Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) vừa có công điện gửi Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, thành phố; Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn về quyết liệt triển khai hiệu quả việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Theo đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố, Cục Thuế Doanh nghiệp lớn khẩn trương triển khai rà soát, kiểm tra đồng bộ, toàn diện việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn điện tử của các tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử, tiếp thị liên kết (affiliate marketing), cung cấp các sản phẩm nội dung thông tin số và nhận thu nhập từ hoạt động quảng cáo, cung cấp phần mềm…
Tổng cục Thuế nhấn mạnh đặc biệt rà soát, kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh online, phát video trực tiếp (livestream) bán hàng hóa, dịch vụ…
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV chiều ngày 4/6/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng đã làm rõ hơn vấn đề quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, thực hiện Chỉ thị số 18/CT-Ttg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện việc thu thuế của sàn thương mại điện tử.
Bộ Tài chính cũng đã tăng cường tuyên truyền cũng như hướng dẫn người nộp thuế và thực hiện mở Cổng thông tin điện tử của sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.
Trong công tác phối hợp thực hiện, Bộ Tài chính đã chủ trì, tích cực phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an.
Về phía Bộ Công Thương, tại Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế ngày 10/6/2024, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng cho biết Bộ cũng đã phối hợp triển khai một số nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị 18/CT-Ttg.
Đối với việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử, kết nối dữ liệu, hiện Bộ Công Thương đã xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu về thương mại điện tử phục vụ công tác quản lý của Bộ. Bên cạnh đó, Bộ phối hợp với Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) thống nhất quy chuẩn, tiêu chuẩn kết nối, chia sẻ dữ liệu hiện hành, tiến tới kết nối hệ thống của hai đơn vị. Thời hạn hoàn thành trong tháng 6/2024.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã triển khai tích hợp thí điểm ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip và dữ liệu dân cư để xác thực định danh chủ thể trong giao kết thực hiện hợp đồng điện từ trên Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam.
Theo kết quả phối hợp, Bộ Tài chính đã kết nối cơ sở dữ liệu dân cư bằng 71,37% với 663.157 lượt kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an quản lý và chia sẻ với Bộ Công Thương 929 sàn thương mại điện tử; đã kiểm tra, đối chiếu 361 sàn thương mại điện tử để thực hiện kết nối và quản lý. Ngân hàng Nhà nước đã cung cấp 144 triệu tài khoản, trong đó là khoảng 10 triệu tài khoản của các tổ chức, còn lại 134 triệu tài khoản của cá nhân ở 96 ngân hàng.
Với những nỗ lực trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính thông tin về số liệu quản lý thuế trong 2 năm gần nhất cho thấy, năm 2022 thu thuế trong lĩnh vực này đạt 83 ngàn tỉ đồng, năm 2023 thu được 97 ngàn tỉ đồng, và 5 tháng đầu năm 2024 ngân sách nhà nước đã thu được 50 ngàn tỉ đồng.
Và có 96 nhà cung cấp nước ngoài, tập đoàn công nghệ (Facebook, Apple, Google...) đã thực hiện đăng ký và nộp thuế trên Cổng Thông tin dành cho nhà cung cấp nước ngoài với số tiền 15,6 ngàn tỉ đồng.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng cho biết Bộ cũng đã thực hiện giải pháp khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử ứng dụng tài khoản định danh điện tử, ứng dụng thẻ Căn cước công dân gắn chip hoặc dữ liệu dân cư để xác thực thông tin của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg, ngày 17/5/2024, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương và Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân - Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm, hướng dẫn các nền tảng thương mại điện tử về việc ứng dụng tài khoản định danh điện tử để xác thực người bán. Qua đó, khuyến khích các nền tảng thương mại điện tử này ứng dụng VNeID để xác thực thông tin của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định sẽ đẩy mạnh việc thực hiện một cách đồng bộ đối với việc thu thuế trên sàn thương mại điện tử. Bộ cũng chỉ đạo cơ quan thuế hỗ trợ thực hiện thu thuế trên trên sàn thương mại điện tử để đảm bảo công bằng trong vấn đề thực hiện nghĩa vụ với nhà nước.
Để nâng cao hiệu quả đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong việc chia sẻ cơ sở dữ liệu, tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử trong tháng 6/2024; đặc biệt xem xét việc liên thông dữ liệu mã số thuế của doanh nghiệp, hỗ trợ Bộ Công Thương định danh doanh nghiệp thương mại điện tử.
Tại công điện, Tổng cục Thuế cũng yêu cầu Cục Thuế các địa phương triển khai các giải pháp để áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền từ ngày 1/8 đối với các loại hình kinh doanh bán vé sân golf và cung cấp các dịch vụ trong sân; kinh doanh trang phục, dụng cụ, phụ kiện… phục vụ chơi golf.
Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch, triển khai thanh tra, kiểm tra đối với loại hình nêu trên để các cơ cơ sở kinh doanh hiểu rõ, nhận thức đầy đủ trách nhiệm và cam kết thực hiện nghiêm túc việc kê khai, nộp thuế theo quy định, thúc đẩy việc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, chống thất thu ngân sách Nhà nước.