Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã dự báo lượng gạo được Malaysia nhập khẩu trong niên vụ 2014/15 có thể sẽ tiếp tục ở mức 1,1 triệu tấn do mức tiêu thụ và sản lượng gạo của nước này được giữ ổn định.
USDA cho biết sản lượng gạo của Malaysia có thể tăng lên mức 1,75 triệu tấn trong niên vụ 2013/14, tăng 3,5% so với mức 1,69 triệu tấn trong niên vụ trước nhờ việc nâng cao kỹ thuật và diện tích gieo trồng lúa được mở rộng, hệ thống thủy lợi được cải thiện và áp dụng các giống lúa năng suất cao. Tuy nhiên, USDA cho biết sản lượng gạo của Malaysia vẫn tiếp tục còn bị hạn chế do diện tích đất nông nghiệp ít, sản lượng lúa gạo của Malaysia có thể tăng nhẹ lên mức 1,8 triệu tấn trong niên vụ 2014/15.
Lượng gạo được Malaysia nhập khẩu trong niên vụ 2014/15 được USDA dự báo có khả năng giữ ở mức 1,1 triệu tấn do mức tiêu thụ gạo tại quốc gia này không tăng lên. Lượng gạo tiêu thụ tại Malaysia trong niên vụ 2014/15 được dự báo sẽ đạt 2,8 triệu tấn, tăng 1% so với mức 2,77 triệu tấn trong niên vụ 2013/14. Theo USDA, Việt Nam hiện là quốc gia cung cấp gạo chính của Malaysia, theo sau là Pakistan và Thái Lan.
USDA cho biết trong khi Chính phủ Malaysia đã từ bỏ việc tự cung tự cấp gạo thì đã khuyến khích nông dân trong nước gia tăng sản xuất gạo để giảm nhập khẩu. Trong tháng 1/2014, Chính phủ Malaysia đã đề ra mức giá hỗ trợ đối với thóc gạo tại mức 1.200 RM (364 USD)/tấn nhằm khuyến khích gia tăng diện tích gieo trồng trong năm 2014. Chính phủ Malaysia hiện đang kiểm soát mức giá bán lẻ loại gạo ST15 (gạo 15% tấm) tại mức RM 1,65 – RM 1,80/kg (500 – 545 USD/tấn).
Ấn Độ có khả năng cho phép giao dịch gạo tương lai trở lại vào tháng 3/2014
Ủy ban các thị trường kỳ hạn Ấn Độ (FMC) - cơ quản quản lý thị trường hàng hóa tương lai của Ấn Độ hiện đang xem xét đơn xin thực hiện lại các hợp đồng giao dịch gạo tương lai của Sàn giao dịch hàng hóa và chứng khoán phái sinh quốc gia Ấn Độ (NCDEX); đơn xin này có thể được FMC thông qua trong vòng 1 tháng.
Kể từ năm 2007, Ấn Độ đã cấm thực hiện các giao dịch gạo, lúa mỳ và đậu do giá lương thực tăng cao. Tuy nhiên, các nghiên cứu sau đó đã chỉ ra rằng việc giá lương thực tăng cao và lạm phát không liên quan đến các giao dịch hợp đồng tương lai. Cơ quan FMC đã cho biết các giao dịch hợp đồng tương lai không ảnh hưởng đến giá của một loại hàng hóa và trên thực tế các giao dịch này giúp cải thiện thu nhập cho người nông dân và các bên có liên quan khác.
FMC cho biết mặc dù các loại hàng hóa lương thực bị cấm giao dịch kể từ năm 2007 nhưng giá các mặt hàng lương thực trên vẫn tăng lên đáng kể sau đó. Ấn Độ đã cho phép giao dịch hợp đồng lúa mỳ trong tương lai vào năm 2009. Tuy nhiên, giao dịch gạo tương lai vẫn bị cấm do một số đảng tại Ấn Độ cho rằng việc giao dịch tương lai sẽ gây ra tình trạng tích trữ gạo và lạm phát giá lương thực.
Sản lượng gạo của Pakistan trong niên vụ 2013/14 có thể đạt 7 triệu tấn
Ủy ban nghiên cứu không gian và tầng thượng quyển Pakistan (SUPARCO) đã cho biết sản lượng gạo của Pakistan trong niên vụ 2013/14 có thể đạt mức 7 triệu tấn do sản lượng gạo vụ Rabi (tháng 10/2013 – 1/2014) tăng cao hơn dự kiến.
Mức dự báo sản lượng gạo của SUPRACO cao hơn 16% so với dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Sản lượng gạo niên vụ 2013/14 của Pakistan được USDA dự báo đạt 6 triệu tấn. USDA cũng dự báo mức tiêu thụ gạo của Pakistan trong niên vụ 2013/14 sẽ đạt 2,8 triệu tấn, tăng 4% so với mức 2,7 triệu tấn trong niên vụ 2012/13. Trong niên vụ 2013/14, dự kiến Pakistan sẽ xuất khẩu được 3 triệu tấn gạo.