Thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển hoạt động giải trí dân gian trên phố đi bộ của Thành phố Hà Nội

ThS. Lã Minh Quý (NCS Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:
Ở các nước du lịch phát triển, phố đi bộ luôn là điểm đến hấp dẫn với nhiều hoạt động giải trí và luôn được chú trọng phát triển. Việt Nam nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng, phố đi bộ được kỳ vọng sẽ góp phần khắc phục sự hạn chế phụ thuộc vào khai thác sức hấp dẫn của tài nguyên du lịch sẵn có và sự nghèo nàn về dịch vụ và mức độ phục vụ, nhất là dịch vụ vui chơi giải trí. Bài viết nêu thực trạng và đề xuất một số giải pháp phát triển hoạt động giải trí dân gian trên phố đi bộ ở Hà Nội hiện nay.
Từ khóa: Phố đi bộ, hoạt động giải trí dân gian, thành phố Hà Nội.

1. Thực tế về hoạt động giải trí dân gian trên phố đi bộ ở Hà Nội hiện nay
Theo giáo sư Allan B. Jacobs, Đại học California - Berkeley, USA, phố đi bộ hình thành từ hàng nghìn năm trước và Via dei Giubbonari tại Roma, Italia là phố đi bộ lâu đời nhất còn tồn tại đến ngày nay. Ở Việt Nam, tác giả thống kê đến tháng 12/2017, cả nước có 51 tuyến phố đi bộ thuộc 25/63 tỉnh, thành phố. Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước với việc năm 2004 thí điểm phố đi bộ từ Hàng Đào đến chợ Đồng Xuân, năm 2014 thí điểm thêm 6 tuyến phố và đến nay đang thí điểm tổ chức 26 tuyến phố kết nối liên hoàn, thuộc khu vực Phố cổ - Hồ Gươm, tổ chức vào tối thứ 6 và 2 ngày cuối tuần, các ngày nghỉ lễ.
Du khách đến phố đi bộ để thư giãn, ăn uống, mua sắm, giải trí, giao lưu, khám phá, thưởng lãm... Kinh nghiệm cho thấy, để hấp dẫn du khách, phố đi bộ phải có nhiều điểm thu hút khách và nổi bật là các điểm nhấn văn hóa giải trí kết nối hài hòa trên các tuyến phố. Cùng với nhiều hoạt động khác, với không gian trải rộng, phố đi bộ Hà Nội nên tăng cường phát triển không gian văn hóa giải trí dân gian thành điểm nhấn đặc sắc, tạo sự khác biệt hấp dẫn, gắn với đặc trưng ngàn năm văn hiến, thu hút đông người tham dự, dễ dàng tổ chức vào tất cả các giờ trong ngày, phù hợp cho phát triển du lịch.
Khi được hòa mình vào không gian văn hóa giải trí dân gian, du khách trong nước và quốc tế đều rất thích thú, đặc biệt là trò chơi dân gian, vì những hoạt động này tô đậm văn hóa đặc sắc vùng miền, quốc gia, thường gắn với tuổi thơ của mỗi người, nên không gian văn hóa đó giúp tạo sự lắng đọng trong tâm hồn du khách, giúp lưu lại sâu đậm nhất những ấn tượng đẹp của chuyến đi. Nhiều du khách không tham gia chơi mà chỉ ngắm nhìn mọi người say sưa với các hoạt động giải trí dân gian, cũng đem lại những hình ảnh ấn tượng sâu đậm về Hà Nội ngàn năm văn hiến. Khi phố đi bộ Hà Nội tổ chức được những hoạt động giải trí dân gian đa dạng sẽ tránh sự nhàm chán của điệp khúc xưa cũ với du khách là “ăn tối-rối nước-hát văn”.
Hiện nay, từ trước tượng đài Cảm tử đến đoạn đường Đinh Tiên Hoàng giao Trần Nguyên Hãn, du khách thỉnh thoảng hoặc định kỳ được giới thiệu một số hoạt động giải trí dân gian, như trò chơi dân gian, làm đồ chơi gian gian, chơi cờ, chợ quê, múa lân, văn nghệ dân gian...; nổi bật là các trò chơi dân gian được tổ chức thường xuyên hơn, như: ô ăn quan, chuyền, nhảy dây đơn/đôi/móc/song phi, kéo co, cà kheo, cướp cờ, nhảy sạp, bịt mắt bắt dê, mèo đuổi chuột, rồng rắn lên mây, ném lon, đi dép cao su, bắn bi, đẩy gậy, vẽ mặt nạ giấy bồi, nặn tò he, gấp cào cào lá… được người dân và du khách nhiệt tình tham gia, ngắm nhìn, chụp ảnh.
Nòng cốt tổ chức những hoạt động giải trí dân gian, tập trung vào trò chơi dân gian là Câu lạc bộ tình nguyện MyHanoi (Hà Nội của tôi), nhưng hoạt động còn nhiều hạn chế. Trả lời câu hỏi về kinh phí, hiện trạng nhỏ lẻ, thô sơ và cách thức tổ chức, hiệu ứng tham gia, định hướng với du khách…, Chủ tịch Câu lạc bộ MyHanoi Ngô Quý Đức, là người luôn sát sao hàng ngày cho biết: MyHanoi rất mong muốn có sự đầu tư tốt hơn, đặc biệt là có sự kết nối với các công ty du lịch. Vì hoạt động này hiện còn khá manh mún và gặp nhiều khó khăn, do chưa được các cơ quan hữu quan trú trọng nghiên cứu, đầu tư phát triển, chỉ đơn thuần là hoạt động tình nguyện do MyHanoi tự vận hành, nên còn nhỏ lẻ về công tác tổ chức, nghèo nàn, thô sơ về cơ sở vật chất, phải vẽ phấn xuống nền, khách phải ngồi bệt, không có ô che… nên hiệu quả còn hạn chế.
Thời gian đầu triển khai phố đi bộ, MyHanoi được UBND quận Hoàn Kiếm hỗ trợ một phần kinh phí để chuẩn bị dụng cụ, đạo cụ, tạo điều kiện gửi đồ khi kết thúc hoạt động hàng tuần. Nhưng nay, kinh phí hoạt động phải lấy từ quỹ hoạt động của MyHanoi do các thành viên chủ chốt đóng góp, chưa có nguồn nào khác. Để duy trì hoạt động thường xuyên thì cần kinh phí khá lớn cho thay mới, bổ sung dụng cụ sau từ 3 đến 4 tuần, trang bị cơ sở vật chất tốt hơn, hỗ trợ cho các bạn tình nguyện ăn nhẹ, nước uống, đi lại...
Về trang thiết bị, do kinh phí hạn chế và chỗ để đồ hiện tại ở vườn hoa Hàng Trống - 42 Nhà Chung cách nửa vòng hồ, mà MyHanoi chỉ có một xe chở đồ nhỏ. MyHanoi đã đề xuất với Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội hỗ trợ chỗ để đồ (vì không gian MyHanoi tổ chức ngay trước Sở), nhưng không nhận được sự đồng ý, vì vậy chưa thể có thêm các vật dụng khác hỗ trợ người chơi.
Về cách thức triển khai, đội ngũ tham gia gồm người quản lý, người phụ trách chuyên môn, tình nguyện viên quản trò và hướng dẫn. Khung thời gian diễn ra 3 ca sáng-chiều-tối. Các tình nguyện viên đăng ký thời gian rảnh vào các ca để tham gia hoạt động. Mỗi ca sẽ có nhân sự phụ trách điểm danh, phân chia khu vực hoạt động tùy theo vị trí. Tình nguyện viên phần lớn biết tiếng Anh, Pháp, một số biết tiếng Nhật, Hàn, Đức... để hỗ trợ khách quốc tế.
Lượng khách tham gia từng ca không đều, ca sáng, chiều, tối có lượng khách lần lượt khoảng 1.000, 5.000, 10.000 người. Khách đến nhiều từ sau 17h và đông nhất là từ 20h đến 22h. Khách quốc tế chiếm tỉ lệ khoảng 10%, ca nào cũng có và tham gia ca tối nhiều hơn; ca sáng hầu hết là đi lướt qua, ít tham gia vì thời tiết nắng nóng. Trong quá trình hoạt động, chỉ có những nhóm hoặc khách lẻ tự đến, chưa có tour nào liên kết với MyHanoi để tạo thành một mắt xích trong chương trình du lịch.
2. Đề xuất một số giải pháp phát triển hoạt động giải trí dân gian trên phố đi bộ ở Hà Nội
Để tạo dựng và phát triển bền vững, giúp phố đi bộ thành điểm đến có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách khi đến Hà Nội là bài toán khó. UBND Thành phố Hà Nội đã khẳng định, vừa thí điểm vừa rút kinh nghiệm để dần hoàn thiện quy hoạch phố đi bộ nhằm khai thác hiệu quả hơn những giá trị vật thể và phi vật thể trong tổ chức không gian đi bộ; lấy con người làm trung tâm và đặt lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích của một vài người hay một vài nhóm người là chìa khóa của thành công.
Nhằm góp phần hướng đến mục tiêu cốt lõi đó, Hà Nội cần phát triển đúng hướng cho không gian văn hóa giải trí dân gian với những nội dung sau:
Một là, nghiên cứu thị trường, nắm bắt thị hiếu của du khách về hoạt động giải trí dân gian: Cung ứng dịch vụ không thể chỉ nhắm vào dân cư địa phương sẽ gây nhàm chán và sức tiêu dùng hạn chế, mà phải nhắm đến du khách do được bổ sung, làm mới liên tục, sức tiêu dùng không giới hạn, luôn cần được cung ứng nhiều dịch vụ. Dịch vụ giải trí dân gian cũng vậy, cần được nghiên cứu thị hiếu với các hoạt động đặc sắc, phù hợp của Việt Nam và thế giới, cách thức tổ chức sao cho hiệu quả… để có quy hoạch, thiết lập chương trình và đầu tư phù hợp.
Hai là, quy hoạch phố đi bộ với các góc văn hóa liên hoàn và dành không gian hợp lý cho giải trí dân gian: Cần quy hoạch kết nối các điểm nhấn văn hóa giải trí với nhau thành chuỗi liên hoàn, hài hòa, tránh nhàm chán. Từ việc nghiên cứu thị trường, cần mở rộng không gian so với hiện nay và phân khúc các góc giải trí dân gian phù hợp. Thành phố Hà Nội khó khăn hơn các địa phương khác trong phát triển phố đi bộ, do không gian trải rộng, dân cư đông đúc, phố xá chật hẹp, dòng người đến từ nhiều hướng rất phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống gắn liền với các phố nghề..., nên việc quy hoạch cần được nghiên cứu kỹ và thực thi quyết liệt.
Ba là, lựa chọn hoạt động giải trí dân gian, lên chương trình tổ chức phù hợp, có những lễ hội làm điểm nhấn: Hoạt động giải trí dân gian của Việt Nam và thế giới rất đa dạng, nhưng phải lựa chọn phù hợp với du lịch, hấp dẫn du khách, không thể để việc tổ chức nặng về tự phát như hiện nay. Cần phối hợp nghiên cứu thị trường và quy hoạch, lên chương trình phù hợp, sao cho không bị đơn điệu, nhàm chán. Cần nghiên cứu để có những lễ hội kết hợp hay tách riêng thành Fetival văn hóa dân gian, Fetival trò chơi dân gian… vào các kỳ phù hợp trong năm để làm điểm nhấn.
Bốn là, khuyến khích đưa hoạt động giải trí dân gian trên phố đi bộ vào chương trình du lịch: Cần khuyến khích hướng dẫn viên và công ty lữ hành trú trọng giới thiệu, thiết kế chương trình cho khách tham gia các hoạt động giải trí dân gian rất đa dạng, mới lạ, sẽ có sức hút rất lớn. Đa dạng và dễ áp dụng nhất là các trò chơi dân gian cả trong và ngoài nước. Các công ty lữ hành nên đặt hàng với ban tổ chức để có không gian phù hợp cho từng đoàn khách chụp ảnh, cổ vũ, tham gia theo sở thích.
Năm là, tạo nguồn ngân sách cho tổ chức các góc văn hóa giải trí dân gian: Để phát triển phố đi bộ phải có nhiều dịch vụ hấp dẫn, nhưng không thể chỉ phát triển dịch vụ trả phí, mà cần tăng cường dịch vụ miễn phí, làm đa dạng hóa và tạo ra sự lôi cuốn liên tục, du khách sẽ hứng thú và lưu lại lâu hơn, mua nhiều dịch vụ hơn và lan truyền thông tin rộng rãi giúp thu hút nhiều du khách hơn. Phố đi bộ rất cần những không gian văn hóa giải trí dân gian, mà hầu hết là dịch vụ miễn phí, công cộng, làm sinh động cho chương trình du lịch, nên phải có ngân sách để hoạt động. Có thể tạo quỹ từ các nguồn tài trợ, các đơn vị trả phí hợp tác và ngân sách thành phố…
Sáu là, phát huy năng lực của cộng đồng: Cần đẩy mạnh phong trào “người người làm du lịch, nhà nhà làm du lịch”. MyHanoi rất nhiệt tâm và rất cố gắng duy trì hoạt động, nhưng nếu chỉ có MyHanoi phụ trách thì nguồn lực rất hạn chế, khó có hiệu quả cao và bền vững. Việc này Ban quản lý Phố cổ nên trực tiếp phụ trách với sự vào cuộc của các cơ quan hữu quan. Lấy MyHanoi làm điển hình và huy động tổng lực cộng đồng, các tổ chức đoàn, đội, hội sinh viên để phát huy vai trò tình nguyện và có nhiều nhân lực cho các hoạt động; phối hợp với các trường phổ thông, mầm non, nhà văn hóa để đưa các cháu ra giao lưu, sinh hoạt ngoại khóa giải trí dân gian… để tạo cảnh quan hấp dẫn, không khí vui tươi, hấp dẫn du khách.
Bảy là, tăng cường sự phối hợp, hỗ trợ từ các cơ quan chức năng trong tổ chức hoạt động giải trí dân gian: Câu lạc bộ MyHanoi là đơn vị tình nguyện tổ chức miễn phí hoạt động giải trí dân gian, tập trung vào các trò chơi dân gian, nhưng kinh phí phải tự túc và chỗ để đồ quá xa, phương tiện lại không có nên đang gặp rất nhiều khó khăn, khó có thể duy trì lâu dài. Vì vậy, Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội cần nghiên cứu hỗ trợ MyHanoi góc để đồ phù hợp, việc ra vào cổng có thẻ và danh sách thành viên chuyên trách MyHanoi đăng ký trước; các sở ban ngành và chính quyền cần có cơ chế khuyến khích và hỗ trợ tốt hơn nữa.
Tám là, định vị phố đi bộ Hà Nội gắn với góc văn hóa giải trí dân gian trong nội dung quảng bá du lịch: Hà Nội ngàn năm văn hiến có nhiều yếu tố để du khách nhớ tới và một trong số đó là định vị Hà Nội gắn với phố đi bộ và ở đó có góc văn hóa giải trí dân gian hấp dẫn, đặc sắc, góp phần tạo ra sản phẩm du lịch khác biệt, hấp dẫn.
Chín là, có chính sách để phát triển đồng bộ các mảng dịch vụ: Hà Nội nên học hỏi kinh nghiệm trên thế giới để có chính sách gắn kết dịch vụ miễn phí và trả phí thành mạng lưới dịch vụ phong phú và có chính sách để dịch vụ trả phí trích lợi nhuận nuôi dịch vụ miễn phí, ngược lại dịch vụ miễn phí giúp thu hút khách cho dịch vụ trả phí.
Mười là, tuyên truyền, nâng cao nhật thức: Để phố đi bộ trở thành điểm du lịch hấp dẫn, được triển khai lâu dài thì cần cộng đồng hưởng ứng phát triển các hoạt động giải trí dân gian và khắc phục những hạn chế đang hiện hữu về cuộc sống bị xáo trộn, các công ty lữ hành chưa đưa trải nghiệm giải trí dân gian vào chương trình; tình trạng xả rác bừa bãi, bán hàng rong và biến vỉa hè thành quán cóc vẫn khá phổ biến.
Giá trị cốt lõi của phát triển phố đi bộ nói chung và không gian văn hóa giải trí dân gian nói riêng là sự khẳng định diện mạo của Thủ đô ngàn năm văn hiến, một thành phố đáng sống trong niềm tự hào của người dân, trong mắt du khách trong và ngoài nước. Khi mục tiêu này thành công thì hiệu quả về du lịch và văn hóa xã hội sẽ không ngừng nâng cao.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Allan B. Jacobs (2011), The Good City: Reflections and Imaginations, Routledge publisher.
2. Arts Council of England (2004), The Impact of folk festivals on cultural tourism, Arts Council of England.
3. Vũ Ngọc Khánh (2012), Trò chơi dân gian Việt Nam, Nxb Giáo dục Việt Nam.
4. Ngô Đức Thịnh (2005), Văn hóa dân gian trong di sản văn hóa dân tộc, Tạp chí Di sản.
5. Văn bản của UBND các tỉnh, thành phố về việc xây dựng, quản lý, khai thác, phát triển phố đi bộ và một số tài liệu khác có liên quan.

CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS FOR DEVELOPING FOLK ENTERTAINMENT ACTIVITIES ON THE PEDESTRIAN STREETS OF HANOI

MA. La Minh Quy

Post Graduate Student of Thuongmai University

ABSTRACT:

In developed countries, pedestrian streets are always attractive destinations with a lot of leisure activities and they are always paid much attention for the development. Vietnam in general and Hanoi in particular, pedestrian streets help tackle the the dependenency on natural resource and poor services, especially entertainment services.  The article outlines the current situation and proposes some solutions to develop folk entertainment activities in pedestrian streets in Hanoi today.

Keywords: Walking street, folk entertainment, Hanoi.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 5 + 6 tháng 4/2018 tại đây