Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ theo quy định của Bộ luật hình sự 2015

TRẦN XUÂN DŨNG (Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam)

TÓM TẮT: Bài viết phân tích các yếu tố cấu thành của tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ theo quy định của Bộ luật hình sự 2015. Từ đó chỉ ra những bất cập trong quy định của điều luật và những vướng mắc trong thực tiễn xét xử loại tội này, đồng thời đề ra các giải pháp khắc phục.

Từ khóa: Giết, vứt bỏ, con mới đẻ, Bộ luật Hình sự.

1. Đặt vấn đề

Con cái được xem như chất kết dính tình cảm của mỗi gia đình. Mỗi trẻ em sinh ra không chỉ được hưởng những tình cảm đặc biệt từ phía bố, mẹ, các thành vên trong gia đình, mà còn được pháp luật bảo vệ và ghi nhận những quyền riêng biệt dành cho trẻ em. Tuy nhiên, không phải tất cả những em bé sinh ra đều được sống trong vòng tay yêu thương của bố mẹ, vẫn còn những trường hợp do ảnh hưởng của tư tưởng lạc hậu hoặc do những hoàn cảnh khách quan khác mà người mẹ lại có hành vi “vứt bỏ” hoặc “giết” chính đứa con của mình sinh ra. Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS 2015) nhằm mục đích bảo vệ quyền của trẻ em đối với chính người mẹ của mình. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những vướng mắc, bất cập khi áp dụng điều luật này. Bài viết dưới đây sẽ phân tích quy định của pháp luật về loại tội này, chỉ ra những bất cập và hướng hoàn thiện.

2. Cấu thành tội phạm của tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ

Điều 124 BLHS 2015 quy định về Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ:
“1. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”

2.1. Khách thể của tội phạm

Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ xâm phạm tới một trong những khách thể quan trọng bậc nhất được pháp luật Hình sự bảo vệ, đó là quyền sống của con người. Ngoài ra, tội phạm còn xâm phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, đó là tình “mẫu tử”, xâm phạm Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã phê chuẩn tham gia. Tại Điều 6 Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị của con người năm 1966 ghi nhận: “Mọi người đều có quyền cố hữu là được sống. Quyền này phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước đoạt mạng sống một cách tùy tiện.” Trẻ em là đối tượng cần phải được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt và quyền trẻ em không chỉ được quy định trong pháp luật quốc gia mà còn cả trong pháp luật quốc tế.

Tại Điều 6 của Công ước Liên Hợp quốc về quyền trẻ em quy định: “Các quốc gia thành viên thừa nhận rằng mọi trẻ em đều có quyền vốn có là được sống”“các quốc gia thành viên phải bảo đảm đến mức tối đa có thể được sự sống và phát triển của trẻ em”. Ở Việt Nam, vấn đề quyền trẻ em được quy định trong một đạo luật riêng đó là Luật Trẻ em năm 2016. Như vậy, dù là pháp luật quốc tế hay pháp luật quốc gia, vấn đề về bảo vệ quyền trẻ em luôn được các nhà lập pháp quan tâm, đặt lên hàng đầu.

2.2. Mặt khách quan của tội phạm

Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ có cấu thành tội phạm vật chất. Hành vi giết con mới đẻ được thể hiện dưới dạng không hành động phạm tội, thể hiện bằng các hành vi như bóp cổ, đánh, thả từ trên xuống, dìm xuống nước,... Mặt khác, các hành vi này còn biểu hiện dưới dạng không hành động như người mẹ của đứa trẻ không cho con mình bú sữa vì nguyên nhân nào đó; đứa bé ốm mà không cho đứa bé uống thuốc dẫn đến đứa trẻ chết.

Hành vi vứt bỏ con mới đẻ dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết được biểu hiện dưới dạng hành động như vứt bỏ con mình ở một nơi nào đó như ngoài nghĩa trang, cổng trường học, cổng bệnh viện, cổng nhà thờ, nhà chùa,... Đây là trường hợp người mẹ có thái độ tuy không mong muốn đứa trẻ chết nhưng để mặc cho hậu quả xảy ra.[1] Ở dạng hành vi này, tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ bắt buộc phải có hậu quả xảy ra là đứa trẻ bị chết, có thể vì những nguyên nhân khác nhau như bị đói, rét hoặc côn trùng cắn,...

Về hậu quả thiệt hại, tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ là tội phạm có cấu thành vật chất nên việc xác định hậu quả của tội phạm có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc định tội. Theo đó, nếu chỉ có hành vi mà hậu quả của hành vi đó chưa xảy ra thì có nghĩa là mức độ nguy hiểm của hành vi đó chưa cao. Khi hậu quả xảy ra là đứa trẻ chết thì được coi là tội phạm hoàn thành. Trường hợp còn lại, nếu người mẹ chỉ có hành vi giết nhưng hậu quả chết người chưa xảy ra thì được coi là phạm tội chưa đạt. Đối với hành vi vứt bỏ con mới đẻ dẫn đến đứa trẻ chết thì bắt buộc phải có hậu quả là đứa trẻ chết thì mới cấu thành tội phạm, còn trường hợp người mẹ chỉ có hành vi vứt bỏ đứa trẻ nhưng đứa trẻ không chết thì hành vi đó không cấu thành tội phạm.

2.3. Chủ thể của tội phạm

Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ là tội phạm có chủ thể đặc biệt. Chủ thể của tội phạm này ngoài việc thỏa mãn các dấu hiệu chung đó là phải có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật thì cần phải có những dấu hiệu đặc biệt khác theo quy định của điều luật. Điều 124 BLHS 2015 đã dùng thuật ngữ là “người mẹ nào”. Như vậy, có thể thấy ngoài người mẹ của nạn nhân ra, không ai có thể là chủ thể của tội phạm này, mặc dù trong thực tế có thể có những người cha cũng có hành vi giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ dẫn đến đứa trẻ chết nhưng người cha lại không được coi là chủ thể của của tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ.

Có những trường hợp người mẹ bị chết ngay sau khi đẻ, người cha lại là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, hoàn cảnh khó khăn không có khả năng nuôi con nên đã bế con của mình vào rừng để hy vọng có ai đi rừng mang về nuôi, nhưng kết quả là đứa bé không có ai mang về nuôi dẫn đến đứa trẻ chết. Trong trường hợp này, nếu không truy cứu trách nhiệm hình sự người cha với tội giết người, mà là giết người dưới 16 tuổi theo khoản 1 Điều 123 sẽ là không phù hợp với thực tế cuộc sống.[2]

Ngay cả đối với người mẹ cũng chỉ bị coi là chủ thể của tội này khi người mẹ do bị ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà buộc phải giết hoặc vứt bỏ con mình đẻ ra. Nếu vì lý do khác mà giết con mình vừa đẻ ra thì không thuộc trường hợp phạm tội này.

2.4. Mặt chủ quan của tội phạm

Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ được thực hiện với lỗi cố ý, và được biểu hiện dưới hai hình thức là lỗi cố ý trực tiếplỗi cố ý gián tiếp. Hiện nay, đang có những quan điểm trái chiều nhau đối với việc xác định hình thức lỗi đối với tội vứt bỏ con mới đẻ. Có quan điểm cho rằng lỗi của chủ thể đối với tội vứt bỏ con mới đẻ có thể là một trong hai hình thức lỗi nêu trên. Ngược lại, một số quan điểm khác lại cho rằng lỗi của chủ thể ở tội vứt bỏ con mới đẻ chỉ có thể là lỗi cố ý gián tiếp.

Theo quan điểm của tác giả, lỗi của chủ thể đối với tội vứt bỏ con mới đẻ chỉ có thể là lỗi cố ý gián tiếp và không có trường hợp phạm tội chưa đạt. Có quan điểm cho rằng “Hành vi không cho con bú với mong muốn đứa trẻ chết và hành vi bỏ đứa trẻ ngoài đường với mong muốn đứa trẻ chết không có gì khác nhau về tính chất và mức độ nguy hiểm, nên không thể coi trường hợp “không cho con bú” là giết con mới đẻ để có khung hình phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm và “bỏ đứa trẻ ngoài đường là vứt bỏ con mới đẻ để có khung hình phạt nhẹ hơn là phạt cải tạo không giam dữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm”[3]. Chính vì vậy, mọi trường hợp vứt bỏ con mới đẻ với mong muốn là làm đứa trẻ chết thì phải bị coi là giết con mới đẻ. Chỉ coi là vứt bỏ con mới đẻ dẫn đến đứa trẻ chết khi người mẹ có ý thức để mặc hoặc chấp nhận đối với hậu quả đó.

3. Một số vấn đề bất cập và hướng hoàn thiện

Thứ nhất, về hành vi vứt bỏ con mới đẻ. Hành vi vứt bỏ con mới đẻ được hiểu là hành vi của người mẹ để đứa bé ở một nơi xa rời khỏi sự chăm sóc của mình. [4] Tuy nhiên, hành vi vứt bỏ con mới đẻ trong nhiều trường hợp vẫn có sự nhầm lẫn, chưa rõ ràng với hành vi giết con mới đẻ. Trường hợp người mẹ có hành vi vứt bỏ đứa con của mình nhưng cần xem xét ý thức chủ quan của người mẹ để truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp người mẹ vứt đứa bé ở những nơi như cổng chùa, những nơi công cộng với mong muốn có ai thấy và nhặt nuôi con mình, nhưng vì lý do nào đó khiến đứa trẻ chết khác hẳn trường hợp người mẹ vứt bỏ con dưới trời nắng nóng, trong rừng sâu, những nơi mà đứa bé hầu như không còn cơ hội sống sót thì phải truy cứu về tội giết con mới đẻ.

Trường hợp xảy ra gây rúng động dư luận Việt Nam trong thời gian gần đây là một ví dụ: “Ngày 10/6/2020, thông tin từ Công an TP. Hà Nội cho biết Công an thị xã Sơn Tây đã điều tra, làm rõ được sự việc cháu bé bị bỏ ở hố gas giữa trời nắng có nhiệt độ 400C. Tại cơ quan công an, P.T.T (SN 1989, trú tại Hà Nam, mẹ cháu bé) khai nhận: Khoảng 23h đêm ngày 6/6/2020, T. một mình đến ruộng rau cạnh đền Mẫu trong thôn Thanh Tiến, xã Thanh Mỹ tự sinh cháu bé. Vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không thể nuôi được con và không muốn ai biết sự việc nên ngay khi sinh, T đã bế con trèo vào phía sau đền Mẫu vứt bỏ. Sau đó, T xóa dấu vết, rồi đi về trung tâm TP. Hà Nội. Đến khoảng 15h40' ngày 8/6, người dân phát hiện một cháu bé bị bỏ rơi dưới hố gas phía sau đền Mẫu (xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây) trong tình trạng không có quần áo mặc, 2 mắt, mũi, miệng, cơ thể đang bị giòi bọ bám dính.

UBND, Công an xã Thanh Mỹ cùng Trạm y tế xã Thanh Mỹ đã cho sơ cứu cháu bé rồi đưa vào Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây; Sau đó chuyển tới Bệnh viện Xanh Pôn để cấp cứu. Ban đầu, cháu bé có tiến triển rất tốt. Tuy nhiên, sau 3 tuần được chữa trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, bé trai lại không qua khỏi. Cháu tử vong do sốc nhiễm khuẩn trên nền nhiễm trùng máu.[5]

Ở tình huống trên, nhiều ý kiến cho rằng nếu không có kết quả cháu bé tử vong,“do cháu bé được phát hiện và cứu chữa nên trong trường hợp này người mẹ có thể chỉ bị xử lý hành chính theo Điều 22 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em” [6]. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả, người mẹ trong trường hợp này, dù không có hậu quả tử vong của cháu bé, cũng đã đủ yếu tố cấu thành tội giết con mới đẻ với trường hợp phạm tội chưa đạt vì ý thức chủ quan của người mẹ là mong muốn đứa trẻ chết thông qua hành vi vứt đứa bé dưới hố gas dưới trời nắng 400C. Một đứa bé mới sinh ra thì rất khó có thể sống dưới thời tiết nắng nóng dưới hố gas.

Vì vậy, để áp dụng thống nhất trong trường hợp này, cần có văn bản hướng dẫn đối với hành vi vứt bỏ con mới đẻ dẫn đứa trẻ chết với hành vi giết con mới đẻ. Chỉ được coi là hành vi vứt bỏ con mới đẻ dẫn đến đứa trẻ chết nếu người mẹ không mong muốn mà chỉ chấp nhận hậu quả đó (như hành vi vứt con ở cổng chùa, bệnh viện,...). Những hành vi thể hiện mong muốn của người mẹ là đứa trẻ chết thì phải bị truy cứu về tội giết con mới đẻ (như hành vi vứt con ở rừng sâu, hố gas, nghĩa trang, nơi ít người qua lại, quan sát,...).

Thứ hai, cần phải bổ sung thêm chủ thể là người cha của đứa trẻ vào chủ thể của tội phạm này. Vì có những trường hợp không chỉ người mẹ mà người bố do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu, phong kiến nên có hành vi giết hoặc hoặc vứt con mới đẻ. Nếu như trường hợp này truy cứu người bố với tội giết người, mà lại là giết người dưới 16 tuổi thì sẽ không phù hợp. Do vậy, theo tác giả, nên bổ sung chủ thể là người mẹ hoặc người cha của đứa trẻ.

Thứ ba, về dấu hiệu “ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu phong kiến” và dấu hiệu “hoàn cảnh khách quan đặc biệt”, đây là hai yếu tố làm nên đặc trưng của người mẹ - chủ thể của tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ. Về vấn đề này, Nghị quyết số 04/1986/HĐTP ngày 29/11/1986 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao có quy định như sau: “Chủ thể của tội phạm này chỉ là người mẹ sinh ra đứa trẻ. Người mẹ này chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu (như: khiếp sợ trước dư luận chê bai về việc mang thai và đẻ con ngoài giá thú, hoặc trước dư lận khắc nghiệt của nhà chồng cho đẻ con gái là tai họa v.v…)”.

Theo đó, Nghị quyết này không hướng dẫn cụ thể và chi tiết thế nào là chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu, mà chỉ nêu ra những ví dụ bằng cách liệt kê hai trường hợp là do khiếp sợ trước dư luận chê bai về việc mang thai và đẻ con ngoài giá thú, hoặc trước dư luận khắc nghiệt của nhà chồng cho đẻ con gái là tai họa. Ngoài ra, những trường hợp khác cũng có thể coi là chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu. Việc hướng dẫn như vậy dẫn đến cách hiểu không thống nhất giữa các cơ quan áp dụng pháp luật. Cho đến thời điểm hiện tại, đây là văn bản duy nhất áp dụng trường hợp này.

Đối với trường hợp do hoàn cảnh khách quan, Nghị quyết 04/1986/HĐTP cũng có hướng dẫn “bị hoàn cảnh khác quan đặc biệt chi phối (như: đứa trẻ sinh ra có dị dạng…)”. Đây vẫn là hướng dẫn chung chung, chưa cụ thể nên rất khó áp dụng thống nhất.

Để áp dụng thống nhất, nên có văn bản hướng dẫn áp dụng chi tiết hai yếu tố này trong cấu thành tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ. Tư tưởng lạc hậu là tư tưởng sản sinh ra trong xã hội cũ, còn tồn tại trong xã hội mới, đồng thời là những tư tưởng phản tiến bộ nảy sinh trong quá trình xây dựng xã hội mới [7]. Ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu là chịu ảnh hưởng cực kì lớn, tiêu cực từ những tư tưởng cũ đã lỗi thời, không còn phù hợp với quan niệm về cuộc sống, lối sống hiện tại. Hay nói cách khác, những tư tưởng, những quan niệm sống này đã không còn phù hợp với xã hội đương thời. Có thể ví dụ như trường hợp người phụ nữ có thai trước thời điểm kết hôn là chuyện tối kỵ, bị dư luận xã hội cũ phê phán và lên án.

Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, việc có con trước hôn nhân đã được xã hội có cái nhìn khác và không mang nặng tư tưởng lên án, phê phán như trước nữa. Việc người phụ nữ không chồng mà có con trước đây cũng là chuyện tối kỵ. Tuy nhiên, ngày nay, vấn đề đó đã được pháp luật thừa nhận và bảo hộ nên người phụ nữ không bị lên án nặng nề, chỉ trích như trước đây nữa. Tuy vậy, ở những vùng quê tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, “phép vua thua lệ làng” vẫn còn chi phối đến tâm sinh lý người phạm tội do đó cần phải hướng dẫn trường hợp người phụ nữ phải có những biểu hiện cụ thể như trầm uất, lo lắng, sợ hãi vì những tư tưởng lạc hậu.

Đối với trường hợp mà nguyên do vì hoàn cảnh khách quan đặc biệt thì cần có những định nghĩa, hướng dẫn cụ thể hơn hoàn cảnh khách quan đặc biệt là gì. Ví dụ trường hợp Hoàn cảnh khách quan đặc biệt như người phụ nữ đẻ con ra bị dị tật quá nặng hoặc trong tình trạng một thân một mình, quá nghèo đói không đủ tiền để nuôi sống chính mình, đang bị bệnh tật…[8]

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1]. Cao Thị Oanh - Lê Đăng Doanh (Đồng chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự 2015, NXB Hồng Đức, năm 2017, tr. 223.

[2]. Đinh Văn Quế, “Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự 2015”. NXB Thông tin và Truyền thông.

[3]. Nguyễn Ngọc Hòa (chủ biên), “Bình luận khoa học Bộ luật hình sự 2015 (phần các tội phạm)”, NXB Tư pháp, 2018, tr. 74.

[4]. Nguyễn Ngọc Hòa (chủ biên), “Bình luận khoa học Bộ luật hình sự 2015 (phần các tội phạm)”, NXB Tư pháp, 2018, tr. 74.

[5]. Tân Trường (2020), Người mẹ nhẫn tâm bỏ con vừa sinh ở hố gas dưới nắng nóng đối diện bản án nào?  https://baomoi.com/nguoi-me-nhan-tam-bo-con-vua-sinh-o-ho-gas-duoi-nang-nong-doi-dien-ban-an-nao/c/35341168.epi

[6]. Khắc phục tư tưởng lạc hậu trong con người Việt Nam hiện nay, Tạp chí Cộng sản online.

[7]. Tiêu Dao (2018), Tìm hiểu nội dung Điều 124 BLHS năm 2015 về “Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ”, https://conganquangbinh.gov.vn/tim-hieu-noi-dung-dieu-124-blhs-nam-2015-ve-toi-giet-hoac-vut-bo-con-moi-de/

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Quốc hội (2017), Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

2. Tòa án nhân dân tối cao (1986), Nghị quyết số 04-HĐTPTANDTC/NQ ngày 29/11/1986 của HĐTP TANDTC về hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần các tội phạm của BLHS

3. Đại hội đồng Liên hiệp quốc (1966), Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị con người 1966.

The crime of murdering or abandoning newborns under the 2015 Criminal Code

         Tran Xuan Dung

        General Political Department, the People's Army of Vietnam

ABSTRACT: This article analyzes the constituents of the crime of murdering or abandoning a newborn under the provisions of the 2015 Criminal Code. This article points out some inadequacies of the law and the obstacles to practice when judging this kind of crime and proposes solutions.

Keyword: Murdering, abandoning, newborn, Criminal Code.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17, tháng 7 năm 2020]