Tiềm năng phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam và một số hàm ý chính sách

ThS. LÊ TUẤN ANH (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành)

TÓM TẮT:

Bài nghiên cứu trình bày tính cấp thiết của phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam, từ đó phân tích các nền tảng phát triển kinh tế số tại Việt Nam. Trên cơ sở các phân tích chuyên sâu, bài viết cũng đề xuất một số giải pháp hoàn thiện chính sách phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam trong thời gian tới. 

Từ khóa: kinh tế số, cách mạng công nghiệp 4.0, mô hình kinh tế, thương mại điện tử.

1. Tính cấp thiết của phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam

Nền kinh tế số là một trong những chủ đề đang nhận được sự quan tâm lớn của các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà quản lý tại các doanh nghiệp ở Việt Nam. Trên thế giới, kinh tế số đang tăng trưởng rất nhanh, trở thành chìa khóa cho không ít nền kinh tế vươn ra toàn cầu. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, năm 2017, kinh tế số chiếm khoảng 6% GDP, đến năm 2019 đã chiếm tới 25% GDP.Tại Việt Nam, năm 2021, kinh tế số chiếm khoảng 8,2% GDP, với khoảng 163 tỷ USD. Dư địa phát triển của các cấu phần kinh tế số Internet và kinh tế số đang rất lớn. Khơi thông được nguồn lực này sẽ góp phần vào tăng tưởng kinh tế, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Hiện nay, các nhà khoa học đưa ra một định nghĩa chung nhất về nền kinh tế số (hay còn gọi là nền kinh tế Internet hoặc kinh tế mới) là một nền kinh tếdựa trên các công nghệ kỹ thuật số. Theo xu hướng thế giới, nền kinh tế số là bước phát triển tất yếu, phù hợp với xu thế khi nền kinh tế truyền thống đang dần bão hòa và là động lực tăng trưởng dựa trên khai thác tài nguyên và sức lao động của con người cũng dần chìm tắt.

Đặc biệt tại báo cáo "Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019" do Google, Temasek và Bain thực hiện nhấn mạnh những xu hướng nổi bật nhất của ngành Công nghiệp số được ghi nhận trong năm 2019, phân tích tiềm năng hiện tại và tương lai của nền kinh tế số Đông Nam Á tại 6 thị trường lớn nhất bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Số liệu cho thấy, nền kinh tế số của khu vực vừa đạt một cột mốc mới, chạm ngưỡng 100 tỷ USD lần đầu tiên vào năm 2020, tăng 72 tỷ USD so với năm 2019.

Theo Báo cáo e-Conomy SEA 2020, chỉ tính riêng cấu phần kinh tế số Internet/nền tảng năm 2020 đã đạt khoảng 105 tỷ USD (tăng 5% so với năm 2019) và dự kiến đến năm 2025 sẽ đạt 309 tỷ USD. Indonesia là nước có doanh thu kinh tế số Internet/nền tảng cao nhất với 44 tỷ USD năm 2020, tiếp theo là Thái Lan với 18 tỷ USD và Việt Nam với 14 tỷ USD.

Hai đại diện dẫn đầu trong khu vực là Indonesia và Việt Nam có tốc độ tăng trưởng vượt mức 40%/1 năm. Đến năm 2025, nền kinh tế số trong khu vực dự báo sẽ tăng gấp 3 lần, chạm mức 300 tỷ USD, rút ngắn khoảng cách với những thị trường phát triển hơn về tỷ lệ đóng góp vào GDP.

Theo Báo cáo e-Conomy SEA năm 2020, chỉ tính riêng cấu phần kinh tế số Internet/nền tảng, Việt Nam đã đạt 14 tỷ USD, đứng thứ 3 ASEAN, nhưng là nước có tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực này cao nhất với mức tăng 16%. Báo cáo này cũng dự báo đến năm 2025, kinh tế số Internet/nền tảng Việt Nam sẽ đạt mức 52 tỷ USD. Riêng năm 2021, Tổng cục Thống kê ước tính kinh tế số Việt Nam đạt khoảng 163 tỷ USD, chiếm khoảng 8,2% GDP cả nước, trong đó cấu phần kinh tế số ICT/VT đạt 126 tỷ USD, chiếm 5,5% GDP, kinh tế số Internet/nền tảng đạt 14 tỷ USD, chiếm 1% GDP và kinh tế số ngành/lĩnh vực đạt khoảng 23 tỷ USD, chiếm 1,7% GDP.

Nhờ có nền kinh tế số, các ngành nghề kinh doanh ở Việt Nam sôi động hẳn lên, từ thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến trên các trang mạng xã hội (Facebook, instagram), giải trí (Netflix, Pinterest), giao thông vận tải (Uber, Grab, GoViet) đến phân phối, bán buôn và bán lẻ (Lazada, Shopee),... Nền kinh tế số hứa hẹn sẽ là một yếu tố đem lại nhiều cơ hội cho thực hiện quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng hiện đại trong thời gian tới.

2. Những nền tảng phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam

 Việc phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam đang có triển vọng rất tích cực dựa trên một số nền tảng chính như sau:

Thứ nhất: Việt Nam có vị trí địa chính trị - kinh tế rất thuận lợi.

Việt Nam có vị trí địa lý nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á với bờ biển dài, giao thương thuận lợi trong kết nối với các lục địa khác. Việt Nam là thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) với hơn 678 triệu dân, tổng sản phẩm trong nước đạt khoảng 2.480 tỷ USD và kim ngạch thương mại đạt 2.530 tỷ USD vào năm 2021. Theo dự báo, khu vực Đông Nam Á có tiềm năng trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới vào năm 2030. Khu vực AEC hiện đứng thứ 3 toàn cầu về sử dụng internet, đứng thứ 2 thế giới về thu hút đầu tư. Như vậy, Việt Nam nằm tại trung tâm của AEC là một trong những nền tảng thuận lợi cho việc phát triển công nghệ số trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Đông Nam Á hiện cũng là một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng Internet nhanh nhất thế giới và hiện có trên 800 triệu thiết bị di động đang nối mạng. Bên cạnh đó, dân số ASEAN cũng có tỷ lệ người trẻ tuổi ở mức cao so với mặt bằng chung của thế giới với hơn 50% dân số ASEAN dưới 30 tuổi. Cộng đồng ASEAN có tổng dân số hơn 678 triệu người, trong đó tỷ lệ người dân biết chữ là 94% và đồng thời, khoảng 90% số người dưới 30 tuổi tiếp cận được với Internet. Dự báo việc thực hiện một chiến lược phát triển nền KTS hóa đồng bộ trong khu vực có thể giúp tổng GDP của AEC tăng thêm một nghìn tỷ USD trong vòng 10 năm tiếp theo.

Thứ hai: Việt Nam có dân số trẻ và tỷ lệ dân số sử dụng Internet, mạng xã hội rất cao.

Việt Nam hiện nay có quy mô dân số hơn 98 triệu người, có cơ cấu dân số trẻ với độ tuổi trung bình của người dân chỉ là 33,3 tuổi. Năm 2021 ước tính dân cư độ thị đạt hơn 36,57 triệu người chiếm 37,1% tổng dân số của Việt Nam. Do đặc thù của cơ cấu dân số trẻ nên người dân Việt Nam rất quan tâm theo dõi, tiêu dùng, sử dụng các sản phẩm công nghệ mới hoặc thực hiện các giao dịch thông qua các phương tiện mới.

Theo số liệu thống kê từ Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay, Việt Nam có tới khoảng 90% người sử dụng điện thoại thông minh ở khu vực thành thị có thực hiện các hoạt động liên quan đến mua sắm trực tuyến trên điện thoại di động. Theo khảo sát từ Công ty Nielsen Việt Nam, ước tính có khoảng 92% người sử dụng Internet tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội tham gia hoạt động mua sắm trực tuyến, trong đó lứa tuổi từ 21-34 tuổi là đối tượng sử dụng thương mại điện tử nhiều nhất. Đây là những xu hướng tiêu dùng hiện nay, cũng là cơ hội thương mại điện tử nói riêng và kinh tế số phát triển.

Đáng chú ý, Việt Nam có hơn 61,37 triệu người dùng, tương đương tỷ lệ 64% dân số đang sở hữu smartphone nằm trong top 10 quốc gia có lượng người dùng smartphone lớn nhất thế giới.

Năm 2020, tỷ lệ sử dụng smartphone tại Việt Nam đứng thứ 9 với 63,1%, cao hơn Indonesia (58,6%) và Philippines (37,7%). Theo đánh giá, Việt Nam là thị trường kinh tế số có mức tăng trưởng cao và tiềm năng trong khu vực Đông Nam Á. Trong đó, nền kinh tế số Việt Nam đạt tổng giá trị khoảng 14 tỷ USD và dự kiến đạt 52 tỷ vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng bình quân từ nay đến đó là 29%. Trong bối cảnh đại dịch, kinh tế Internet tại Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng của vận tải, thực phẩm, thương mại điện tử và fintech.

Bên cạnh đó, doanh số của các công ty kinh doanh thiết bị kết nối như điện thoại thông minh và máy tính bảng đang có sự tăng trưởng nhanh chóng ở Việt Nam. Số liệu của Nielsen Việt Nam cũng cho thấy các phương tiện truyền thông xã hội đã trở thành một trong những nền tảng chính cho việc thu thập thông tin, giải trí, liên lạc với người thân, bạn bè hoặc các mục đích khác.

Theo số liệu thống kê tính tới tháng 6//2021 của NapoleonCat, tổng số người dùng Facebook tại Việt Nam là gần 76 triệu người, chiếm hơn 70% dân số toàn quốc, tăng 31 triệu người dùng so với năm 2019 và vẫn dẫn đầu danh sách các mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam.

Hình 1: Người dùng Facebook tại Việt Nam

kinh tế số

Nguồn: NapoleonCat.com

Trong đó, độ tuổi phổ biến nhất vẫn là từ 25 - 34 (khoảng 32% tổng số users) và sự chênh lệch về giới tính là không đáng kể (49,9% người dùng nam & 50,1% người dùng là nữ giới).

Với số lượng người dùng trên các mạng xã hội như trên, Việt Nam hiện đang đứng thứ 7 thế giới, sau các nước: Ấn Độ, Mỹ, Indonesia, Brazil, Mexico và Philippines.

Hình 2: Các quốc gia hàng đầu dựa trên quy mô đối tượng Facebook tính đến tháng 4 năm 2021

kinh tế số

Hiện, Việt Nam đang trở thành một trong số những điểm nóng tăng trưởng của thương mại điện tử trên thế giới. Số liệu thống kê của Công ty Nielsen cho thấy thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang có quy mô là 4 tỷ USD (tương đương gần 100.000 tỷ đồng). Việc số lượng người dùng smartphone tăng lên nhanh chóng tại Việt Nam cũng tạo điều kiện tốt cho sự phát triển của thương mại điện tử. Tỷ lệ sử dụng smartphone tại Việt Nam là trên 64%, thậm chí ở các vùng nông thôn cũng lên đến trên 50%. Thống kê của Nielsen cho thấy trung bình mỗi người sử dụng Internet tại Việt Nam đang chi 160 USD/năm cho thương mại điện tử. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng thị trường của thương mại điện tử Việt Nam sẽ lên tới 22% hàng năm và tăng trưởng thương mại điện tử có thể lên đến 30-50%/năm trong thời gian tới. Dự báo trong 5 năm tới, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 10 tỷ USD.

Thứ ba, nền kinh tế Việt Nam đang bước vào một giai đoạn tăng trưởng khởi sắc.

Hiện, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang đạt tốc độ cao. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, với sự điều hành quyết liệt và quyết tâm cao của Chính phủ, Việt Nam đã từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, biểu hiện ở việc tốc độ tăng GDP bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt mức 6,8%, đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5% đến 7% của kế hoạch 5 năm 2016-2020. 

Hình 3: Tốc độ tăng GDP các năm 2011-2020 tại Việt Nam

kinh tế số

Mặc dù năm 2020, kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhưng nền kinh tế vẫn tăng trưởng gần 3%, là một trong ít nước có tăng trưởng dương trong khu vực và trên thế giới. Quy mô nền kinh tế được mở rộng đáng kể, GDP đạt khoảng 262 tỷ USD vào năm 2019, tăng 18 lần so với năm đầu đổi mới, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 2.800 USD/người và thuộc các nước có mức thu nhập trung bình trên thế giới. Chất lượng tăng trưởng được nâng cao, năng suất lao động tăng từ 4,3%/năm giai đoạn 2011 - 2015 lên 5,8%/năm giai đoạn 2016 - 2020, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm 2016 - 2020 đạt khoảng 45,2% (mục tiêu đề ra là 30 đến 35%).

Kinh tế vĩ mô cơ bản được giữ ổn định, các thị trường vận hành thông suốt tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp (DN) tập trung sản xuất, kinh doanh. Tỷ lệ lạm phát dần được kiểm soát từ mức ba chữ số những năm đầu của thời kỳ đổi mới xuống mức mục tiêu 4% trong suốt giai đoạn 2016 - 2020. Các thị trường vốn và tiền tệ có bước phát triển mạnh mẽ, hoạt động thông suốt và dần ổn định hơn. Tín dụng tăng trưởng tốt, là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thị trường ngoại tệ được quản lý linh hoạt, tình trạng đô-la hóa giảm dần qua các năm, quỹ dự trữ ngoại hối tăng cao, niềm tin của người dân vào đồng nội tệ được củng cố vững chắc.

Cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tích cực và phù hợp hơn với mô hình tăng trưởng kinh tế. Nền kinh tế dịch chuyển theo hướng hiện đại, tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ tăng nhanh, trở thành động lực tăng trưởng chính, trong khi tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm xuống.

Tiêu dùng nội địa và đầu tư tiếp tục trở thành hai trụ cột quan trọng của nền kinh tế. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong nước tăng liên tục, riêng giai đoạn 2011 - 2019 tăng trung bình khoảng 12,8%. Vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2011 - 2020 đạt gần 15 triệu tỷ đồng, tăng bình quân 10,6%/năm. Vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ đạt 20,8% tổng đầu tư xã hội, tập trung cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm. Vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng nhanh từ 36% năm 2010 lên 46% năm 2020. Nhiều tập đoàn, DN tư nhân đã tham gia đầu tư, hoàn thành nhiều công trình có ý nghĩa to lớn, nâng cao năng lực cạnh tranh. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh với nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao, đem lại nhiều cơ hội hợp tác sản xuất, kinh doanh và chuyển giao công nghệ cho khu vực kinh tế trong nước.

Thứ tư, sự đồng thuận của Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển kinh tế số.

Trước xu hướng phát triển của khoa học công nghệ trong kỷ nguyên cách mạnh công nghiệp 4.0, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16 về tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiều giải pháp chiến lược quan trọng. Quyết tâm của Chính phủ còn thể hiện ở việc đa số các dịch vụ công hiện nay đã chuyển sang trực tuyến (88%), trong đó hơn 10% đã ở mức độ 3 và 4. Tính đến quý I/2021, đã có 26/30 bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành kết nội liên thông phần mềm quản lý văn bản với Văn phòng Chính phủ, hình thành một hệ thống quản lý văn bản điện tử thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến địa phương, cho phép tự động nhận biết được trạng thái xử lý văn bản giữa các cơ quan. Chính phủ đặt mục tiêu trong năm tới Việt Nam sẽ nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về chỉ số dịch vụ công trực tuyến (OSI).

Nhiều ứng dụng công nghệ số đã mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao hiệu quả quản lý, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, như: khoảng 99% doanh nghiệp kê khai thuế điện tử, khoảng 95% doanh nghiệp nộp thuế điện tử (hơn 1 triệu giao dịch nộp thuế điện tử). Hiện tại, Việt Nam có 100% cơ quan hải quan đã triển khai hải quan điện tử, đã thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và kết nối với các quốc gia trong ASEAN. Cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện hỗ trợ các đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội có thể đăng ký, kê khai trực tuyến. Đến nay, Việt Nam đã cơ bản phủ sóng 4G với trên 4 nghìn trạm phát sóng và hơn 95% dân số được phủ sóng.

Thứ năm, Việt Nam đã có nền tảng kỹ thuật và những bước triển khai nhất định cho phát triển nền KTS.

Sau 20 năm phát triển, Việt Nam đã xây dựng được một hạ tầng hiện đại ngang tầm với nhiều nước trên thế giới. Cụ thể, Việt Nam đã kết nối với nhiều tuyến cáp quang biển quốc tế: AAG, SMW3, IA, APG và AAE-1. Hàng triệu km cáp quang, ADSL kết nối phủ 100% số xã, phường trên địa bàn cả nước với tốc độ kết nối Internet trung bình đạt 9,5 Mbps, xếp hạng 58 trên thế giới. Việt Nam hiện có hơn 400.000 tên miền “.vn”, khẳng định thành tựu phát triển mạnh mẽ của Internet. Theo số liệu thống kê từ tổ chức Internetworldstats, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Sau 20 năm, Việt Nam là quốc gia có hạ tầng viễn thông 2G, 3G, 4G phủ sóng trên cả nước với hệ thống hơn 150.000 trạm BTS. Tỷ lệ người dùng di động đạt hơn 128 triệu thuê bao, trong đó có hơn 36,2 triệu thuê bao băng rộng di động và gần 11 triệu thuê bao Internet.

Trong lĩnh vực quản lý nhà nước, các cơ quan chức năng đã được xây dựng với gần 125.000 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có gần 1.400 dịch vụ công mức độ 4 tại các lĩnh vực như thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh, giáo dục,… Hệ thống chính quyền điện tử và thành phố thông minh đang được xây dựng tại nhiều địa phương. Internet dần trở thành công cụ để kinh doanh và điều hành nền kinh tế. Hạ tầng băng rộng cố định viễn thông đã phủ sóng cả nước, trong đó cáp quang viễn thông đã có mặt tại 97% số xã tại khu vực nông thôn.

Trong giai đoạn vừa qua cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam luôn nỗ lực đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất kinh doanh, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Số doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tăng gần gấp 2 lần, từ 1.800 năm 2020 lên trên 3.000 năm 2021. Cùng với khoảng 40 Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế đã hoạt động tại Việt Nam, các tập đoàn, ngân hàng lớn và các nhà đầu tư tích cực tham gia huy động, sử dụng nguồn lực tài chính lớn cho khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã rất thành công trong các ngành công nghệ thông tin, phần mềm, ứng dụng công nghệ số như FPT, Viettel. Môi trường kinh doanh năng động và nền tảng hạ tầng tốt đã giúp doanh số thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam năm 2021 ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và chiếm 6,5% tổng doanh thu bán lẻ cả nước (theo báo cáo của Bộ Công Thương). Thương mại điện tử bán lẻ với doanh thu đạt 13,7 tỷ USD, chiếm hơn 4,9% tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước năm 2021. Bên cạnh đó, quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến của Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh, năm 2020 ước đạt 820 triệu USD.

3. Một số giải pháp phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam trong thời gian tới

Để thúc đẩy nền KTS phát triển,Việt Nam cần chú trọng một số nội dung sau:

Một là, hoàn thiện chiến lược phát triển, khung khổ pháp lý cho vận hành thị trường các loại hình sản phẩm số tại Việt Nam. Trong đó, trọng tâm là cần tạo lập, duy trì được một môi trường minh bạch, chính sách hỗ trợ phù hợp để phát triển công nghệ số. Việc xây dựng khung khổ chính sách tốt sẽ giúp triển khai, phát triển nền KTS tại Việt Nam trong thời gian tới; góp phần giảm thiểu, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật như kinh doanh qua mạng facebook mà không đóng thuế hoặc doanh nghiệp lợi dụng Internet để cạnh tranh không lành mạnh, giảm giá - phá giá trên thị trường; giúp các đơn vị chủ động khai thác tốt các tiềm năng của nền kinh tế số trong việc kết nối, giảm chi phí nhiều hơn nữa giữa các thành viên tham gia. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần triển khai thực hiện quyết liệt các yêu cầu của Chính phủ điện tử đến toàn hệ thống dịch vụ công, từ đó buộc các đơn vị phải thực hiện theo lộ trình thống nhất và có các chế tài cụ thể nếu không triển khai đúng như cam kết.

Hai là, cần có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc phát triển công nghệ số tại chính đơn vị mình. Các cơ quan chức năng phải đóng vai trò là cầu nối giữa chính sách của Chính phủ và những thành phần tham gia vào thị trường số. Trong đó, các cơ quan chức năng cần có các chương trình hỗ trợ về tư vấn, tài chính (lãi suất) nếu như doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ áp dụng công nghệ số, từ đó các doanh nghiệp nhận thức được lợi ích của việc tham gia nền KTS và sẽ chủ động tham gia vào cuộc chơi. Các cơ quan chức năng cần thành lập cơ quan chuyên trách để quản lý chuyên sâu về hỗ trợ doanh nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ số. Thường xuyên tổ chức hội thảo để chia sẻ cập nhật sản phẩm, công nghệ có liên quan mới nhất của xã hội, các xu thế phát triển trong giai đoạn mới, qua đó góp phần tích cực thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn của KTS tại Việt Nam.

Ba là, đẩy mạnh thực hiện và hướng tới các biện pháp về bảo vệ dữ liệu cá nhân, ứng phó xử lý sự cố, an ninh mạng. Việt Nam cần có các biện pháp tăng cường đối thoại các quốc gia đối tác để hài hòa chính sách, tạo ra một môi trường số chung thống nhất, an toàn và đảm bảo cho sự phát triển bền vững của KTS trong tương lai.

Bốn là, các Chính phủ cần cùng nhau tạo ra một môi trường pháp lý cho thanh toán nhanh chóng, tiện lợi hơn. Các quốc gia đối tác và Việt Nam cần cùng nhau tạo ra một môi trường pháp lý cho thanh toán thông thoáng hơn, an toàn hơn, qua đó hỗ trợ quản lý thu thuế hiệu quả hơn. Ứng dụng một cách sâu rộng, hiệu quả của công nghệ thông tin vào mọi hoạt động của nền kinh tế, góp phần hình thành một nền KTS không biên giới, mang lại giá trị lợi nhuận cao.

Năm là, sớm giải quyết triệt để bài toán thiếu hụt nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghệ thông tin. Đó là các giải pháp phải đồng bộ từ phía Chính phủ, Bộ Ggiáo dục và Đào tạo, hệ thống các trường đào tạo và người học. Cần điều chỉnh lại việc đào tạo trong các trường đại học khi mà có quá nhiều cử nhân khối kinh tế được đào tạo dẫn đến thất nghiệp, trong khi đó lại thiếu vắng các ngành đào tạo về công nghệ trong bối cảnh đang đẩy mạnh thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Không thể có nền KTS khi thiếu hụt nhân lực thực hiện việc số hóa các giao dịch của nền kinh tế này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Thế Lâm (2020), Việt Nam đang ở đâu trong xu thế kinh tế số? Truy cập tại https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/viet-nam-dang-o-dau-trong-xu-the-kinh-te-so-776086.ldo
  2. Ngọc Bích (2021), Việt Nam tiên phong chuyển đổi số: Nỗ lực làm chủ hạ tầng số. Truy cập tại https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-tien-phong-chuyen-doi-so-no-luc-lam-chu-ha-tang-so/694967.vnp
  3. Think Tank Vinasa (2019). Việt Nam thời chuyển đổi số. Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội
  4. Melanie Swan (2018). Blockchain - Khởi nguồn cho một nền kinh tế mới. Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
  5. Giang Lê (2019). 5 năm giá trị nền kinh tế số Việt Nam tăng gấp 4 lần. Truy cập tạihttps://forbesvietnam.com.vn/ tin-cap-nhat/5-nam-gia-tri-nen-kinh-te-soviet-nam-tang-gap-bon-lan-7818.html.
  6. Nguyễn Mạnh Hùng (2021). Kinh nghiệm phát triển kinh tế số ở một số quốc gia và giá trị tham khảo với Việt Nam. Truy cập tại http://hdll.vn/vi/nghien-cuu-trao-doi/kinh-nghiem-phat-trien-kinh-te-so-o-mot-so-quoc-gia-va-gia-tri-tham-khao-voi-viet-nam--%E2%80%8B.html.
  7. Đặng Thị Việt Đức (2020). Kinh tế số - Thực trạng và hướng phát triển tại Việt Nam. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
  8. Tran S. T., Nguyen T. N., Trinh H. Y. & Hajkowicz S. (2019). Tương lai nền kinh tế số Việt Nam - Hướng tới năm 2030 và 2045. Truy cập tại https://static1.squarespace.com/static/6295f2360cd56b026c257790/t/62a374478 ab82501e4dd2252/1654879308986/vietnam+report+viet.pdf
  9. Google, Temasek, Bain & Company. (2020). e-Conomy Southeast Asia 2020. [Online] Availabile at https://www.bain.com/insights/e-conomy-sea-2020/.

THE POTENTIAL OF DEVELOPING

DIGITAL ECONOMY IN VIETNAM

AND SOME POLICY IMPLICATIONS

Master. LE TUAN ANH

Nguyen Tat Thanh University

ABSTRACT:

This study presents the urgency of developing the digital economy in Vietnam, and analyzes the development of digital platforms in Vietnam. Based on these in-depth analyses, this paper proposes some solutions to improve the digital economy development policies of Vietnam in the coming time.

Keywords: digital economy, the Fourth Industrial Revolution (Industry 4.0), economic model, e-commerce.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14, tháng 6 năm 2022]