Tổng Bí thư Tô Lâm: Phát huy thế mạnh để vùng đất Quảng - Đà vươn ra biển lớn

Tổng Bí thư Tô Lâm định hướng xây dựng Đà Nẵng - Quảng Nam mới bảo đảm trở thành cực tăng trưởng của Việt Nam và là một trong những thành phố có năng lực cạnh tranh cao của quốc gia và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ngày 29/3/2025, tại thành phố Đà Nẵng, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn công tác của Trung ương đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp của 2 địa phương.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam - Ảnh: TTXVN

Xây dựng Đà Nẵng - Quảng Nam mới bảo đảm trở thành cực tăng trưởng của Việt Nam

Sau khi nghe đại diện lãnh đạo 2 địa phương báo cáo, Tổng Bí thư Tô Lâm ghi nhận, đánh giá cao kết quả mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã đạt được trong nhiệm kỳ 2020-2025. Tuy nhiên, cả hai địa phương đều đang đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi phải nghiên cứu, triển khai các mô hình phát triển mới, nhằm mở rộng dư địa tăng trưởng, tái cấu trúc không gian phát triển và bộ máy quản lý cho phù hợp với tầm nhìn dài hạn.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo - Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, chủ trương sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện là một định hướng lớn, mang tầm chiến lược của Trung ương đang được triển khai khẩn trương, kiên quyết, dứt khoát trên cơ sở tham vấn rộng rãi, đặt sự đồng thuận làm nền tảng. Đây là một cuộc cách mạng, là bước đột phá về thể chế chuẩn bị cho “tầm nhìn trăm năm” phát triển đất nước. Mọi cải cách thể chế đều phải vì lợi ích thiết thực và lâu dài của nhân dân.

Tổng Bí thư chia sẻ, một chủ trương lớn, mang tính đổi mới thể chế sâu sắc, chắc chắn sẽ tạo ra một số băn khoăn trong cán bộ và nhân dân. Người dân lo mất đi bản sắc văn hóa, tên gọi truyền thống, lo “bị gộp,” mất vị thế địa phương, băn khoăn sau sắp xếp dịch vụ công có thuận lợi hơn không; cán bộ lo ngại ảnh hưởng tới công việc, thu nhập, vị trí...

Tổng Bí thư đề nghị các cấp ủy, chính quyền cần giải thích, đối thoại, bảo đảm công việc hành chính vận hành thông suốt, dịch vụ công nhanh chóng, thuận lợi, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính, bảo tồn các tên gọi truyền thống dưới nhiều hình thức khác nhau, xây dựng cơ sở dữ liệu lịch sử-văn hóa..., thực hiện đúng chủ trương “cái mới phải tốt hơn cái cũ”, “nhân dân phải được phục vụ tốt hơn.”

Sắp tới Trung ương và Quốc hội sẽ thảo luận về sáp nhập tỉnh, trong đó dự kiến có khả năng Quảng Nam sẽ nhập với Đà Nẵng, Tổng Bí thư cho rằng một Đà Nẵng - Quảng Nam mới phải phát huy tiềm năng và lợi thế vốn có của cả hai địa phương, cách mạng kiên cường và tinh thần lao động sáng tạo.

Trong hành trình mới này, Quảng Nam và Đà Nẵng cần tiếp tục gìn giữ và phát huy bản sắc con người xứ Quảng, trung dũng, kiên cường, sáng tạo và nhân văn, gắn với giáo dục văn hóa, truyền thống, xây dựng con người thành phố hiện đại nhưng giàu bản sắc, nhân văn, sáng tạo.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP

Tổng Bí thư nêu một số gợi ý, định hướng xây dựng Đà Nẵng - Quảng Nam mới bảo đảm trở thành cực tăng trưởng của Việt Nam và là một trong những thành phố có năng lực cạnh tranh cao của quốc gia và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Một Đà Nẵng - Quảng Nam mới cần định vị không chỉ là trung tâm kinh tế-xã hội của miền Trung, mà còn thể hiện vai trò tiên phong trong quá trình phát triển hiện đại.

Tổng Bí thư đề nghị Quảng Nam và Đà Nẵng đẩy mạnh tái cấu trúc kinh tế theo hướng nâng cao năng suất lao động, phát huy tối đa tiềm năng lợi thế, xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế, Khu thương mại tự do, khu đô thị hiện đại, trung tâm du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao. 

Không gian phát triển mới phải xác định vai trò, lợi thế chiến lược riêng như cực phát triển công nghiệp, logistics Chu Lai, Trung tâm du lịch văn hóa Hội An, Mỹ Sơn, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

“Phải quy hoạch tổng thể, phát triển cân bằng, không thể xảy ra tình trạng tập trung quá mức vào Đà Nẵng, mà lãng quên tiềm năng quý báu của Quảng Nam”, Tổng Bí thư nêu rõ.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết nêu những đề xuất, kiến nghị khi sáp nhập 2 địa phương - Ảnh: VGP

Cơ hội lịch sử để vùng đất Quảng Đà thực sự vươn ra biển lớn

Tổng Bí thư cũng yêu cầu lãnh đạo địa phương tập trung triển khai các nhiệm vụ: Xây dựng Đà Nẵng - Quảng Nam mới trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, công nghệ cao và khởi nghiệp quốc gia; triển khai ngay mô hình chính quyền số, đô thị thông minh, nền hành chính hiện đại; chú trọng nâng cao vốn con người xứ Quảng, thu hút nhân tài, xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng cao và tổ chức Đảng gắn với mô hình quản trị mới.

Tiếp tục nâng cao đời sống nhân dân và công tác xóa đói giảm nghèo, chăm đời sống, bảo đảm việc làm cho thế hệ trẻ. Tăng cường năng lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền, duy trì hòa bình ổn định. Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, nguồn lực đất đai…; tăng cường liên kết vùng, phát triển theo tư duy không biên giới hành chính giữa các địa phương.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm dự án đầu tư, xây dựng Bến cảng Liên Chiểu - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Tổng Bí thư Tô Lâm thăm dự án đầu tư, xây dựng Bến cảng Liên Chiểu - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung - Ảnh: TTXVN

“Có thể nói rằng việc sáp nhập 2 địa phương là cơ hội lịch sử để Quảng Nam và Đà Nẵng cùng nhau xây dựng một trung tâm kinh tế, văn hóa, đổi mới sáng tạo hàng đầu của khu vực, mang trong mình sức mạnh quốc gia trong thời đại mới. Chúng ta cần phát huy thế mạnh 2 bên, cùng quy hoạch, phát triển với tầm nhìn mới, để vùng đất Quảng Đà thực sự vươn ra biển lớn”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư khẳng định Đà Nẵng và Quảng Nam mới sau khi sáp nhập sẽ tiếp tục kế thừa các định hướng phát triển, các cơ chế, chính sách đặc thù của Đà Nẵng.

Tổng BÍ thư Tô Lâm
Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác chụp hình lưu niệm với Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng và Ban Thường vụ tỉnh uỷ Quảng Nam - Ảnh: VGP

Tổng Bí thư đề nghị các cơ quan Trung ương, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để Đà Nẵng - Quảng Nam mới thực hiện tốt các chủ trương lớn của Đảng, nhất là những đề xuất có tính đột phá về cơ chế tài chính, về quy hoạch, tổ chức bộ máy, thử nghiệm các lĩnh vực mới nhằm tạo động lực phát triển không chỉ cho Đà Nẵng-Quảng Nam mới, mà còn cho cả khu vực miền Trung và đất nước.

Trước đó cùng ngày, trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng bộ thành phố Đà Nẵng (28/3/1930 - 28/3/2025) và 50 năm ngày giải phóng thành phố (29/3/1975 - 29/3/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm có chuyến khảo sát tại dự án Bến cảng Liên Chiểu, tuyến đường ven biển nối cảng Liên Chiểu và Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2.

Hạ Vĩ