TÓM TẮT:
Bài viết nghiên cứu về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2023 và đề xuất các giải pháp cho tăng trưởng kinh tế năm 2024. Khép lại năm 2023, kinh tế Việt Nam có xu hướng phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực đạt được mục tiêu đề ra và tiếp tục là điểm sáng về kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Tuy vậy, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp vẫn gặp nhiều thách thức, nhất là thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính. Điều này gây ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế năm 2024. Theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, mục tiêu tăng trưởng GDP của năm 2024 được xác định là từ 6 - 6,5%, một mục tiêu đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao, do đó cần phải có các giải pháp cấp bách để đạt mục tiêu phát triển nền kinh tế trong nước từ nay đến hết năm.
Từ khóa: kinh tế, tăng trưởng, GDP, doanh nghiệp.
1. Đặt vấn đề
Năm 2023, kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế thế giới. Các động lực của nền kinh tế chưa phát huy được hiệu quả như những năm trước, đặc biệt trong giai đoạn nửa đầu năm. Xu hướng tích cực hơn trong những tháng cuối năm đã giúp tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 đạt 5,05% và là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới... Trong đó, khu vực nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ cho nền kinh tế với tăng trưởng đạt 3,83%; khu vực thương mại tăng trưởng 6,82% với một số ngành dịch vụ tăng trưởng ổn định, trong khi khu vực công nghiệp, xây dựng gặp nhiều khó khăn với mức tăng trưởng chỉ đạt 3,74%... Tuy vậy, trong năm 2023, kinh tế Việt Nam cũng phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức và hạn chế. Trong số 15 chỉ tiêu đã được thông qua, có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu kế hoạch, bằng số chỉ tiêu đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. Mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 chỉ đạt 5,05%, thấp hơn mục tiêu đề ra.
Năm 2024 đề ra với 15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KTXH) chủ yếu. Cụ thể, tốc độ tăng GDP từ 6 - 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1% - 24,2%; tốc độ tăng CPI bình quân 4 - 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8% - 5,3%; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 26,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 69%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị đạt dưới 4%... Việt Nam bước vào thực hiện kế hoạch năm 2024 với cả cơ hội và khó khăn, thách thức. Bên cạnh việc xử lý các tác động, thách thức từ bối cảnh quốc tế, Việt Nam cũng phải nỗ lực xử lý, tháo gỡ những vấn đề tồn đọng, tích tụ từ nhiều năm trong nền kinh tế..., đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm các cân đối lớn và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
2. Phục hồi kinh tế Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới
2.1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP)
Quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD, tăng 5,05% so với năm 2022, cao hơn năm 2020 và năm 2021. GDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284,5 USD, tăng 160 USD so với năm 2022. (Hình 1)
Hình 1: Tăng trưởng GDP từ năm 2018 - 2023 (%)
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2023 ước tính tăng 6,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn quý IV các năm 2012-2013 và 2020-2022 với xu hướng tích cực, quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 3,41%, quý II tăng 4,25%, quý III tăng 5,47%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,13%, đóng góp 7,51% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,35%, đóng góp 42,58%; khu vực dịch vụ tăng 7,29%, đóng góp 49,91%. Mặc dù GDP năm 2023 chỉ tăng 5.05% so với năm trước, nhưng đây là mức tăng trưởng cao so với khu vực và trên thế giới. (Hình 2)
Hình 2: Tăng trưởng kinh tế thế giới theo các nguồn dự báo
Nguồn: EU, OECD, IMF, Fitch Ratings và WB
Mức tăng trưởng GDP của Việt Nam đã tăng 5,05% trong năm 2023 thể hiện sự nỗ lực rất lớn chủ động, linh hoạt, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cùng với sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Với sự đồng thuận chung nên đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, nhờ đó kinh tế Việt Nam vẫn đạt được kết quả khả quan, mức tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước.
Cụ thể trong cơ cấu GDP năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng 11,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,12%; khu vực dịch vụ chiếm 42,54%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,38% (cơ cấu tương ứng của năm 2022 là 11,96%; 38,17%; 41,32%; 8,55%). Các hoạt động thương mại, du lịch duy trì đà tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ năm 2023 tăng 6,82% so với năm trước, cao hơn mức tăng 2,01% và 1,75% của các năm 2020-2021. (Hình 3)
Hình 3: Cơ cấu GDP năm 2023
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau: ngành Bán buôn và bán lẻ tăng 8,82% so với năm trước, đóng góp 0,86 điểm phần trăm; ngành Vận tải, kho bãi tăng 9,18%, đóng góp 0,55 điểm phần trăm; ngành Tài chính, Ngân hàng và Bảo hiểm tăng 6,24%, đóng góp 0,37 điểm phần trăm; ngành Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 12,24%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm.
Kết quả đó cho thấy, Việt Nam đã ứng phó và vượt qua khó khăn, thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, lạm phát trên toàn cầu. Có được kết quả này là nhờ chính sách điều hành linh hoạt, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Cùng với chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa đã thực hiện nới lỏng, có trọng tâm, trọng điểm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và giúp tăng trưởng kinh tế không bị tác động quá mạnh. Theo đó, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, cũng như các loại thu ngân sách nhà nước. Từ năm 2021 đến nay, đã miễn giảm 530.000 tỷ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện 80% hồ sơ hoàn thuế được phân loại theo hướng hoàn trước, kiểm sau hoàn thiện thủ tục trong vòng 6 ngày, kể từ ngày hoàn thiện hồ sơ của doanh nghiệp. Tăng chi gần 800.000 tỷ đồng trong năm 2023 để kích cầu, bổ sung 65.000 tỷ đồng tăng thu ngân sách trung ương 2022 cho các công trình đầu tư.
2.2. Những khó khăn ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu năm 2024
Trước những kết quả đạt được nêu trên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với những vấn đề lớn nhất còn tồn đọng từ năm 2023, đó chính là những khó khăn về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính khiến doanh nghiệp phải đối mặt.
Điều này được minh chứng đầu tiên thông qua hoạt động xuất nhập khẩu năm 2023 không đạt được như kỳ vọng. Tính chung cả năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 683 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 4,4%; nhập khẩu giảm 8,9%. Bên cạnh đó, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lạm phát, mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, nhiều nền kinh tế lớn phải duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt; nhu cầu hàng hóa thế giới và một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, Trung Quốc EU, ASEAN, Nhật Bản sụt giảm; thương mại và đầu tư toàn cầu tiếp tục thu hẹp; hàng rào bảo hộ, phòng vệ thương mại gia tăng đã khiến nhiều quốc gia tăng trưởng chậm lại. Năm 2024, hoạt động xuất, nhập khẩu đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, nhiều nước có các biện pháp đưa đầu tư về trong nước, dựng nên các rào cản thương mại để bảo vệ, thúc đẩy sản xuất trong nước. Nhìn vào những thay đổi của thị trường, việc chuyển đổi sang sản xuất xanh hóa không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc, là mệnh lệnh của thị trường. Bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng, xanh hóa và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh mà các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… yêu cầu ở các nhà cung cấp. Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam muốn tồn tại phải vượt qua bài toán ‘xanh’ trong hoạt động sản xuất, với nhiều tiêu chí như xử lý đạt tiêu chuẩn chất thải phát sinh, sản xuất tiết kiệm năng lượng, giải pháp tái chế chất thải.
3. Một số giải pháp khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế năm 2024
Các giải pháp được đề xuất nhằm khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế năm 2024, đó là tập trung vào hoạt động xuất nhập khẩu và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể:
Để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu trong năm 2024, Bộ Công Thương cần đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định; Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA; Tiếp tục chú trọng công tác phòng vệ thương mại; Tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và xúc tiến xuất khẩu đối với các thị trường trọng điểm… Trong đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả các Đề án lớn về phòng vệ thương mại để tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu. Đồng thời, tập trung triển khai kịp thời, thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án 1335 “Thúc đẩy công tác đề nghị Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường trong các vụ việc phòng vệ thương mại”, góp phần tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của nước ta sang thị trường Hoa Kỳ. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định.
Để tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng thì cần sự nỗ lực từ ngân hàng và các cơ quan quản lý. Các ngân hàng cần chủ động kết nối với doanh nghiệp, khách hàng truyền thống để tháo gỡ khó khăn với tinh thần “doanh nghiệp sống sót, ngân hàng mới sống sót”. Các ngân hàng nỗ lực để tiếp tục giảm lãi suất huy động, tiến tới giảm mặt bằng lãi suất cho vay; hướng tín dụng vào những lĩnh vực có khả năng tiếp cận vốn, các lĩnh vực ưu tiên để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh… Về phía cơ quan quản lý cần thực hiện chỉ đạo về giảm lãi suất đầu vào; giải quyết các vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý các dự án bất động sản để triển khai giải ngân; hỗ trợ các ngành du lịch, dịch vụ, năng lượng tái tạo,… tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn rủi ro hệ thống, trục lợi chính sách;… Đồng thời, tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ để kích cầu tiêu dùng nội địa; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là ưu tiên cho các dự án trọng điểm; chấn chỉnh các nhà thầu yếu kém;…
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. EU (2023), “Báo cáo Dự báo kinh tế mùa hè 2023”, https://economy-finance.ec.europa.eu/system/files/2023-09/ip255_en.pdf
2. OECD (2023), “Báo cáo Triển vọng kinh tế sơ bộ: Đối mặt với lạm phát và tăng trưởng thấp”, https://www.oecd.org/economic-outlook/september-2023
3. IMF (2023), “Báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế thế giới: Khả năng phục hồi trong ngắn hạn, những thách thức dai dẳng”, https://www.imf.org/en/Publications/WEO/Issues/2023/07/10/world-economic-outlook-update-july-2023
4. Tổng cục Thống kê (2023), Báo cáo Tình hình kinh tế trong nước quý IV năm 2023.
5. Ngân hàng Nhà nước (2023), Báo cáo kết quả tại Hội nghị Giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Vietnam’s economy in 2023 and solutions for economic growth in 2024
Master. Phung Thi Hien
University of Economics - Technology for Industries,
Abstract:
This paper analyzed Vietnam’s economy in 2023 and proposed solutions for the country’s economic growth in 2024. Since the end of 2023, Vietnam's economy has recovered with stable macroeconomic conditions, inflation, and major balances. The country has achieved many important results in all fields. Vietnam is also considered an economic bright spot in the region and the world. However, many enterprises still face challenges, especially in terms of market access, cash flow, and administrative procedures. These challenges are affecting the implementation of economic development goals in 2024. The National Assembly's resolution on the socio-economic development plan for 2024 sets a target of 6.0-6.5 percent growth in GDP. To achieve this goal, it requires high effort, determination, and urgent solutions.
Keywords: economy, growth, GDP, businesses.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 11 tháng 5 năm 2024]