Tóm tắt:
Tín dụng vi mô (TDVM) là một hoạt động của tài chính vi mô, đối tượng cho vay là người nghèo và những người có thu nhập thấp, không điều kiện để tiếp cận các nguồn vốn khác. Mục đích TDVM là nhằm giúp cho người vay vốn để sản xuất, kinh doanh, có việc làm và thoát nghèo. Hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô ở Việt Nam hiện nay còn gặp một số hạn chế trong việc tổ chức, cấp TDVM, cũng như việc hướng dẫn người dân quản lý và sử dụng số tiền được hỗ trợ cho hiệu quả. Bài viết này khái quát về TDVM và thực trạng hoạt động TDVM ở Việt Nam, qua đó đưa ra một số giải pháp gợi ý nhằm nâng cao chất lượng hoạt động TDVM ở Việt Nam.
Từ khóa: tín dụng vi mô, cho vay người nghèo, vay vốn.
1. Khái quát về tín dụng vi mô
1.1. Tín dụng vi mô và đặc điểm của tín dụng vi mô
TDVM là hình thức cho vay với số tiền nhỏ do các ngân hàng, các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước cung cấp cho các đối tượng là các tổ, nhóm sản xuất, các hộ gia đình nghèo. Mục đích của TDVM nhằm hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng trên tìm kế sinh nhai, tham gia vào các hoạt động sản xuất, khởi tạo các hoạt động kinh doanh nhỏ, nhằm cải thiện cuộc sống.
Đặc điểm hoạt động TDVM:
- Là hoạt động tín dụng phục vụ người nghèo: đây là đối tượng khó có thể tiếp cận với các dịch vụ tài chính cơ bản, do trình độ văn hóa không cao, không đủ điều kiện đảm bảo cho món tiền vay. TDVM sẽ giúp họ tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng.
- Cung cấp các món vay với số tiền vừa và nhỏ: chỉ cung cấp các khoản vay phù hợp với khả năng sử dụng vốn và khả năng thanh toán của người vay. Những món vay này đảm bảo cho người vay có thể tái tạo, mở rộng, bổ sung hoạt động kinh tế của mình.
- Điều kiện đảm bảo tín dụng và thủ thục vay đơn giản: hoạt động TDVM không yêu cầu người vay có tài sản thế chấp, tuy nhiên, người vay phải tuân thủ một số quy định bắt buộc như việc sử dụng vốn, trách nhiệm trả nợ của cá nhân, hộ gia đình, trách nhiệm của mỗi thành viên nếu vay theo tổ, nhóm. Thủ tục cho vay đơn giản, thông thường thủ tục chỉ xác nhận của chính quyền địa phương hoặc đoàn thể, bản sao các giấy tờ tùy thân.
- Lãi suất cho vay thấp: với mục tiêu hỗ trợ người nghèo nên lãi suất cho vay thấp. Mức lãi suất này chỉ có ý nghĩa duy trì hệ thống tổ chức tín dụng và nâng cao tinh thần trách nhiệm của người vay vốn.
1.2. Vai trò của tín dụng vi mô
- TDVM góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu về xóa đói giảm nghèo của các quốc gia. Hướng tới xóa bỏ bất bình đẳng giới, giúp phụ nữ trong các gia đình nghèo bị thiệt thòi có cơ hội về tài chính, để có việc làm, tăng thêm thu nhập, chủ động và tự tin hơn trong cuộc sống, từ đó vấn đề bình đẳng giới trong xã hội ngày càng được cải thiện. Mặt khác, TDVM còn góp phần làm tăng thêm tính đa dạng, nét đặc trưng của nền kinh tế, là một hình thức hỗ trợ các ngành nghề truyền thống ở địa phương, giúp cho các ngành nghề này ngày càng phát triển, vững mạnh.
- Việc sử dụng vốn TDVM làm cho đời sống người nghèo được cải thiện, họ có điều kiện để mua sắm tài sản mới, do thu nhập họ khá hơn. Kết quả của các cuộc điều tra cho thấy, tỷ lệ các hộ gia đình mua sắm ti vi, xe máy, dụng cụ sinh hoạt luôn tăng theo thời gian họ tham gia chương trình TDVM. Thêm vào đó, do thu nhập được cải thiện nên vấn đề chăm sóc sức khỏe của họ cũng được chú trọng hơn.
- Đặc biệt, TDVM giúp người nghèo giảm thiểu được rủi ro và nguy cơ tổn thương về mặt kinh tế. Được vay vốn với lãi suất ưu đãi, không cần tài sản thế chấp, người nghèo có cơ hội sử dụng vốn cải thiện hoàn cảnh kinh tế, tăng thêm thu nhập. Với phần thu nhập tăng thêm này, người nghèo chủ động dược với các trường hợp tai nạn, đau ốm. Bên cạnh đó, một vài chương trình TDVM thường đi kèm với một khoảng tiết kiệm bắt buộc, nhờ vậy họ có được thêm nguồn tài chính và ít bị tổn thương về kinh tế.
1.3. Ưu điểm và hạn chế của tín dụng vi mô
Ưu điểm: TDVM cung cấp các sản phẩm tài chính cho người nghèo nên hiệu quả về mặt kinh tế và xã hội rất thiết thực. Quy mô hoạt động TDVM ngày càng lớn mạnh và đa dạng, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới… TDVM góp phần xóa dần đi quan điểm cho rằng, việc giải quyết vấn đề đói nghèo chỉ là trách nhiệm của các chính phủ. Mặc khác, TDVM cũng đã làm thay đổi quan điểm trong hoạt động tài chính. Hầu hết các tổ chức tài chính cho rằng, cho người nghèo vay tiền là hoạt động bố thí, không sinh lời. Tuy nhiên, thực tiễn nhiều năm qua ở Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới cho thấy, TDVM không chỉ có tác động tích cực cho nền kinh tế - xã hội mà còn đem lại lợi nhuận không nhỏ cho các tổ chức này.
Hạn chế: Hoạt động TDVM ở Việt Nam còn tồn tại một số hạn chế như sau:
- Nguồn vốn hoạt động của các tổ chức TDVM còn hạn chế. Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025 đã quy định các tổ chức này có nhiều cơ hội hơn để tranh thủ nguồn vốn trong và ngoài nước. Tuy nhiên, do những hạn chế về tài chính nên chất lượng của các báo cáo tài chính không đủ minh bạch, không đủ mức sinh lời hấp dẫn để thuyết phục sự đầu tư vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hạn chế về nguồn vốn là một trong những hạn chế lớn ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức TDVM.
- Sản phẩm TDVM chưa đáp ứng được nhiều so với nhu cầu vay vốn, cũng như nhu cầu sử dụng các sản phẩm tài chính khác của người nghèo. Ở Việt Nam hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn còn cao, hầu hết người dân nghèo đều có nhu cầu được vay vốn và nhu cầu sử dụng các dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, các tổ chức TDVM còn hạn chế ở nhiều mặt, nhất là hạn chế về nguồn vốn nên các tổ chức này chưa thể đáp ứng đầy đủ các nhu cầu về tài chính cho người nghèo.
- Chi phí tổ chức hoạt động để cung cấp các dịch vụ TDVM đến người nghèo rất lớn. Trong hoạt động tín dụng, các ngân hàng thương mại thường từ chối cho vay đối với các món cho vay nhỏ, bởi vì chi phí giao dịch, thẩm định, theo dõi các khoản cho vay không chênh lệnh nhiều.
- Cơ chế tổ chức và hoạt động còn nhiều bất cặp. Các tổ chức TDVM ở Việt Nam còn hoạt động độc lập, đơn lẻ, chưa có sự kết nối tốt, do vậy chưa tạo ra được sức mạnh tổng thể chung để khai thác hết tiềm năng của hoạt động này. Ngoài ra, các tổ chức này cũng gặp không ít khó khăn về mặt nhân sự, do hầu hết các chương trình TDVM mà đặc biệt là các chương trình của các tổ chức phi chính phủ được thực hiện thông qua Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, cán bộ phụ trách các chương trình này là phần lớn là cán bộ phụ nữ, do đó ít cán bộ có chuyên môn về tài chính tín dụng, năng lực chưa phù hợp với hoạt động TDVM.
2. Kết quả đạt được của hoạt động tín dụng vi mô ở Việt Nam trong những năm qua
2.1. Một số mô hình tín dụng vi mô hoạt động có hiệu quả ở Việt Nam
Hiện nay, tại Việt Nam có 2 tổ chức tài chính triển khai hiệu quả các dịch vụ TDVM là: Quỹ Tình thương (TYM) được thành lập bởi Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam vào năm 1992; Quỹ Trợ vốn cho người nghèo tự tạo việc làm (CEP) do Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh thành lập năm 1991.
Quỹ Tình thương hoạt động nhằm mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống của các phụ nữ nghèo ở khu vực nông thôn, thông qua việc hỗ trợ tín dụng, sẽ tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển kinh tế và tăng cườg vị thế trong xã hội. Hơn 15 năm qua, Quỹ Tình thương đã được sự hỗ trợ rất lớn từ các tổ chức quốc tế như tổ chức ACT của Nhật Bản, Trung tâm Phát triển châu Á (APDC)… Thời gian qua, Quỹ Tình thương đã chi gần 500 tỷ đồng hỗ trợ vốn cho phụ nữ phát triển kinh tế gia đình (trong đó đã giúp hơn 40.000 chị em phụ nữ thoát nghèo).
Quỹ trợ vốn cho người nghèo tự tạo việc làm hoạt động vì lợi ích của người nghèo thông qua việc cấp TDVM đến người nghèo để họ tự tạo việc làm cải thiện cuộc sống từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhỏ. Các hoạt động này giúp tăng thu nhập cho người nghèo, từ đó giúp họ cải thiện cuộc sống gia đình, góp phần vào giảm tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm người nghèo. Quỹ tham gia giúp người nghèo xây dựng cộng đồng, chia sẻ trách nhiệm và ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường sống trong lành và lành mạnh; Mở rộng số lượng người nghèo được cung cấp TDVM, đồng thời duy trì sự bền vũng về tài chính của tổ chức. Hiện nay, Quỹ Trợ vốn cho người nghèo tự tạo việc làm đã phát triển rộng khắp các tỉnh thành lân cận TP. Hồ Chí Minh và phát triển ra đến các tỉnh khu vực miền Trung. (Bảng 1)
Bảng 1. Danh sách tổ chức tài chính vi mô chính thức hoạt động tại Việt Nam
STT |
Tên tổ chức tài chính vi mô |
Địa chỉ |
Số giấy phép cấp ngày |
Vốn điều lệ (tỷ đồng) |
1 |
Tổ chức tài chính vi mô TNHH M7 |
Tầng 2 Lô A9/D5 Khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội |
16a/GP-NHNN ngày 13/1/2012 |
15,5 |
2 |
Tổ chức tài chính vi mô TNHH MTV Tình thương |
Số 20 Thụy Khuê, phường Thụy Khê, quận Tây Hồ, Hà Nội |
181/GP-NHNN ngày 17/8/2010 |
135,8 |
3 |
Tổ chức tài chính vi mô TNHH Thanh Hóa |
Số 181 đường Hùng Vương, phường Quảng Hưng, Thành phố Thanh Hóa, Tỉnh Thanh Hóa |
65/GP-NHNN ngày 22/8/2014 |
15,5 |
4 |
Tổ chức tài chính vi mô TNHH MTV cho người lao động nghèo tự tạo việc làm |
Số 14C đường Cách mạng Tháng Tám, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh |
1234/GP-HCM ngày 28/10/2016 |
907,92 |
Nguồn: Website Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Riêng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, hoạt động TDVM cũng khá hiệu quả như: Tổ chức VHI (Vietnamese Heritage Institude) là tổ chức phi lợi nhuận do một số Việt kiều ở Bắc Mỹ và châu Âu thành lập năm 1987, đặt trụ sở tại California (Hoa Kỳ) đã hỗ trợ xây dựng các trường mẫu giáo, nhà trẻ, ở một số tỉnh thuộc miền Nam và miền Trung Việt Nam, mở các lớp huấn luyện nghiệp vụ cho nhân viên của các đài truyền hình ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, cấp học bổng cho học sinh và sinh viên nghèo ở Huế, Nha Trang và An Giang. Tại Đồng Tháp, từ tháng 12/2001, VHI đã thực hiện dự án TDVM tại xã Tân Công Sinh; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tiền Giang từ cấp tỉnh cho đến cấp xã/phường đã có nhiều hoạt động giúp các chị em phụ nữ tăng thu nhập, giảm nghèo khó thông qua hình thức nhận ủy thác cho vay vốn sản xuất, chăn nuôi, mua bán nhỏ… Đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tiền Giang đang quản lý 7 nguồn vốn, với tổng số vốn lên đến gần 12 tỷ đồng, giúp 13.800 lượt chị em phụ nữ vay vốn.
2.2. Kết quả đạt được của hoạt động tín dụng vi mô tại Việt Nam trong những năm qua
Trong những năm qua, TDVM hoạt động hiệu quả tại Việt Nam, mang lại những giá trị thiết thực với người nghèo, nông dân và phụ nữ, tác động tích cực và hiệu quả đến nền kinh tế - xã hội, cụ thể:
- Một là, các dịch vụ và hình thức TDVM đã đến tay người nghèo, nông dân và phụ nữ có hiệu quả. Sự xuất hiện của các mô hình TDVM đã làm thay đổi bối cảnh các dịch vụ tài chính tại Việt Nam. Trong những năm qua, các tổ chức TDVM đã tạo nên một kênh cung cấp tín dụng thay thế hỗ trợ song song với các kênh cấp tín dụng khác trong nền kinh tế và rất hữu dụng. Những tổ chức tín dụng này thường hướng đến các địa phương kém phát triển và các đối tượng vay vốn là những người nông dân và phụ nữ nghèo. Trung bình số hộ nghèo chiếm khoảng 70% tổng số khách hàng thường xuyên vay vốn của các tổ chức TDVM. Các tổ chức TDVM do có các mối quan hệ gắn kết chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là Hội Liên hiệp phụ nữ và Hội Nông dân, thường có cấu trúc tổ chức phân thành nhiều cấp khác nhau từ cấp tỉnh, huyện, cho đến các xã, rồi đến các tổ, nhóm. Trong đó, nhân viên của các tổ chức TDVM là những người sinh sống tại địa phương và những người làm việc thường xuyên tại các tổ chức cộng đồng. Mức tín dụng được cung cấp phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của người nghèo, các tổ chức cung cấp TDVM làm việc sâu sát và gần gũi với cộng đồng. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng thuộc nhóm bán chính thức đã thực hiện phát triển kênh tiết kiệm từ người nghèo rất tốt. Họ sẵn sàng chấp nhận những khoản tiền tiết kiệm nhỏ. Các dịch vụ phi tín dụng cũng chiếm một phần khá quan trọng trong các hoạt động của các tổ chức TDVM. Những dịch vụ này bao gồm đào tạo về các kỹ năng kinh doanh cơ bản, kiến thức về y tế, sức khỏe… Đặc biệt về công tác đào tạo đã được thực hiện liên tục trước và sau khi giải ngân nên đã giúp cho những người nghèo được cấp vốn cải thiện khả năng kinh doanh và sử dụng hiệu quả hơn đồng vốn mà họ đã vay.
- Hai là, tác động tích cực và hiệu quả của TDVM đến nền kinh tế - xã hội và người nghèo. Các khoản TDVM đã giúp cho người nghèo mở rộng hoặc đổi mới hoạt động kinh tế hiện tại và tăng thu nhập. Phần lớn khách hàng của Quỹ Tình thương TYM trước kia rất ít khi ra khỏi lũy tre làng hay thôn xóm mà họ đang sinh sống nhưng đến nay, các sản phẩm của họ đã được giao dịch, bày bán khắp các chợ trong tỉnh và tại các tỉnh lân cận. Với việc đa dạng hóa nguồn thu nhập, các hộ nghèo đã tăng được thu nhập. Thu nhập tăng đã giúp người nghèo vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống cải thiện được nhu cầu về y tế, sức khỏe. Đồng thời, còn giúp các hộ gia đình tự tạo cho mình nguồn vốn tự có và có một lượng vốn dự phòng cho các rủi ro trong công việc làm ăn và cuộc sống của họ. Tác động của TDVM đã làm gia tăng các hộ gia đình thoát nghèo, tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm xuống. Các thành viên tham gia các tổ chức TDVM đã cải thiện được nhà ở, mua sắm một số tiện nghi trong gia đình như ti vi, quạt máy, giường tủ… và các phương tiện đi lại như xe đạp, xe gắn máy. Ngoài ra, các thành viên tham gia TDVM, do tăng thu nhập, có thể chi trả các khoản chi phí học tập cho con cái trong gia đình. Đây là một khoản đầu tư có ý nghĩa rất lớn trong việc cải thiện hiệu quả công việc làm ăn và chất lượng cuộc sống không chỉ ở hiện tại mà còn liên tục và bền vững từ hiện tại cho đến tương lai.
Ngoài ra, TDVM đã góp phần ngăn chặn tình trạnh cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, là công cụ đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo có điều kiện phát triển công ăn việc làm, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội, góp phần xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Thông qua các hoạt động đào tạo, hoạt động nhóm và làm kinh tế gia đình, phụ nữ nông thôn nghèo đã chứng tỏ năng lực và tính sáng tạo của họ. Qua quá trình tự tìm tòi, họ đã có một vị thế mới của những người có thể tự ra quyết định và có quyền tự chủ. Các hoạt động kinh doanh có khả năng phát triển là nền tảng để họ xây dựng năng lực của mình. Đối với hầu hết các thành viên, những người đang sống rất nghèo thì TDVM có thể phá vỡ "sự tuyệt vọng", thu nhập do người phụ nữ mang lại nhìn chung có tác động lớn đến thu nhập của cả gia đình, giáo dục con cái và kế hoạch hóa gia đình. Thay đổi về vị thế của người phụ nữ chính do sự tham gia của họ vào lực lượng lao động, thu nhập và tài sản tăng lên. Nhờ việc tiếp cận được với chương trình TDVM, nhiều phụ nữ nghèo, những người chưa bao giờ nhận được vốn vay của các nguồn vay chính thức nào, lần đầu tiên nhận được một khoản tín dụng do mình đứng tên và hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc quản lý và sử dụng vốn đó cho việc phát triển kinh tế gia đình và nâng cao mức sống. Theo đó, vị thế xã hội của người phụ nữ ngày càng tăng lên.
3. Một số giải pháp gợi ý nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng vi mô ở Việt Nam
Để nâng cao chất lượng hoạt động của TDVM, thời gian tới cần triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển TDVM như sau:
- Một là, xây dựng năng lực tổ chức tài chính vi mô đáp ứng yêu cầu. Đào tạo đội ngũ cán bộ có liên quan, nhất là cán bộ chủ chốt trong các tổ, nhóm. Nâng cao kiến thức, hiểu biết và năng lực của các tổ chức, nhất là ở địa phương, để cung cấp các dịch vụ TDVM phù hợp cho người nghèo một cách bền vững.
- Hai là, người vay nên sử dụng vốn đúng mục đích; các cá nhân, hộ gia đình nên quản lý chi tiêu một cách hợp lý và chặt chẽ; phải có kế hoạch sử dụng vốn và kế hoạch tiết kiệm phù hợp; tham vấn ý kiến của các thành viên trong tổ, nhóm, cán bộ ở chính quyền địa phương, cán bộ của các tổ chức TDVM trong quá trình sử dụng vốn; cụ thể hóa các chính sách trong các tổ, nhóm và quy chế hoạt động.
- Ba là, cần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ; xác định đúng đối tác trong quá trình hỗ trợ vốn. Các tổ chức TDVM làm cầu nối với các tổ chức tài chính khác nhằm kết nối các nguồn vốn, qua đó giúp khách hàng tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn và đa dạng hóa các sản phẩm tài chính; tư vấn thành lập các tổ, nhóm vay vốn theo định hướng của đơn vị mình nhằm thực hiện thành công các dự án TDVM.
- Bốn là, các tổ chức tài chính vi mô phải phát triển sản phẩm, dịch vụ đảm bảo hài lòng khách hàng và mục tiêu giảm nghèo. Phối kết hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để lồng ghép thực hiện các hoạt động TDVM với các dự án phát triển cộng đồng khác (sức khoẻ, giáo dục, hướng nghiệp dạy nghề, bảo vệ môi trường…), nhằm giúp khách hàng tiếp cận với nhiều kênh cung cấp vốn khác nhau. Ngoài ra cung cấp dịch vụ hỗ trợ như: bảo hiểm, tiết kiệm định hướng, dịch vụ quản lý chi trả, vốn vay khẩn cấp.
Tài liệu tham khảo:
Ngân hàng Nhà nước (2018). Thông tư số 03/2018/TT-NHNN ngày 23/2/2018 quy định về cấp phép, tổ chức và hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô.
Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2024). Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.
Christopher Dunford (1999). Microfinance: A Means to What End? (Freedom from Hunger, Source: Monday Development, September 28, 1998). January 1999. Grameen Dialogue.
Country report, Indonesia (1999). Extracted from Credit for the Poor, September 1998. January 1999. Earnings Shrink, but Clients Cope. [online] Available at: http://www.grameen-info. org/dialogue/dialogue37/country.html.
Shahidur R Khandker. January (1999). Microcredit to Advance Women. [online] Available at: http:// www.grameen-info.org/dialogue/dialogue37/action.html.
An analysis of microcredit activities in Vietnam: Current status and solutions for enhancement
Tran Cong Du
Faculty of Economics and Business Administration, An Giang University, Ho Chi Minh City National University
Abstract:
Microcredit (MC), a core component of microfinance, targets low-income and poor individuals who lack access to formal financial institutions. Its primary objective is to empower borrowers to engage in productive activities, create employment, and lift themselves out of poverty. In Vietnam, while microfinance organizations have made notable contributions, challenges remain in areas such as institutional organization, loan disbursement, and providing effective guidance for fund management and utilization. This paper provides an overview of microcredit and examines the current landscape of microfinance activities in Vietnam. Based on the analysis, it proposes several practical solutions to enhance the effectiveness and sustainability of microcredit initiatives in the country.
Keywords: microcredit, lending to the poor, borrowing money.