Tín dụng vi mô và mức sống của hộ gia đình: Trường hợp tại các hộ vùng nông thôn Việt Nam

ThS. PHẠM TIẾN THÀNH (Giảng viên Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Nghiên cứu sinh Khoa Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm mục đích đánh giá tác động của tín dụng vi mô lên mức số của hộ gia đình. Nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ Bộ dữ liệu điều tra tiếp cận nguồn lực hộ gia đình nông thôn Việt Nam năm 2012 và 2014 và phương pháp so sánh điểm xu hướng kết hợp khác biệt kép (PSM-DID) để thực hiện việc đánh giá tác động. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tín dụng vi mô cải thiện tổng doanh thu, chi tiêu cho thực phẩm công nghiệp và tích lũy tài sản phục vụ sản xuất. Từ đó, tác giả gợi ý một số chính sách nhằm nâng cao hiệu quả của chương trình tín dụng vi mô.

Từ khóa: Tín dụng vi mô, mức sống, đánh giá tác động, PSM-DID, VARHS.

1. Đặt vấn đề

Vấn đề cải thiện mức sống cho người dân ở vùng nông thôn được là xem là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ và toàn xã hội. Chính phủ đã thực hiện triển khai nhiều chương trình nhằm mục đích hỗ trợ cho người dân ở nông thôn. Người nông dân, nhất là người nghèo, thường bị hạn chế về tài chính, từ đó bị cản trở trong việc thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh tạo thu nhập. Để giúp người nông dân cải thiện mức sống, chính phủ, ngân hàng và các tổ chức tài chính đã áp dụng nhiều chương trình tín dụng, bao gồm chương trình tín dụng vi mô (TDVM). TDVM được định nghĩa là “chương trình cung cấp các khoản vay nhỏ cho người nghèo giúp họ có thể tạo ra thu nhập để cải thiện mức sống”.

TDVM đã được áp dụng ở nhiều quốc gia và được rất nhiều tác giả nghiên cứu. Các kết quả từ thực tiễn áp dụng và các kết luận từ các nghiên cứu đưa ra cũng rất khác nhau. Một số nghiên cứu cho rằng, TDVM cải thiện phúc lợi, tăng thu nhập, tiêu dùng hoặc lợi nhuận từ các hoạt động tự kinh doanh, từ góp phần giảm nghèo (Yunus, 2009; Lensink và Pham, 2011). Takahashi và cộng sự (2010)cho rằng, TDVM không có tác dụng làm giảm nghèo ngay lập tức. Phan và cộng sự (2014) kết luận rằng, TDVM làm tăng tiêu dùng chứ không làm tăng thu nhập.

Từ các nghiên cứu thực nghiệm nêu trên cho thấy, tác động của chương trình TDVM lên mức sống của hộ gia đình vẫn còn là một vấn đề đang được tranh luận. Nghiên cứu này nhằm mục đích đánh giá tác động của chương trình TDVM lên mức sống cua hộ gia đình ở vùng nông thôn, được thể hiện qua nhiều tiêu chí khác nhau như doanh thu, thu nhập, tiêu dùng thực phẩm và tích lũy tài sản. Từ đó, hàm ý các chính sách nhằm nâng cao hiệu quả của các chương trình TDVM, để từ đó có thể cải thiện mức sống của người nông dân.

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Mô hình nghiên cứu

Nghiên cứu này sử dụng phương pháp so sánh điểm xu hướng kết hợp với khác biệt trong khác biệt (PSM-DID) để đánh giác tác động của TDVM lên mức sống của các hộ gia đình ở vùng nông thôn Việt Nam. Ở bước thứ nhất, mô hình probit được sử dụng nhằm mục đích ước lượng khả năng tiếp cận vốn, và từ đó tính toán ra điểm xu hướng. Điểm xu hướng phản ánh đặc điểm của các hộ và được sử dụng để so sánh ghép cặp giữa các hộ vay TDVM (nhóm can thiệp) và không vay (nhóm so sánh, nhóm đối chứng). Dựa vào điểm xu hướng được ước lượng, bước tiếp theo sẽ xem xét và loại bỏ các quan sát có điểm xu hướng quá cao hoặc quá thấp, nghĩa là các quan sát này có đặc điểm quá khác biệt so với các quan sát khác, nên không thể tìm ra được hộ có đặc điểm tương đồng. Bước này cũng đồng thời kiểm định thuộc tính cân bằng để cho thấy rằng, giữa hai nhóm nhóm không khác nhau về các đặc điểm khác, ngoại trừ việc một nhóm có vay vốn và không vay vốn một nhóm không vay. Bước cuối cùng kết hợp khác biệt trong khác biệt với so sánh điểm xu hướng để tính toán tác động của TDVM. Nghiên cứu sử dụng phần mềm Stata và phương pháp tính toán dự trên nghiên cứu của Rosenbaum và Rubin (1983). Dehejia và Wahba (2002), Khandker và cộng sự (2010), Villa (2016).

2.2. Lựa chọn biến phân tích

Do đặc điểm của phương pháp nên các biến được sử dụng gồm ba nhóm.

Thứ nhất, biến TDVM là biến giả (1=Có vay TDVM; 0=Trường hợp khác). Trong nghiên cứu này, TDVM được định nghĩa là khoản vay từ nguồn chính thức, giá trị khoản vay dưới 100 triệu (dựa trên nghiên cứu của Khoi và cộng sự, 2013) và được sử dụng để sản xuất kinh doanh.

Thứ hai, các biến đặc điểm của hộ được sử dụng để tính toán điểm xu hướng trong mô hình probit. Dựa trên nghiên cứu thực nghiệm (Duong và Izumida, 2002; Khoi và cộng sự, 2013), nghiên cứu này lựa chọn ra các đặc điểm của hộ gồm: có vay TDVM ở thời điểm gốc, có vay từ nguồn khác ở hai thời điểm, học vấn, tuổi, tình trạng hôn nhân, giới tính và dân tộc của chủ hộ, tình trạng nghèo, tiết kiệm, đất nông nghiệp, đất ở, tổng diện tích, số người trong hộ, tỷ lệ phụ thuộc, số lao động hiện hữu trong gia đình (nông nghiệp, làm thuê, tự kinh doanh), khoảng cách từ nhà đến đường chính, vốn xã hội, xã trọng điểm quốc gia về xóa đói giảm nghèo, chợ xã và các biến vùng miền (Đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long).

Thứ ba, các biến kết quả được sử dụng gồm tổng doanh thu nhập (từ sản xuất nông nghiệp, tự sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp và khai thác tài nguyên thiên nhiên), tổng thu nhập (tổng doanh thu trừ đi các chi phí sản xuất trung gian), giá trị tài sản lâu bền gồm tài sản phục vụ sản xuất (máy chế biến thức ăn gia súc, máy sát gạo, dụng cụ phun thuốc trừ sâu, v.v…) và tài sản dùng đề tiêu dùng (điện thoại, tủ lạnh, truyền hình, máy giặt, v.v…), và chi tiêu cho thực phẩm gồm nông sản (thịt, tôm, cá, rau quả, v.v…) và thực phẩmcông nghiệp đã qua chế biến (sữa, bánh kẹo, bia, ăn tiệm, v.v…).

3. Dữ liệu nghiên cứu

3.1. Nguồn dữ liệu

Nghiên cứu này sử dụng dữ liệu từ Điều tra tiếp cậnnguồn lựchộ gia đình nông thôn Việt Nam (VARHS) năm 2012 và 2014. Cuộc khảo sát này thu thập thông tin của các nông hộ ở 47 xã thuộc 12 tỉnh trong cả nước, gồm Hà Tây, Lào Cai, Phú Thọ, Lai Châu, Điện Biên, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Long An. 12 tỉnh này có thể đại diện cho 7 vùng kinh tế xã hội ở Việt Nam. VARHS là một cuộc điều tra trên phạm vi lớn và có tính đại diện cho cả nước. VARHS được thực hiện khảo sát hai năm một lần. VARHS cung cấp thông tin đầy đủ và bao quát về đặc điểm của các hộ gia đình tại khu vực nông thôn Việt Nam, gồm thực trạng kinh tế, việc tiếp cận và sử dụng các nguồn lực, các đặc điểm về cơ sở hạ tầng của địa phương, v.v…

Cuộc khảo sát năm 2012 tiến hành điều tra 3703 hộ. Cuộc khảo sát năm 2014 điều tra lại 3644 hộ, do một số hộ di cư khỏi địa bàn cư trú hoặc do một số vùng không còn thuộc nông thôn. Để có được một bộ dữ liệu bảng cân đối với đầy đủ thông tin ở cả hai kỳ khảo sát, một số hộ bị loại ra khỏi mẫu nghiên cứu do thiếu các thông tin. Mẫu sau cùng được sử dụng để nghiên cứu gồm 3544 hộ (7088 quan sát ở cả hai kỳ).

3.2. Tình hình vay vốn

Bảng 1 thống kê về tình hình vay vốn. Bảng cho thấy 572 hộ vay ở năm 2012 và 313 hộ vay ở năm 2014. Trong khi đó, 922 hộ vay ở năm 2012 và 974 hộ vay ở năm 2014. Kết quả thống kê còn cho thấy một số hộ tiếp cận được cả hai nguồn vốn trong hai kỳ khảo sát. Do đặc điểm của phương pháp, nên các hộ có vay từ chương trình TDVM ở năm 2014 sẽ được xem là nhóm can thiệp (nhóm vay vốn), và nhóm hộ còn lại sẽ được sử dụng để so sánh (nhóm đối chứng). Vì thế, số hộ thuộc nhóm can thiệp là 313 hộ (616 quan sát ở cả hai kỳ) và số hộ thuộc nhóm đối chứng là 3231 hộ (6462 quan sát ở cả hai kỳ).

4. Kết quả và diễn giải phân tích kết quả

Bảng 2 cho thấy 296 quan sát nằm ngoài vùng hỗ trợ chung (2 quan sát thuộc nhóm vay TDVM và 294 quan sát thuộc nhóm không vay) và 6792 quan sát nằm trong vùng hỗ trợ chung (624 quan sát thuộc nhóm vay TDVM và 6168 quan sát thuộc nhóm không vay). Kiểm định thuộc tính cân bằng được thỏa mãn. Điều này cho thấy không có sự khác biệt giữa hai nhóm hộ xét về các đặc điểm quan sát được, ngoại trừ việc một nhóm có vay TDVM và một nhóm không vay.

Bảng 3 thể hiện kết quả từ hai mô hình, gồm: Mô hình 1 chỉ bao gồm các hộ thuộc hai nhóm nằm trong vùng hỗ trợ chung; và Mô hình 2 bao gồm tất cả các hộ, bao gồm cả các hộ năm ngoài vùng hỗ trợ chung. Kết quả cho thấy, TDVM làm tăng tổng doanh thu của nông hộ. Tuy nhiên, chưa đủ cơ sở để kết luận rằng dụng vi mô cải thiện tổng thu nhập của hộ. Kết quả cho thấy, TDVM làm tăng thu nhập, nhưng tác động này không có ý nghĩa thống kê. Nguyên nhân dẫn đến điều này trước hết là do các nông hộ chưa có sự kết hợp hiệu quả giữa đầu vào và đầu ra để tạo ra lợi nhuận. Lý do thứ hai là đôi khi các hộ sử dụng vốn vay cho các hoạt động đầu tư mới, từ đó các chi phí khởi đầu cũng khá cao. Đồng thời, một số hoạt động sản xuất kinh doanh cần phải mất một thời gian mới có thể thu hồi lại vốn. Bên cạnh đó, chi phí giao dịch trong quá trình vay và việc trả nợ cũng được tính vào một phần của chi phí sản xuất kinh doanh. Vì những lý do trên, mặc dù TDVM thực sự cải thiện doanh thu của người nông dân nhưng vẫn chưa có đủ bằng chứng để kết luận rằng TDVM góp phần cải thiện thu nhập.

Bảng 3. Tác động của tín dụng vi mô

Mặc dù TDVM chưa cải thiện thu nhập, tuy nhiên làm tăng tổng doanh thu. Các hộ gia đình có thể trích một phần các khoản doanh thu tăng này cho việc tiêu dùng các sản phẩm thiết yếu, chẳng hạn như thực phẩm, y tế. Phần tiếp theo sẽ phân tích vai trò của TDVM trong việc cải thiện mức chi tiêu cho thực phẩm. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, TDVM làm tăng chi tiêu cho thực phẩm. Cụ thể là, TDVM góp phần cải thiện chi tiêu cho thực phẩm công nghiệp. Tuy nhiên, chưa đủ cơ sở để kết luận rằng TDVM làm tăng tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp. Thông thường ở vùng nông thôn, các hộ có thể tự cung tự cấp các sản phẩm nông nghiệp (thịt, rau, trái cây, v.v…). Đồng thời, người nông dân cũng thường trao đổi nông sản của họ để đổi lấy nông sản của người khác hoặc tiêu dùng nông sản dưới dạng vật biếu tặng. Điều này có thể lý giải tại sao khi có tiền (từ việc tiết kiệm, vay mượn, hay sản xuất kinh doanh) thì các hộ thường không chi tiêu cho nông sản. Do đó, thông thường khi có tiền, nông hộ sẽ chi tiêu cho các thực phẩm công nghiệp mà họ không thể tự sản xuất được (sữa hộp, bia, bánh kẹo, đi ăn tiệm).

Kết quả cũng cho thấy, TDVM làm tăng việc tích lũy tài sản dùng để sản xuất. Chưa đủ cơ sở để cho rằng TDVM làm tăng việc tích lũy tài sản tiêu dùng thông thường. Điều này cho thấy, các hộ vay TDVM đã sử dụng khoản vay đúng mục đích, nghĩa là sử dụng khoản vay để đầu tư cho các hoạt động sản xuất kinh doanh tạo thu nhập.

5. Kết luận

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá tác động của chương trình TDVM lên mức sống của hộ gia đình. Nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ cuộc khảo sát các nông hộ trong cả nước và phương pháp PSM-DID để đánh giá tác động. Các tiêu chí được sử dụng để phản ánh mức sống gồm doanh thu, thu nhập, tiêu dùng thực phẩm và tích luỹ tài sản cố định. Kết quả nghiên cứu cho thấy, TDVM làm tăng tổng doanh thu, tiêu dùng cho thực phẩm công nghiệp và tài sản lâu bền phục vụ sản xuất. Trong khi đó, chưa đủ cơ sở để kết luận TDVM cải thiện thu nhập, tiêu dùng thực phẩm nông nghiệp và tích lũ y tài sản tiêu dùng.

Một trong những mục tiêu chính của TDVM là cải thiện thu nhập, tuy nhiên kết quả cho thấy TDVM chỉ làm tăng doanh thu. Điều này có thể là do người nông dân chưa sử dụng vốn vay một cách hiệu quả; hoặc do các chi phí đầu tư ban đầu quá cao. Do đó, bên cạnh tín dụng, cần phải có các chính sách hỗ trợ để người nông dân có thể nâng cao hiệu quả của việc sử dụng đồng vốn và giảm thiểu các khoản chi phí đầu tư ban đầu.

Thứ nhất, người nông dân, đặc biệt là người nghèo thường thiếu các kỹ năng và kiến thức trong các hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi thiếu các kỹ năng và kiến thức, người nông dân thường sử dụng đồng vốn kém hiệu quả hoặc đôi khi sử dụng sai mục đích. Do đó, bên cạnh tín dụng, cần kết hợp các chương trình tập tập huấn về sản xuất nông nghiệp cũng như tự kinh doanh.

Thứ hai, cần đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trong địa phương, từ đó giúp người nông dân có thể phát huy được hiệu quả của các hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc giảm thiểu được các chi phí (bao gồm cả chi phí giao dịch trong quá trình vay vốn).

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Dehejia, R. H., & Wahba, S. (2002). Propensity score-matching methods for nonexperimental causal studies.Review of Economics and statistics,84(1), 151-161.

2. Duong, P. B., & Izumida, Y. (2002). Rural development finance in Vietnam: A microeconometric analysis of household surveys.World Development,30(2), 319-335.

3. Khandker, S. R. (2010). Handboook on Impact Evaluation – Quantitative Method and Practice. The World Bank, Development Economics.

4. Khoi, P. D., Gan, C., Nartea, G. V., & Cohen, D. A. (2013). Formal and informal rural credit in the Mekong River Delta of Vietnam: Interaction and accessibility.Journal of Asian Economics,26, 1-13.

5. Lensink, R. and Pham, T. T. T. (2012). The impact of microcredit on self-employment profits in Vietnam. Economics of Transition, 20,73–111.

6. Phan Dinh Khoi, Gan, C., Nartea, G. V. & Cohen, D. A. (2014). The impact of microcredit on rural households in the Mekong River Delta of Vietnam. Journal of the Asia Pacific Economy, 19(4), 558-578.

7. Rosenbaum, P. R. & Rubin, D. B. (1983). The Central Role of the Propensity Score in Observational Studies for Causal Effects. Biometrika, 70, 41-55.

8. Takahashi, K., Higashikata, T., & Tsukada, K. (2010). The Short#Term Poverty Impact of Small#Scale, Collateral Free Microcredit in Indonesia: A Matching Estimator Approach.The Developing Economies,48(1), 128-155.

9. Villa, J.M., 2016. diff: Simplifying the estimation of difference-in-differences treatment effects. Stata Journal, 16, 52-71.

10. Yunus, M. (2003).Banker to the poor: The story of the Grameen Bank. Aurum Press Limited.

MICROCREDIT AND HOUSEHOLDS WELFARE:

THE CASE OF RURAL VIETNAM

MA. PHAM TIEN THANH

Lecturer, Faculty of Business Administration - Ton Duc Thang University

Post graduate student - University of Economics, Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

This research is conducted to investigate the impact of microcredit on households welfare. This research applies data from the Vietnam Access to Resources Household Surveys (VARHS) and Propensity Score Matching with Difference-and-Difference (PSM-DID) to evaluate this impact. The results find that microcredit significantly enhance the total revenue, expenditure for industrial food and accummulation of productive assets. Henceforth, some policies are implied to improve the effectiveness of microcredit programs.

Keywords: Microcredit, living standard, impact evaluation, PSM-DID, VARHS.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 06 tháng 05/2017 tại đây