Thực trạng và kiến nghị về gian lận trong báo cáo tài chính của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam

TS. HÀ THỊ THÚY VÂN (Bộ môn Kế toán tài chính - Khoa Kế toán Kiểm toán, Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán hiện nay, việc gian lận trong công tác lập báo cáo tài chính (BCTC) có số lượng lớn của các công ty niêm yết thị trường chứng khoán cũng ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong 3 năm gần đây. Do đó, bài viết tập trung phân tích các kỹ thuật lập báo cáo tài chính gian lận nhằm giúp cho những người sử dụng BCTC hiểu rõ các mánh khóe của các công ty niêm yết đã trình bày sai lệch các thông tin trong BCTC nhằm trục lợi cho cá nhân và công ty niêm yết.

Từ khóa: Gian lận, lập Báo cáo tài chính gian lận, thị trường chứng khoán, công ty niêm yết.

1. Đặt vấn đề

Báo cáo tài chính dùng để cung cấp thông tin về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh và các luồng tiền của một doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý của chủ doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và nhu cầu hữu ích của những người sử dụng trong việc đưa ra các quyết định kinh tế. Cụ thể, báo cáo tài chính phải cung cấp những thông tin của một doanh nghiệp về tài sản, nợ phải trả, vốn chủ sở hữu, doanh thu, thu nhập khác, chi phí sản xuất kinh doanh, chi phí khác, lãi, lỗ và phân chia kết quả kinh doanh, các luồng tiền.

Ngoài các thông tin này, doanh nghiệp còn phải cung cấp các thông tin khác trong “Bản thuyết minh báo cáo tài chính” nhằm giải trình thêm về các chỉ tiêu đã phản ánh trên các báo cáo tài chính tổng hợp và các chính sách kế toán đã áp dụng để ghi nhận các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập và trình bày báo cáo tài chính.

Theo chuẩn mực kiểm toán quốc tế và Việt Nam số 240, trong lĩnh vực tài chính kế toán, gian lận là những hành vi cố ý làm sai lệch thông tin kinh tế, tài chính do một hay nhiều người trong Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, các nhân viên hoặc bên thứ ba thực hiện làm ảnh hưởng đến BCTC (Hội kiểm toán viên hành nghề, 2013).

Dựa theo các tiêu chí khác nhau, hành vi gian lận trong doanh nghiệp được phân loại theo nhiều cách khác nhau. Xét trên khía cạnh gian lận trong BCTC, theo chuẩn mực kiểm toán Việt Nam và quốc tế số 240, hành vi gian lận thường được phân thành 2 loại biển thủ tài sản và lập báo cáo tài chính gian lận (Hội kiểm toán viên hành nghề, 2013).

Lập báo cáo tài chính gian lận là hành vi làm thay đổi, làm giả mạo các chứng từ kế toán hoặc ghi chép sai; không trình bày hoặc cố ý bỏ sót các thông tin quan trọng trong báo cáo tài chính; cố ý áp dụng sai, không tuân thủ các nguyên tắc kế toán, chuẩn mực kế toán; giấu diếm hoặc bỏ sót không ghi chép các nghiệp vụ phát sinh, ghi các nghiệp vụ không có thật trên báo cáo tài chính để lừa đảo người sử dụng BCTC. (Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam, 2013).

Trên thực tế hiện nay, các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán gian lận trong lập BCTC có số lượng lớn trong 5 năm gần đây phổ biến dưới hình thức “biến hóa” kết quả kinh doanh trong BCTC là nâng doanh thu khống, giảm chi phí nhằm tăng lợi nhuận hoặc tăng vốn “khống” trong khi quy mô tài sản không tăng. Những hành vi gian lận này thể hiện sự thiếu trung thực trong phản ánh thông tin kế toán. Chính vì vậy, tính trung thực và chính xác của BCTC trong các công ty niêm yết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các cổ đông, cũng như các nhà đầu tư.

2. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu: Tác giả chủ yếu sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính trong bài nghiên cứu. Tác giả dựa trên các vụ bê bối gian lận tài chính nổi tiếng trên thế giới và Việt Nam nhằm phân tích và nêu các ví dụ về các kỹ thuật trong lập BCTC, gian lận phổ biến của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán tại Việt Nam và thế giới.

Nguồn dữ liệu: Tác giả chủ yếu sử dụng nguồn dữ liệu thứ cấp như dựa trên các thu thập thông tin qua các sách chuyên khảo của các chuyên gia điều tra gian lận; Báo cáo của các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp; Cơ quan kiểm tra kiểm soát báo cáo tài chính của các công ty niêm yết như Ủy ban Giám sát các công ty đại chúng (PCAOB); Ủy ban Chứng khoán của Việt Nam, Báo cáo kiểm toán của các công ty kiểm toán độc lập tại Việt Nam và thế giới. Bên cạnh đó, sử dụng các nghiên cứu trước đây liên quan đến đề tài nghiên cứu như các số liệu điều tra của Công ty Kiểm toán E&Y, PWC, KPMG trên thế giới và Việt Nam; trang web của các Hiệp hội nghề nghiệp như Hiệp hội Kế toán viên công chứng Hoa kỳ (AICPA), Hiệp hội Kế toán viên công chứng Anh (ACCA), Hiệp hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA),…

3. Thực trạng các thủ thuật gian lận trong lập báo cáo tài chính của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán trên thế giới và Việt Nam

Với mục đích làm “đẹp” BCTC nhằm thu hút đầu tư của các cổ đông trên thị trường chứng khoán, các công ty niêm yết thường sử dụng các kỹ thuật gian lận trong lập BCTC như khai tăng doanh thu, khai giảm chi phí/bỏ sót công nợ, ghi nhận sai niên độ kế toán, đánh giá sai giá trị tài sản, không công bố đầy đủ thông tin trên BCTC. (COSO 1999; COSO 2010; ACFE, 2014).

3.1. Khai tăng doanh thu

* Giả mạo doanh thu: Là ghi nhận doanh thu không thực tế phát sinh vào sổ sách kế toán. Giả mạo doanh thu là hình thức phổ biến trong lập BCTC gian lận. Các hình thức giả mạo doanh thu như thực hiện giao dịch với khách hàng giả mạo hoặc lập hóa đơn giả mạo đối với các khách hàng có thật nhưng thực tế hàng hóa, dịch vụ không chuyển giao. Sang đầu năm sau, doanh thu được ghi đảo để che giấu hành vi gian lận này.

* Ghi nhận tăng doanh thu không ước tính kế toán: Kỹ thuật gian lận này thường được thực hiện các hợp đồng dài hạn để ước lượng khối lượng công việc hoàn thành để ghi nhận doanh thu. Ví dụ, hợp đồng xây dựng dài hạn có 2 phương pháp ghi nhận doanh thu. Thứ nhất là ghi nhận doanh thu khi hợp đồng xây dựng đã hoàn thành bàn giao và thứ hai là dựa vào tỷ lệ % tiến độ thực hiện hợp đồng. Phương pháp hợp đồng hoàn thành bàn giao là không ghi nhận doanh thu cho đến khi dự án hoàn thành 100%. Chi phí xây dựng xác định khi dự án hoàn thành. Phương pháp xác định dựa theo tỷ lệ % tiến độ hoàn thành ghi nhận doanh thu và chi phí theo phương pháp đo lường dự án đã thực hiện, nhưng phương pháp này thường dễ bị lạm dụng thực hiện gian lận. Ước lượng tỷ lệ % hoàn thành công việc phụ thuộc các ước tính của nhà quản lý dựa trên kinh nghiệm và thực tế tiến độ hoàn thành công việc. Nhà quản lý gian lận tỷ lệ % hoàn thành và ước tính chi phí hoàn thành của dự án xây dựng để ghi nhận doanh thu sớm và che giấu tỷ lệ % vượt mức thực tế hoàn thành của dự án.

3.2. Ghi nhận sai niên độ kế toán

Ghi nhận các nghiệp vụ phát sinh sai niên độ kế toán là việc ghi nhận doanh thu/hoặc chi phí không đúng với thời điểm phát sinh. Hoạch toán doanh thu hoặc chi phí được chuyển từ kỳ trước sang kỳ sau hoặc ngược lại nhằm tăng, hoặc giảm lợi nhuận như mong muốn. Các kỹ thuật gian lận trong lập BCTC liên quan đến việc ghi nhận sai niên độ kế toán như sau:

* Vi phạm nguyên tắc phù hợp trong ghi nhận doanh thu và chi phí:

Theo GAAP, nguyên tắc phù hợp trong kế toán là ghi nhận một khoản doanh thu thì phải ghi nhận một khoản chi phí tương ứng có liên quan đến doanh thu kỳ đó. Tuy nhiên, tại thời điểm cuối năm, nhiều công ty đã ghi nhận doanh thu trước khi thực hiện giao dịch. Doanh thu được ghi nhận ngay sau khi xuất hóa đơn vào thời điểm cuối năm, nhưng hàng chưa được xuất. Sang đầu năm sau, hàng hóa mới được xuất và chi phí tương ứng của giao dịch này được ghi nhận chậm vào đầu năm sau. Kỹ thuật này giúp cho công ty tăng chỉ tiêu lợi nhuận trong năm.

Ví dụ: Công ty xây dựng phản ánh doanh thu phát sinh vào tháng 12/200N nhưng không ghi nhận chi phí phát sinh liên quan tới doanh thu trong năm 200N. Sang tháng 1/200N+1, kế toán ghi nhận khoản chi phí này khiến lợi nhuận gộp trong năm 200N tăng lên tương ứng số tiền doanh thu ghi nhận sớm. Sang năm sau, lợi nhuận gộp giảm tương ứng khoản chi phí được ghi nhận.

* Ghi nhận sớm doanh thu:

Ghi nhận doanh thu sớm là kỹ thuật gian lận liên quan doanh thu, khi các điều kiện ghi nhận doanh thu chưa được thỏa mãn như hàng hóa và dịch vụ chưa được thỏa mãn như hàng hóa và dịch vụ chưa được chuyển giao hoặc khách hàng hoặc chỉ được chuyển giao một phần và khách hàng chưa chấp nhận thanh toán. Ví dụ, Tập đoàn bán lẻ lớn nhất nước Anh, Tesco đã ghi nhận trước các khoản tiền hoa hồng thương mại của nhà cung cấp vào báo cáo tài chính với mục đích thổi phồng lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2014 lên 250 triệu GBP.

Hoặc doanh thu ghi nhận sớm trong trường hợp như các hợp đồng bán hàng có điều khoản kèm theo. Thực tế, các điều khoản của hợp đồng chưa hoàn thành, quyền lợi và rủi ro về quyền sở hữu của hàng hóa chưa được chuyển giao cho bên mua. Ví dụ, trong hợp đồng kinh tế kèm điều khoản như bên mua có thể dùng thử hàng hóa hoặc dịch vụ, nếu khách hàng không hài lòng hàng hóa hoặc dịch vụ có quyền trả lại hàng hóa hoặc dịch vụ đó. Nhiều doanh nghiệp khi xuất hàng hóa hoặc dịch vụ cho khách hàng dùng thử đã tiến hành ghi nhận doanh thu. Hình thức ghi nhận doanh thu này được coi là ghi nhận doanh thu sai thời điểm khi mà các điều khoản hợp đồng trong tương lai chưa được thực hiện.

* Phản ánh chi phí sai thời điểm:

Phản ánh chi phí sai thời điểm là sự điều chỉnh lợi nhuận của doanh nghiệp bởi áp lực đạt được mục tiêu và kế hoạch kinh doanh của công ty. Khoản chi phí phát sinh trong kỳ này nhưng công ty hoãn chưa hoạch toán chuyển sang kỳ sau. Ngoài ra, kỹ thuật phản ánh chi phí sai thời điểm thường thực hiện cùng hành vi gian lận vi phạm vào nguyên tắc phù hợp giữa doanh thu và chi phí.

Nguồn: Well, 2013

3.3. Khai giảm công nợ và chi phí

Che giấu công nợ và chi phí là cách thực hiện hành vi gian lận đối với BCTC để tăng lợi nhuận của công ty. Lợi nhuận trước thuế tăng nếu tổng số tiền chi phí hoặc công nợ không được phản ánh, gian lận này có thể ảnh hưởng trọng yếu tới lợi nhuận công bố. Kỹ thuật này dễ thực hiện hơn so với hành vi nghiệp vụ khai khống nhưng khó phát hiện hơn. Thông thường để che giấu công nợ và chi phí là bỏ sót công nợ/chi phí.

Bỏ sót công nợ/chi phí là hành vi cố tình không hoạch toán nghiệp vụ phát sinh liên quan chi phí/công nợ trên sổ sách kế toán thông qua giấu hoặc hủy các chứng từ liên quan nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Khi đó, lợi nhuận trước thuế sẽ tăng tương ứng với số chi phí hay công nợ che giấu.

Những người thực hiện thủ thuật gian lận về bỏ sót công nợ/chi phí đều tin rằng họ có thể che giấu gian lận trong thởi điểm tương lai. Họ thường lập kế hoạch bù trừ các khoản nợ bị che giấu bằng các khoản thu nhập khác như lợi nhuận từ tăng giá trong tương lai.

3.4. Không công bố đầy đủ thông tin

Theo nguyên tắc kế toán và Luật Chứng khoán, công ty niêm yết phải công bố đầy đủ và chính xác thông tin trong BCTC và thuyết minh BCTC cho các nhà đầu tư giúp nhà đầu tư có những thông tin cần thiết đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn. Thuyết minh BCTC cần trình bày chi tiết các thông tin liên quan hoạt động kinh doanh của công ty để tránh hiểu sai của người sử dụng báo cáo tài chính. Tuy nhiên, nhiều thông tin không được khai báo đầy đủ trong thuyết minh BCTC như nợ tiềm tàng, các sự kiện phát sinh sau ngày khóa sổ, các giao dịch các bên liên quan, những thay đổi chính sách kế toán.

* Các sự kiện phát sinh sau ngày khóa sổ:

Sự kiện phát sinh sau ngày khóa sổ kế toán là những sự kiện có ảnh hưởng đến BCTC đã phát sinh trong khoảng thời gian từ ngày khóa sổ lập BCTC để kiểm toán đến ngày ký báo cáo kiểm toán và những sự kiện được phát hiện sau này ký báo cáo kiểm toán (Bộ Tài chính, 2012).

Các sự kiện phát sinh sau ngày khóa sổ ảnh hưởng trực tiếp tới BCTC phải trình bày trên thuyết minh BCTC như hợp nhất kinh doanh, việc công bố ngừng hoạt động, phát hành thêm cổ phiếu, những khoản nợ liên quan đến ngừng hoạt động, vụ kiện tụng tranh chấp… Các công ty thường che giấu trình bày các phán quyết của tòa án hoặc quyết định liên quan luật pháp làm giảm giá trị tài sản hoặc không hoạch toán các khoản nợ ảnh hưởng tới tính liên tục của hoạt động kinh doanh.

* Thay đổi chính sách kế toán:

Những thay đổi chính sách kế toán có thể trình bày sai lệch các thông tin trong BCTC đối với người sử dụng BCTC bao gồm chính sách ước tính kế toán, thay đổi phương pháp tính giá hàng tồn kho, chính sách ghi nhận chênh lệch tỷ giá, chính sách và thời điểm vốn hóa,… Mỗi chính sách kế toán thay đổi tác động khác nhau tới kết quả của BCTC.

Ví dụ, công ty sử dụng các ước tính kế toán để điều chỉnh trực tiếp tới lợi nhuận trong kỳ. Các thay đổi ước tính kế toán thường liên quan tới lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi, lập dự phòng hàng tồn kho lỗi thời, xác định thời gian sử dụng hữu ích hoặc cách thức sử dụng TSCĐ làm cơ sở tính khấu hao, nghĩa vụ bảo hành và xác định giá trị sản phẩm dở dang,.. Trên thực tế, không có tiêu chuẩn chính xác về giá trị ước tính này, các công ty dựa trên nhận định chủ quan để xây dựng các ước tính kế toán. Trường hợp điển hình trong BCTC của Bông Bạch Tuyết (BBT) năm 2005, Công ty báo lãi 982 triệu đồng năm 2005 (trong khi năm 2004 báo lỗ 2.121 tỷ đồng). Tuy nhiên, trong Báo cáo kiểm toán của Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn (A&C) về BCTC của BBT năm 2005 đưa ra ý kiến kiểm toán có đoạn ngoại trừ BBT đã thay đổi chính sách khấu hao làm giảm chi phí khấu hao so với năm trước 1.253 tỷ đồng.

4. Kết luận và kiến nghị

Qua phân tích các kỹ thuật lập BCTC gian lận với xu hướng “làm đẹp báo cáo tài chính” phổ biến của các công ty niêm yết trên thế giới và Việt Nam, bài viết không chỉ phân tích chuyên sâu từng kỹ thuật gian lận trong lập BCTC, mà hệ thống hóa chúng thành những nhóm các kỹ thuật gian lận có tính phổ biến. Trong thực tế, có thể có những kỹ thuật gian lận nằm ngoài những nhóm nêu trên và chúng tôi tiếp tục nghiên cứu và đề cập trong các công trình nghiên cứu khác.

Thị trường chứng khoán Việt Nam là thị trường mới phát triển, để thị trường phát triển lành mạnh và tạo niềm tin cho công chúng, là kênh huy động vốn thực sự hiệu quả đối với nền kinh tế, các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt các công ty niêm yết phải có những biện pháp cung cấp các thông tin trung thực đối với nhà đầu tư nói riêng, những người sử dụng thông tin trong BCTC nói chung. Nhằm nâng cao tính trung thực và khách quan của thông tin giải trình trong BCTC, tác giả xin đưa ra một số gợi ý đối với cơ quan quản lý nhà nước và công ty niêm yết như sau:

- Các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là Ủy ban chứng khoán cần hoàn thiện khung pháp lý về các biện pháp xử lý đối với các công ty niêm yết thực hiện gian lận trong BCTC như bổ sung và nâng cao các hình phạt về mặt hành chính và hình sự đối với công ty đó.

- Đối với công ty niêm yết: Cần xây dựng hệ thống kiểm soát gian lận trong công ty như thiết kế hệ thống kiểm soát nội bộ hữu hiệu để ngăn ngừa và phát hiện kịp thời đối với hành vi gian lận nói chung, đặc biệt là rủi ro gian lận. Đặc biệt thiết kế môi trường kiểm soát hiệu quả đối với rủi ro gian lận như cơ cấu quản trị kiểm soát của công ty, định kỳ thông báo về rủi ro gian lận có thể xảy ra, xây dựng kỹ năng phòng chống và phát hiện các rủi ro gian lận, thiết kế quy trình báo cáo gian lận tiềm tàng và cần có sự kết hợp giữa các bên để điều tra và đưa ra các giải pháp để đảm bảo gian lận tiềm tàng được phát hiện kịp thời. Bên cạnh đó, nguyên tắc quản trị đối với tính chính trực của ban lãnh đạo luôn đề cao vì phần lớn hành vi lập BCTC gian lận xuất phát từ sự thông đồng giữa ban lãnh đạo cấp cao với các nhân viên trong đơn vị. Đối với nhân viên, công ty luôn nâng cao trách nhiệm của từng cá nhân trong ứng phó với rủi ro gian lận.

- Đối với người sử dụng thông tin trong BCTC của công ty niêm yết: Thông qua việc phân tích các kỹ thuật lập BCTC gian lận phổ biến của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư có được kiến thức về khoản mục trên BCTC dễ bị sai phạm trọng yếu (do gian lận) và xu hướng lập BCTC gian lận. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nên đọc kỹ các kết quả của các báo cáo kiểm toán do các công ty kiểm toán độc lập cung cấp, đặc biệt chú ý các ý kiến kiểm toán ngoại trừ liên quan đến các khoản mục quan trọng như doanh thu, giá vốn, chi phí, khoản phải thu, TSCĐ, hàng tồn kho… Từ đó, nhà đầu tư nhận thức khả năng sai phạm trọng yếu do gian lận có thể xảy ra đối với các khoản mục quan trọng trong BCTC.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Tài chính (2001), Quyết định số 149/2001/QĐ-BTC ngày 31/12/2001 về việc ban hành và công bố 4 chuẩn mực kế toán Việt Nam, đợt 1. Địa chỉ: http: //thuvienphapluat.vn/.

2. Diệp Vũ (2015), Toshiba dính líu bê bối kế toán 1,2 tỷ USD, truy cập ngày 15/11/2015, từ: http://vneconomy.vn/the-gioi/toshiba-dinh-be-boi-ke-toan-12-ty-usd-20150721114556153.htm.

3. Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (2012), Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Quốc tế, Nhà xuất bản Tài chính, Hà Nội.

4. Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (2012), Hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, Nhà xuất bản Tài chính, Hà Nội.

5. Đỗ Sinh (2014), Cơ quan điều tra “sờ gáy” tập đoàn bán lẻ lớn nhất Anh Quốc, truy cập 15/11/2015, từ:http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/tai-chinh-quoc-te/2014 1030/co-quan-dieu-tra-so-gay-tap-doan-ban-le-lon-nhat-anh-quoc 14748.aspx.

6. Giang Thanh (2008), Bông Bạch Tuyết: Mớ bòng bong tài chính, truy cập ngày 2/10/2015, từ: http://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/bong-bach-tuyet-mo- bong-bong-tai-chinh-70080.html.

7. Nguyễn Hoài, 2014. Ngân hàng kêu oan vì … nợ tiềm ẩn, truy cập ngày 1/10/2015. Địa chỉ: http://vneconomy.vn/tai-chinh/ngan-hang-keu-oan-vi-no-tiem-an-20141127120755233.htm.

8. Nguyễn Hoàng, 2014. DVD điêu đứng vì tin xấu, truy cập ngày 1/10/2015, từ: http://vneconomy.vn/chung-khoan/dvd-lai-dieu-dung-vi-tin-xau-20110120114752217.htm.

9. Association of Certified Fraud Examiners (2012), ACFE Report to the Nations on Occupational Fraud and Abuse, Austin, TX: Author, 2012.

10. Association of Certified Fraud Examiners (2014), ACFE Report to the Nations on

Occupational Fraud and Abuse, Austin, TX: Author, 2014.

11. Jone, Michael John (2011), Creative Accounting, Fraud and International Accounting Scandals, Willey Press, England, page 419-423.

12. Sally Wehmeier, 2000, Oxford Advanced Learners Dictionary, Oxford University Press, UK, page 511.

13. Well, Joseph T (2013), Corporate Fraud Handbook: Prevention and Detection, Willey, Hoboken. ISBN 9781118757260

14. Committee of Sponsoring Organization (COSO) (1999), Fraudulent Financial Reporting: 1987-1991-An Analysis of US. Public Companies. Địa chỉ: http://www.coso.org.

15. Committee of Sponsoring Organization (COSO) (2010), Fraudulent Financial Reporting: 1998-2007- An Analysis of US. Public Companies. Địa chỉ: http://www.coso.org.

16. General Accounting Office (2002), Fianancial Statement Restatement: Trend, Market Impacts, Regulatory Responses and Remaining Challenges. Địa chỉ: http://www.gao.gov/new.items/d03138.pdf.

FRAUDS RELATED TO FINANCIAL STATEMENTS

OF LISTED COMPANIES IN VIETNAM: CURRENT

SITUATION AND RECOMMENDATION

Ph.D. HA THI THUY VAN

Department of Financial Accounting, Faculty of Accounting and Auditing

Vietnam Commercial University

ABSTRACT:

Along with the development of the Vietanmese stock market, the number of fraudulent financial statements of listed companies, particularly during the last three years, is increasing. This study is to analyze fundamental methods of preparing financial statements. Therefore, investors could fully understand tactics that are used by listed companies to misrepresent investors.

Keywords: Fraud, fraudulent financial statements, stock market, listed companies.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 04 + 05 tháng 04/2017 tại đây