Từ nửa năm nay, việc chuyển hướng sang kinh doanh nông sản trên các sàn thương mại điện tử đã giúp gia đình Duy và hàng nghìn hộ nông dân nơi đây có hướng đi mới để tiêu thụ nông sản làm ra trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Từ sự nghi ngờ… đến kết quả tuyệt vời
Hộ kinh doanh của Duy là một hàng nghìn hộ kinh doanh tại huyện Hữu Lũng triển khai thực hiện Chương trình phát triển kinh tế số do UBND tỉnh phát động từ giữa tháng 7/2021 với na Chi Lăng là sản phẩm đầu tiên thí điểm. Bán hàng qua kênh thương mại điện tử không phải là hình thức kinh doanh mới đối với các mặt hàng khác nhưng đối với nông sản thì hoàn toàn mới nhất là quả na, một trong những đặc sản nổi tiếng của tỉnh Lạng Sơn. Thay vì bán trực tiếp ngoài chợ thì giờ đây người dân trồng na có thể ngồi tại nhà cũng có thể bán được hàng.
Duy hào hứng chia sẻ: “Khi giới thiệu hình thức bán hàng này thì nhiều khách hàng rất bất ngờ và nghi ngờ sự thành công của cách làm mới vì na là loại quả chín nhanh, có thể nói là chín theo giờ nhưng thực tế cho thấy khi áp dụng hình thức bán hàng này, kết quả rất tuyệt vời!”.
Ngay khi UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức ra quân triển khai phát triển kinh tế số mà trọng tâm là mở các cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử hỗ trợ nông dân trên địa bàn tỉnh tiêu thụ nông sản, Duy đã trực tiếp tìm hiểu để triển khai. Ngày 19/7/2021 Duy mở cửa hàng số trên Sàn thương mại điện tử Voso của Viettel Post và Sàn đặc sản Việt Nam (Postmart) của Bưu điện Việt Nam với sự hướng dẫn của các nhân viên 2 đơn vị vận chuyển.
Sau khi mở được cửa hàng số, trong 2 ngày tiếp theo Duy đã có những đơn hàng đầu tiên được đóng gói vận chuyển đi, thời gian vận chuyển hàng đến tay khách hàng rất nhanh. Vì là hàng nông sản, các đơn vị vận chuyển rất cẩn thận và sắp xếp xe vận chuyển riêng biệt, không để chung với các mặt hàng khác nên hàng đến tay khách hàng đảm bảo mẫu mã và chất lượng như mua trực tiếp, khách hàng rất hài lòng.
Lâu nay, na Lạng Sơn vốn đã được người tiêu dùng khắp nơi ưa chuộng vì độ thơm ngon đặc trưng. Với sự hài lòng của khách hàng và sự tận tâm, nhiệt tình của hộ kinh doanh cùng sự hợp tác nhịp nhàng của đơn vị vận chuyển, doanh số bán na trên 2 sàn Voso và Postmark của gia đình Duy tăng lên trông thấy từng ngày, từ 10-20 đơn/ngày rồi lên 50-70 đơn/ngày, có ngày bán được 100 đơn hàng (hơn 500kg na).
Tính đến hết vụ na, cửa hàng số của Duy trên 2 sàn thương mại điện tử đã đạt mốc hơn 800 đơn hàng, mỗi đơn hàng từ 5kg - 10kg, giá bán na từ 35.000đ/kg đến 60.000đ/kg tùy loại. Ngoài ra các thương lái còn liên hệ trực tiếp để mua hàng với số lượng lớn. Ước tính, vụ na năm nay gia đình đã bán được hơn 5 tấn na qua hình thức bán hàng mới này.
“Để có được doanh số như vậy, cả gia đình đã lao động tích cực không ngừng nghỉ, liên tục trả lời tin nhắn, tư vấn để khách hàng chọn được sản phẩm ưng ý nhất, đúng với nhu cầu và khi nhận được na, khách hàng đều rất hài lòng”, Duy chia sẻ.
Khi niềm vui được lan tỏa
Nhận thấy hiệu quả của Chương trình phát triển kinh tế số, cửa hàng số của tỉnh và việc bán na trên 2 sàn thương mại điện tử Voso và Sàn đặc sản Việt Nam (Postmark) mang lại kinh tế cao cho gia đình mình, Quách Dương Duy mong muốn những người trồng na như mình cũng được hưởng thành quả này. Nghĩ là làm, Duy đã trực tiếp hướng dẫn cho bà con hàng xóm và bạn bè cùng trang lứa trong xã tiến hành mở cửa hàng số trên 2 sàn thương mại điện tử để cùng nhau quảng bá sản phẩm na Chi Lăng, đặc sản trái cây nổi tiếng của tỉnh Lạng Sơn đến với anh chị em, bạn bè và khách hàng mọi miền Tổ quốc.
“Những cửa hàng số của bạn bè, hàng xóm sau khi được hướng dẫn mở đều có đơn hàng ngay và giờ đều là những “đầu tàu” của xã. Có những cửa hàng bán được 50-70 đơn hàng/ngày, mang lại doanh số cao hơn nhiều so với hình thức bán hàng truyền thống trước đây nên mọi người rất hào hứng”, lời chia sẻ như ánh lên niềm vui khi thành công được lan tỏa.
Theo Duy, để thành công trong mô hình bán hàng mới này, trước hết sản phẩm phải đảm bảo chất lượng. Các hộ kinh doanh, cụ thể là các nhân viên tiếp nhận đơn hàng phải nhiệt tình tư vấn và chăm sóc khách hàng. Bên cạnh đó, việc đóng gói hàng phải cẩn thận, việc vận chuyển phải thật nhanh để tránh tình trạng sản phẩm bị hư hỏng, không đáp ứng yêu cầu của khách hàng, thậm chí còn làm mất uy tín của cửa hàng số.
Với sự nhiệt tình và kết quả tích cực bước đầu, mới đây Quách Dương Duy đã được đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn tặng Bằng khen trong công tác phát triển kinh tế số trên địa bàn.
Trò chuyện với Duy, tôi cảm nhận rõ hơn về người nông dân thời 4.0: có sự chăm chỉ, cần mẫn của người nông dân nhưng cũng có sự nhanh nhạy, đam mê làm giàu của thanh niên thời nay. Khi chia tay, Duy còn đon đả: “Hiện tại em đang có na trái vụ ăn rất ngon, chị và cơ quan nếu có nhu cầu mua ăn hoặc làm quà Tết thì ủng hộ em nhé!”.
Xuân Nhâm Dần 2022 đã về với mọi miền Tổ quốc và một “mùa xuân” mới - hướng đi mới trong tiêu thụ nông sản an toàn và bền vững cũng đang đến với những người dân nơi đây.
Tỉnh Lạng Sơn đã bước đầu thu được những kết quả tích cực từ “số hóa” tiêu thụ nông sản. Việc thay đổi tư duy, phương thức, quy trình tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa của cách làm truyền thống bằng phát triển cửa hàng số cho hộ gia đình trên các nền tảng số như: langson.postmart.vn, langson.voso.vn giúp kết nối người bán và người mua theo phương thức mới, tiết kiệm chi phí và mang lại giá trị cao.
Tính đến tháng 12/2021, toàn tỉnh đã phát triển được 109.550 cửa hàng số cho hộ gia đình và 89.817 tài khoản thanh toán điện tử; thành lập được 1.561 Tổ công nghệ cộng đồng với 5.647 thành viên (gồm trưởng thôn bản, khối phố, đoàn thanh niên, đảm bảo mỗi thôn bản, khối phố có tối thiểu 02 nhân sự đủ khả năng tiếp nhận việc tập huấn, chuyển giao các bước cài đặt, hướng dẫn sử dụng), phát triển lực lượng “đầu tàu” 6.019 hộ gia đình là các hộ gia đình có hàng hóa, nông sản được bán nhiều trên các sàn thương mại điện tử.
Có thể nói, việc Lạng Sơn ứng dụng chuyển đổi số để tiêu thụ nông sản không chỉ tạo ra phương thức kinh doanh mới, hiện đại mà còn mở ra hướng đi mới bền vững cho thị trường hàng hóa địa phương.