Phát triển nhân lực ở các ngân hàng thương mại gắn với kinh tế số Việt Nam

ThS. LÊ THỊ KIM NHẠN (Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh) - TS. NGUYỄN HỮU SƠN (Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Cán Bộ TP. Hồ Chí Minh)ThS. LÊ THỊ KIM NHẠN (Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh) - TS. NGUYỄN HỮU SƠN (Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Cán Bộ TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Việt Nam là một trong những quốc gia nhận thức được tầm quan trọng trong việc nắm bắt những cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra nên đã có những ưu tiên phát triển kinh tế số bước đầu bằng việc ban hành những chủ trương, cơ chế và chính sách khuyến khích. Bên cạnh đó, đối diện với những thách thức của đại dịch Covid-19, cùng xu thế số hóa mang lại đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Đặc biệt, sự cạnh trạnh về chất lượng nguồn nhân lực ở các ngân hàng thương mại đáp ứng xu thế ngày càng số hóa các hoạt động dịch vụ, giao dịch. Bài viết trình bày một số vấn đề về phát triển nguồn nhân lực chất lượng ở các ngân hàng thương mại trong điều kiện số hóa nền kinh tế ở Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: phát triển nhân lực, ngân hàng thương mại, kinh tế số.

1. Đặt vấn đề

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm cho thế giới chuyển biến nhanh chóng, tạo ra những bước đột phá trên nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là làn sóng số hóa trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tài chính tín dụng,… Đồng thời, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nền kinh tế nhanh hơn khi hầu hết người tiêu dùng đang có xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt. Những người tiêu dùng này sẽ tiếp tục sử dụng các phương thức thanh toán kỹ thuật số kể cả khi đại dịch kết thúc và duy trì thành thói quen lâu dài trong tương lai sắp tới.

Trong đó, lĩnh vực tài chính - ngân hàng là một trong những lĩnh vực chịu nhiều tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như phát triển mạnh với các ứng dụng công nghệ thông tin. Theo đó, ngành Ngân hàng Việt Nam đã có nhiều biến chuyển trong cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động, quản trị rủi ro cũng như hoạt động cung ứng dịch vụ nhằm thích ứng với thời đại kinh tế số. Quản trị nhân lực cũng không ngoại lệ bởi con người vẫn luôn là yếu tố then chốt quyết định sự thành bại của doanh nghiệp.

Do đó, bài viết trình một số vấn đề về phát triển nguồn nhân lực chất lượng ở các ngân hàng thương mại trong điều kiện số hóa nền kinh tế ở Việt Nam hiện nay.

2. Kinh tế số và vai trò chất lượng nguồn nhân lực ở các ngân hàng thương mại hiện nay

2.1. Khái niệm kinh tế số và nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế số

Kinh tế số được hình thành trước hết phải dựa trên các nền tảng ứng dụng của khoa học, công nghệ về trí tuệ nhân tạo (AI), kết nối internet vạn vật (IoT) và dữ liệu lớn cùng với chuỗi khối (Big Data, Blockchain). Trong đó, các hoạt động kinh tế có sử dụng thông tin số, tri thức số như là yếu tố sản xuất chính.

Theo đó, kinh tế số là một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet. Kinh tế số hiện diện trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế như: công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, logistic, ở lĩnh vực tài chính ngân hàng,... Trong những năm gần đây, đặc biệt là từ khi bùng phát các đợt dịch bệnh Covid-19, kinh tế số Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên các mặt về nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Sự kết nối của mạng Internet đã trở thành một phần thiết yếu của các ngành, các lĩnh vực, trong đó hệ thống dịch vụ và thanh khoản trực tuyến cũng như các giao dịch khác qua ngân hàng điện tử của các ngân hàng thương mại kết nối tới mọi tầng lớp nhân dân. Với tỷ lệ người dùng internet chiếm gần 70% dân số, Việt Nam được đánh giá là một trong hai mươi nước có tỷ lệ tăng trưởng và sử dụng internet nhiều nhất thế giới. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển kinh tế số của Việt Nam trong một tương lai không xa là rất lớn.

Nền kinh tế số chủ yếu sử dụng các thành tựu ở lĩnh vực công nghệ thông tin với dữ liệu đã được mã hóa và số hóa để tạo ra những mô hình kinh doanh mới với giá trị thặng dư siêu ngạch cho nền kinh tế. Đồng thời, kinh tế số cũng đặt ra những thách thức với quản trị nguồn nhân lực đỏi hỏi nhân sự chất lượng cao nhưng thu hẹp về số lượng. Phát triển kinh tế số là lâu dài, quá trình chuyển đổi số trên bình diện quốc gia ở những mức độ khác nhau, mọi lĩnh vực, mọi doanh nghiệp, mọi cá nhân và chính phủ. Ở lĩnh vực tài chính - tín dụng, các ngân hàng thương mại đã góp phần cùng với những doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác đi đầu trong việc sử dụng công nghệ số nhằm gia tăng hiệu quả, hiệu suất và giá trị vượt bậc trong các hoạt động phát triển kinh tế.

Thực tiễn ở thành phố Hồ Chí Minh với tư cách là một trung tâm kinh tế lớn của cả nước, đã có nhiều mô hình kinh tế số rất phát triển, với nhiều ứng dụng có thể cài đặt trên nền tảng các ứng dụng điện thoại thông minh. Qua đó, các ứng dụng công nghệ số này đã giúp cho người sử dụng có thể tiến hành nhiều hoạt động đáp ứng những nhu cầu khác nhau như: gọi xe, giao-nhận hàng, đặt vé máy bay, đặt đồ ăn, thuê phòng lưu trú, thuê gia sư, thuê giúp việc, thuê dịch vụ sửa chữa các thiết bị trong gia đình,… Thậm chí trong tình hình dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến khó lường và phức tạp, người dùng cũng có thể kết nối bác sĩ chăm sóc sức khỏe tại nhà.

Thương mại điện tử đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy người dân sử dụng các ứng dụng giao dịch điện tử không sử dụng tiền mặt từ các ngân hàng thương mại đang ngày càng phổ biến phát triển ở Việt Nam hiện nay. Điều này tạo cơ hội cho các doanh nghiệp kịp thời ứng dụng các công cụ của kinh tế số cũng như quá trình thực hiện Chính phủ điện tử được triển khai nhanh và quyết liệt hơn. Bên cạnh những hậu quả tiêu cực do đại dịch Covid-19, đại dịch cũng góp phần quan trọng không nhỏ vào sự thúc đẩy phát triển kinh tế số đi nhanh hơn về cả hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin và thương mại điện tử. Các giao dịch mua bán hàng hóa online và thanh toán qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh của các ngân hàng thương mại triển khai không dùng tiền mặt đã tăng mạnh trong những đợt dịch bùng phát, từ đó hình thành nên một thói quen mới cho người tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy kinh tế số phát triển. Theo những số liệu được công bố bởi Ngân hàng Nhà nước (theo Vụ Thanh toán) thì những hoạt động giao dịch thương mại điện tử được thể hiện như tại Bảng 1.

Bảng 1. Số liệu giao dịch của hệ thống thanh toán quốc gia(*)

(Tại thời điểm cuối Quý III/2021)

Số liệu giao dịch của hệ thống thanh toán quốc gia

Nguồn: Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước

(*): Hệ thống thanh toán quốc gia là hệ thống thanh toán liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, quản lý, vận hành (Khoản 9, Điều 6, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010).

Kinh tế số với vai trò quan trọng nhất chính là xử lý thông tin và đồng thời cũng là lĩnh vực dễ số hóa nhất. Do đó, sự kết nối giữa các chủ thể và quy trình kinh tế nhờ vào công nghệ internet kết nối vạn vật giúp hệ thống hóa các nguồn lực và xóa bỏ dần tất cả khâu trung gian, cũng như mở rộng sự tiếp cận với các chuỗi giá trị toàn cầu trên các lĩnh vực.

Bất cứ một nền kinh tế nào cũng đòi hỏi cần phải có một lực lượng sản xuất tương ứng với trình độ phát triển của nền kinh tế đó, trong đó yếu tố quan trọng nhất, đóng vai trò quyết định vẫn là nguồn nhân lực vận hành toàn bộ hệ thống. Vì vậy, mỗi một nền kinh tế đòi hỏi cần phải có một lực lượng sản xuất tương ứng về trình độ của nó, đặc biệt là nguồn nhân lực. Tương ứng với nền kinh tế số phải có nguồn nhân lực số để triển khai, tổ chức thực hiện và vận hành. Cho nên, có thể hiểu nguồn nhân lực số là tổng thể số lượng, chất lượng con người với tổng hòa các tiêu chí về trí lực, thể lực và những phẩm chất đạo đức, giá trị tinh thần tạo nên năng lực mà bản thân con người và nền kinh tế số đang và sẽ cần để huy động vào quá trình lao động, sáng tạo. Muốn phát triển nền kinh tế số, tất yếu vẫn phải đứng trên nền tảng tri thức với tư cách là tài nguyên cho sự phát triển thì chất lượng nguồn nhân lực chính là cơ sở quan trọng với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực chiếm lĩnh, thích ứng và vận hành được hệ thống công nghệ. Đồng thời, nguồn nhân lực này phải có khả năng chủ động tiếp cận nắm bắt sự biến đổi của khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong nền kinh tế số với tốc độ nhanh.

Nguồn nhân lực và chất lượng đi liền với nó trong một nền kinh tế số đòi ở những nội dung sau: (1) khả năng thích ứng và làm chủ được các thiết bị công nghệ số và những ứng dụng số hóa đi kèm trong quá trình tương tác các hoạt động của nền kinh tế; (2) tính sáng tạo là yêu cầu và cũng là đòi hỏi bắt buộc phải có của nguồn nhân lực số; (3) tính tổ chức và ý thức kỷ luật cao độ nhằm bảo đảm rằng các hoạt động vận hành luôn được tuân thủ chính xác. Do đó, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng liên tục cho nguồn nhân lực trước những biến chuyển của các thành tựu kỹ thuật, khoa học, công nghệ được ứng dụng trong quá trình sản xuất và kinh doanh trên thị trường.

Cốt lõi của một nền kinh tế bao giờ cũng là lực lượng sản xuất và trình độ phát triển của nó đối với toàn bộ hoạt động sản xuất của nền kinh tế. Đây là mối quan hệ biện chứng giữa chất lượng nguồn nhân lực với toàn bộ nền kinh tế, chúng quy định lẫn nhau, đồng thời cũng là cơ sở có tính quyết định đối với sự phát triển của mỗi đơn vị kinh tế trong toàn bộ đời sống xã hội.

2.2. Vai trò chất lượng nguồn nhân lực của các ngân hàng thương mại trong nền kinh tế số

Trải qua nhiều chặng đường lịch sử phát triển khác nhau, hệ thống ngân hàng Việt Nam đều đặt ra những yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực phải đáp ứng được với những nhu cầu từ thực tiễn phát triển của nền kinh tế nói chung và của lĩnh vực ngân hàng nói riêng. Trong thời gian qua, hệ thống các ngân hàng thương mại trở thành một trong những thành phần chủ đạo trong hệ thống tài chính với sự tăng không ngừng về quy mô cũng như là chất lượng các loại hình dịch vụ sản phẩm cung cấp cho thị trường với hàm lượng công nghệ ngày càng cao,… Các yếu tố này đặt ra các yêu cầu về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo chiến lược phát triển của ngành Ngân hàng đáp ứng xu thế phát triển của nền kinh tế số.

Có hai xu hướng chủ đạo được các nhà lãnh đạo, quản trị và điều hành chú trọng trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và khó lường là ưu tiên số hóa và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng quá trình số hóa đó. Có thể nhận thấy, cùng với quá trình chuyển đổi số của các nền kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ và sôi nổi dưới “lực đẩy” của dịch bệnh, nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao đang trở thành yếu tố được các ngân hàng thương mại được chú trọng hàng đầu. Đặc biệt, khi Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng tham gia vào các định chế tài chính và thị trường rộng khắp của thế giới, việc mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài và tìm đến những nền kinh tế phát triển có sự chuyên nghiệp, công nghệ cao đòi hỏi các doanh nghiệp nói chung và các ngân hàng thương mại nói riêng phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nhất là về đội ngũ nhân lực có trình độ cao về ứng dụng công nghệ thông tin.

Từ đó cho thấy vai trò của chất lượng nguồn nhân lực ở các ngân hàng thương mại trong điều kiện phát triển nền kinh tế số được thể hiện:

Một là, chất lượng nguồn nhân lực là nhân tố quan trọng trực tiếp tham gia vào quá trình chuyển đổi số và phát triển kinh doanh số hóa, là nền tảng định hướng cho toàn bộ các hoạt động của các ngân hàng thương mại;

Hai là, nguồn nhân lực chất lượng cao là chủ thể vận hành hệ thống, điều khiển hạ tầng công nghệ số, thực thi các kế hoạch theo quy trình đã được số hóa;

Ba là, tính sáng tạo của nguồn nhân lực trong quá trình tham gia vào các hoạt động của ngân hàng là cơ sở quan trọng cho các ý tưởng mới, các sáng kiến giúp ngày càng hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, từ đó nâng cao hiệu suất hệ thống, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng thương mại trong quá trình số hóa;

Bốn là, nguồn nhân lực chất lượng cao là cơ sở để từng bước hội tụ và kết tinh những giá trị văn hóa của doanh nghiệp góp phần quan trọng vào việc xây dựng bản sắc thương hiệu, hiện thực hóa tầm nhìn và nâng tầm sứ mệnh phát triển ngân hàng;

Năm là, sự thích ứng cao của nguồn nhân lực chất lượng trong quá trình lao động tiếp cận với sự đổi mới liên tục của công nghệ mới làm gia tăng giá trị và hiệu quả kinh doanh của ngân hàng trước những thách thức của thực tiễn về nhu cầu xã hội đối với nền kinh tế số.

Có thể thấy, cũng giống như ở hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề khác của xã hội, nguồn nhân lực là động lực, là mục tiêu cho sự phát triển trong ngân hàng thương mại.

3. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực của các ngân hàng thương mại trong nền kinh tế số hiện nay

Trong đại dịch vừa qua, các hoạt động kinh doanh số đã phát triển mạnh mẽ, nhiều ngân hàng thương mại đã có sự chuyển mình đáng kể để tham gia vào cuộc cách mạng số. Tuy nhiên, để quá trình chuyển đổi số diễn ra thành công, cần giải quyết các “điểm nghẽn” mà nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong số đó. Kinh tế số dù đã có những động lực thúc đẩy nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện và phát triển. Một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng và nặng nề của chiến lược phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam chính là phải tái cơ cấu hệ thống và thực hiện các giải pháp lâu dài theo định hướng của Chính phủ. Do đó, việc tăng cường phát triển nguồn nhân lực chất lượng trong các ngân hàng cần phải gắn liền với quá trình tái cơ cấu (theo Đề án 1051/TTg) và yêu cầu của chiến lược phát triển ngành Ngân hàng (theo Quyết định số 986/TTg ngày 8/8/2018). Trên cơ sở thực trạng và định hướng chiến lược của Chính phủ, tác giả đề xuất một vài giải pháp nhằm nâng cao chất lượng phát triển nguồn nhân lực của hệ thống ngân hàng, trong đó có hệ thống các ngân hàng thương mại, như sau:

Thứ nhất, trên cơ sở tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại hệ thống ngân hàng đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa việc nâng cao không ngừng năng lực quản trị chiến lược cho nguồn nhân lực quản lý, lãnh đạo và điều hành ngân hàng thương mại. Năng lực quản trị của cán bộ lãnh đạo, quản lý phải đáp ứng kịp thời với những chuyển đổi phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư về khoa học và công nghệ ứng dụng trong mọi lĩnh vực, nhất là chuyển đổi số trong nền kinh tế số.

Thứ hai, bên cạnh việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, cần phải kết hợp với đánh giá hiệu quả chất lượng quản trị rủi ro ở các ngân hàng thông qua việc ứng dụng các thành tựu của công nghệ số nhằm kiểm soát hoạt động ngân hàng trên không gian mạng internet và các nền tảng ứng dụng công nghệ số khác. Muốn vậy, cần phải xây dựng được hệ thống quản trị rủi ro theo các chuẩn mực quốc tế và phù hợp trong điều kiện phát triển nền kinh tế số.

Thứ ba, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên công nghệ số cần gắn liền với những mục tiêu áp dụng, vận hành hệ thống theo các tiêu chuẩn Basel II và Basel III (Ủy ban Basel là ủy ban liên hiệp các cơ quan giám sát nghiệp vụ ngân hàng tại 12 quốc gia công nghiệp lớn được thành lập năm 1975).

Thứ tư, xây dựng hệ thống các chuyên gia có năng lực và tầm nhìn trong việc đánh giá, dự báo và phòng ngừa các rủi ro gắn với đổi mới các phương pháp về tỷ lệ bảo đảm an toàn vốn. Việc này nhằm từng bước chuyển đổi quá trình quản lý theo định hướng về phòng ngừa rủi ro đáp ứng những nguy cơ rủi ro trong nền kinh tế số trên hệ thống thị trường không gian ảo.

Thứ năm, trên cơ sở việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số phát triển nền kinh tế số, cần xây dựng các quy chuẩn mang tính cập nhật thường xuyên và định kỳ nhằm đặt ra các yêu cầu về đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngân hàng thích ứng với việc chuyển đổi số.

Thứ sáu, tập trung cải thiện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực kiểm soát, kiểm toán nội bộ theo hướng tiếp cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế - IPPF gắn với những chuyển đổi số của ngân hàng và kinh tế số.

Thứ bảy, cần tạo ra một sự kết nối chặt chẽ giữa nhà trường với ngân hàng trong việc đào tạo nguồn nhân lực trên cơ sở chiến lược phát triển của ngân hàng gắn với việc “đặt hàng” cụ thể những yêu cầu về nội dung đào tạo cho nhà trường. Ngân hàng cần được tham vấn vào quá trình điều chỉnh, bổ sung và phát triển chương trình đào tạo sinh viên các chuyên ngành thuộc lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Đồng thời là nơi góp phần quan trọng vào việc tạo ra những cơ hội thực hành, thực tập và việc làm cho những sinh viên được đào tạo chất lượng đáp ứng những yêu cầu đặt ra trong tiến trình phát triển hệ thống ngân hàng số hóa.

4. Kết luận

Như vậy, việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng quá trình chuyển đổi số trước xu thế của nền kinh tế số hiện nay không chỉ là cơ hội mà còn là những thách thức đối với công tác quản trị nhân sự ở hệ thống các ngân hàng thương mại. Nguồn nhân lực chất lượng cao ở các ngân hàng thương mại là nhu cầu quan trọng khi Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Nguồn nhân lực không những giỏi chuyên môn mà còn phải có ngoại ngữ tốt, ứng dụng được các tiến bộ khoa học, công nghệ thông tin, công nghệ số, đặc biệt là có thể luân chuyển trong khu vực và trên thế giới khi thị trường lao động ngày càng mở giữa các quốc thông qua các hiệp định mậu dịch tự do thương mại được ký kết. Do đó, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở các ngân hàng thương mại gắn với nền kinh tế số là vô cùng quan trọng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Chính trị (2019), Nghị quyết số 52/NQ-TW, ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
  2. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
  3. Phạm Việt Dũng (2020), Kinh tế số - Cơ hội bứt phá cho Việt Nam. Truy cập tại http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/kinh-te-so---co-hoi-but-phacho-viet-nam.html
  4. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2017). Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thời cơ và thách thức đối với Việt Nam. Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội.
  5. Nguyễn Thị Quế Anh - Vũ Công Giao - Vũ Ngọc Anh - Nguyễn Thị Minh Hà (2019). Chính phủ mở, Chính phủ điện tử và quản trị nhà nước hiện đại. Nxb Hồng Đức, Hà Nội.
  6. Trần Thị Hằng, Nguyễn Thị Minh Hiền (2019). Quản lý nhà nước trong nền kinh tế số. Tạp chí Lý luận chính trị, 6, 15-23.
  7. Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương - Trung tâm thông tin tư liệu (2018). Chuyên đề số 5, Phát triển nền kinh tế số: Kinh nghiệm của Trung Quốc và hàm ý chính sách đối với Việt Nam.
  8. Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương - Trung tâm thông tin tư liệu (2018), Chuyên đề số 4, Phát triển nền kinh tế số nhìn từ kinh nghiệm một số nước châu Á và hàm ý đối với Việt Nam.

HUMAN RESOURCE DEVELOPMENT AT COMMERCIAL

BANKS IN THE CONTEXT OF VIETNAMS DIGITAL ECONOMY

Master. LE THI KIM NHAN1

Ph.D NGUYEN HUU SON2

1Head, Department of Organization - Administration,

Joint Stock Commercial Bank for Investment and Development of Vietnam - Ho Chi Minh City Branch

2Faculty of Party Development, Ho Chi Minh City Cadre Academy

ABSTRACT:

Vietnam is one of the countries that has been well aware of the importance of seizing the opportunities arising by the Fourth Industrial Revolution. Vietnam has prioritized the development of digital economy by issuing guidelines, mechanisms and policies facilitating its growth. However, the COVID-19 pandemic has significantly impacted enterprises and consumers. In the banking sector, there is a competition for qualified workforce among commercial banks when many online banking services are launched. This paper presents several issues about the quality of human resources in commercial banks in the context of Vietnam’s digital economy.

Keywords: human resource development, commercial banking, digital economy.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4, tháng 3 năm 2022]