữa nhà trường và DN trong đào tạo nguồn nhân lực; đào tạo nghề, tuyên truyền nghề và phát triển nghề cho lao động nông thôn đã giúp nâng cao năng lực quản trị và tạo điều kiện cho DNVVN thuận lợi trong tuyển dụng lao động, tiếp cận nguồn lao động chất lượng cao…

Bên cạnh đó, UBND quận Hà Đông đã đưa ra các chương trình dịch vụ, hỗ trợ dành riêng cho các DNVVN. Có một số ý kiến lo ngại việc này có thể gây nên sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp, vi phạm các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI khẳng định, các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký cũng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay Tự do thương mại VN-EU, FTA đều có chương riêng dành cho DNVVN. Việc đưa ra những chương trình hỗ trợ dành riêng cho DNVVN là hoàn toàn hợp pháp, không trái với nguyên tắc mà Việt Nam đang cam kết. Tuy nhiên, những chương trình dịch vụ hỗ trợ DNVVN phải có cơ sở, lý do và nó phải thực sự hiệu quả.

Ngoài ra, Chính phủ, UBND TP. Hà Nội và UBND quận Hà Đông còn triển khai một số cải cách, chính sách hỗ trợ cho DNVVN như cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan; hỗ trợ về thuế như gian hạn nộp thuế TNDN, GTGT, hoàn lại tiền thuế bảo vệ môi trường, giảm tiền thuê đất, áp dụng sớm các mức thuế suất giảm; hỗ trợ pháp lý cho DN; khuyến khích phát triển công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghiệp, hình thành mạng liên kết sản xuất, chuỗi giá trị cho DN; khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ DN tham gia chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ DN thực hiện hệ thống kiểm toán môi trường và quản lý sinh thái; hỗ trợ DN kiểm soát rủi ro môi trường, tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí…

III. Một số giải pháp hoàn thiện quản lý của chính quyền quận Hà Đông đối với DNVVN trên địa bàn quận

Để đẩy mạnh huy động vốn cho phát triển các DNVVN ở quận Hà Đông thời gian tới cần thực hiện có hiệu quả một số nội dung, biện pháp cơ bản sau:

Một là, đa dạng các hình thức, phương thức huy động vốn cho phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là giải pháp cơ bản bởi vì nhu cầu vốn để cho phát triển các DNVVN là rất lớn, trong khi đó trên thực tế việc huy động vốn rất khó khăn. Do vậy, việc thu hút huy động nhiều nguồn vốn hiện nay cho phát triển các DNVVN càng trở nên cấp thiết. Để huy động được các nguồn vốn hiệu quả cao, đòi hỏi phải có các cơ chế, chính sách minh bạch, đồng bộ, hiệu quả, trên cơ sở luật pháp hiện hành. Từ đó, vận dụng linh hoạt các hình thức, phù hợp cơ chế thị trường, thúc đẩy quá trình huy động vốn cho phát triển các DNVVN đạt hiệu quả cao nhất. Quá trình huy động vốn phải đảm bảo chặt chẽ, đúng nguyên tắc, theo kế hoạch, tránh huy động một cách tùy tiện dẫn đến những hệ lụy khó lường. Hiệu quả của quá trình huy động vốn được đo bằng sự thúc đẩy nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh, đời sống người lao động được cải thiện, thực hiện tốt nghĩa vụ trách nhiệm đối với nhà nước và xã hội.

Hai là, tạo cơ chế, chính sách phù hợp để huy động và sử dụng vốn cho phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt hiệu quả. Cơ chế, chính sách có vai trò quan trọng trong việc huy động vốn cho các DNVVN. Trên cơ sở cơ chế, chính sách các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế thể hiện rõ được mục tiêu huy động vốn cho các DNVVN. Vì vậy, nếu chính sách thông thoáng, phù hợp, sẽ tạo điều kiện cho DNVVN huy động có hiệu quả các nguồn vốn. Ngược lại, nếu không phù hợp, chính sách sẽ khiến cho quá trình huy động vốn khó khăn, cản trở tới hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ba là, làm tốt công tác hỗ trợ của quận đối với các DNVVN, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tạo nền tảng vững chắc cho công tác huy động vốn. Để các DNVVN trên địa bàn quận Hà Đông đạt hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh và tạo nền tảng vững chắc cho quá trình huy động vốn, ngoài sự nỗ lực của bản thân của các doanh nghiệp, sự hỗ trợ của chính quyền đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Chính vì vậy, nhằm đảm bảo cho quá trình huy động và sử dụng vốn có hiệu quả của các DNVVN trong địa bàn quận cần tập trung vào một số nội dung cơ bản sau: thực hiện trợ giúp phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao cho DNVVN; thực hiện trợ giúp hỗ trợ đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ kỹ thuật cho DNVVN; có giải pháp hỗ trợ DNVVN tiếp cận thị trường, mở rộng sản xuất kinh doanh; thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn về mặt bằng sản xuất cho DNVVN; thành lập cơ quan chuyên trách quản lý nhà nước đối với các DNVVN trên địa bàn quận; tạo cơ chế nhằm khuyến khích việc thành lập các tổ chức hiệp hội ngành nghề.

Bốn là, nâng cao năng lực và thực hiện minh bạch hóa trong doanh nghiệp, nhằm thu hút vốn có hiệu quả. Để nâng cao khả năng huy động vốn cho mình, bên cạnh sự hỗ trợ, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi từ phía chính quyền quận thì bản thân các DNVVN cũng cần phải tạo cho mình một nội lực nhất định để có thể đứng vững trên thị trường. Từ đó củng cố thêm lòng tin cho các tổ chức cung ứng vốn như: ngân hàng, công ty cho thuê tài chính, Quỹ đầu tư mạo hiểm để họ có thể mạnh dạn cấp vốn tín dụng đầu tư cho doanh nghiệp. Có được như vậy, doanh nghiệp nên thực hiện tốt các giải pháp sau: doanh nghiệp phải nắm rõ diễn biến kinh tế vĩ mô; doanh nghiệp cần hiểu, đánh giá và bám sát sự phát triển của thị trường tài chính; chú trọng quản trị tài chính doanh nghiệp; hiểu rõ mục đích sử dụng vốn vay và quy trình tín dụng của ngân hàng sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi hơn; doanh nghiệp cần kiểm soát tốt nguồn vốn vay trong quá trình triển khai dự án.

IV. Kết luận

Trên giác độ nghiên cứu, một luật chung về hỗ trợ DNVVN vừa đảm bảo tính đồng bộ của chính sách, vừa có tính hiệu lực pháp lý cao nhất cũng như thúc đẩy việc thực thi. Vì vậy, việc nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật nhằm hỗ trợ cho DNVVN là rất cần thiết. Theo đó, các chính sách trợ giúp DNVVN được xây dựng đồng bộ hóa, có tính hệ thống; phạm vi hỗ trợ được xác định trên khả năng nguồn lực hỗ trợ của Chính phủ; đưa ra các quy định ưu đãi cụ thể cho đối tượng DNVVN theo quy mô, ngành nghề ưu tiên, đồng thời đảm bảo hiệu lực pháp lý thực thi đủ mạnh và phù hợp với các luật chuyên ngành liên quan; quy định rõ vai trò, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan đầu mối về trợ giúp DNVVN và của các bộ, ngành, tổ chức hiệp hội trong công tác trợ giúp DNVVN; tạo cơ sở pháp lý bố trí nguồn lực thực hiện trợ giúp DNVVN hàng năm và quy định cơ chế giám sát, đánh giá đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Sách chuyên khảo: “Tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ” - Phạm Quang Trung và cộng sự (2009).

2. Sách chuyên khảo: “Chính sách kinh tế và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp” - Đinh Thị Nga (2011).

3. Đề tài cấp bộ: “Thực trạng và các giải pháp thúc đẩy sự phát triển DNVVN trên địa bàn thành phố Hà Nội trong điều kiện gia nhập WTO” - chủ nhiệm Phạm Thị Minh (2007).

4. Luận văn thạc sĩ:“Quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố Hải Phòng” - Nguyễn Thị Ngọc Tuyết (2013).

CURRENT STATUS OF AUTHORITIES MANAGEMENT ACTIVITIES OF HA DONG DISTRICT FOR SMALL AND MEDIUM ENTERPRISES

DANG THI ANH THU

Class K04 - QLKY801 - Academy of Politics Region 1

ABSTRACT:

Small and medium sized enterprises (SMEs) play an important role in the economic development of a country, creating jobs, reducing the unemployment rate, contributing to social stability. In developed countries, the number of SMEs usually accounts for 90-95% of the total number of enterprises in the economy and creates jobs for about two-thirds of the workforce. For example, Swedish SMEs have created jobs for more than 60% of workers, with 66.9% in Japan and 70.3% for Chile. There are currently 140,000 SMEs in Vietnam, accounting for over 90% of total enterprises, accounting for 26-27% of GDP, 31% of industrial output, 67% of tax revenues and 26% of total number of employees nationwide.

Keywords: Ha Dong District, management, government, small and medium enterprises.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 07 tháng 06/2017 tại đây