Giá dầu cọ giao tháng 3/2014 trên Sàn giao dịch chứng khoán phái sinh Bursa Malaysia đã giảm 0,9% xuống còn 2.625 Ringgit (797 USD)/tấn và được giao dịch ở mức 2.631 Ringgit/tấn vào lúc 16h17’ giờ Kuala Lumpur (15h17’ cùng ngày 3/1 giờ Việt Nam). Trong tuần này (30/12/2013 – 3/1/2014), giá dầu cọ trên thị trường tương lai chỉ biến động nhẹ; giá dầu cọ đã tăng 2,7% trong 2 tuần trước.
Giá dầu cọ đã giảm xuống trong bối cảnh giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đã giảm 3% vào ngày 2/1. Đây là mức giảm mạnh nhất của giá dầu thô WTI kể từ hồi tháng 11/2012. Sự sụt giảm của giá dầu thô đã khiến tính hấp dẫn của dầu cọ dùng sản xuất nhiên liệu sinh học giảm xuống. Theo hãng nghiên cứu Oil World, đã có khoảng 6,34 triệu tấn dầu cọ được sử dụng sản xuất nhiên liệu sinh học trong năm 2013.
Ông Donny Khor, phó giám đốc khối thị trường tương lai và hàng hóa tại ngân hàng đầu tư RHB Investment Bank Bhd (Malaysia) nhận định: “Việc giá dầu thô giảm xuống đã khiến các thương nhân lưỡng lự trong việc mua vào dầu cọ”.
Trong ngày 3/1, Bộ Nông nghiệp Indonesia đã thông báo sản lượng dầu cọ của Indonesia, quốc gia sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, sẽ đạt mức 28 triệu tấn trong năm 2014, tăng 15% so với mức 24,4 triệu tấn trong năm 2013.
Ông Tan Chee Tat, chuyên gia phân tích tại công ty Phillip Futures Pte (Singapore) cho biết, sản lượng dầu cọ của Indonesia tăng có thể giúp mức dự trữ dầu cọ tăng lên theo, qua đó giảm bớt áp lực lên nguồn cung dầu cọ.
Giá dầu đậu nành giao tháng 3/2014 trên sàn CBOT (12/12/2013 - 2/1/2014)Tại Sở giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT), giá dầu đậu nành giao tháng 3/2014 đã tăng 0,3% lên mức 38,92 cents/pound; giá đậu tương cũng đã tăng 0,5%, đạt 12,76 USD/giạ (1 giạ đậu tương = 27,2 kg).
Giá dầu cọ tinh luyện giao tháng 5/2014 trên sàn DCE (12/12/2013 - 3/1/2014)Trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên – Trung Quốc (DCE), giá dầu cọ tinh luyện giao tháng 5/2014 đã giảm 1,3% , đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/1 tại mức 6.078 NDT (1.004 USD)/tấn; giá dầu đậu nành giảm 1,4%, chốt phiên đạt 6.822 NDT/tấn.