Thương mại điện tử: Chiến phí

Cuộc chiến thu hút người bán trên các sàn thương mại điện tử mới đang là “chảo lửa”.

Một trong 4 sàn thương mại điện tử có doanh thu tự công bố lớn nhất Việt Nam thu phí, các sàn khác thì không. Điều gì đang xảy ra trong thị trường thương mại điện tử?

Shopee khơi mào

Vào ngày Cá tháng Tư, sàn thương mại điện tử Shopee công bố sẽ bắt đầu thu phí bán hàng trực tuyến cho mỗi đơn hàng thành công, với mức thu từ 1-2%. Ngay lập tức, Tiki.vn, sàn thương mại điện tử nằm trong top 3 về sự phổ biến ở Việt Nam, phản pháo bằng thông điệp miễn phí thanh toán cho các nhà bán hàng trong vòng 2 năm kể từ ngày 5.4. Chính sách giảm thanh toán sẽ áp dụng cho nhóm sàn giao dịch. Thông điệp đúng thời điểm này của Tiki và Shopee nhanh chóng trở thành đề tài bàn cãi. Nhất là khi Cục Thương mại Điện tử (Bộ Công Thương) mới đây dự kiến phải tăng doanh thu của thương mại điện tử ở Việt Nam lên 15 tỉ USD vào năm 2020, so với mức 10 tỉ USD trước đó.

Việc thu phí của Shopee đem lại cảm giác bất lợi cho doanh nghiệp này. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của NCĐT, việc thu phí khó ảnh hưởng đến Shopee nói riêng và thị trường nói chung. Theo ông Hoàng Giang, Giám đốc Điều hành ETop, đơn vị cung cấp nền tảng phân phối theo mô hình Uber, để hiểu rõ hơn cơ cấu chi phí, hãy nhìn vào chi phí kinh doanh của cửa hàng bán lẻ trực tuyến. Thông thường, cửa hàng phải tự quảng cáo bán hàng và tốn chi phí và không ai cam kết hiệu quả. Shopee chỉ tính phí khi bán được hàng. Việc thu phí trên có thể gây ảnh hưởng đến “tâm lý” các cửa hàng nhỏ, doanh thu vài chục đơn hàng/tháng.

 

“Tuy nhiên, nếu so chi phí Shopee tài trợ cho người bán như các chương trình quảng cáo, ngày hội giảm giá, phí giao hàng rẻ thì mức thu như vậy là thấp”, ông Giang nói. Dù việc thu 1-2% không có ý nghĩa với chủ cửa hàng nhưng đem lại khoản tiết kiệm không nhỏ cho Shopee Việt Nam. Chỉ trong vòng 2 năm, Shopee Việt Nam đã cắt chính sách tài trợ vận chuyển giới hạn số lần mỗi tháng. Gần đây nhất, Công ty đã nâng mức giá được tài trợ miễn phí giao hàng đối với đơn hàng có giá trị 150.000 đồng, so với mức 100.000 đồng như trước. Thực tế, trước đây, các sàn như Lazada, Sendo... đều thu phí gian hàng, nhưng khi Shopee gia nhập thị trường và khuyến mãi ồ ạt đã khiến các sàn này buộc phải bỏ chi phí này.

Riêng Tiki từ trước đến nay đi theo mô hình B2C (doanh nghiệp đến người tiêu dùng) chứ không theo mô hình sàn nên chưa bao giờ thu phí gian hàng hay phí thanh toán. Tiki mở thêm chức năng sàn khoảng hơn 1 năm nay và miễn thu phí thanh toán vì gần như các sàn vào thời điểm đó đều miễn phí. Hiện Sendo hay Lazada đều chuyển hình thức thu phí thành các gói quảng cáo nhưng đây là gói không bắt buộc.

Tiki “khiêu khích”

Thật ra đằng sau câu chuyện “có và không phí”, cuộc chiến thu hút người bán trên các sàn thương mại điện tử mới đang là chảo lửa. Theo báo cáo của iPrice Group, tính đến tháng 9.2018, Shopee dẫn đầu về lượng truy cập trung bình hằng tháng trên máy tính và di động (hơn 40 triệu), Tiki bất ngờ vượt qua Lazada đứng thứ 2 với hơn 30 triệu lượt truy cập.

TMDT

Tuy nhiên, không có một báo cáo chính xác về số lượng đơn đặt hàng thông qua các sàn này. Một số nguồn tin không kiểm chứng cho rằng Shopee đang dẫn đầu thị trường với trung bình 250.000 đơn hàng/ngày, kế đến là Lazada với 120.000 đơn hàng/ngày và cuối cùng là Tiki với khoảng 40.000 đơn hàng/ngày.

Tiki đang có bước phát triển rất nhanh và nhiều khả năng sẽ vượt qua Lazada trong năm nay vì đơn vị này vẫn chưa tạo ra nhiều đột biến từ khi được tiếp quản bởi dàn nhân sự cao cấp từ Alibaba hồi tháng 7.2018. Chính vì thế, Tiki gần đây liên tục “khiêu khích” với nhóm chiếu trên để tạo ảnh hưởng truyền thông.

Mục tiêu chủ yếu là thu hút các nhà bán hàng tham gia Tiki, xa hơn là bài toán giảm cước phí vận chuyển. Ông Nguyễn Trần Thi, Giám đốc Điều hành Giao Hàng Nhanh, cho rằng, như các quốc gia khác, vùng ven sẽ là nơi tăng trưởng mới cho thương mại điện tử ở Việt Nam. Rào cản phí giao nhận ngoại thành cao đang dần bị gỡ bỏ bởi sự tham gia của các đơn vị vận chuyển mới. Điển hình là gần đây nhất, J&T, doanh nghiệp có trụ sở ở Hồng Kông, cũng gia nhập thị trường Việt Nam theo kế hoạch tấn công thị trường Đông Nam Á.

2019 là năm đầu tiên giá giao nhận của các công ty vận chuyển liên tục biến động trong thời gian ngắn. “Các sàn có nhiều người bán sẽ dùng lợi thế về quy mô để đàm phán với các nhà vận chuyển về mức cước, nhất là ở các vùng xa”, ông Giang nói. Khi giá thành vận chuyển giảm, sẽ kéo theo chi phí vận hành giảm xuống và nhà bán hàng có thể tận dụng khoản chi phí này để tiếp cận tập khách hàng ở các vùng ven. Đây được xem là bước cạnh tranh tiếp theo của các sàn thương mại điện tử ở Việt Nam.