TÓM TẮT:
Tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) hiện trở thành một từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất tại nhiều quốc gia trong những năm gần đây. Trong đó, Việt Nam xác định tinh thần khởi nghiệp ĐMST là yếu tố cốt lõi tạo ra thành công của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các chỉ số về khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam vẫn còn đứng sau nhiều nước trong khu vực như Singapore, Malaysia. Đi liền đó là cơ chế chính sách vẫn chưa thực sự tạo ra cú hích mạnh cho hoạt động khởi nghiệp. Nội dung chủ yếu của bài báo tập trung phân tích hiện trạng thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam, đồng thời chỉ ra những bất cập cũng như thách thức hiện nay. Cuối cùng, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ĐMST.
Từ khóa: Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp, kinh tế.
1. Tổng quan nghiên cứu, cơ sở lý thuyết
1.1. Định nghĩa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Khởi nghiệp theo từ điển tiếng Việt được giải nghĩa là bắt đầu sự nghiệp. Định nghĩa khởi nghiệp cũng thay đổi qua thời gian với các nhà nghiên cứu khác nhau. Đến đầu thế kỷ 20, định nghĩa khởi nghiệp đã được hoàn thiện và được diễn đạt là quá trình tạo dựng một tổ chức kinh doanh và người khởi nghiệp là người sáng lập nên doanh nghiệp đó. Để phân biệt “khởi nghiệp” với hoạt động “lập nghiệp thông thường”, khái niệm khởi nghiệp được gắn với đặc thù là dựa trên sáng tạo, vì vậy thường dùng khái niệm “khởi nghiệp ĐMST”. Trong văn bản chính sách hiện nay ở Việt Nam, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST được mô tả là “loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới”1. Theo các tài liệu học thuật quốc tế, Startup là doanh nghiệp hoặc một tổ chức tạm thời, được thiết kế để tìm ra một mô hình hoạt động có thể lặp lại hoặc mở rộng nhanh chóng (Blank, 2010). Ở Việt Nam, thường dùng thuật ngữ “khởi nghiệp ĐMST” (Startup) để phân biệt với lập nghiệp thông thường như mở quán phở hay cửa hàng bán quần áo.
Tuy nhiên, không phải bất cứ ai cũng có tiềm năng để mở một doanh nghiệp riêng (Learned, 2002). Một người khởi nghiệp tiềm năng là người đón lấy cơ hội để thành lập công ty riêng ngay khi cơ hội xuất hiện (Shapero, 1981). Sự khởi nghiệp là một quá trình bắt đầu từ việc nhận biết cơ hội, từ đó phát triển ý tưởng để theo đuổi cơ hội qua việc thành lập công ty mới. Theo tổ chức Global Entrepreneurship Monitor thì một doanh nghiệp khi vừa thành lập sẽ trải qua 3 giai đoạn từ hình thành, phát triển ý tưởng đến thành lập doanh nghiệp và cuối cùng là duy trì và phát triển doanh nghiệp. Hiện nay, các quốc gia trên thế giới nghiên cứu đề tài tiềm năng khởi nghiệp rất nhiều. Các quốc gia này có tầm nhìn hướng về một xã hội, đất nước tốt đẹp, giàu mạnh khi có những doanh nghiệp mới được thành lập để cung cấp các giá trị mới cho toàn xã hội.
1.2. Hệ sinh thái khởi nghiệp
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development - OECD), Hệ sinh thái khởi nghiệp là “tổng hợp các mối liên kết chính thức và phi chính thức giữa: các chủ thể khởi nghiệp (tiềm năng hoặc hiện tại); tổ chức khởi nghiệp (công ty, nhà đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần, hệ thống ngân hàng); và các cơ quan liên quan (trường đại học, các cơ quan nhà nước, các quỹ đầu tư công) và tiến trình khởi nghiệp (tỉ lệ thành lập doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp có tỉ lệ tăng trưởng tốt, số lượng các nhà khởi nghiệp) tác động trực tiếp đến môi trường khởi nghiệp tại địa phương” (Mason, C. & Brown, R., 2014).
Theo định nghĩa của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum, 2013) Hệ sinh thái khởi nghiệp bao gồm các yếu tố sau: (1) Thị trường; (2) Nguồn nhân lực; (3) Nguồn vốn và tài chính; (4) Hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp (tư vấn); (5) Khung pháp lý và cơ sở hạ tầng; (6) Giáo dục và đào tạo; (7) Các trường đại học, học viện; và (8) Văn hóa quốc gia.
1.3. Bài học từ một số quốc gia
1.3.1. Israel - Quốc gia khởi nghiệp
Israel có mật độ các doanh nghiệp khởi nghiệp lớn nhất trên thế giới, cứ 1.844 người dân Israel thì có 1 doanh nghiệp khởi nghiệp. Với dân số gần 8,5 triệu người, Israel có số lượng công ty niêm yết trên sàn chứng khoán NASDAQ (Mỹ) nhiều hơn của Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc hay bất cứ quốc gia nào ở châu Âu. Hiện nay, Israel đang có thêm nhiều công ty khởi nghiệp về công nghệ cao và có một số lượng lớn nguồn đầu tư mạo hiểm tính trên bình quân đầu người - nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới2.
1.3.2. Singapore - Thung lũng Silicon của châu Á
Năm 2015 là năm thứ 10 liên tiếp Singapore đứng đầu trong bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh hàng năm của Nhóm Ngân hàng Thế giới và Đảo quốc Sư tử được mệnh danh là “Thung lũng Silicon của châu Á”. Tờ The Economist đã đánh giá Block 713 là “hệ sinh thái khởi nghiệp đông đúc nhất thế giới” và đây có thể được xem là một biểu tượng nổi tiếng nhất về sự phát triển của Singapore như một trung tâm khởi nghiệp. Được xếp hạng đầu trong danh sách thành phố đổi mới nhất châu Á - Thái Bình Dương (the Most Innovative Cities in Asia Pacific).
1.3.3. Một số quốc gia khác
- Pháp: Chính phủ có chính sách giảm thuế và các khoản phí xã hội cho các doanh nghiệp nhỏ mang tính sáng tạo có tuổi đời dưới 8 năm và dành 15% chi phí cho R&D.
- Hàn Quốc: Chính phủ hiện vẫn đang mở rộng các hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp khởi nghiệp, thông qua các chính sách mới về việc chấp nhận các công nghệ như là một thế chấp (tài sản trí tuệ) trong vay vốn ngân hàng, cung cấp các khoản trợ cấp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc thuê nhân lực R&D, cung ứng các thông tin công nghệ và dịch vụ công nghệ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Trung Quốc: Từ năm 1999, Chính phủ đã cung cấp các khoản trợ cấp dành cho các doanh nghiệp nhỏ dựa trên công nghệ.
- Brazil: Chính phủ Liên bang đã tạo ra nhiều chương trình mới tập trung cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào cuối những năm 1990 trong việc đổi mới và chuyển giao công nghệ thông qua hoạt động cho vay và đào tạo, đặc biệt điều này càng được củng cố trong luật về đổi mới năm 2004.
2. Thực trạng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
2.1. Thế giới
Báo cáo Chỉ số Đổ mới Toàn cầu 2017/2018 (Global Entrepreneurship Monitor 2017/18 Report) là báo cáo thứ 19 liên tiếp được xây dựng để theo dõi thực trạng khởi nghiệp trên toàn cầu theo nhiều giai đoạn từ doanh nhân tiềm năng đến khi khởi nghiệp và phát triển ổn định với những điều kiện về hệ sinh thái khởi nghiệp tại mỗi quốc gia. Báo cáo này dựa trên kết quả khảo sát hơn 164 nghìn người trưởng thành (Adult Population Survey - APS) và khảo sát hơn 2000 chuyên gia (National Expert Survey - NES) tại 54 nền kinh tế. (Bảng 1).
Bảng 1. Các nước tham gia GEM 2017 theo khu vực
Khảo sát Global Entrepreneurship Monitor (GEM) đánh giá chất lượng của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST thông qua cuộc khảo sát chuyên gia. Cuộc khảo sát này tập trung vào các yếu tố có ảnh hưởng đến cá nhân người khởi nghiệp và các hoạt động khởi nghiệp hơn là các yếu tố môi trường kinh tế vĩ mô. Nhìn chung cơ sở hạ tầng tiếp tục là chỉ số được xếp hạng cao nhất trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Chỉ số có điểm thấp nhất là giáo dục kinh doanh trong trường tiểu học và trung học. Một tín hiệu tích cực là khoảng một nửa các chỉ số của hệ sinh thái khởi nghiệp ở các nền kinh tế đã được cải thiện so với năm 2016, trong đó cải thiện mạnh nhất là tài chính cho khởi nghiệp, giáo dục kinh doanh trong trường tiểu học và trung học, sự năng động của thị trường nội địa.
2.2. Việt Nam
Khi so sánh hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam với 54 nước khác trên thế giới (GEM, 2017), hai chỉ số của Việt Nam có thứ hạng cao nhất là: Năng động của thị trường nội địa (5/54), Văn hóa và chuẩn mực xã hội (6/54). Cơ sở hạ tầng, chỉ số có điểm trung bình cao nhất ở Việt Nam, có thứ hạng cao thứ ba trong số 12 chỉ số của hệ sinh thái khởi nghiệp, xếp thứ 10/54. Hai chỉ số có thứ hạng cao tiếp theo đó là Độ mở của thị trường nội địa (12/54) và Chính sách Chính phủ (13/54). Việc chỉ số chính sách của Chính phủ dù chỉ được đánh giá ở mức 2,4/5 điểm nhưng vẫn xếp thứ 13/54, cho thấy việc có hệ thống chính sách tốt và hiệu quả nhằm thúc đẩy khởi nghiệp và phát triển kinh doanh đây không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà là của nhiều nước trên thế giới. Ba chỉ số trong hệ sinh thái khởi nghiệp có thứ hạng thấp nhất của Việt Nam năm 2017 là: Tài chính cho kinh doanh (39/54), Giáo dục kinh doanh sau phổ thông (40/54) và Chương trình hỗ trợ Chính phủ (43/54). (Bảng 2).
Bảng 2. Thứ hạng các chỉ số trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam 2013-2017
Báo cáo GEM toàn cầu 2017/18 đã tiếp tục chỉ ra sự khác biệt về điều kiện kinh doanh ở 3 nhóm nền kinh tế theo trình độ phát triển. Nhìn chung, điều kiện kinh doanh có xu hướng tốt dần lên cùng với trình độ phát triển kinh tế, nghĩa là nền kinh tế càng phát triển, điều kiện kinh doanh càng có xu hướng được cải thiện. Hình 1 cho thấy rõ những thuận lợi và cản trở về hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam khi so với mức trung bình của các nước theo giai đoạn phát triển.
Bốn yếu tố có thể coi là thuận lợi hơn cho hoạt động khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam so với các nước khác chính là 4 chỉ số mà Việt Nam có thứ hạng cao nhất: tính năng động của thị trường nội địa, văn hóa và chuẩn mực xã hội, cơ sở hạ tầng và độ mở của thị trường nội địa. Những chỉ số này được đánh giá là tốt hơn cả mức trung bình ở các nước thuộc giai đoạn III. Ngược lại, bốn yếu tố có thể coi là kém tạo thuận lợi cho khởi sự kinh doanh ở Việt Nam hơn so với các nước khác chính là bốn yếu tố mà Việt Nam có vị trí thấp nhất là: giáo dục về kinh doanh ở bậc phổ thông, giáo dục về kinh doanh sau phổ thông, tài chính cho kinh doanh và chương trình hỗ trợ của Chính phủ. Những chỉ số này được đánh giá là kém hơn mức trung bình của các nước thuộc giai đoạn I, cùng giai đoạn phát triển với Việt Nam.
3. Chính sách và các hoạt động hỗ trợ từ Chính phủ
Trong văn bản chính sách hiện nay ở Việt Nam, doanh nghiệp khởi nghiệp. Một số thiết chế (quỹ, đề án, chương trình,...) đã được triển khai trên phạm vi toàn quốc, với mục tiêu tư vấn, hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ĐMST như:
- Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025”, nhằm tuyển chọn các tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST4;
- Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp KH&CN được thành lập ngày 16/12/2014 theo Quyết định số 1286/QĐ-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhằm thu hút đội ngũ tri thức, tổ chức, cá nhân, doanh nhân, nhà khoa học đóng góp vào các lĩnh vực phát triển kinh tế, tham gia thành lập các doanh nghiệp KH&CN5;
- Chương trình Thanh niên Khởi nghiệp giai đoạn 2016-2021, nhằm tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, ĐMST6;
- Chương trình TECHFEST là sự kiện thường niên của Chính phủ dành cho cộng đồng khởi nghiệp ĐMST, nhằm quy tụ các đối tác trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST7.
4. Khó khăn và thách thức
4.1. Thiếu chính sách ưu tiên cho khởi nghiệp ĐMST
Chính sách hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân vẫn chưa đủ mạnh. Các doanh nghiệp FDI chưa lan tỏa, cắm rễ sâu vào kinh tế địa phương. Có thể nhận định, cộng đồng Starup ở Việt Nam chưa thật sự được ưu tiên. Thí dụ: hiện có hơn 20 quỹ đầu tư mạo hiểm có hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết là các quỹ nước ngoài, chỉ có văn phòng đại diện tại Việt Nam. Điều này cần suy nghĩ từ góc nhìn chính sách. Nếu không xây dựng hành lang pháp lý phù hợp, các nhà đầu tư mạo hiểm nước ngoài sẽ không lựa chọn Việt Nam mà thay vào đó là các nước khác ở khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, các Startup trong nước có thể sẽ ra nước ngoài để lập nghiệp8.
4.2. Thủ tục chưa phù hợp đặc thù của khởi nghiệp ĐMST
Việc xin xác nhận sở hữu trí tuệ (SHTT) hoặc bản quyền cũng tốn thời gian, mà xin tại nước ngoài thì ít được công nhận. Vấn đề bảo hộ quyền SHTT rất quan trọng đối với doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Tuy nhiên, hiện tại ở Việt Nam, các thủ tục đăng ký bảo hộ SHTT còn đòi hỏi rất nhiều thời gian, mà không có hiệu quả cao, việc bảo hộ kém (rất nhiều trường hợp đăng ký rồi mà khi có các đơn vị nhái hoặc thậm chí ăn cắp trí tuệ để thương mại thì cơ quan chức năng cũng không hành động tích cực). Vì vậy, nhiều doanh nghiệp phải tốn công sức tự tạo rào cản công nghệ để cạnh tranh.
4.3. Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST còn nhiều hạn chế
Mặc dù thực trạng khởi nghiệp ở Việt Nam năm 2017 có nhiều cải thiện giúp cho tỷ lệ người tham gia khởi sử kinh doanh đã tăng lên, tuy nhiên vẫn còn nhiều chỉ số mà Việt Nam kém xa so với các nước cùng trình độ phát triển kinh tế và các nước trong khu vực, trong đó phải kể đến như: sự lo sợ thất bại trong kinh doanh, khả năng kinh doanh, lĩnh vực kinh doanh và yếu tố đổi mới sáng tạo trong kinh doanh... Trong khi đó, những điểm yếu của hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam như Chương trình hỗ trợ của Chính phủ, Chuyển giao công nghệ, Chính sách của Chính phủ,... vẫn không được cải thiện so với các năm 2013-2015. Tâm lý chung của các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST cho rằng: các đơn vị nhà nước thực hiện công việc chậm chạp, thủ tục “nhiêu khê” và kém hiệu quả.
5. Một số khuyến nghị và giải pháp
5.1. Cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh
- Nhà nước cần tiếp tục kiên định các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, xây dựng lòng tin cho người kinh doanh. Các chính sách phải dễ dự đoán, dễ tiên liệu để người dân dự kiến được kế hoạch kinh doanh của mình. Cần phải giám sát quá trình thực thi chính sách để đảm bảo các cơ quan chức năng triển khai thực hiện đúng với các yêu cầu chính sách đã đề ra.
- Các Bộ, ngành tiếp tục gỡ bỏ các rào cản trong kinh doanh, rà soát lại các những quy định về pháp luật có liên quan đến kinh doanh để không cản trở các hoạt động khởi sự kinh doanh, tránh hình sự hóa các hoạt động kinh doanh, kiên quyết loại bỏ các giấy phép con về các điều kiện kinh doanh gây cản trở cho việc kinh doanh.
- Tăng cường công tác phổ biến thông tin thị trường thông qua ứng dụng công nghệ thông tin để giúp người dân nhận biết được nhu cầu của thị trường từ đó nảy sinh các ý tưởng kinh doanh thay vì khởi sự kinh doanh vì để giải quyết nhu cầu của cuộc sống. Nghiên cứu GEM đã cho thấy những người khởi nghiệp để tận dụng cơ hội từ thị trường thường có khả năng thành công cao hơn và có cơ hội phát triển hơn so với những người khởi nghiệp vì nhu cầu thiết yếu.
5.2. Xây dựng các chương trình hỗ trợ, khuyến khích phát triển khởi nghiệp ĐMST
- Các chính sách, chương trình hỗ trợ không nên chỉ tập trung vào việc khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp mà cũng cần khuyến khích các hoạt động khởi nghiệp trong doanh nghiệp: tuyên truyền, hỗ trợ và hướng dẫn các doanh nghiệp trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ; triển khai có hiệu quả các chính sách ưu đãi các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động ĐMST.
- Các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp không nên phân bổ dàn trải mà có sự chọn lọc, ưu tiên định hướng khởi nghiệp cho các lĩnh vực mũi nhọn. Theo nghiên cứu GEM, một nền kinh tế phát triển chuyển sang giai đoạn cao hơn, cần có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực chế biến và phục vụ doanh nghiệp, nhất là các ngành công nghệ thông tin truyền thông, dịch vụ tài chính, dịch vụ phát triển kinh doanh.
- Triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu và ứng dụng thành tựu KHCN vào sản xuất, đẩy mạnh các dịch vụ hỗ trợ phát triển thị trường để nâng cao khả năng cạnh tranh của từng doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và nâng cao năng lực về hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh các dịch vụ hỗ trợ phát triển thị trường để nâng cao khả năng cạnh tranh của từng doanh nghiệp.
5.3. Cần cải thiện hệ sinh thái khởi nghiệp để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp và phát triển kinh doanh
- Đẩy mạnh các hoạt động liên kết giữa các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu với các doanh nghiệp để ứng dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao. Tiếp tục phát huy vai trò cầu nối của Bộ Khoa học và Công nghệ, bên cạnh đó thúc đẩy phát triển các tác trung tâm, sàn kết nối cung cầu về công nghệ, thông qua việc tổ chức các hội thảo, diễn đàn, hội chợ kết nối công nghệ.
- Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ kinh doanh, đặc biệt là hệ thống giao thông vận tải, xử lý nước thải, các khu công nghiệp. Quan tâm đến hình thành các cụm công nghiệp, nơi có các doanh nghiệp lớn, Tập đoàn đa quốc gia làm đầu tàu để thu hút các doanh nghiệp trong công nghiệp phụ trợ. Mặt khác, Việt Nam cũng cần xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích thành phần tư nhân tham gia đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giao thông.
- Xây dựng một cơ quan đầu mối tập hợp các chương trình hỗ trợ kinh doanh của Chính phủ để doanh nghiệp và những người làm kinh doanh dễ dàng tiếp cận. Cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành và triển khai có hiệu quả Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) theo tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động nguồn lực xã hội để cùng với Nhà nước hỗ trợ phát triển DNNVV.
5.4. Các khuyến nghị đối với các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp
- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và nâng cao năng lực về hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh các dịch vụ hỗ trợ phát triển thị trường để nâng cao khả năng cạnh tranh của từng doanh nghiệp để có thể tham gia được vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
- Chủ động và tích cực tham gia vào việc góp ý xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến kinh doanh cũng như cải thiện môi trường kinh doanh. Xây dựng một mạng lưới xã hội các dịch vụ tư vấn, cố vấn để hỗ trợ cho các hoạt động khởi nghiệp và kinh doanh. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các doanh nhân trẻ và doanh nhân nữ.
- Tận dụng công nghệ kỹ thuật số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới. Tích cực thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp trong doanh nghiệp thông qua khuyến khích đổi mới sáng tạo của các nhân viên, tăng cường đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu ứng dụng.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
1Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025”. Định nghĩa doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST trên đây là kế thừa khái niệm khởi nghiệp của các loại hình “emerging high-growth companies”, “early-stage innovative companies”, “entrepreneurs” hay “startups” trong các văn bản chính sách và các nghiên cứu trên thế giới.
2Đề án Hành trình khởi nghiệp. IDG Ventures.
3Một toà nhà gần INSEAD, trường đại học kinh doanh hàng đầu, Trường Đại học Quốc gia Singapore và các khu vực nghiên cứu và phát triển sáng tạo được Chính phủ bảo trợ như Fusionoplis and Biopolis, nơi có hàng trăm doanh nghiệp khởi nghiệp đang tập trung.
4Tuyển chọn các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 17/3/2017, http://khoahocvacongnghevietnam.com.vn/khcn-trung-uong/15001-tuyen-chon-cac-to-chuc-ho-tro-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao.html
5Hỗ trợ khởi nghiệp thông qua Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam, 16/12/2014.
6Trung ương Đoàn TNCS HCM, Chương trình Thanh niên Khởi nghiệp giai đoạn 2016-2021, 16/10/2016, http://vcci.com.vn
7Chương trình TechFest 2016, 21/11/2016, http://vcci.com.vn
8http://www.baomoi.com 21/9/2016, Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN, Hội thảo quốc tế “Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - bài học thực tiễn từ Israel”
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Báo cáo Chỉ số Khởi nghiệp ở Việt Nam 2017/2018, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI.
- Blank, S. (2010), What’s A Startup? First Principles. https://steveblank.com/2010/01/25/whats-a-startup-first-principles/.
- Global Entrepreneurship Monitor - GEM 2017/18 Global Report.
- Learned, K.E. (1992). What Happened Before the Organization? A Model of Organization Formation. Entrepreneurship Theory and Practice, 16, 39-48.
- Mason, C. & Brown, R (2014). Entrepreneurial Ecosystems. OECD, The Hague.
- World Economic Forum (2013). Entrepreneurial Ecosystems.
7.Shapero, A. (1981). Self-renewing econonomies. Economic Development Commentary, 5(Apr), 19-22.
CURRENT SITUATION OF THE ENTREPRENEURIAL INNOVATION IN VIETNAM: DIFFICULTIES AND SOLUTIONS
MBA. DUONG NGOC HONG
School of International Business - Marketing
University of Economics Ho Chi Minh City
ABSTRACT:
The entrepreneurial innovation has become one of the most concerned topics in many countries in recent years. In Vietnam, the entrepreneurial innovation has been identified as the core factor to create the success of enterprises. However, the indicators for the entrepreneurial innovation of Vietnam are still behind the indicators of many countries in the region, such as Singapore and Malaysia. In addition, the policy mechanism of Vietnam has not really created a strong promotion for start-up activities. This article focuses not only on analyzing the current status of promoting the entrepreneurial innovation in Vietnam but also identifying the challenges related to the entrepreneurial innovation in Vietnam. This paper also proposes solutions to promote the entrepreneurial innovation in Vietnam.
Keywords: Start-up, innovation, enterprise, economy.